Trích ý kiến góp ý của đại biểu Trần Thị Dung – Điện Biên về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:20 05-06-2009
Luật quy hoạch đô thị có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các đô thị nên dự thảo luật đã được xã hội quan tâm, rất nhiều đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội góp ý kiến kể từ kì họp thứ 4 đến nay. Dự thảo luật mới lần này được Chính phủ chuẩn bị chu đáo, tiếp thu đầy đủ, theo tôi đây là một trong số ít dự thảo luật trình Quốc hội tại kì họp thứ 5 này có gửi kèm dự thảo Nghị định của Chính phủ và có tới 3 dự thảo Nghị định. Tôi nhất trí phần lớn nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và xin có một số ý kiến xung quanh gợi ý của Đoàn thư ký.
Một là về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng ở Điều 16, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và thảo luận. Nội dung này trong dự thảo luật đã thay đi đổi lại nhưng không xác định được rõ mô hình và mối quan hệ. Dự thảo lần này đã xác định theo hướng Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng không phải là những thiết chế thuộc hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước và cũng xác định trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động quy hoạch đô thị thể hiện ở Điều 14. Như vậy Sở quy hoạch kiến trúc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân thành phố về công tác quản lý quy hoạch đô thị. Và ở các địa phương không có Sở quy hoạch kiến trúc thì Sở xây dựng giúp Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh về công tác quản lý quy hoạch đô thị. Dự thảo lần này không quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng mà quy định hai mô hình trên có chức năng tư vấn, tham mưu và sẽ được thành lập theo quy định của Chính phủ phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển của từng địa phương trong từng thời kỳ. Theo tôi quy định như Điều 16 còn chung chung dễ dẫn đến việc khi thành lập lại biến thành những thiết chế trong bộ máy hành chính Nhà nước hoặc sẽ tạo ra sự phức tạp chồng chéo, bất cập trong tổ chức bộ máy quản lý đô thị.
Tôi cho rằng Hội đồng kiến trúc quy hoạch là một tổ chức tư vấn phản biện về chuyên môn không phải là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước. Mô hình này đã được thực hiện ở Hà Nội từ hàng chục năm trước với sự tham gia của chuyên gia các Bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành thành phố, các Hiệp hội nghề nghiệp, các trường học và chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực có liên quan. Hội đồng này hoạt động tương đối có hiệu quả, cần rút kinh nghiệm và củng cố về tổ chức và tranh thủ trí tuệ tập trung của các tập thể, các chuyên gia giỏi có kinh nghiệm. Mô hình này đã được kiểm chứng trên thực tiễn.
Về Kiến trúc sư trưởng từ năm 1992 đến năm 2001 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm mô hình này làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Sau gần 10 năm thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng này đã không thành công. Thể hiện ở một số nhược điểm chưa tương thích với cơ cấu bộ máy tổ chức trong hệ thống cơ quan hành chính, không phù hợp với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nên đã tạo ra những bất cập trong quản lý Nhà nước về quy hoạch kiến trúc khi thực thi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Năng lực và hiệu lực quản lý của Kiến trúc sư trưởng còn hạn chế so với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Là cơ quan quản lý Nhà nước nên toàn bộ bộ máy Văn phòng Kiến trúc sư trưởng được hành chính hóa và thực tế hoạt động như một Sở nhưng lại thực thi quá nhiều chức năng nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức bộ máy thì chưa tương xứng, việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác thì rất hạn chế gây ra nhiều bất cập.
Quản lý đô thị theo quy hoạch là một lĩnh vực rộng, nhất thiết phải có sự phối hợp liên ngành mà chức danh cá nhân với vai trò siêu sở không thể thực thi được. Nên năm 2002 Văn phòng Kiến trúc sư trưởng phải chuyển thành Sở quy hoạch kiến trúc. Nay dự thảo luật đề xuất lại mô hình Kiến trúc sư trưởng, nhưng không phải là thiết chế thuộc hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước như đã nêu là không phù hợp. Theo tôi chỉ nên lựa chọn mô hình Hội đồng kiến trúc quy hoạch và sửa Điều 16 của dự thảo luật như sau: "Hội đồng kiến trúc quy hoạch có chức năng tư vấn cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã về các vấn đề kiến trúc quy hoạch đô thị và được thành lập hoặc giải thể theo quy định của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị của từng địa phương.
Hai là về các loại quy hoạch đô thị ở Điều 19, quy hoạch đô thị là một trong 3 loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch vùng quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Qua đợt giám sát về quy hoạch xây dựng ở Hà Nội trong 5 năm 2004 - 2008 của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho thấy mặc dù thành phố đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả lập quy hoạch ở địa phương còn chưa nhiều, khả năng tổ chức lập quy hoạch còn hạn chế, nhiều nơi chưa có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch còn chưa được đầy đủ. Nay theo dự thảo luật lại có thêm một cấp độ quy hoạch phân khu nữa thì e rằng việc triển khai lập quy hoạch tại cơ sở sẽ còn nhiều khó khăn.
Theo tôi trong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết cũng đã xác định những bản vẽ phân khu hay còn gọi là quy hoạch cơ cấu hoặc quy hoạch sử dụng đất, quá trình lập quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch đều có sự phối hợp, có mối quan hệ pháp lý chặt chẽ với nhau. Nếu có nhiều loại cấp độ quy hoạch sẽ khiến quá trình xử lý phức tạp, kéo dài thời gian thực hiện và đi ngược với xu hướng tinh giảm, cải cách hành chính. Quy định ít loại quy hoạch mà thực hiện tốt thì còn tốt hơn là đặt ra nhiều loại quy hoạch mà thực hiện không đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, tôi cho rằng không nên đưa loại quy hoạch phân khu vào luật chỉ nên có hai loại quy hoạch đô thị là quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết như Luật xây dựng hiện hành quy định. Như vậy đề nghị bỏ Điều 30 và các cụm từ "quy hoạch phân khu" tại các điều trong dự thảo luật.
Thứ ba, về trách nhiệm lập tổ chức quy hoạch tại Điều 20. Đối với các đô thị loại đặc biệt tôi tán thành phương án 2 của dự thảo là giao cho Uỷ ban nhân dân các đô thị này tổ chức lập quy hoạch, bởi chính quyền đô thị là cấp chủ yếu chịu trách nhiệm về đô thị, dù là đô thị loại nào cũng nên để chính quyền đô thị, tổ chức lập quy hoạch. Bộ Xây dựng là cơ quan chuyên môn của Chính phủ nên chỉ tổ chức thẩm định kiểm tra chỉ đạo thực hiện, không nên vừa tổ chức lập, vừa tổ chức thẩm định lại vừa kiểm tra chỉ đạo thực hiện. Do đó nên giao Uỷ ban nhân dân các đô thị loại đặc biệt tổ chức lập quy hoạch đô thị thì sẽ có được 3 ưu điểm.
Thứ nhất, Uỷ ban nhân dân các đô thị loại đặc biệt tổ chức lập quy hoạch sẽ gắn việc quy hoạch đô thị với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành của địa phương, giải quyết được những vấn đề bức xúc trên địa bàn để phát triển đô thị, phát huy được tính tích cực, chủ động của chính quyền địa phương mà vẫn khai thác được năng lực cơ quan chuyên môn của Bộ xây dựng.
Thứ hai, việc tổ chức lập quy hoạch sẽ huy động được nhiều cấp, nhiều ngành và nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến, vì vậy, quy hoạch sẽ có chất lượng và mang tính thực tiễn cao. Chính quyền địa phương sẽ nắm chắc làm chủ quy hoạch và đề cao trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ ba, việc phân cấp này là thống nhất và đồng bộ với Luật xây dựng hiện hành phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các đô thị này.

Các văn bản liên quan