Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế ngày 27/5/2009

Thứ Sáu 15:37 05-06-2009

QUỐC HỘI KHÓA XII

ỦY BAN KINH TẾ
________

 

Số:  790/BC-UBKT12

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

 

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2009

 

BÁO CÁO THẨM TRA

DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

CỦA CÁC LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN
___________

 

Kính gửi:       Các vị đại biểu Quốc hội,

 

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Ngày 8 tháng 5 năm 2009, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra Dự án Luật này theo Tờ trình số 65/TTr-CP ngày 8/5/2009 của Chính phủ. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày nội dung của Dự án Luật. Tại phiên họp ngày 15/5/2009 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật mới.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội số 95/TTr-CP ngày 25/5/2009 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở để quy định thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cùng ngày, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra riêng nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, một số Uỷ ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan. Ngày 26 tháng 5 năm 2009, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến riêng về vấn đề này.

Căn cứ vào Tờ trình và nội dung của Dự thảo Luật, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự phiên họp thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế xin báo cáo Quốc hội một số vấn đề như sau:

I. Về sự cần thiết ban hành Luật

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005-2007”. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Báo cáo của Chính phủ đã thống nhất nhận định những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nguyên nhân hệ thống văn bản còn vướng mắc, thủ tục quy định còn phiền hà, nội dung của một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tế hoặc không thống nhất. Những hạn chế, vướng mắc đó đang làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước nói riêng và đầu tư xây dựng cơ bản nói chung.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Nghị quyết số 23/2008/QH12 của Quốc hội đã đề ra nhiệm vụ:“rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu, đất đai, ngân sách nhà nước; ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không trùng chéo, mâu thuẫn; quy định chế tài xử lý đủ mạnh, nghiêm minh”. Quốc hội cũng đã quyết định đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2009 và các năm tiếp theo, góp phần thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, Ủy ban Kinh tế tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan và trình Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp (Kỳ họp thứ 5).

II. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, tên gọi của Luật

Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, trong đó tập trung vào những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư XDCB. Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều vướng mắc nhất trong 06 luật (Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai, Luật nhà ở).

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc, bức xúc nhất cần tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản, mà đa số nội dung về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được quy định trong Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp và Luật bảo vệ môi trường.

Uỷ ban Kinh tế cũng tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở để quy định thống nhất việc cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như tinh thần Nghị quyết 07/2007/QH12 ngày 12/11/2007 của Quốc hội.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế về cơ bản thống nhất với Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật này. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi cơ bản các luật có liên quan như Nghị quyết của Quốc hội đã nêu.

Về tên gọi của Luật: Ủy ban Kinh tế tán thành với tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và cho rằng, tên gọi như vậy thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật là tập trung vào sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan trực tiếp đến quá trình đầu tư xây dựng cơ bản.

III. Về những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể trong các luật

1. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng

Dự thảo Luật sửa đổi 7 điều (các Điều 7, 39, 40, 43, 54, 55, 59) và bổ sung Điều 40a.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, những nội dung sửa đổi, bổ sung trong 5 điều (Điều 7. Năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng; Điều 40. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên; Điều 54. Các bước thiết kế xây dựng công trình; Điều 55. Thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; Điều 59 Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình) đã làm rõ hơn nội dung của quy định hiện hành, đơn giản thủ tục, giảm bớt thời gian trong các khâu thẩm định, phê duyệt. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi của 5 điều này. Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Kinh tế có ý kiến như sau:

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 7. Năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng.  

Ủy ban Kinh tế cho rằng, năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và tiến độ của các công trình, do đó tán thành việc sửa đổi, bổ sung tại Điều này theo hướng cụ thể hóa các lĩnh vực yêu cầu tổ chức, cá nhân phải đủ điều kiện về năng lực hoạt động xây dựng và năng lực hành nghề xây dựng. Ngoài ra, trên thực tế hiện nay có những cá nhân có tay nghề cao tham gia hoạt động xây dựng nhưng không qua đào tạo của một tổ chức chuyên môn mà chỉ do tích lũy kinh nghiệm. Để tạo điều kiện cho các cá nhân này hành nghề xây dựng, thống nhất giao Chính phủ quy định đối với trường hợp này.

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 39. Thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình.

Điều 39 sửa đổi thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn nhà nước sau khi được Quốc hội thông chủ trương đầu tư; Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình còn lại.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, tiêu chí về quy mô và nguồn vốn chỉ là 1 trong 5 tiêu chí quy định về dự án, công trình quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 66/2006/QH11 của Quốc hội. Các tiêu chí khác gồm quy mô di dân, tác động môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa và cơ chế, chính sách đặc thù. Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, cần phải có văn bản hành chính nhà nước, cụ thể là quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì chủ trương đầu tư mới có thể triển khai thực hiện, thậm chí các dự án, công trình quan trọng quốc gia nếu Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư cho các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì khó khả thi vì dự án, công trình quan trọng quốc gia liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, khái niệm “vốn nhà nước” hiện nay còn chưa thống nhất trong các luật. Mặt khác, Điều 39 chưa phải là vấn đề bức xúc cần sửa đổi, vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa sửa Khoản 2 Điều 39 như Tờ trình của Chính phủ.

- Về sửa đổi Điều 40. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhiều trường hợp phải điều chỉnh do các yếu tố khách quan. Điều 40 của Luật hiện hành quy định rất chặt chẽ nhưng cũng làm cho việc điều chỉnh mất nhiều thời gian vì tất cả nội dung điều chỉnh của dự án phải được người quyết định đầu tư cho phép. Ủy ban Kinh tế tán thành sửa đổi Điều này theo hướng phân cấp cho chủ đầu tư được phép tự quyết định điều chỉnh dự án, trừ một số nội dung quan trọng phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định.

Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh khi có “các sự kiện bất khả kháng khác”. “Sự kiện bất khả kháng” được qui định tại Bộ luật dân sự[1] nhưng cũng chỉ quy định về nguyên tắc. Trên thực tế, sự kiện bất khả kháng do các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn theo từng lĩnh vực. Ví dụ: tại Thông tư 02/2005/TT-BXD Bộ Xây dựng hướng dẫn “bất khả kháng là do thiên tai như động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; hỏa hoạn; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh,... và các thảm họa khác chưa lường hết được”, nhưng trong Phụ lục kèm theo Thông tư này lại có qui định khác mở rộng hơn: “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra mang tính khách quan và nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên như động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; hỏa hoạn; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh,... và các thảm họa khác chưa lường hết được, sự thay đổi chính sách hoặc ngăn cấm của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam...”. Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/2/2009 của Chính phủ quy định về điều chỉnh dự án, điểm a khoản 1 Điều: “bị ảnh hưởng bởi thiên tai như động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, địch họa hoặc các sự kiện bất khả kháng khác”. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa đổi Điều 40 theo hướng quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, đề nghị làm rõ trường hợp do biến động bất thường của giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tỷ giá hối đoái hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới thì có được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình hay không? vì đây cũng là vướng mắc đã được đề cập trong Báo cáo giám sát số 165/BC-UBTVQH ngày 23/10/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.     

- Về sửa đổi Điều 43. Quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình.

Về việc ban hành và công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, có hai loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giao các tổ chức xã hội-nghề nghiệp công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật để chủ đầu tư dự án tham khảo và chủ động quyết định chi phí vì cho rằng, trên thực tế công nghệ xây dựng và thị trường thay đổi nhanh, nhiều định mức kinh tế-kỹ thuật do Nhà nước ban hành thường lạc hậu, không phù hợp, không kịp sửa đổi làm chậm tiến độ lập, triển khai các dự án.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không giao các tổ chức xã hội-nghề nghiệp công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật vì cho rằng năng lực, uy tín của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp còn nhiều vấn đề; mặt khác, các tổ chức này hoạt động cũng thiếu ổn định.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật phù hợp là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi đã hướng dẫn được phương pháp lập và quản lý chi phí thì hoàn toàn có thể tính toán và công bố được các định mức phù hợp. Hiện nay, các chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước và cơ quan quản lý vẫn phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật và các quy định có liên quan của Nhà nước để lập và thẩm tra dự toán, thiết kế, vì đó cũng là căn cứ của công tác thanh tra, kiểm toán (khoản 2 Điều 5 Luật ngân sách Nhà nước có quy định việc chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm điều kiện “đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”. Luật phòng, chống tham nhũng cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng, ban hành và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; người có hành vi vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật (Điều 34, 35). Hơn nữa, việc đánh giá năng lực, uy tín của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp cũng còn là vấn đề đặt ra. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị trước mắt chưa nên giao các tổ chức này công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật để chủ đầu tư tham khảo làm căn cứ xác định chi phí đầu tư.   

2. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu thầu

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 21 điều của Luật đầu thầu.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, có 5 vấn đề cơ bản được sửa đổi trong dự thảo Luật, đó là: sửa đổi quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 11), về chỉ định thầu (Điều 20), về phân cấp trong đấu thầu (chuyển bớt thẩm quyền của người quyết định đầu tư cho chủ đầu tư tại các điều 4, 31, 32, 33, 39, 40, 41, 42, 43, 46, 57, 60, 61, 70), sửa đổi, bổ sung quy định về chế tài đối với một số hành vi vi phạm trong đấu thầu (bổ sung khoản 18, khoản 19 Điều 12 và sửa đổi Điều 75) và đánh giá, so sánh, xếp hạng, xét duyệt hồ sơ dự thầu (các điều 29, 35, 38). Đối với những vấn đề cơ bản trên, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng phân cấp mạnh hơn, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian trong việc xử lý các vướng mắc về thủ tục đấu thầu, xây dựng và điều chỉnh hợp đồng, xử lý tình huống trong đấu thầu,... là những nội dung đang vướng mắc nhiều trong thực tế hiện nay. Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Kinh tế có ý kiến như sau:

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 4. Giải thích từ ngữ.

  Khoản 39 quy định thẩm định đấu thầu là việc kiểm tra, đánh giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định về kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phê duyệt các nội dung nêu trên quyết định theo quy định của Luật đấu thầu.... Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ “tổ chức, cá nhân” có trách nhiệm phê duyệt thay vì người có thẩm quyền xem xét quyết định (khái niệm về người có thẩm quyền được quy định rõ tại khoản 8 Điều 4 của Luật hiện hành: người có thẩm quyền là người được quyền quyết định dự án theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án có sự tham gia vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên, trừ các dự án sử dụng 100% vốn nhà nước, thì người có thẩm quyền là Hội đồng quản trị hoặc đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia góp vốn).

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 11. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy mục đích của Điều 11 là chống khép kín trong đấu thầu, tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà thầu tham gia đấu thầu. Việc này phải được thực hiện chậm nhất là 3 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực (chậm nhất là ngày 1/4/2009 vì Luật có hiệu lực từ ngày 1/4/2006). Tuy nhiên qua giám sát hoạt động đầu tư XDCB vừa qua cho thấy quy định như điểm a khoản 1 Điều này là không phù hợp với thực tế và không hiệu quả nếu nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và nhà thầu tư vấn đã tham gia thiết kế kỹ thuật không được tham gia đấu thầu các bước tiếp theo. Do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành bỏ điểm a khoản 1 Điều này như đề nghị của Chính phủ.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nội dung quy định “độc lập về tổ chức”, không cùng một cơ quan quản lý”, vì thực tế có vướng mắc khi áp dụng quy định của Luật. Cụ thể “không cùng một cơ quan quản lý” có phải là không cùng một bộ, một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay một tập đoàn?

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 20. Chỉ định thầu.

+ Về phân cấp chỉ định thầu: Ủy ban Kinh tế tán thành sửa điểm c khoản 1 như dự thảo Luật, cụ thể là giao Chính phủ quy định việc chỉ định thầu đối với gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia, cấp bách vì lợi ích quốc gia, vì qua giám sát, nhiều Bộ, Ủy ban nhân dân đề nghị nếu tất cả gói thầu thuộc dự án bí mất quốc gia; dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng đều phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thì sẽ dồn nhiều việc lên Thủ tướng Chính phủ và do đó chậm tiến độ. Có những gói thầu loại này có thể phân cấp cho Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ “gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia” quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, vì Luật hiện hành quy định “gói thầu thuộc dự án bí mật quốc gia”.  

+ Về mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu: Luật hiện hành (điểm đ khoản 1 Điều 20) quy định được chỉ định thầu trong trường hợp “gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới năm trăm triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới một tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển”. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định hạn mức về giá trị gói thầu được chỉ định và các trường hợp đặc biệt khác chỉ định thầu.

Qua thảo luận, có hai loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trước tình hình biến động giá lớn trong thời gian qua, quy định cứng về mức chỉ định thầu trong Luật là không còn phù hợp với sự trượt giá, cần nâng mức cao hơn. Vì vậy, tán thành với nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ để tạo sự linh hoạt hơn trong chỉ định thầu.  

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đấu thầu rộng rãi là nhằm công khai, minh bạch, hạn chế sự khép kín, chống thất thoát trong đầu tư. Quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể trong Luật mặc dù có thể chưa phù hợp, nhưng cũng rất cần thiết, nhằm hạn chế được tình trạng này.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, về lâu dài thì cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác đấu thầu rất phức tạp và nhiều trường hợp tiêu cực làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Qua giám sát cho thấy, có trường hợp do phải đấu thầu nên dự án chậm được triển khai và tổng mức đầu tư vượt hàng trăm triệu USD. Đặc biệt trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn chỉ định thầu là cần thiết. Vì vậy, tán thành với quy định của Dự thảo Luật. Tuy nhiên cần quy định chặt chẽ mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu, tránh lạm dụng.

- Về sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến phân cấp trong đấu thầu (Điều 60. Trách nhiệm của người có thẩm quyền, Điều 61. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư và các điều 4, 31, 39, 40, 41, 42, 43, 46, 57, 70).  

Ủy ban Kinh tế tán thành chủ trương phân cấp mạnh hơn cho chủ đầu tư, đồng thời tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người có thẩm quyền đối với việc thực hiện của chủ đầu tư. Do đó, tán thành với sửa đổi Điều 60 và Điều 61 về việc phân cấp cho chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu vì những nội dung này tạo chủ động hơn cho chủ đầu tư. Đồng thời tán thành sửa đổi các điều 4, 31, 39, 40, 41, 42, 43, 46, 57, 70 để thống nhất với phân cấp tại Điều 60 và Điều 61.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế thấy rằng hiện nay các gói thầu phức tạp cũng như đơn giản, quy mô đầu tư lớn hay nhỏ đều thực hiện theo quy trình chung. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về gói thầu quy mô nhỏ, nội dung đơn giản (ví dụ xây dựng trường học, trạm xá…) và các quy định tương ứng về lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai để giảm thời gian thẩm định, phê duyệt,… đối với gói thầu này so với quy định chung nhằm đẩy nhanh tiến độ.

3. Về sửa đổi, bổ sung Điều 19 và Điều 22 của Luật bảo vệ môi trường

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường: Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lập đồng thời với Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (khoản 2 Điều 19. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường); các dự án chỉ được phê duyệt cấp giấy phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (Điều 22. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường).  

Qua giám sát, nhiều doanh nghiệp đề nghị cần cho doanh nghiệp nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường vào thời gian hợp lý để bảo đảm tiến độ lập dự án, miễn là phải được phê duyệt trước khi khởi công dự án. Ủy ban Kinh tế thấy rằng, đề nghị trên là hợp lý, vì vậy, tán thành việc sửa đổi Điều 19 và Điều 22 như dự thảo Luật để góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các dự án đầu tư XDCB.

4. Về sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp

Chính phủ đề nghị sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 170. Áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực[2] theo hướng kéo dài thời gian đăng ký lại từ thời hạn 2 năm lên 5 năm (kể từ ngày Luật doanh nghiệp có hiệu lực).

Có ý kiến cho rằng, nội dung điểm a khoản 2 của Điều này không liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản. Hơn nữa, thời hạn (2 năm) để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lại đã kết thúc, điểm a khoản 2 Điều 170 đã hết hiệu lực thi hành (Luật doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006), do đó, đề nghị không sửa đổi nội dung này.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, mặc dù nội dung của điểm này chỉ gián tiếp liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng trên thực tế còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện theo quy định trên và nay có nhu cầu đăng ký lại. Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế tán thành với quy định của dự thảo Luật kéo dài thời hạn cho doanh nghiệp chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

5. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở

Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật nhà ở vì xuất phát từ thực tiễn việc tồn tại 2 loại giấy: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) và do hai đầu mối (cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở) thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư, trong khi nhà và đất cũng như các tài sản trên đất đều luôn luôn gắn chặt chẽ với nhau; việc thống nhất 2 loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện là nguyện vọng của đông đảo cử tri và đã được thảo luận ở nhiều phiên họp của Quốc hội. Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2 đã có Nghị quyết về vấn đề này, trong đó có ghi rõ: “Rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật đất đai, Luật nhà ở và các luật có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất… Thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện.” Tuy nhiên, đến nay Nghị quyết vẫn chưa được tổ chức thực hiện bởi vì Chính phủ chưa trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các điều có liên quan của Luật đất đai và Luật nhà ở. Mặt khác, qua làm việc với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các doanh nghiệp, các ý kiến đều cho rằng việc thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện sẽ có điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân, hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, góp phần giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thực hiện các quyền của chủ đầu tư như quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản. Do đó, đưa nội dung sửa đổi bổ sung này vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là phù hợp.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung: Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 1 điều và chỉnh lý kỹ thuật tại 26 điều của Luật đất đai; bãi bỏ 13 điều và chỉnh lý kỹ thuật tại 16 điều của Luật nhà ở để phù hợp với việc thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giao một cơ quan làm đầu mối thực hiện trên cơ sở Luật đất đai.

Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Kinh tế có ý kiến như sau:

- Về tên gọi của giấy chứng nhận: Dự thảo Luật quy định tên gọi của giấy là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Ủy ban Kinh tế đề nghị lấy tên của giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thể hiện hai nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật đất đai và Luật nhà ở, đồng thời, phù hợp với nội dung của Nghị quyết số 07/2007/QH12 về vấn đề này.

- Về phạm vi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất: Có ý kiến cho rằng việc cấp giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (ngoài nhà ở) là quá rộng, không khả thi, đề nghị chỉ nên thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Ý kiến khác đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, cây lâu năm và quyền sở hữu rừng. Có ý kiến đề nghị quy định rõ các loại tài sản gắn liền với đất là những loại tài sản nào.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, Luật đất đai hiện hành (Điều 48) đã quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất gồm nhà ở, công trình xây dựng, cây lâu năm, rừng được quy định tại các văn bản pháp luật về nhà ở, xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng,... Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không bắt buộc, chỉ cấp khi chủ sở hữu có yêu cầu và khi cấp thì cần phải thống nhất trong một loại giấy như đã ghi trong Nghị quyết của Quốc hội.

­- Về việc giao cơ quan đầu mối: Ở trung ương, theo quy định của Luật đất đai và Luật nhà ở hiện hành thì Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Xây dựng là 2 cơ quan đầu mối. Nay dự thảo Luật chỉ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước. Các ý kiến đều tán thành với quy định này của Dự thảo Luật.

Ở địa phương: về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dự thảo Luật vẫn quy định như 2 Luật hiện hành, đó là giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Đối với cơ quan chuyên môn giúp việc làm đầu mối nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục, Luật nhà ở hiện hành giao cơ quan quản lý nhà ở thuộc Uỷ ban nhân dân; Luật đất đai giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cơ quan quản lý đất đai. Ngoài ra, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh còn được Uỷ ban nhân dân cùng cấp uỷ quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay dự thảo Luật quy định giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc cơ quan quản lý đất đai ở địa phương) là cơ quan đầu mối.

Có ý kiến đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nên thuộc Uỷ ban nhân dân để thực hiện thống nhất 1 đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân.

Uỷ ban Kinh tế tán thành việc giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm đầu mối và đề nghị Văn phòng này vẫn đặt tại cơ quan quản lý đất đai ở địa phương như quy định của Luật đất đai hiện hành nhưng cần cân nhắc về tên gọi để thể hiện đầy đủ chức năng đầu mối làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 48. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Luật đất đai):

Ủy ban Kinh tế cho rằng, khoản 2 Điều 48 được sửa đổi, bổ sung liên quan đến thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và cơ quan đầu mối nhận hồ sơ thực hiện các thủ tục do đó cần đưa nội dung sửa đổi, bổ sung này vào Điều 52 quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Đối với khoản 4 Điều 48, đề nghị bổ sung quy định việc Chính phủ hướng dẫn về hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đât; bỏ quy định về đăng ký biến động về quyền sử dụng đất vì vấn đề này đã được quy định trong Luật đất đai.

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 52. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Luật đất đai):

Dự thảo Luật không sửa đổi, bổ sung Điều này, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần sửa đổi bổ sung Điều 52 Luật đất đai để quy định thống nhất cơ quan đầu mối; trong đó cần quy định rõ về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân; bỏ quy định về ủy quyền cấp giấy chứng nhận vì trên thực tế các địa phương thực hiện việc ủy quyền không thống nhất, vướng về thủ tục, thẩm quyền, việc sử dụng con dấu...

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, cũng như cơ quan làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, làm các thủ tục.

- Về Điều 146. Hướng dẫn thi hành (Luật đất đai):

Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ khoản 1 Điều này vì nếu bổ sung nội dung chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao Chính phủ quy định thời hạn hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không phù hợp. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không bắt buộc và chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của chủ sở hữu nên không thể quy định thời hạn hoàn thành. Hơn nữa, mục tiêu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được xác định trong Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội: “phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất trên phạm vi toàn quốc”.

- Về quy định tại Điều 13. Hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Luật nhà ở):

Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ Điều này vì Chương II của Luật nhà ở chủ yếu quy định về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, theo dự thảo Luật các điều quy định về giấy chứng nhận bị bãi bỏ nên việc giữ lại Điều 13 quy định về hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là không phù hợp. Hơn nữa, khi thực hiện việc cấp một loại giấy chứng nhận bao gồm cả quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất thì hiệu lực của giấy chứng cũng như các biến động về quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được xác định trong giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ.

Ý kiến khác cho rằng cần giữ lại Điều này và bổ sung một điều về hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong Luật đất đai.

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 21. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và Điều 22. Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở (Luật nhà ở):

Ủy ban Kinh tế đề nghị tách riêng một khoản tại Điều 7 của dự thảo Luật này để quy định về việc sửa đổi, bổ sung Điều 21 và Điều 22 của Luật nhà ở và quy định cụ thể như sau:

Khoản 6 Điều 21: “Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xác nhận những thay đổi vào giấy chứng nhận”.

Khoản 1 Điều 22: “Thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục khi đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại Gấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xác nhận những thay đổi vào giấy chứng nhận.”

- Về sửa đổi khoản 3 Điều 66 của Luật nhà ở: Đề nghị thay cụm từ “một trong các giấy tờ quy định tại Điều 15 của Luật này” bằng cụm từ “một trong các loại giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở”.

6. Một số ý kiến khác

Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ thuật văn bản, sửa đổi bổ sung cho thống nhất, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật như:

- Về thống nhất các khái niệm, thuật ngữ trong các luật:

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, việc quy định thống nhất các thuật ngữ như: báo cáo đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế- kỹ thuật, chủ đầu tư, chủ dự án,... là cần thiết. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, do đó, tán thành với quy định của dự thảo Luật giao Chính phủ hướng dẫn thống nhất.     

- Về Điều khoản thi hành (Điều 9):

Ủy ban Kinh tế tán thành cần sớm đưa Luật này vào cuộc sống để góp phần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư trong năm 2009, nhưng cần có thời gian chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, do đó, thời điểm thi hành từ ngày 1/8/2009 là phù hợp. Đồng thời, để Luật có thể triển khai thi hành ngay khi có hiệu lực, đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Ủy ban Kinh tế kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

    

 

Nơi nhận:

- Như trên,

- Lưu Vụ HC, KT.

TM. ỦY BAN KINH TẾ

CHỦ NHIỆM

(đã ký)

Hà Văn Hiền

 


 


[1] Khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự qui định: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

[2]  Điều 170. Áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực quy định:

“2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau đây:

a. Đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực;

b. Không đăng ký lại: trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong Giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ”.

Các văn bản liên quan