Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Lê Văn Hưng – Hưng Yên về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:20 08-06-2009

Thứ nhất, về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, tôi tán thành và đồng tình với quan điểm nêu trong Tờ trình. Bởi lẽ đây cũng là một việc làm rất cần thiết sau giám sát là sự cụ thể hóa và thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội nhằm hoàn chỉnh pháp luật, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, tôi lo ngại và nhận thấy cần hết sức thận trọng cân nhắc để thu hẹp phạm vi điều chỉnh sửa đổi bởi 4 lý do như sau:

Thứ nhất, việc áp dụng Điều 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép 1 văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để sửa đổi, bổ sung thay thế quy định của nhiều văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành. Đây đúng là một sáng tạo trong hoạt động lập pháp của Quốc hội cần phát huy. Tuy nhiên, dự án luật này đề cập sửa đổi, bổ sung để thông qua trong một kỳ họp tới 91 điều của 6 luật liên quan, trong đó liên quan đến rất nhiều chính sách quan trọng, nhiều chính sách, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội nhạy cảm, phức tạp, cần có sự tổng kết, đánh giá toàn diện mới có cơ sở để sửa đổi. Ví dụ như Luật Đất đai.

Thứ hai, với số lượng vấn đề đưa ra quá lớn ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành thời gian trong một kỳ họp các đại biểu Quốc hội khó có khả năng tiếp cận, nghiên cứu một cách thấu đáo để đưa ra chính kiến và quyết định một cách đúng đắn.

Thứ ba, phạm vi sửa đổi của dự án luật cùng với Luật sửa đổi Điều 126 Luật nhà ở, Điều 121 Luật đất đai mà Quốc hội cũng xem xét, thông qua tại kỳ họp này sẽ tạo ra những tác động không tốt cho tính tổng thể của một văn bản pháp luật. Tình trạng một luật bị xé lẻ, phân tán ở quá nhiều luật khác, dẫn tới những mâu thuẫn xung đột không thể lường trước, đặc biệt là gây ra những bất cập khó khăn cho việc tiếp cận và áp dụng pháp luật cho các cơ quan Nhà nước, pháp luật rất khó đến với quần chúng nhân dân.

Thứ tư, phạm vi điều chỉnh của dự án luật theo tôi đã có sự vượt quá quan điểm xây dựng luật, theo đó chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết vướng mắc, những vấn đề bức thiết đang cản trở hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Nhưng dự án luật đã đề cập sửa đổi cả những vấn đề hoặc chưa thực sự cần thiết hoặc là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Cụ thể như sau, dự án luật đề nghị bỏ một điều, sửa đổi 27 điều của Luật đất đai, bãi bỏ 13 điều, sửa đổi kĩ thuật 14 điều của Luật nhà ở để thống nhất một mẫu giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận sở hữu nhà ở theo quy định của hai luật này thì do hai bộ chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ xây dựng ban hành. Thực tế có khó khăn cho các địa phương xét về thẩm quyền cấp hai loại giấy này được quy định tại Điều 14 Luật nhà ở, Điều 52 Luật đất đai đều được giao cho Uỷ ban cấp tỉnh, Uỷ ban Nhân dân cấp huyện. Nhưng về thủ tục, trình tự cấp lại khác nhau, do hướng dẫn hai bộ khác nhau. Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng đã làm rõ vấn đề này và có Nghị quyết 07 ngày 12/11/2007. Theo Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng mà tôi nhận thức là Chính phủ thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, trên cơ sở Luật đất đai giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện. Do đó về vấn đề này trước hết tôi thấy đề nghị Chính phủ chỉ đạo hai bộ phối hợp thực hiện là đủ. Trong trường hợp cần phải sửa luật thì tôi đồng tình theo hướng sửa đổi đưa vấn đề Luật đất đai và Luật nhà ở này gộp với Luật sửa đổi Điều 121, 126.

Vấn đề thứ ba là sửa đổi Điều 170 Luật doanh nghiệp. Dự án luật đề nghị sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian đăng kí lại từ 2 đến 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp có hiệu lực. Vấn đề này theo tôi không những không liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản mà còn tạo tiền lệ xấu cho việc chấp hành pháp luật về đăng ký và thời hạn của các doanh nghiệp.

Về sửa đổi, bổ sung Điều 19, Điều 22 của Luật bảo vệ môi trường theo hướng cho phép một số dự án được lùi lại việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể sau báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ cần trước khi khởi công. Lý do của cơ quan soạn thảo đưa ra theo tôi là phiến diện chỉ dựa trên những kiến nghị, đề nghị bức xúc của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, do đó chưa bám sát vào tình hình thực tiễn cuộc sống của nhân dân nơi có dự án. Thực tế đã có không ít nhà đầu tư tìm mọi cách để có được dự án nhưng cũng tìm mọi cách để phớt lờ, bớt xén những hạng mục, chi phí liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Pháp luật của chúng ta đã có tương đối đầy đủ những đổi mới trong chính sách pháp luật để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng này vẫn ngày một nghiêm trọng. Chúng ta cũng phải sửa Bộ luật hình sự để xử lý tình trạng này, việc sửa đổi Điều 19, Điều 22 Luật bảo vệ môi trường rõ ràng theo tôi không phù hợp với yêu cầu thực tế và cũng không đảm bảo được tính thống nhất trong chính sách pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề môi trường. Từ những căn cứ trên theo tôi chỉ giới hạn phạm vi điều chỉnh của luật sửa đổi này đối với sửa đổi một số điều của hai luật là Luật xây dựng, Luật đấu thầu. Chủ yếu sửa trình tự, thủ tục đầu tư phê duyệt dự án lựa chọn nhà thầu v.v...

Các văn bản liên quan