Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Điện Biên về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:19 08-06-2009

Trong một, hai kỳ họp gần đây Quốc hội đang áp dung cách làm mới, đó là dùng một luật để sửa nhiều luật. Tại kỳ họp này chúng ta cũng có vài trường hợp, riêng đối với luật này thì một luật sửa những điều, khoản của 6 luật, không những vậy mà còn thực hiện trong 1 kỳ họp để thảo luận và thông qua. Tôi cho rằng đây là một cách làm mới, tất nhiên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, của cuộc sống thì Quốc hội đang hết sức nỗ lực. Tuy nhiên đối với luật này thì việc thảo luận tham gia ý kiến của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về mặt thời gian và quy trình còn rất hạn chế. Vì thời gian có hạn, tôi xin chủ yếu tập trung vào thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, trên thực tế luật này Dự thảo luật này có quy định sửa đổi hai khoản, đó là Khoản 2, Điều 19 và Khoản 4, Điều 22. Về bản chất thì không có gì lớn, tôi thấy chủ yếu là xác định thời điểm lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với quy trình đầu tư và xây dựng cũng như vận hành dự án công trình. Dự thảo luật hiện hành quy định báo cáo đánh giá tác động mội trường phải lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, còn sửa đổi thì có thể lập đồng thời nhưng có thể lập trước khi khởi công xây dựng theo quy định của Chính phủ.

Như vậy dự án phải được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành đầu tư, thì bây giờ trong Luật hiện hành chỉ được phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khai thác sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Ở đây tôi cân nhắc và nghiên cứu kỹ thì thấy rằng việc quy định như thế này xem ra bề ngoài có vẻ như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng tôi thấy tạo điều kiện thuận lợi không nhiều, nhưng tạo ra những nguy cơ và những rủi ro cho doanh nghiệp nhiều hơn. Ví dụ quá trình đầu tư thì bao giờ nhà đầu tư cũng nghiên cứu xem ta sản xuất cái gì, sản xuất khối lượng bao nhiêu, công nghệ như thế nào, thị trường ra sao. Đồng thời với quá trình nghiên cứu đầu tư thì việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là cần thiết để tính tất cả những trách nhiệm môi trường và những rủi ro trong quá trình vận hành có thể xảy ra. Như vậy quy định của luật hiện hành là rất hợp lý. Nếu quy định như dự thảo luật sửa đổi thì doanh nghiệp có thể đã nhận được quyết định giấy phép đầu tư nhưng chưa được phê duyệt.

Nếu đặt vấn đề đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, trong khi đó báo cáo đầu tư được phê duyệt trước khi khởi công. Theo đánh giá tác động môi trường là không thể làm được chỗ này, không thể sử dụng được công nghệ này thì diễn ra vấn đề gì:

Một, những gì chi phí trước đó của doanh nghiệp thì không biết ai sẽ bù đắp.

Hai, doanh nghiệp sẽ dùng mọi cách để phê duyệt cho bằng được báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng có phê duyệt được báo cáo đánh giá tác động môi trường thì tiếp theo giai đoạn vận hành doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn còn lớn hơn nhiều. Bây giờ nhân dân ta ý thức bảo vệ môi trường và đòi hỏi của họ về môi trường rất cao, trình độ quản lý dần dần cũng phải cao lên. Doanh nghiệp cứ vận hành cơ sở của mình nhưng sau này sẽ đối mặt với dư luận và có thể bị xử lý đình chỉ hoặc di dời đi chỗ khác.

Như vậy việc sửa đổi lần này không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bao nhiêu mà chính tạo ra những rủi ro, tạo thói quen làm trước báo cáo sau. Tôi thấy việc này cần hết sức cân nhắc.

Tôi thấy việc sửa đổi thực sự chưa cần thiết vì tại Điều 18 của Luật bảo vệ môi trường, Điểm g, Khoản 1 có quy định những dự án có tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu tới môi trường thì do Chính phủ quy định. Trên đó là 6 điểm quy định những dự án dứt khoát phải đánh giá tác động môi trường như công trình quan trọng quốc gia, ví dụ như dự án ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng sinh thái cần được bảo vệ và những dự án mới xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung thì những cái đấy dứt khoát phải lập rồi.

Còn những dự án khác có nguy cơ ảnh hưởng sự tác động xấu đến môi trường thì do Chính phủ quy định, tôi nghĩ là vận dụng Khoản 2, Điều 18 là có thể xử lý được việc này và tất nhiên chúng chỉ áp dụng trường hợp đặc biệt đối với những dự án cấp bách, quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt trong giai đoạn chúng ta đang chống suy giảm kinh tế thì đấy là biện pháp tốt.

Thứ hai, tôi muốn nói trong điều kiện mà Quốc hội đã hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì chúng ta quan niệm doanh nghiệp là một trong những động lực đầu tầu để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cho nên Quốc hội cũng đã bàn đến chuyện và đã quyết định những chuyện như hỗ trợ lãi suất ngân hàng, giảm thuế và chi hàng chục nghìn tỷ cho những gói kích cầu. Nên chăng lấy một phần của kích cầu này chúng ta có thể giúp doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Làm việc đó thì tôi cho là một mũi tên bắn trúng rất nhiều mục đích:

Thứ nhất là một hình thức giúp cho doanh nghiệp.

Thứ hai, nếu chúng ta không kích cầu về môi trường có nghĩa là chúng ta không chi phí thêm cho môi trường mà chỉ có 1% ngân sách cho môi trường thì còn lâu chúng ta mới có một đội ngũ chuyên gia, cũng như một đội ngũ quản lý về môi trường. Tôi nói ví dụ như ở nước ta cứ 1 triệu người có 7 người chuyên môn về môi trường, làm chuyên trách về môi trường. Nhưng nước hàng xóm của chúng ta như ở Trung Quốc ít nhất là có 20 người, ở Singapor người ta có 300 người. Chúng ta thiếu rất nhiều, cho nên việc chi phí thêm cho môi trường ngoài chi phí ngân sách Nhà nước đó là việc cần thiết và tôi nghĩ rằng đấy cũng là một biện pháp kích cầu trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Các văn bản liên quan