Trích ý kiến của ĐBQH Tào Hữu Phùng – Tỉnh Hà Tây

Thứ Hai 09:22 05-06-2006

Trước hết, tôi xin bình luận thêm về sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý Thuế. Như các vị đại biểu đã biết, Quốc hội chúng ta đã ban hành rất nhiều sắc thuế, với những nội dung điều tiết của các Luật thuế cụ thể. Nhưng Luật thuế này, theo quan điểm của tôi chủ yếu là quy định các chính sách về thuế, chúng ta chưa có một luật để triển khai và thực hiện Luật thuế này như thế nào, gọi là luật thủ tục quản lý thuế.

Ý thứ hai, trong thực tiễn thực hiện các chính sách luật về thuế, hiện nay có nhiều vấn đề bất cập, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, lậu thuế, nợ động thuế, chây ỳ thuế là khá phổ biến, nhưng ta chưa có chế tài để xử lý để đưa vào kỷ cương, phép nước.

Ý thứ ba, về thông lệ quốc tế, người ta đều có luật quản lý thuế. Trên cơ sở đó, tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, đã đến lúc Quốc hội chúng ta phải ban hành Luật Quản lý Thuế, với mục tiêu chủ yếu là chúng ta thể hiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu thuế, có thể gọi đây là luật quản lý hay là luật hành chính thuế, tôi rất tán thành với sự cần thiết như vậy.

Về mục đích quản lý thuế và mục đích điều tra thuế ghi trong Điều 1, Điều 83 tôi tán thành với một số đại biểu phát biểu trước tôi là không cần thiết, bản thân luật này đã quy định sự cần thiết rồi, tôi thấy không cần ghi thêm.

Về một số vấn đề cụ thể tôi xin phát biểu như sau:

Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý thuế, tôi thấy trọng tâm của dự án luật này là phải khắc phục được tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại diễn ra khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Vì vậy luật phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ thu thuế và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế. Theo tôi phải xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan thu thuế và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế trong luật phải ghi thật rõ. Đề nghị làm rõ thêm, trong này luật đã tiếp thu và cần làm rõ hơn nếu không thể thu thuế được, nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương. Tôi nghĩ là phải xác định quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực thi các luật thuế.

Có nhiều ý tranh luận về xóa tiền nợ thuế, tiền phạt về thuế, chậm nộp thuế. Theo quy định của Hiến pháp thì chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn ban hành các luật thuế và giảm, miễn thuế. Trong thực tế vừa qua có những bất cập xảy ra những trường hợp phải nợ thuế, phạt thuế cao do trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hoả hoạn và mất tích v.v... không thể lường trước được. Nếu ta cứ quy định phải Quốc hội mới giải quyết được thì sẽ không giải quyết được những yêu cầu thực tế hàng ngày thường xuyên. Tôi tán thành quy định trong Luật Quản lý thuế, các điều kiện và nguyên tắc xử lý trường hợp cho xoá nợ thuế, tiền phạt thuế với điều kiện bất khả kháng. Tôi đồng ý là trong luật chỉ quy định các nguyên tắc và điều kiện. Điều kiện nào thì được xoá thuết, xoá tiền nợ thuế.

Về nguyên tắc cụ thể thì giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể. Trong luật không thể xử lý được. Còn các trường hợp miễn giảm thuế khác thì tôi nghĩ thuộc về thẩm quyền của Quốc hội. Ta có thể xử lý những vấn đề đó vào dự toán ngân sách hàng năm bằng Nghị quyết ngân sách của Quốc hội. Ví dụ như vừa rồi Quốc hội giải quyết miễn thuế cho đối tượng đánh bắt hải sản chưa qua chế biến. Hoặc miễn thuế cho riêng dân, thì tôi nghĩ thuộc quyền của Quốc hội. Còn giải quyết các trường hợp bất khả kháng, xảy ra thường xuyên thì nên giao trách nhiệm cho Chính phủ. Ở luật đây thì chỉ quy định các nguyên tắc và điều kiện thôi.

Vấn đề thứ ba tôi muốn nói sâu ở đây là về đại lý thuế. Đây là một mô hình mới ở nước ta. Tôi tán thành nhiều quy định trong luật. Trong luật cần phải khẳng định đại lý thuế là một loại kinh doanh dịch vụ và nó phải có điều kiện. Điều kiện của nó là phải chấp hành đăng ký và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Như đại biểu vừa nói, nếu chúng ta không cẩn thận mà để lỏng đại lý thuế này thì các đối tượng nộp thuế sẽ thông qua đại lý này để mà trốn thuế, trốn nộp thuế. Cho nên một trong những điều rất quan trọng, tôi đề nghị phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của đại lý thuế. Trong đó ghi rất cụ thể là bổ sung thêm trách nhiệm loại thuế này phải đảm bảo tính trung thực, tính chính xác trước đối với người nộp thuế và đối với pháp luật, anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của anh. Nếu không anh và người nộp thuế sẽ thông đồng với anh khai gian thuế, tính sai thuế và người nộp thuế sẽ không chịu trách nhiệm chẳng hạn, thì người đại lý thuế này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tính trung thực, tính chính xác của kê khai thuế và số thuế phải nộp, phải chịu hoàn toàn trước pháp luật. Đấy là đại lý thuế tôi nghĩ phải nhấn mạnh việc đó.

Vấn đề thứ tư, về thanh tra thuế tôi tán thành phải có thanh tra thuế, nhưng nên quy định theo quan điểm của tôi thanh tra thuế chủ yếu chỉ thanh tra để mà xử lý khiếu nại, tố cáo hoặc khi phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới thanh tra và trong thanh tra này tôi đề nghị phải làm sao quy định, sao không xung đột với Luật Thanh tra. Phải chấp hành các quy định của Luật Thanh tra, chứ không để có sự không ăn khớp. Đề nghị thanh tra cũng cần nhưng phải nói khoanh lại phạm vi như thế.

Còn điều tra về vi phạm pháp luật về thuế, tôi thấy trong luật ở Mục 4, Chương X quy định rất rõ về sự cần thiết phải điều tra vi phạm pháp luật về thuế, tôi rất tán thành. Tôi đề nghị trong này cần quy định như một số đại biểu vừa phát biểu, quy định rất rõ thẩm quyền, phạm vi điều tra thuế mà chỉ giới hạn điều tra vi phạm pháp luật về thuế và điều tra này là điều tra hành chính, nó không phải là điều tra hình sự, nó khác với chức năng tố tụng hình sự, với cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, Viện Kiểm sát, Toà án. Vì vậy tôi thấy rằng trong dự thảo luật về cơ bản tôi thấy phù hợp, nhưng cần bổ sung thêm phạm vi, đối tượng, hình thức điều tra thuế sao cho nó rạch ròi, phân biệt khác nhau với điều tra về tố tụng dân sự.

Cụ thể hơn về phạm vi, mức độ, thời hạn điều tra, quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế trong điều tra vi phạm pháp luật về thuế, tách bạch thuế giữa điều tra cơ quan thuế với điều tra cơ quan tố tụng, quy định cụ thể về điều tra, giá trị pháp lý và kết luận của điều tra, khắc phục tình trạng hình sự hoá. Tôi đề nghị trong này hết sức lưu ý, vì xã hội rất sợ mình hình sự hoá các quan hệ kinh tế, gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tôi lưu ý như vậy.

Về vấn đề thứ 7, nhiều đại biểu nêu trách nhiệm giám sát việc thi hành quản lý thuế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí, tôi nghĩ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định rất rõ về trách nhiệm giám sát, Luật Báo chí cũng quy định rõ. Theo tôi trong luật này không nên đưa vấn đề này vào, nó không cần thiết.

Cuối cùng tôi xin nói đây là luật về thủ tục, luật về cải cách hành chính, nên cần tính khả thi rất cao, cho nên đề nghị khắc phục tình trang luật khung. Trong luật này đề nghị càng quy định cụ thể càng tốt, khi luật có hiệu lực thi hành sẽ thực hiện được ngay, không phải chờ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các ngành hữu quan. Cho nên tôi nghĩ cần hết sức cụ thể, những vấn đề gì ở Nghị định có thể đưa ra thì chúng ta đưa ngay vào luật. Về cơ bản tôi thấy Quốc hội có thể thảo luận kỹ trong 2 kỳ họp và thông qua vào kỳ sau. Xin hết.

Các văn bản liên quan