Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Đức Kiên – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách

Thứ Tư 14:40 09-08-2006

Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin tham gia vào mấy điểm cụ thể dưới đây. Về Điều 2 quy định đối tượng áp dụng, theo tôi hiểu đối tượng áp dụng nội hàm của nó muốn quy định đến đối tượng nào thì điều chỉnh bởi luật này. Cho nên, theo tôi đề nghị có 2 khoản để cho nó rõ với nội hàm của đối tượng áp dụng.

Khoản thứ nhất, nói đến tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Chủ thể này là chủ thể trực tiếp hoạt động, khổ thứ hai là tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến chuyển giao công nghệ bao gồm các cơ quan Nhà nước, cơ quan hữu quan có liên quan. Hai khoản nó thật rõ, một anh trực tiếp hoạt động, một anh hoạt động có liên quan đến chuyển giao công nghệ.

Khổ thứ hai, trong Điều 2 theo dự thảo, theo tôi nó không đúng với nội hàm của đối tượng áp dụng. Đã như thế, nên có điều mới là điều quy định về áp dụng pháp luật, điều áp dụng pháp luật này có một khổ nói về các hoạt động chuyển giao công nghệ phải áp dụng theo quy định của luật này. Khổ thứ hai nếu có đặc thù mà quy định ở luật khác thì cũng phải áp dụng theo quy định của luật đó, mà không có thì thôi.

Khổ thứ ba, nếu như Việt Nam là thành viên của các tổ chức quốc tế trong các hiệp định có quy định về một vấn đề thì áp dụng theo quy định Việt Nam là thành viên, chỉ nên thêm một Điều 3 là áp dụng pháp luật.

Điều 4, phải thể hiện mạnh mẽ hơn và rõ nét hơn vấn đề khoa học công nghệ là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với các nước đặc biệt là đối với nước ta trong quá trình phát triển nhanh và có hiệu quả bền vững. Theo tôi chỉ nên sử dụng Khoản 3 và Khoản 4, nhưng thể hiện rõ quan điểm chính sách của mình, còn Khoản 1 cũng chỉ là hô khẩu hiệu thôi, Khoản 2 đã được thể hiện trong Hiến pháp và Bộ luật dân sự, Khoản 5 có khi nó nằm lẫn sang nội dung quản lý Nhà nước. Đặt ở đây cũng được, nhưng có lẽ ở điều nói về nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ thì nó rõ hơn.

Đi vào Điều 4 như tôi đã nói ở trên, chỉ nên có 2 khoản, giữ lại Khoản 3 và Khoản 4 nhưng có điều chỉnh để thể hiện rõ một định hướng nhưng nó cũng rất gần với định tính. Cụ thể: Khoản 3, đề nghị các đồng chí có thể xem xét thêm có các cơ chế chính sách ưu đãi thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, ươm tạo công nghệ v.v... đây là chính sách và cơ chế ưu đãi, còn cơ chế và chính sách ưu đãi nào nay mai Chính phủ sẽ quy định cụ thể.

Khoản 4 nên sửa lại là có chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Chốc nữa tôi sẽ nói thêm từ trong phạm vi vùng nói chung là vùng nông thôn như anh Cừ nói, tôi cũng rất nhất trí với ý kiến anh Cừ, vùng nông thôn bây giờ Việt Nam thì khuyến khích hết, nông thôn mà ven đô thị Hà Nội nữa thì như thế nào, ở từng khâu, từng lĩnh vực một thôi chứ còn địa bàn rất rộng. Trong luật của ta, trong các hệ thống pháp luật đều có quy định là cụm từ vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Theo tôi Điều 4 về chính sách nên có hai khoản và nên chỉnh sửa lại theo hướng như vậy.

Điều 5 nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ, theo tôi còn thiếu cũng khá nhiều nếu còn giữ quy định này. Trong này có những vấn đề ban hành chính sách, có vấn đề về đào tạo, có vấn đề về hợp tác quốc tế. Ngoài các vấn đề rất lớn là chiến lược, chương trình, pháp luật và các văn bản hướng dẫn bao gồm việc xây dựng, tuyên truyền và tổ chức thực hiện thì nên nghiên cứu cho đầy đủ hơn về nội dung quản lý trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Điều 10, địa bàn khuyến khích chuyển giao công nghệ như trên tôi đã nói một chút, tôi đồng ý với ý kiến của anh Cừ. Khoản 1 nói vùng nông thôn thì rộng quá, mênh mang quá, đã nói là khuyến khích thì ngầm bên trong nó phải ưu đãi mà ưu đãi ở diện rộng, ở Việt Nam đến 80% diện tích là nông thôn mà ghi như thế này chắc cũng khó khả thi. Cho nên có thể phải thu hẹp lại là những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì cũng có nghĩa là nó hàm chứa chủ yếu là vùng nông thôn, nhưng không phải tất cả vùng nông thôn đều thuộc địa bàn cần phải khuyến khích chuyển giao. Còn đương nhiên có một số lĩnh vực liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi thì nó có thể diễn ra ở diện rộng thì nó bằng các cơ chế chính sách khác.

Điều 44 có liên quan đến những lĩnh vực công nghệ ưu tiên chuyển giao cho những vùng nông thôn, vùng kinh tế xã hội khó khăn, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tôi hoàn toàn nhất trí 5 lĩnh vực này. Nhưng còn những lĩnh vực rất quan trọng là phòng, chống, hạn chế thiệt hại thiên tai có lẽ cũng nên cân nhắc, đặt ở đâu hay đặt ở chỗ nào? Đây là khâu mà nó ảnh hưởng rất là thiết thực đến sản xuất nông nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, đời sống của nhân dân.

Điều 51, nếu còn giữ điều này còn nếu không nó đã lồng ghép trong điều về chính sách nay mai Chính phủ có hướng dẫn. Nhưng đối với Điều 51, trong trường hợp nhấn mạnh trong đợt này về chính sách thuế, tôi đề nghị có điều chỉnh. Để làm sao nó thu hút tất cả những chính sách thuế được quy định và áp dụng ở các đạo luật về thuế. Nên Khoản 1, nếu mà giữ điều này tôi đề nghị phải thể hiện: "Tổ chức cá nhân Việt Nam khi chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Điều 10 Luật này thì được miễn giảm thuế thu nhập từ việc chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật về thuế". Nay mai thuế người ta sẽ quy định.

Khoản 2, cũng thể hiện doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tài trợ cho các Viện, các trường đại học để nghiên cứu, sáng chế công nghệ mới hoặc cải tiến công nghệ dưới hình thức cho, tặng thì phần tài trợ được trừ vào thu nhập, chịu thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế là thuế thu nhập. Về quy định điều nói về quỹ, Điều 46, đúng là bây giờ luật nào cũng hình thành các quỹ thấy nó cũng rất rối và nó cũng khó cho việc quản lý cũng như nguồn lực của Nhà nước có thể hỗ trợ cho các lĩnh vực. Theo tôi, hướng tốt nhất vẫn là đưa nó vào quỹ về phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Nói rõ những quỹ này được sử dụng vào những việc gì, trong đó có những việc được thể hiện trong phương án 1, đã như thế thì những quy định về điều lệ quỹ, quản lý, mục đích sử dụng và quản lý các loại quỹ về phát triển khoa học và công nghệ sẽ được điều chỉnh, bổ sung, còn cách thể hiện được thể hiện như thế nào, đương nhiên đưa nó vào thì mình phải thay đổi, quy định lại điều lệ về quỹ. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan