Trích ý kiến ĐB QH Nguyễn Xuân Thiết – ĐB Tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ Tư 14:39 09-08-2006

Kính thưa các đồng chí, tôi cũng tỏ thái độ tán thành với bản bổ sung hoàn chỉnh dự án luật mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình bày và cũng tán thành với nhiều ý kiến các đồng chí đã phát biểu. Tôi xin tham gia phát biểu cụ thể vào một số điều sau đây:

Thứ nhất, về Điều 4 cũng có nhiều đồng chí phát biểu rồi, nhưng tôi thấy còn có một số khía cạnh cũng muốn phát biểu để làm rõ thêm. Thứ nhất, tôi nghĩ rằng nếu nói chính sách của Nhà nước thì đành rằng ta không nói được cụ thể nhưng quy định những định tính phải rõ được là định tính đó nói về chính sách chứ còn bây giờ nói những từ như biện pháp, như là chú trọng v.v.... theo tôi lại không phải là chính sách. Cho nên dùng thuật ngữ để nói rõ rằng đây là các loại chính sách của Nhà nước đối với các loại chuyển giao công nghệ thì cũng phải xác định cho rõ.

Cụ thể ở Khoản 3 có nói là các biện pháp thích hợp thúc đẩy, theo tôi cũng nên sửa là có các chính sách thích hợp, khuyến khích và thúc đẩy. Tôi cũng đồng ý như ý kiến của đồng chí Dung là nên có chữ "khuyến khích". Hay ở Khoản 4 nói chữ "chú trọng", ở đây tôi nghĩ có ý nghĩa về lưu ý nhiều hơn chứ không phải mang tính chất của danh từ nói về chính sách. Tôi đề nghị nên sửa cả đoạn nói về chú trọng nâng cao chất lượng. Ở khoản này, tôi đề nghị tách ra làm 2 khoản. Khoản 4, khoản mà có nội dung như trên tôi vừa đề cập. Khoản 5, khoản nói về chính sách tạo điều kiện và khuyến khích cho việc hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì hai nội dung này nó không cùng một ý nghĩa. Cho nên, nên tách nó ra cho rõ.

Điều 5, nói về nội dung quản lý Nhà nước, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc. Nếu như mình liệt kê những công việc quan trọng của Nhà nước trong quản lý của mình đối với hoạt động chuyển giao công nghệ thì nên có liệt kê tương đối đầy đủ. Nếu không thì cũng phải liệt kê được những nội dung quan trọng cơ bản của quản lý Nhà nước. Trong đó có nội dung ví dụ như đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học công nghệ hoặc là cán bộ hoạt động chuyển giao công nghệ hay hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, tôi cho đó là một trong nội dung rất quan trọng quản lý Nhà nước. Nếu chỉ nói có mấy nội dung ấy thì tôi thấy rằng cũng chưa bao quát hết.

Ở Điều 6, Khoản 4 tôi đồng ý với ý kiến của anh Cường. Bởi vì nó đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật nước ta. Thứ hai, tôi thấy trên thực tế cũng cần xác định rõ vai trò, vị trí của quản lý Nhà nước đối với cấp huyện, cấp xã. Mặc dù trình độ của họ hiện nay chưa làm được những vấn đề lớn xung quanh hoạt động chuyển giao công nghệ. Nhưng những việc làm thiết thực liên quan đến nhân dân, đến nông thôn như vấn đề đưa giống cây con mới, vấn đề chuyển giao cho nhau quy trình canh tác hoặc các giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp thì họ rất có kinh nghiệm. Chúng ta đừng quan niệm nói chuyển giao công nghệ những cái gì to tát, máy móc hoặc những cái gì ghê gớm. Hiện nay hoạt động chuyển giao công nghệ ở nông thôn tôi cho nó đang diễn biến rất phong phú và hết sức đa dạng, có một điều ta có nắm bắt được hay không để giúp họ, còn thực ra họ đã làm trên phương diện rất rộng và nhiều năm nay rồi.

Ví dụ xung quanh hoạt động về trang trại, nó cũng chứa đựng nhiều nội hàm của chuyển giao công nghệ, cải tạo vùng chiêm trũng chẳng hạn, vấn đề quy hoạch để nuôi trồng thủy sản chẳng hạn nó có nhiều nội dung mới. Đề nghị phải xác định rõ vai trò quản lý Nhà nước của cấp huyện, cấp xã, không phải chỉ có cấp tỉnh. Hơn nữa bây giờ chúng ta hướng về cơ sở, chúng ta tạo điều kiện cho cơ sở, nếu không chỉ dừng lại ở Uỷ ban nhân dân tỉnh thì rõ ràng hoạt động khoa học công nghệ nó cũng chưa đến được với người dân. Điều 6 tôi đề nghị như vậy.

Về Điều 11, Điều 12 tôi cảm thấy Khoản 1, Điều 11 và Khoản 1, Điều 12 nó có sự không thống nhất. Cụ thể là cùng loại công nghệ gây tác hại cho sức khoẻ con người, cho môi trường và ảnh hưởng xấu đến quốc phòng an ninh thì ở Khoản 1, Điều 12 thì không cho chuyển giao mà Khoản 1, Điều 11 lại chuyển giao có điều kiện, tôi thấy chỗ này không rõ, không biết ý đồ của Ban soạn thảo như thế nào. Nói như thế này, riêng tôi nhận thức thấy rằng không rõ, một đằng thì cho chuyển giao nhưng có điều kiện, một đằng thì không cho chuyển giao cũng cùng một loại công nghệ như vậy, không hiểu điều kiện được chuyển giao ở đây là điều kiện gì? Luật hơi mập mờ, hơi khó hiểu, tôi đề nghị chỗ này có lẽ Ban soạn thảo phải giải trình rõ thêm.

Chương II, hợp đồng, Khoản 1 có quy định về hình thức hợp đồng có hai loại, bằng văn bản và bằng giao dịch điện tử, nhưng trong Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành sau này nói đến hợp đồng là vận dụng rất nhiều hình thức hợp đồng, kể cả hợp đồng bằng miệng, hợp đồng qua điện thoại, hợp đồng uỷ quyền.v.v...Trong giao dịch mua bán người ta cũng sử dụng các loại hợp đồng này, ví dụ Luật Thương mại nói rất rõ hợp đồng bằng miệng, còn có tranh chấp đưa ra toà thì vấn đề ai thắng thì người đó phải bảo vệ được ý kiến của mình.

Chúng ta nói bây giờ phải khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ, nói đến phương thức hợp đồng có hai loại phương thức, tôi thấy rằng nó có cái gì đó không đồng bộ, nó chưa phản ảnh hết được những hình thức hợp đồng trong thời buổi làm ăn kinh tế hiện nay. Cho nên chỗ này tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
Điều 46, nói về quỹ, trước đây tôi cũng phát biểu, cũng đồng tình với việc phải có quỹ, bởi đây là hoạt động hết sức quan trọng và cơ bản của một đất nước và tán thành phương án 1, nhưng có lẽ quy định rõ thêm về nguồn hình thành quỹ và trách nhiệm của người quản lý, sử dụng quỹ. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan