Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Ba 15:37 15-08-2006

Chúng tôi xin có một số ý kiến như sau, chúng tôi đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu tuy nhiên cũng có một vài ý kiến muốn trao đổi thêm. Nếu cần đánh giá luật này thì thấy rằng đã cố gắng sửa đổi, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp, nhưng theo tôi vẫn còn rất nhiều vấn đề mà chắc chắn cần tiếp tục hoàn chỉnh thêm. Tôi sơ bộ xin có một số ý kiến như sau.
Thứ nhất, về tên luật này ngay từ đầu tôi với đồng chí Đường cũng hơi ngờ ngợ, bây giờ chúng ta hiểu rằng tất cả những việc chúng ta đưa vào luật này gọi là quản lý thuế thì tôi nghĩ chắc chắn cần phải cân nhắc thêm. Vì khi nói đến quản lý thuế tức là quản lý thu thuế và quản lý nộp thuế và những vấn đề liên quan đến hai sự việc đó. Rõ ràng trong này quản lý các cơ quan thu thuế như thế nào, các cơ quan thay mặt cho Nhà nước thực hiện chính sách thuế này quản lý như thế nào thì chưa rõ, rõ ràng đây mới quản lý một nửa, quản lý chủ yếu ở phần những người nộp thuế. Chủ thể thì đúng hơn, vì không chỉ cá nhân mà cả tổ chức cũng nộp thuế, vì vậy tôi nghĩ ở đây cần phải hoàn chỉnh thêm.
Đương nhiên chúng ta cũng hiểu rằng Bộ Tài chính là một cơ quan tổng hợp chứ không phải một cơ quan đơn thuần thuế, người ta hiểu rằng Bộ Tài chính là cơ quan quản lý về thuế trên cả hai mặt vừa thu thuế và vừa nộp thuế. Nhưng nhất thiết phải làm rõ điều đó để người ta thấy được sự cân đối giữa hai mặt đó, chứ không đơn thuần chỉ tập trung cho người phải nộp thuế.
Ý thứ hai, chúng tôi rất hoan nghênh Điều 1 của dự thảo mới, có một điều về mục đích của quản lý thuế. Thật ra gần như lời nói đầu của nó, nhưng chúng ta viết thế này cho nó gọn hơn. Tuy nhiên, nếu như xác định mục đích của quản lý thuế chỉ có từng này không thôi, chúng tôi cho rằng như thế còn thiếu những ý tưởng rất lớn. Đương nhiên, khi nói đến thuế là chúng ta nói đến nguồn thu của Nhà nước, đó là điều dĩ nhiên, nhưng nguồn thu này được hình thành từ những nguyên tắc nào, rõ ràng như đồng chí Đường nói, tôi và đồng chí Mai cũng nói cần phải có một nguyên tắc chung, trong Chương I đến 18 điều nhưng không có điều nào về nguyên tắc chung về quản lý thuế cả. Tuy ở 3 điều, Điều 72 có nguyên tắc kiểm tra thuế, Điều 84 có nguyên tắc ấn định thuế, Điều 28 nguyên tắc khai thuế, đó là những phần trong công tác thuế, quản lý thuế, còn toàn bộ hoạt động này từ phía Nhà nước và từ phía người dân nộp thuế thì phải tuân theo những nguyên tắc nào chung thì cần phải có.
Để thể hiện được nguyên tắc chung này, ý tưởng và mục đích của thuế cần phải làm rõ hơn. Khi nói đến thuế là nói đến mối quan hệ của từng chủ thể là công dân hay tổ chức với Nhà nước, thuế là khoản mà những người đó có nhiệm vụ phải nộp, nộp mà không được đền bù, chẳng hạn như dịch vụ là anh mất 1 khoản tiền nhưng anh được hưởng một công việc gì đó, khám, chữa bệnh chẳng hạn, đó đều là dịch vụ người ta phục vụ mình, còn mình phải trả công cho hoạt động đó, còn nộp thuế thì khác, thuế đó là khoản đóng góp trực tiếp không được đền bù của tổ chức, cá nhân đối với Nhà nước, là một nghĩa vụ. Nhưng không nên thấy rằng đóng thuế chỉ để tạo nguồn thu của Nhà nước, tạo ngân sách Nhà nước. Trong chính sách thuế nó thể hiện các chính sách tài chính của Nhà nước.
Một trong những chính sách đó chính là điều hoà thu nhập, điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư, thông qua chính sách thuế chúng ta có thể tạo ra sự công bằng xã hội cao hơn, vì nhờ có thuế mà chúng ta điều tiết được thu nhập cho các tầng lớp dân cư khi cần thiết. Chẳng hạn hiện nay chúng ta có loại thuế là thuế tiêu thụ đặc biệt, đó chính là một hình thức để điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao đưa vào ngân sách để phục vụ chung cho xã hội, phải luôn luôn chú ý cái đó. Tôi nghĩ rằng, chẳng hạn trước đây xe máy là một loại thuế tiêu thụ đặc biệt có thể thuế thu nhập cao. Nhưng bây giờ ô tô nay mai nó phổ biến thì chúng ta đánh thuế nào tiêu thụ đặc biệt đây? Tôi có lần đã suy nghĩ, đã đến lúc chúng ta bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và chuyển qua nhà cửa chưa? Biệt thự chưa? Những người nào được biệt thự thì đó là tầng lớp sinh hoạt cao trong xã hội và đánh thuế vào chỗ đó, chứ còn ô tô nay mai nó cũng phổ biến rồi. Vì vậy những người xác định tính thuế phải luôn luôn tỉnh táo trước việc cần phải có điều tiết thu nhập xã hội. Xuất phát từ mục tiêu của Nhà nước, của chế độ nói chung mà có điều tiết, đánh cao hơn những người có thu nhập, đó là điều chúng tôi thấy cần phải làm rõ trong mục đích của thuế.
Từ điều tiết đó mà bảo đảm sự công bằng xã hội, mọi người đều đóng góp sức của mình cho xã hội. Nhưng có người có thu nhập cao, có người có thu nhập thấp và có những người không có đóng góp gì cả thì cần phải đảm bảo công bằng. Tôi nghĩ cần phải làm rõ hơn mục đích của thuế, chứ không phải chỉ nói rằng nó là nguồn thu đâu, còn thu chủ yếu cũng đúng nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ.
Hơn nữa sáng nay có một ý kiến cho rằng trong xã hội ta, thuế không phải là nguồn thu chủ yếu, nói như thế cũng là một sự nhầm lẫn. Nếu trong nền kinh tế quốc doanh và tập thể thì nguồn thu chủ yếu của Nhà nước dần dần phải tiến tới không phải chỉ có thuế. Nhưng trong một chế độ xã hội, bây giờ dựa vào nền kinh tế thị trường thì thu nhập từ thuế là chính không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước trên thế giới đều là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Chẳng hạn ở Pháp viết rằng: Nguồn thu chủ yếu của ngân sách, của Nhà nước Pháp bây giờ chính là đánh vào thuế xăng, dầu. Vì thuế xăng, dầu là đầu vào của rất nhiều sản phẩm, nên đánh vào đây rất là gọn, không phải làm bao nhiêu thứ thuế linh tinh khác. Đó là một ý nữa tôi xin phát biểu.
Chúng tôi muốn nói thêm một ý nữa đó là mối quan hệ của Luật này và các luật thuế khác. Sáng nay đồng chí Tào Hữu Phùng đã phát hiện ra một vấn đề và đồng chí Trần Ngọc Đường cũng phát hiện vấn đề. Tôi nghĩ rằng cần phải có một hiểu biết rõ hơn, nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Đó là sao? Đồng chí Tào Hữu Phùng cho rằng chúng ta không nên quên Khoản 2, Điều 122 và cho rằng rồi đây những cái gì liên quan đến quản lý thuế trong các Luật thuế hiện nay thì đều được bỏ hết. Tinh thần của Khoản 2 Điều 122 cũng vậy, theo tôi đây là một sự hiểu lầm vì theo nội dung chúng ta đang tính đưa vào Luật quản lý thuế ở đây thì tất cả những gì liên quan đến thuế đều thành quản lý hết. Vấn đề như thế, tức người ta bỏ luật ấy đi chứ không phải bỏ những điều về quản lý thuế. Thật ra tuy luật này ra đời muốn hơn tất cả các luật về thuế, nhưng nó lại là Luật chung về thuế, những luật thuế cụ thể đó là Luật cụ thể trên từng lĩnh vực mà chúng ta thu. Vì vậy, chính cái này là quy định chung và Luật kia phải cụ thể, đồng chí Đường cho rằng cái kia cụ thể rồi, cái này chưa cụ thể cho nên phải cụ thể hóa ở đây. Thật ra chúng ta phải cô nó lại làm tính chất chung và cái gì cần cụ thể cho từng lĩnh vực, vì thuế này với thuế kia đánh khác nhau, phần trăm khác nhau, tỷ lệ khác nhau, người đóng thuế khác nhau. Vì vậy, cần phải hiểu rõ đây không phải là Luật gì thay thế luật kia mà chính là Luật chung về thuế.
Vì vậy, tôi nghĩ cần phải xem xét lại Khoản 2, Điều 122 đó là ý nữa tôi muốn phát biểu.
Tôi rất ủng hộ đại lý thuế, đại lý thuế nếu chúng ta làm tốt thì nó tránh được rất nhiều tiêu cực, chúng ta chỉ quản lý người đại lý thuế thôi là tránh được tiêu cực. Vì khi họ muốn làm tốt thì họ phải làm nghiêm túc, hoặc có nguồn thu chính đáng cho họ, nếu họ đi vào con đường tiêu cực thì chỉ một lần này thôi. Cho nên chúng ta phải khuyến khích đại lý thuế này, chứ không phải nó tiêu cực, chính nó là một cứu cánh cho công tác thuế của chúng ta tránh được những tiêu cực. Một vấn đề nhỏ nữa đó là trong luật này chúng tôi thấy một vài chỗ đi vài câu chữ, chẳng hạn Điều 8, Điều 9 có một điều không bình thường. Điều 8 về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Điều 9 quyền hạn của cơ quan quản lý thuế. Ở đây chúng ta không thấy nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế, chúng ta dùng trách nhiệm để thay cho nhiệm vụ. Nhưng khi nói đến một cơ quan Nhà nước bao giờ chúng ta cũng nói quyền hạn và nhiệm vụ, nhiệm vụ đi trước, quyền hạn đi sau. Nhìn về góc độ này đó là quyền hạn, nhưng nhìn về góc độ kia nó lại là nhiệm vụ, nhiệm vụ của người đó. Chẳng hạn vấn đề kiểm tra thuế, thanh tra thuế đó là quyền hạn của cơ quan quản lý thuế, đồng thời đó cũng là nhiệm vụ của nó, vì thế nó từ bỏ cái này không được. Nếu nói đó là quyền hạn của nó có nghĩa là nó không kiểm tra thuế thì thôi vì đó là quyền của nó, khi quyền nó thì có thể thực hiện hoặc có thể không thực hiện, còn nói nhiệm vụ là bắt buộc anh phải thực hiện. Tuy là quyền của anh đó nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ của anh. Không thể nói cơ quan quản lý thuế mà lại không nói đến ấn định thuế, không nói đến cưỡng chế hành chính về thuế. Vì vậy không nên tách 2 điều này ra mà dồn thành 1 và đề là nhiệm vụ và quyền hạn.

Các văn bản liên quan