Trích ý kiến ĐBQH Cù Thị Hậu – Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam

Thứ Ba 14:07 15-08-2006

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội.
Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch, thưa tất cả các đồng chí.
Đồng chí Lê Duy Đồng đã phát biểu tương đối nhiều, tôi chỉ xin trình bày một số điểm như sau.
Trước tiên sở dĩ chúng ta không thông qua khi Chính phủ trình Pháp lệnh đình công. Vì Pháp lệnh đình công là một hình thức luật. Tức là bên dưới luật, Luật Lao động của chúng ta đã đưa nội dung về đình công rồi. Mà bây giờ chúng ta lại ra Pháp lệnh đình công nữa, mà lại luật không sửa thì làm sao có thể đáp ứng được việc đó. Tôi thấy chủ trương sửa Chương XIV của Bộ Luật lao động về đình công tôi cho là phù hợp. Còn lúc này tôi rất muốn chúng ta phải thông qua và sửa Chương XIV về đình công. Vì thực tế trong cuộc sống cũng rất cần phải có những quy định nó rõ ràng để chúng ta có thể thực hiện được. Nếu không có thì tình hình nó sẽ phức tạp.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, nhiều đồng chí đã phát biểu, tức là chúng ta cần phải sửa nhiều vấn đề. Ví dụ: Chương I, Chương XIII, Chương XV và Chương XVI. Tôi cho những việc đó chúng ta chưa có điều kiện làm ngay. Tôi cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn để sửa một Chương XIV tôi cho là phù hợp, phạm vi điều chỉnh như vậy. Tính lâu dài thì chúng ta có thể sửa một cách cơ bản về nội dung của Luật lao động.
Đi vào những vấn đề các đồng chí đề cập đến, đó là việc tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Ý kiến các đồng chí phát biểu cũng thể hiện còn các ý kiến khác nhau. Theo tôi nếu chúng ta giải quyết được như thế này thì chúng ta vẫn có thể tách tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Vì nếu như vậy tôi cho rằng tính khả thi cũng có điều kiện hơn, thứ hai là vi phạm về quyền chúng ta có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng hơn. Ở đây tôi muốn cần thể hiện rõ quan điểm, đó là cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm giải quyết vấn đề này như thế nào. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước không tham gia vào lĩnh vực này thì rõ ràng cũng rất khó. Nếu không có cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vào lĩnh vực này thì tôi nghĩ chúng ta không nên tách tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Nhưng nếu trường hợp cơ quan Nhà nước có trách nhiệm ở lĩnh vực này, thì tôi đề nghị nên tách tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Tôi xin trình bày phương án tranh chấp về quyền.
Tôi cho rằng tranh chấp về quyền rõ ràng nó vi phạm các điều luật khác đã quy định. Do đó cần có sự hoà giải ngay tại cơ sở. Thứ hai hoà giải không thành thì đại diện của người lao động thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước biết và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xem xét và giải quyết. Khi cơ quan quản lý Nhà nước xem xét giải quyết mà không đúng theo trình tự, không đúng quy định thì đề nghị người lao động được phép ngừng việc, sau đó đưa ra tòa. Chúng ta hòa giải ngay tại cơ sở không được, đưa thẳng ra tòa ngay thì tôi cho là không được, cũng không nên, nên có cơ quan quản lý có trách nhiệm xem xét giải quyết những vấn đề đó, nếu không được, người lao động được phép ngừng việc. Tôi đề nghị tinh thần tranh chấp về quyền là như vậy.
Còn tranh chấp về lợi ích, tôi thấy như các đồng chí đề cập đến cần phải có những bước đi đảm bảo chặt chẽ, muốn đình công được không phải dễ dàng, phải có thủ tục tuần tự. Tôi tán thành với các ý kiến của Ban soạn thảo đã trình bày ở đây.
Về phần thứ hai, các đồng chí đề cập, đó là thẩm quyền về lãnh đạo đình công. Ở đây tôi thấy các đồng chí đề cập ra một chủ trương, đó là những nơi có Công đoàn cơ sở, tôi cho là nên có đại diện Công đoàn, người tổ chức lãnh đạo đình công. Những nơi không có Công đoàn cơ sở, mà đây cũng đang là phổ biến, chúng ta không cho người lao động đình công thì cũng không được. Đồng thời chúng ta lại mở quá rộng ra thì chúng ta sẽ có Công đoàn. Vấn đề này đòi hỏi hoạt động Công đoàn như thế nào, chứ nếu không có thì dẫn đến tình trạng đa Công đoàn.
Các đồng chí đều biết ở Mỹ, Dương Đại Hải vừa qua tự xưng lên là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tình hình đang có xu hướng đa Công đoàn như vậy, chúng ta lại xác định là người lao động lại là người đại diện cho người lao động ở khu vực đó mà không có ràng buộc một chút gì trong hoạt động Công đoàn, tôi cho đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ.
Tôi muốn đề cập như thế này: Sở dĩ chúng ta rất chậm vì có Ban chấp hành lâm thời theo Điều 153 của Bộ Lao động, báo cáo các đồng chí đến giờ phút này Chính phủ chưa hề có ra một Nghị định, chúng tôi đã phải chủ động xin đề nghị với Chính phủ, chúng tôi tập hợp các cơ quan của Nhà nước để nghiên cứu đã trình Chính phủ để ra Nghị định về thành lập Ban chấp hành lâm thời theo Điều 153 của Bộ luật Lao động. Nếu không có gì thay đổi trong tháng 8 này Chính phủ sẽ thông qua.
Tôi đề nghị nơi có tổ chức Công đoàn thì Công đoàn là người chủ thể lãnh đạo đình công, nơi không có Công đoàn coi như người lao động, tập thể lao động có thể cử đại diện của người lao động, trên cơ sở đó Công đoàn cấp trên sẽ thông qua Nghị định hướng dẫn Điều 153 sẽ quyết định và có thể chỉ định tập thể lao động đấy là Ban chấp hành lâm thời để lãnh đạo đình công, do đó Công đoàn chúng ta vẫn là người lãnh đạo đình công, tôi cho như thế là phù hợp, chứ không có tình hình rất phức tạp. Do đó, Nghị định hướng dẫn Điều 153 về Ban chấp hành Công đoàn lâm thời, anh Đồng nói là sau khi đình công xong thì Công đoàn coi như chấp nhận Ban chấp hành Công đoàn này luôn.
Tôi nghĩ là khi người ta đã cử được đại diện cho tập thể người lao động đó thì Công đoàn có thể quyết định là Ban chấp hành Công đoàn lâm thời, khi đó Công đoàn hỗ trợ Công đoàn cấp trên và Ban chấp hành Công đoàn lâm thời đó sẽ lãnh đạo đình công. Tôi cho như thế là phù hợp, chứ không tình hình tôi thấy rất rối, nếu trường hợp chúng ta buông tay ra khỏi hiện tượng đó thì tình hình nó phức tạp, mà quốc tế đang muốn có tổ chức Công đoàn khác. Do đó, tôi xin đề nghị các đồng chí là chủ thể đình công vẫn đề cập đến là Công đoàn, nhưng hướng dẫn Điều 153 về Ban chấp hành Công đoàn lâm thời thì người lao động vẫn chấp hành, tiến hành có thể người ta sẽ cử và Công đoàn căn cứ vào đấy có thể thành lập một Ban chấp hành Công đoàn lâm thời để lãnh đạo đình công. Như thế nó chặt chẽ hơn, đấy là cái thứ hai.
Thứ ba, tôi muốn trình bày với các đồng chí đó là thủ tục đình công, các đồng chí nói là chúng ta có nhiều nguyên nhân, đó là nguyên nhân về Luật chúng ta cũng chưa vào cuộc sống. Thứ hai, Nhà nước rất chậm để thay đổi các chính sách.
Thứ ba Công đoàn có phần yếu kém chưa thực hiện được, tức là chưa tổ chức được nhiều Công đoàn ở cơ sở. Thưa các đồng chí thử hỏi các đồng chí Đảng chúng ta lãnh đạo như thế đã vào đến các cơ sở như thế nào. Đặc biệt các cơ sở ngoài quốc doanh hầu như tuổi thanh niên, nhưng thanh niên đã vào được đâu mà chủ dùng mọi biện pháp để ngăn cản tổ chức Công đoàn của chúng ta. Cán bộ Công đoàn đấy lại làm thuê cho ông chủ, ăn lương của ông chủ, vì miếng cơm manh áo của vợ con người ta việc làm người ta, người ta làm việc mà người ta lãnh đạo đình công là người ta mất việc, ai bảo vệ người ta. Tôi cho những nguyên nhân ấy rất nhiều, mà chúng ta thiếu pháp luật để trên cơ sở đó như thế nào, để người ta có thể đình công đúng được. Do đó, bây giờ quy định 500, tôi đề nghị như anh Hưởng sáng đề cập có thể 300 được không. Vì có thể Chủ tịch Công đoàn không có điều kiện để có thể đi đến từng tổ sản xuất được, vào đến máy thì máy đó người ta đã bó gọn người Chủ tịch Công đoàn ở máy đó rồi.
Thưa các đồng chí tôi cũng rất hiểu, trong lãnh đạo của Trung ương trước, chắc cũng chẳng có mấy đồng chí như tôi 18 năm trực tiếp làm công nhân, thấu hiểu hoàn cảnh, nỗi khổ của người ta như thế nào. Do đó nếu chúng ta quy định chặt quá, nó không vào cuộc sống thì rõ ràng không thực hiện được. Tôi đề nghị các đồng chí xem xét có thể 300 được không, còn lại trên 300 đấy thì lấy đại diện ý kiến của các tổ sản xuất với Công đoàn.
Tôi xin phát biểu về cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn, sáng nay có một đồng chí phát biểu Khoản c Điều 174đ là cán bộ Công đoàn được nghỉ làm việc hưởng lương ít nhất là 3 ngày để tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Tôi đề nghị phần này nói rõ hơn, vì nói chung như thế này thì không biết 3 ngày đó trong cuộc đình công đó, hay là trong cả 1 năm, tôi thấy không rõ xin các đồng chí quy định rõ vấn đề này.
Tôi xin phát biểu phần bồi thường thiệt hại, các đồng chí nghiên cứu việc bồi thường thiệt hại tôi nghĩ cũng cần sòng phẳng giữa quyền và trách nhiệm, nhưng chúng ta phải đặt ra ở thực tế. Sáng nay đồng chí Cường có nói chúng ta thiên về người lao động nhiều quá, tôi cho là đúng, người lao động có gì nữa để chúng ta thiên nhiều hơn để bảo vệ người lao động. Do đó tôi thấy trong việc đề cập như đình công bất hợp pháp, đình công về lợi ích tôi đề nghị không cần hưởng lương, không cần trả lương, sẵn sàng như vậy. Không phải mình cứ đình công tràn ra rồi mình đòi lương, nếu đình công bất hợp pháp là không lương, đình công về lợi ích cũng không lương. Vì hầu như chỉ có đình công về lợi ích mà đình công về lợi ích tôi cho là không cần trả lương, tức là người lao động chấp nhận đòi hỏi cái cao hơn so với quy định của luật pháp thì tôi đề nghị không cần trả lương.
Tôi xin đề cập một phần tiếp nữa là Điều 174đ, Khoản 2 có đề cập đến người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lãnh đạo đình công và người lao động tham gia cuộc đình công bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại vật chất nếu có. Tôi xin các đồng chí, các đồng chí thử xem xem cái đó có tính khả thi không? Liệu người lãnh đạo đình công nếu như thế thì chẳng bao giờ Công đoàn người ta lãnh đạo đình công cả, lấy gì để đền bù bồi thường thiệt hại. Các đồng chí biết người lao động tham gia đình công người ta có gì đâu để người ta bồi thường thiệt hại. Tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc cho lĩnh vực này, chứ không có một tí gì khả thi cả.
Nhưng những trường hợp mà ví dụ như các đồng chí đề cập đến đình công mà không hưởng lương thì coi như có thể cho phép các đồng chí đề cập đến, tức là có thể giữa hai bên thỏa thuận. Tôi cho rất là mềm mà vẫn có thể giải quyết được, tôi nói thật các đồng chí ông chủ nào không trả lương chưa chắc người ta đã vào làm việc. Có khi mình yêu cầu không trả lương đâu, nhưng cuối cùng người ta vẫn trả lương. Xin các đồng chí cân nhắc cho phần mà bồi thường thiệt hại, tôi cho nó không có tính khả thi theo Điều 174đ, Khoản 2. Tôi xin phát biểu một số ý như vậy, tôi kiến nghị làm sao luật của chúng ta phải rất rõ ràng thì tính khả thi cao. Chứ nếu luật chúng ta đưa vào những chuyện loằng ngoằng, nó quá dài dòng người ta không thực hiện được thì không có tính khả thi, rõ ràng luật chúng ta cũng chưa đi vào cuộc sống.

Các văn bản liên quan