Trích ý kiến ĐBQH Đặng Như Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

Thứ Ba 15:50 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau.
Thực ra đây là nghiệp vụ về thuế, tôi không tham gia về nghiệp vụ thuế, tôi chỉ tham gia trên tổng thể những kiến thức có xung quanh vấn đề này.
Thứ nhất, về mục đích quản lý thuế, tôi đề nghị bỏ mục này. Bởi vì, luật nếu để điều này thì có thực hiện điều đó không? Tức là căn cứ vào điều đấy có thực hiện điều gì không? Hay điều đó chỉ đặt ra cho người hoạch định về chính sách thôi, đấy là lý do thứ nhất. Tức là nếu để điều đó cho người hoạch định chính sách thôi, tức là thuế của anh anh đặt ra khi hoạch định chính sách phải đạt điều này, cái đó là của người hoạch định chính sách chứ không phải cái đặt trong nội dung được.
Thứ hai, khi ta xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước thì tổng thu ngân sách Nhà nước thì ta nói là ta huy động tổng ngân sách Nhà nước thu này bằng bao nhiêu phần trăm của GDP, như vậy nguồn thu của ngân sách Nhà nước là GDP hay là thuế, nếu tôi bỏ GDP đi thì nguồn thu của ngân sách Nhà nước là thuế hay GDP. Theo tôi, những cái đó là không nên bàn cãi, nếu không thì còn nói nhiều. Tôi cho là nguồn thu của nó là nền kinh tế, khả năng của nền kinh tế mà chính sách thu là thuế, phí và lệ phí, đúng hơn là nguồn thu của ngân sách lại là thuế, sau này nếu ngân sách không đủ thì anh phát triển và anh tăng nguồn thu là anh tăng chính sách thuế à, hay là anh có chính sách động viên đối với nền kinh tế của anh đó là GDP, bởi mình bàn chuyện đó là khi tính tỷ trọng huy động về của ngân sách thì anh nói cái này bằng bao nhiêu phần trăm GDP, vậy nguồn thu chính là GDP chứ ạ. Tôi không đủ thời gian để lấy ví dụ khác, ví dụ phí và lệ phí là tuỳ thuộc vào chính sách của anh hay tuỳ thuộc vào người nộp, tôi nói lý do thứ nhất là không nên đặt vào bởi cái đó không điều chỉnh cái gì cả, nó điều chỉnh bởi người làm luật thôi, vì người thực hiện luật không cần điều đó.
Thứ hai, bởi cái lý như tôi đã nói, không nên đưa mục đích vào đây vì mục đích không giải quyết vấn đề gì cả. Đấy là ý thứ nhất.
Ý thứ hai, về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Từ trước tới giờ tôi thấy ta làm từ A đến Z. Từ A đến Z là gì? Cơ quan hoạch định chính sách cũng là cơ quan kiểm sát nó, thanh tra nó, sau đó quyết toán nó. Tôi nói chẳng bao giờ anh triệt tiêu được những vấn đề tiêu cực trong đó cả. Đó là anh đã khép kín mà trong xây dựng cơ bản thì anh cấm khép kín. Nhưng ở đây chính sách này anh lại khép kín thì tôi không hiểu. Toàn bộ đoạn đằng sau của ta phải hoạch định chính sách nên là một cơ quan còn thực hiện chính sách và kiểm sát thực hiện chính sách đó đặt ở cơ quan khác, có được không ạ? Đấy là việc làm của thế giới họ làm mà, chứ của ta đặt ra chính sách sau đó anh bắt đầu là đi xem xét anh đó làm đúng hay sai, sau đó kiểm sát, kiểm tra và quyết toán vẫn là anh ấy thì làm sao Nhà nước này có thể kiểm soát được những chuyện tiêu cực nó xảy ra. Tôi rất tin ngành thuế, cả thuế nội và ngoại đều rất tốt, con người ta lúc nào cũng tốt, cực kỳ tốt và cứ nói đến ngành nào ngành ấy khổ sở, không có ngành nào bảo tôi sướng lắm. Tôi thấy chuyện đó đặt ra nên phải tách ra vấn đề "đá bóng, thổi còi" anh làm luật và anh trọng tài là hai anh khác nhau. Anh đá bóng thì tôi làm trọng tài theo luật, chứ không phải ông đá bóng thì ông ấy quyết định ông trọng tài về mặt luật, chỗ đó là chỗ mà trong quản lý Nhà nước hiện nay, cách làm của nước ta có chuyện đó. Phải chăng theo xu thế nên tách vấn đề này ra, đó là quản lý Nhà nước, đó là hoạch định toàn bộ chính sách. Còn thực hiện cơ quan thì nên rõ ràng vấn đề này, những chuyện gọi là tổ chức kiểm tra việc thực hiện vẫn là tổ chức của anh thực hiện chuyện đó, còn thanh tra kiểm soát đó là anh của quản lý Nhà nước có được không? Đấy là ý thứ hai tôi nghĩ rằng nên xem xét vấn đề này.
Vấn đề thứ ba, tức là trách nhiệm của các cơ quan khác, phải nói là cơ quan Mặt trận, Mặt trận và các đoàn thể đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng Đảng cũng là thành viên của mặt trận. Cho nên, Mặt trận làm được tất cả mọi thứ và vừa rồi ký một Nghị quyết là Nghị quyết liên Chính phủ với Mặt trận kiểm soát cán bộ công chức và Đảng viên. Tôi không hiểu được về mặt ban hành quy phạm pháp luật nó là cái gì, ở cơ sở tôi có đọc Nghị quyết đó, xong tôi thấy bây giờ Mặt trận là tất cả, trách nhiệm thì rõ rồi nhưng trách nhiệm đó không hoàn thành thì nó là cái gì, là có chế tài để quy kết về trách nhiệm anh không hoàn thành đó là cái gì thì không có. Tức là anh chỉ có một vế, giao cho anh quyền này, nhưng quyền đó anh thực hiện không ra gì thì lại chẳng sao cả. Tôi không hiểu nổi là việc gì cũng tham gia chuyện này, xin các đồng chí phải xem xét, nếu không hoàn thành trách nhiệm của mình thì sao? Tôi thấy không có chế tài nào điều tiết ở đây, tức là điều chỉnh ở đây mà trong Luật và trong các quy định hiện nay Mặt trận và các đoàn thể đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ quan tổ chức của Đảng cũng là thành viên của Mặt trận, tức là cứ vào vòng luẩn quẩn của ta.
Đề nghị thứ hai, tôi xem là có nên lúc nào cũng ở trách nhiệm của toàn bộ cái này không? Nếu đã có trách nhiệm thì phải có những cái của ta, nếu không hoàn thành cái đó thì sao? Là phải có chế tài xử lý về mặt trách nhiệm.

Các văn bản liên quan