Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Thứ Ba 15:48 15-08-2006

Kính thưa Hội nghị,
Tôi xin phát biểu hai điểm:
Trước tiên, tôi xin phát biểu thêm về Điều 18 và thứ hai nữa về tên luật. Về Điều 18 tôi định không phát biểu thêm, nhưng anh Nguyễn Đình Lộc có nói: "Nếu chúng ta làm tốt chuyện này thì đại lý thuế là cần" thật ra chữ "nếu" mình có thể viết lại cả lịch sử nữa cơ chứ không phải chỉ có riêng làm tốt cái này không đâu. Đồng chí Trần Việt Hùng có nói rất đúng là cái lợi thì không biết như thế nào, nhưng sơ hở thì rõ ràng rành rành ra đó rồi. Bây giờ thật ra công việc những hộ cần nộp thuế, tôi nói hộ đây là cá nhân và tổ chức hay là doanh nghiệp cần nộp thuế, thì từ cá nhân, tất cả những chỗ khác người ta có bộ phận tài vụ, kế toán, người ta biết khi kinh doanh là tôi phải chịu thuế như thế nào? trong trường hợp nào tôi được miễn thuế thế nào?
Cho nên việc kê khai tôi nghĩ là không có vấn đề gì, nếu cần họ được tư vấn thì họ tư vấn về luật, xem tôi làm ăn trong lĩnh vực này, bộ phận kế toán của tôi thấy được như vậy thì không biết cơ quan tư vấn luật pháp thấy có đúng hay không, chứ còn chạy để miễn thuế thì chỉ có thể chạy vào tiêu cực thôi, móc ngoặc với nhau thôi mà làm cò với nhau thôi. Từng loại hoạt động có quy định của những sắc thuế đó rồi, trong trường hợp nào được miễn và miễn bao nhiêu thì rành rành ra hết rồi, bây giờ có cần phải chạy tìm cách để mà miễn thuế nhiều hơn? Miễn thuế nhiều hơn chỉ có thể đi tới chỗ tiêu cực với nhau mà thôi.
Thứ hai là nộp, mai mốt này là mình sẽ càng ngày mình thanh toán mình chuyển khoản qua chuyển khoản, mình có thẻ ATM, có tất cả những cái này rồi, mai mốt chuyện nộp thuế vô cùng đơn giản, cho tôi biết là tôi phải nộp bao nhiêu, sau bao nhiêu ngày tôi có quyền được khiếu nại, nếu sau bao nhiêu ngày không có khiếu nại thì phải nộp, như vậy chỉ đi chuyển khoản vào thôi. Tại sao mình lại đẻ ra một bộ máy để đi nộp, rủi ôm cái đó mà chạy trốn thì ai chịu trách nhiệm chuyện này. Cho nên tôi thấy hoàn toàn chuyện đại lý thuế là không cần thiết, mà đẻ ra cái này như đồng chí Lê Quốc Dung hay đồng chí Nguyễn Hữu Nhơn nói khi nãy, trong lúc mình tinh giản bộ máy của mình, xã hội hóa là để tinh giản bộ máy, xã hội hóa mà lại đẻ ra một bộ máy trung gian nữa, mà thấy tiêu cực nhiều hơn là tích cực thì tôi nghĩ là không cần thiết. Để trong Điều 18 nếu cần là kinh doanh tư vấn pháp luật về thuế, tôi nói "nếu cần" vì nếu không, cứ để trong hoạt động tư vấn pháp luật là đã có một luật khác quy định rồi. Tôi nghĩ hoàn toàn không cần chuyện này, nếu nói xã hội hóa công tác thuế tôi nghĩ đẻ ra như vậy là đẻ ra thêm tiêu cực.
Thứ hai về tên luật, hôm trước ở Hội trường Ba Đình, tôi là người đã đề xuất nên gọi là Luật thu và nộp thuế, cho rõ luật này quy định như thế nào đối với người nộp, quy định như thế nào đối với người thu. Bởi vì nội dung quản lý thuế đúng như đồng chí Trần Ngọc Đường nói nó rất rộng và quản lý Nhà nước về thuế còn thêm những luật khác nữa chứ không phải chỉ có luật này. Vì vậy cho nên nếu để Luật quản lý thuế, tên nghe rất rộng, nhưng chỉ có quy định về phần những người nộp thuế còn bên quản lý, bên thu thuế như thế nào thì hoàn toàn mất cân đối trong chuyện này. Tôi nghĩ như vậy là không nên, sau khi đồng chí Đường phát biểu khi sáng, tôi xin trở lại đề nghị của tôi gọi luật này là Luật thu và nộp thuế. Đối tượng của nó rất rõ, hai đối tượng, một là những người nộp và hai là những cơ quan Nhà nước và những công chức làm công tác thu thuế.
Như vậy Điều 1 có thể để là mục đích của việc thu và nộp thuế thay mục đích của luật này, không phải của quản lý thuế. Mục đích đó là gì? Một là người nộp phải nộp đủ, nộp đúng, người thu phải thu cho đủ và không để thất thu, không để tiêu cực xảy ra trong công tác thu thuế của mình. Tôi nghĩ nếu như vậy thì phạm vi của nó rất rõ, với nội dung như vậy tôi nghĩ mình có thể tin được và sẽ giải quyết được vấn đề thất thu thuế mà hiện nay rất nhức nhối. Thất thu, một là vì người nộp thuế trốn tránh, là khai gian để miễn thuế, để được giảm thuế. Thứ hai như buổi sáng tôi có trích dẫn một điều tra xung quanh các doanh nghiệp tại Hà Nội, họ cũng công nhận họ phải ăn chia với cán bộ thuế để cưa đôi, để bên người thu cũng có lợi riêng cho họ chứ không phải cho ngành thuế, thứ hai là cho các doanh nghiệp họ cũng được bớt phần thuế phải nộp. Tôi nghĩ nếu mình đặt cho rõ phạm vi thì tôi tin rằng công tác thu thuế, nộp thuế của mình sẽ tốt hơn như hiện nay

Các văn bản liên quan