Trích ý kiến ĐB Đặng Thuần Phong – ĐBQH Tỉnh Bến Tre

Thứ Tư 15:14 09-08-2006
Tôi xin phép tham gia một số mà mình cảm thấy băn khoăn về vấn đề chung, về quan điểm khi mà xem xét bố cục về dự án luật này, đúng là tôi băn khoăn rất nhiều. Xem nội hàm về những quy định trong các điều luật, so với dự án này tôi thấy nhiều điểm chưa phù hợp và còn gán ghép. Ví dụ tên điều, tên luật của ta là Luật Chuyển giao công nghệ, đáng lý ra toàn bộ những hoạt động về chuyển giao công nghệ phải được thể hiện rõ về cả nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục trong việc chuyển giao công nghệ. Rồi hàng loạt vấn đề về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia chuyển giao công nghệ, nguyên tắc nào để thực hiện chuyển giao công nghệ thì chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này hoặc những vấn đề xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo v.v... thì nó phải được thể hiện hết sức đầy đủ trong dự án luật này. Nhưng tôi rất tiếc các chương nó không được thể hiện vấn đề này rõ nét. Ví dụ: Chương II, tên chương là Hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nhưng ở đây có Điều 14 nói nguyên tắc giao kết hợp đồng. Các Điều 19, 20 lại nêu về nghĩa vụ của các bên giao và bên nhận công nghệ, tôi cho nó không phù hợp về mặt nội hàm.
Chính chỗ này tôi đề nghị riêng Điều 14, nguyên tắc giao kết hợp đồng, tôi đề nghị không nên quy định điều này. Tại nếu chúng ta quy định trong đây nó cũng chưa đầy đủ, nó chủ yếu theo Luật Dân sự. Tôi đề nghị nên thu hút nó lên phần chung và quy định thành điều là nguyên tắc của sự hoạt động chuyển giao công nghệ. Nguyên tắc hoạt động chuyển giao công nghệ nó tuân thủ theo vấn đề gì thì nó sẽ đi xuyên suốt dự án luật này. Để ghi một điều như thế, Điều 14 nó không hợp lý, cũng ở tại Điều 14 này chúng ta lại quy định ở Khoản 3, ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng văn bản là do hai bên thoả thuận, ban đầu nghe rất là thoải mái, nhưng trường hợp hai bên thoả thuận bằng tiếng nước ngoài hợp đồng phải có một văn bản bằng tiếng Việt, hai văn bản đó có giá trị như nhau, cái này nó chưa phù hợp với hệ thống luật ta.
Kỳ họp này chúng ta cũng đang làm Luật Công chứng, chúng ta công chứng đối với những hợp đồng giao dịch tại Việt Nam ta thì chủ yếu bằng tiếng Việt, nếu có khách nước ngoài đến công chứng tại đây bằng tiếng Việt người ta có nhu cầu thì người ta sẽ làm bản dịch và công chứng bản dịch đó. Đối với chuyển giao công nghệ của ta cũng thế, nếu từ nước ngoài đến Việt Nam để chuyển giao tại Việt Nam thì có thể làm bằng tiếng Việt, cũng có thể làm bản dịch ra tiếng khác cho hai bên đương sự, trường hợp Việt Nam chuyển giao công nghệ sang các nước khác, chúng ta đến nước người ta chúng ta làm hợp đồng thì cũng phải tuân thủ pháp luật của người ta. Cho nên, điều này quy định như thế này nó không phù hợp, nó cũng chưa thống nhất với hệ thống pháp luật hiện nay của ta về lĩnh vực này.
Tôi đề nghị cơ quan chủ trì nên cân nhắc xem xét thêm.
Chương III, dịch vụ chuyển giao công nghệ, Điều 33, chúng ta lại đưa điều kiện, nói chung là tiêu chuẩn của anh giám định viên công nghệ, cái này nó không phù hợp nữa, vì tiêu chuẩn giám định viên này ở ngoài là có bằng đại học, công tác 3 năm trở lên.v.v... thì nó phải nằm trong pháp luật giám định, không thể quy định trong Luật chuyển giao công nghệ được, ra điều để quy định tiêu chuẩn của anh giám định này tôi thấy nó không thích hợp. Các Điều 34, 35 quyền nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch trong công nghệ, Các Điều 38, 39 xung quanh giá trị pháp lý, chứng thư giám định công nghệ.v.v...Tôi sẽ phân tích các điều này, riêng về nội hàm của các điều này nằm trong chương này tôi cho là nó không thích hợp.
Chương IV, biện pháp khuyến khích thúc đẩy, phát triển công nghệ, có đại biểu trước tôi cũng đã nói rồi, ở đây có hai điều nêu về trách nhiệm của tổ chức cá nhân, của cơ quan đại diện ngoại giao, có một điều nói về quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền chuyển giao kết quả nghiên cứu phát triển công nghệ. Quyền đó đúng ra là quyền sở hữu trí tuệ của người ta, nó cũng không nằm trong biện pháp khuyến khích. Chính chỗ này về mặt bố cục tôi thiết nghĩ chúng ta nên cân nhắc lại, chúng ta bố trí nội hàm nó đi theo chương cho nó phù hợp để khi nhìn vào tổng thể dự án luật này thì nó rõ nét hơn.
Còn về chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ ở Điều 4 nhiều đại biểu phát biểu rồi, tôi xin phép không phân tích. Nhưng theo tôi điều này phải thể hiện rõ được 4 vấn đề.
Thứ nhất là vốn đầu tư của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ này ra sao.
Thứ hai là chính sách về cơ sở hạ tầng cho chuyển giao công nghệ của Nhà nước như thế nào.
Thứ ba là ưu tiên thuế, miễn giảm thuế các đại biểu trước tôi đã nêu.
Vấn đề thứ tư là đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển giao công nghệ này như thế nào, cái đó nó mới thể hiện rõ nét chính sách của Nhà nước.
Còn về Quỹ hỗ trợ, tôi tán thành với các đại biểu trước là đồng ý có loại Quỹ để chúng ta hỗ trợ phát triển cái này. Chúng tôi tán thành theo phương án 1 trong Tờ trình các cơ quan chủ trì đã nêu.
Còn đi vào một số điều, tôi xin phép nêu thêm ở Điều 36 là điều giám định công nghệ, ở đây chúng ta có nêu trường hợp các bên ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ mà nhận thấy công nghệ chuyển giao đó nó không đạt các chỉ tiêu quy định trong hợp đồng, có thể mời chứng thư giám định công nghệ là bên yêu cầu tổ chức giám định công nghệ này có quyền đó. Nhưng ở đây lại nêu nếu không đồng ý với chứng thư giám định công nghệ thì có quyền yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu tổ chức giám định công nghệ khác thực hiện giám định công nghệ. Về hai yêu cầu tổ chức giám định công nghệ khác giám định thì rõ rồi, nhưng yêu cầu trọng tài giải quyết thì nó lại trái với Điều 61.
Điều 61 chúng ta quy định giải quyết tranh chấp này ngoài trọng tài ra còn có Tòa án, như vậy tại sao ở Điều 36 giám định công nghệ chúng ta chỉ yêu cầu trọng tài giải quyết vấn đề này. Vì khi giám định rõ kết quả rồi thì dẫn đến tranh chấp, tranh chấp ngoài trọng tài thì còn Tòa án giải quyết. Cho nên, điều này tôi nghĩ thẩm quyền của Tòa án nếu nêu thì phải nêu cho đầy đủ, phải bổ sung luôn cho Tòa án, còn không nêu thì bỏ đoạn "yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp" thì chúng ta áp dụng Điều 61 sẽ phù hợp.
Điều 38 là giá trị pháp lý của chứng thư giám định. Điều 39 cũng là giá trị pháp lý chứng thư giám định. Một bên là đối với người giám định, một bên là đối với các bên hợp đồng chuyển giao công nghệ, tôi băn khoăn hai điều này. Điều 38 chứng thư giám định chỉ có giá trị đối với bên mà ta yêu cầu thôi, nếu như thế này thì yêu cầu giám định để làm cái gì, để chứng tỏ những chỉ tiêu về mặt kỹ thuật không đảm bảo, để nó phát sinh mối quan hệ mà cần những giải quyết mối tranh chấp đó và cần thiết là phải đảm bảo yêu cầu hơn giám định đã ký, đã cam kết trong hợp đồng. Chứng thư giám định chỉ có giá trị đối với bên yêu cầu giám định thôi, không có giá trị với bên kia và cũng không có giá trị gì đối với giải quyết tranh chấp của trọng tài hoặc Tòa án. Tôi nghĩ quy định như thế này không phù hợp và khó giải quyết cho giải quyết tranh chấp sau này.
Theo tôi, nếu đã gọi là giá trị pháp lý của chứng thư giám định thì giá trị này nó cũng phải có giá trị làm chứng cứ trước tòa đối với phiên xét xử dân sự liên quan đến lĩnh vực này. Riêng Khoản 3, Điều 39, đối với Khoản 1 nếu có thỏa thuận thì giá trị pháp lý sẽ áp dụng cho các bên, còn Khoản 2 nếu không có thỏa thuận thì giá trị pháp lý chỉ có tác dụng đối với bên yêu cầu giám định thôi. Còn Khoản 3 đưa ra 2 trường hợp đều có giá trị pháp lý đối với cả hai bên, như vậy nó cũng không phù hợp. Tôi đặt trường hợp là nó không có thỏa thuận thì sao? khi chứng thư giám định lại kết quả nó khác chứng thư giám định ban đầu thì xử lý theo 2 trường hợp a, b nhưng giám định này hai bên không có thỏa thuận gì hết, thì nó chỉ có tác dụng đối với một bên mà cả 2 khoản lại có tác dụng luôn cả hai bên. Như vậy, trong điều luật 3 khoản này lại là mâu thuẫn với nhau, như vậy là cơ sở để giải quyết tranh chấp của trọng tài và Tòa án sau này sẽ rất khó thực hiện. Tôi đề nghị nên cân nhắc kỹ lại cho nó thỏa đáng hơn.

Các văn bản liên quan