Trích ý kiến ĐB QH Trần Đình Long – ĐB Tỉnh Đăk Nông

Thứ Tư 15:15 09-08-2006

Trước hết, về giải thích từ ngữ, tôi tán thành với nhiều ý kiến, chúng ta lựa chọn đưa vào giải thích từ ngữ sát với những điều cần phải quy định để dễ, còn những từ ngữ nào chung nhất thì chúng ta rành riêng cho nó. Về nội dung tôi nghĩ trong các phần giải thích từ ngữ này có mối quan hệ lẫn nhau cho nên cũng cần làm cho rõ và đặc biệt là những người không am hiểu nhiều về lĩnh vực công nghệ này, đọc cũng có thể biết được.
Tôi thấy Khoản 1 của Điều 3 nói về công nghệ thì chúng ta nói rất gọn nhưng khi nói về đối tượng chuyển giao công nghệ hay nội dung chuyển giao công nghệ thì tôi nghĩ những điều này có mối liên hệ lẫn nhau. Công nghệ là gì, nội dung chuyển giao cũng là cái đấy cho nên tôi thấy Khoản 3 và Khoản 1 có mối liên hệ lẫn nhau, cần phải làm cho gọn rõ và khái quát được vấn đề. Trong đó có một số thuật ngữ tôi nghĩ rằng nếu như ở nước ngoài hay ở đâu đó chúng ta nghiên cứu thì khác, nhưng đối với Việt Nam thì nghe rất gần gũi, chẳng hạn như vườn ươm hoặc là ươm tạo. Tôi nghĩ những từ này nghe ra thì rất trồng trọt, chúng ta có trung tâm, có viện nghiên cứu, có cơ sở nghiên cứu v.v... ở đây chúng ta dùng từ là vườn ươm doanh nghiệp mà doanh nghiệp là một tổ chức, thực chất của nó là vấn đề hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng nó, phát triển nó.
Tôi thấy nhiều thuật ngữ chúng ta có thể khái quát được, không nhất thiết đưa nó về với một thuật ngữ mà tôi cho là dễ nhầm lẫn như vườn ươm, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thì có thể chấp nhận được, như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thì khác. Tôi cho rằng cần phải có những thuật ngữ tương đối khoa học và thoát nghĩa mà hiện nay chúng ta đang dùng.
Về giám định tôi nói về khía cạnh khác, đồng chí Phong cũng đã nêu, tôi cơ bản nhất trí nhưng tôi đề nghị về vấn đề giám định công nghệ ta xác định nó là một dịch vụ. Ở đây có tổ chức dịch vụ không hay là tổ chức thực hiện việc giám định đó, trong các điều luật có chỗ thì gọi là tổ chức thực hiện dịch vụ giám định, nhưng có chỗ gọi là tổ chức giám định. Vậy thì bây giờ có tổ chức giám định hay không cũng cần phải làm rõ và tổ chức giám định ấy tư cách pháp nhân của nó như thế nào, giám định viên ra sao và hình thức tổ chức giám định như thế nào.
Ví dụ thành lập hội đồng giám định hay là tổ chức giám định đó họ giám định một số lĩnh vực mà được quy định trong phạm vi hoạt động của họ thì họ tự giám định hay cách thức giám định như thế nào. Tôi nghĩ cũng cần phải có quy định cụ thể nếu không chúng ta thấy một người cũng có thể giám định, hội đồng cũng có thể giám định v.v... tôi đề nghị việc này cũng cần phải tính để quy định cho rõ.
Về giá trị pháp lý đồng chí Phong cũng có nêu, nhưng tôi nghĩ giá trị pháp lý của giám định trước hết phải nói là cơ sở khoa học và tính chính xác của nó. Khi đã khẳng định nó là cái gì thì phải được mọi người tôn trọng nó dù là các chủ thể tham gia quan hệ hoặc các quan hệ khác có tranh chấp thì vấn đề khoa học là cơ sở để xác định tính pháp lý và tính chính xác của nó trong quá trình giám định đó. Tôi nghĩ rằng phải quy định một cái chung nhất mà bất cứ ai khi nói đến cơ sở khoa học và tính chính xác của nó thì phải được công nhận nó là bản chất của sự việc. Không thể nói một cách duy ý chí anh thừa nhận, anh không thừa nhận được, đấy là ý nghĩa của giá trị pháp lý của vấn đề giám định.
Điều 46 về quỹ, tôi đọc trong dự thảo này tôi không coi phương án 2 là một phương án mà phương án 2 như một báo cáo giải trình. Bởi vì nguyên tắc là anh bổ sung quy định đó là luật nào quy định, văn bản nào quy định thì bổ sung văn bản ấy còn luật này có quy định phương án ấy đâu mà ta bảo là bổ sung. Cho nên tôi nghĩ nếu như phương án 1 thì chúng ta chấp nhận phương án 1 còn nếu không quy định thì sửa đổi một quy định nào đó về quỹ. Còn phương án 2 thì tôi không coi đó là một phương án, bởi vì các anh bảo là bổ sung chức năng thì văn bản nào quy định thì ta bổ sung văn bản ấy còn luật này có quy định đâu mà chúng ta bổ sung. Tôi cho rằng cách viết như thế này thì không hiểu được, nếu như phương án 2 thì phải nói rõ là phương án 2 là gì, chứ không thể nói là bổ sung. Tôi nghĩ hiện nay chúng ta có quỹ phát triển đó rồi, bây giờ bổ sung nó, bổ sung nó thì một cơ quan nào có thẩm quyền, một luật nào quy định hay pháp lệnh, hay Thủ tướng quy định thì chúng ta sẽ bổ sung cái đó. Mà đây chỉ là báo cáo giải trình thôi, chứ viết như thế này không thể là phương án 2 được.
Một điều tôi rất quan tâm, tôi cũng đã có đọc đi, đọc lại mãi đó là Điều 48 về thế chấp. Thế chấp, cầm cố tài sản thuộc sở hữu Nhà nước đối với các cơ sở khoa học này cho thế chấp. Theo Điều 204 của Bộ Luật dân sự quy định là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước giao cho các cơ quan Nhà nước thì phải quản lý và sử dụng đúng mục đích, nó khác với tài sản Nhà nước mà có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước giao cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh khác. Đây là một đơn vị sự nghiệp, một cơ sở nghiên cứu khoa học, bây giờ vác hết toàn bộ máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất để đi thế chấp vay về mà hậu quả pháp lý việc thế chấp thì chúng ta có bán được cái này không? Cho nên tôi nghĩ, đây là vấn đề cần phải nghiên cứu và Bộ Luật dân sự là Điều 204 đã quy định rõ ràng việc quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Tôi đề nghị quy định như Điều 48, tôi cho là không phù hợp và nếu có quy định thì quy định trường hợp nào, tài sản loại gì, cơ sở nào, cơ quan nào thì được thế chấp. Chứ còn không thể nói chung một cái là tất cả đều có quyền thế chấp. Cuối cùng tôi xin nêu một vấn đề trong dự thảo này chưa có ghi, đó là chúng ta có các quy định về chuyển giao, điều kiện chuyển giao và những điều không được chuyển giao, nhưng lại không có điều bắt buộc phải chuyển giao. Theo Luật Sở hữu trí tuệ có quy định ở Mục 1, Mục 3 và các Điều 145, 146, 147 ở Chương X có quy định bắt buộc phải chuyển giao thì người ta đó là quyền sở hữu trí tuệ, nó còn phải thiêng liêng và được bảo vệ triệt để. Nhưng cũng có việc cần bắt buộc phải chuyển giao. Ở đây vấn đề chuyển giao công nghệ có điều nào mà có thể bị bắt buộc phải chuyển giao hay không? theo tôi, tôi đề nghị cũng còn nghiên cứu vấn đề này.

Các văn bản liên quan