Trích ý kiến đại biểu QH Đặng Văn Xướng – ĐB Tỉnh Long An

Thứ Tư 14:58 09-08-2006

Tôi xin có một số ý kiến đóng góp cho dự án Luật chuyển giao công nghệ như sau:
Trước hết, Điều 4 chính sách của Nhà nước. Theo tôi không phải ngẫu nhiên trong nhiều dự án luật gần đây được Quốc hội xem xét, thông qua đều có điều nói về chính sách của Nhà nước. Song, Quốc hội cũng hết sức khắt khe đối với những quy định cụ thể trong điều luật này theo hướng Quốc hội không chấp nhận những quy định mang tính chất hô hào, kêu gọi chung chung. Nó không chứa đựng các quy phạm pháp luật, song tôi cũng hiểu rằng Quốc hội yêu cầu như thế không có nghĩa là Điều 4 về chính sách chúng ta phải quy định những nội dung nó mang quy định pháp luật một cách cụ thể và áp dụng ngay. Tôi hiểu nó là những quy định mang tính chất quan điểm, tư tưởng, định hướng, cái mà Nhà nước cần khuyến khích đầu tư để mà đạt đến theo mục đích của mình. Đồng thời nó cũng làm cho cơ sở để quy định các điều luật chứa đựng các chính sách cụ thể trong luật đó.
Theo tinh thần như vậy, tôi đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu từ sáng đến giờ, theo tôi điều này chúng ta cần phải cân nhắc lại và chỉ giữ 3 khoản thôi, Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4, tất nhiên có sửa đổi.
Về Khoản 1, tôi đề nghị bổ sung từ "khuyến khích" như ý kiến của đại biểu Dung hồi sáng. Đó là khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu sáng nay là bổ sung cụm từ "nhanh và bền vững" vào ngay đây. Cụ thể là "nhu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế xã hội của đất nước". Đã nói như vậy chúng ta bao hàm cả bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chúng ta cũng tránh được những vấn đề mà rất tế nhị. Nếu chúng ta nêu không khéo cũng ảnh hưởng đến đối ngoại.
Khoản 3 và Khoản 4, tôi đề nghị thiết kế lại theo hướng đề xuất của đại biểu Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách sáng nay, tôi xin nói gọn như vậy. Nghĩa là những chính sách đó nó đề cập đến vấn đề thuế, vấn đề tài chính, vấn đề tín dụng v.v... mà ở các điều luật sau chúng ta đã có thiết kế.
Ý kiến thứ hai về Điều 5, nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ. Ở đây Khoản 2, quy định "xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược chương trình, biện pháp cơ chế thúc đẩy chuyển giao công nghệ". Theo tôi quy định như thế này là chưa đủ, tôi đề nghị bổ sung hai từ "chính sau" sau "cơ chế". Quản lý Nhà nước, nội dung của nó chúng ta cần phải quy định những chính sách. Nhất là chúng ta tổ chức thực hiện các cơ quan Nhà nước, điều hành các thành phần kinh tế cùng tham gia để tổ chức thực hiện cho được các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cái đó rất quan trọng mà trong luật này chúng ta có rất nhiều điều luật nói về chính sách để thúc đẩy công nghệ.
Ý kiến thứ ba, về Điều 13, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Tôi rất băn khoăn và chia sẻ với ý kiến của đại biểu Khanh hồi sáng. Đúng là trong dự án luật này, giới hạn chuyển giao công nghệ và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ, chúng ta đề cập tới quốc phòng an ninh không rõ và không chuẩn. Tôi đề nghị có cân nhắc, tôi bổ sung cụm từ "làm tổn hại quốc phòng an ninh" vào Khoản 1 sau cụm từ "quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Và Khoản 1 sẽ được thiết kế như sau: "lợi dụng hoạt động chuyển giao công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, làm tổn hại quốc phòng an ninh, hủy hoại môi trường và tài nguyên quốc gia, gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc".
Tên Chương II, tôi đồng ý với đại biểu Minh là bỏ từ "hợp đồng" và chúng ta chấp nhận tên của chương này là "chuyển giao công nghệ. Cũng như ở chương tiếp theo là chương "dịch vụ chuyển giao công nghệ", chuyển giao công nghệ và dịch vụ chuyển giao công nghệ chính là nội hàm của hoạt động chuyển giao công nghệ. Tuy rằng tên chương như vậy nó trùng với tên luật, nhưng một số luật khác chúng ta cũng đã có quy định như vậy. Tôi đề nghị phải thiết kế lại thứ tự cũng như nội dung cho hợp lý hơn, tôi cảm thấy có gì đó rất lộn xộn trong chương này như đại biểu Minh hồi sáng đã phát biểu.
Về quỹ, lúc đầu đồng ý như phương án 2 bởi vì thấy chúng ta có nhiều quỹ quá, nhưng qua phát biểu của nhiều đại biểu nhất là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, như đại biểu Mai thì tôi đồng ý phương án thứ nhất. Nếu làm tốt phương án này thì chúng ta sẽ góp phần xóa được bao cấp trong hoạt động khoa học công nghệ. Gần đây Chính phủ rất quan tâm đến việc này. Tôi nghĩ có quỹ này nó sẽ góp phần thực hiện được đề án đó.
Cuối cùng ở Điều 52, Điều 52 khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ. Theo tôi đây là một điều rất quan trọng, chuyển giao công nghệ nói riêng, khoa học và công nghệ nói chung là quốc sách hàng đầu cho nên Nhà nước phải quan tâm đầu tư, khuyến khích tạo điều kiện để các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cùng tham gia. Với tinh thần đó quy định ở Khoản 1 là kinh phí mà doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật tiến bộ và đổi mới công nghệ được tính vào chi phí sản xuất nhưng không quá 2% doanh thu. Chỗ không quá 2% doanh thu, tôi rất băn khoăn, tôi thấy cái này phải cân nhắc nhất là các nhà chuyên môn quy định sao cho nó phù hợp. Bởi vì 2% doanh thu nó sẽ là một con số tuyệt đối rất là lớn đối với những doanh nghiệp có doanh thu lớn, ngược lại nó sẽ là con số rất nhỏ đối với những doanh nghiệp có doanh thu rất nhỏ, rất cần đầu tư để đổi mới kỹ thuật công nghệ. Cho nên, theo tôi tỷ lệ này cần nâng lên, chúng ta phải quy định cái cần, tỷ lệ phần trăm này phải nâng lên.
Chúng ta đã có Khoản 4 ngay điều này là Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành các quy định tại điều này. Chúng ta cho phần trăm đó cao lên, trên cơ sở đó các bộ này sẽ có quy định, quy mô doanh thu của doanh nghiệp cỡ nào, doanh nghiệp được trích lại là bao nhiêu phần trăm, tôi thấy như vậy nó sẽ phù hợp hơn. Trên đây là một số ý kiến đóng góp.

Các văn bản liên quan