Trích ý kiến ĐB QH Trần Ngọc Đường – Phó Ban công tác lập pháp

Thứ Tư 15:00 09-08-2006
Tôi xin có một số ý kiến đóng góp vào Luật chuyển giao công nghệ.
Ý kiến thứ nhất, bàn về phạm vi điều chỉnh, trong phạm vi điều chỉnh quy định ở Điều 1 tôi thấy rằng việc chuyển giao công nghệ trong nước, cũng như chuyển giao công nghệ ở nước ngoài vào nước ra không có sự phân biệt về phương diện pháp lý gì cả trong dự án luật này.
Do đó, theo tôi đều là chuyển giao công nghệ cả, tôi đọc xem thử là trong dự thảo luật này, chuyển giao công nghệ trong nước hoặc là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào hoặc từ Việt Nam ra có chính sách gì khuyến khích không? có cái gì về phương diện pháp lý 3 loại chuyển giao này có những quy định pháp lý khác nhau không thì không thấy. Do vậy, tôi nghĩ nếu có sự phân biệt thì mới liệt kê, còn nếu không phân biệt thì chỉ cần quy định dự án luật này quy định hoạt động chuyển giao công nghệ là đủ.
Liên quan đến vấn đề đó vì tôi thấy không có hoặc là tôi đọc chưa kỹ là có sự phân biệt với 3 loại chuyển giao công nghệ này, nên ở điều giải thích từ ngữ nên chăng cũng bỏ 3 từ đó, vì không có gì khác nhau cả để mà định nghĩa vào đây, chuyển giao công nghệ trong nước là chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức trong nước với nhau, còn nước ngoài từ ngoài vào và từ Việt Nam ra. Thành ra không có cái gì về phương diện pháp lý để mà phải định nghĩa thêm 3 thuật ngữ này, 3 thuật ngữ này dễ hiểu, thà rằng về phương diện pháp lý có những sự khác nhau, có những chính sách khác nhau, có những quy định pháp lý khác nhau, thì định nghĩa là được.
Điều 3 theo tôi còn có điểm nữa là có một số thuật ngữ lại là một điều luật sau này rồi, vì vậy ở thuật ngữ nào có điều luật quy định về vấn đề đó, thì tôi nghĩ nên kết hợp đưa vào đó để dễ hiểu về điều luật đó, khỏi phải giở ngược giở xuôi, khỏi phải hiểu về điều đó như thế nào. Tôi ví dụ giám định công nghệ chẳng hạn là trong một điều hoặc một vài điều về giám định, thì trước khi nói có thể nói qua về điều đó, không cần một điều giải thích nữa. Đọc như thế rất dễ hiểu khi đi vào những quy định pháp lý liên quan trực tiếp đến vấn đề đó, do đó có thể giảm bớt ở Điều 3 một số thuật ngữ nữa, không phải dài dòng.
Điều 4, tôi thấy như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu sáng nay là không rõ, bản thân tôi cũng không rõ là chính sách gì cả. Theo tôi ở Điều 4 này có thể kết hợp với Điều 9 và Điều 10 thành một điều. Điều 9 là công nghệ khuyến khích chuyển giao và Điều 10 là địa bàn khuyến khích chuyển giao. Khi nói về chính sách thì người ta hay nói đến Nhà nước ưu tiên những cái gì và khuyến khích cái gì, theo tôi cần phải xác định loại công nghệ gì được ưu tiên, được khuyến khích. Vì chính sách của Nhà nước là khuyến khích công nghệ nào quy định ở Điều 9 đưa vào đây, rồi địa bàn nào khuyến khích, rồi khuyến khích các hình thức chuyển giao. Đặc biệt theo tôi là phải có thêm một chính sách đó là ưu tiên chuyển giao công nghệ trong nước, cùng một loại công nghệ mà những cơ sở như Viện, trường làm được phải khuyến khích chuyển giao đó tôi cho đó là một điều mà trong luật này cần phải đặc biệt lưu tâm.
Tôi thấy trong dự án luật này khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước còn mờ nhạt. Tôi cho rằng cần phải lưu ý và có thêm những điều quy định về vấn đề này ở chương về biện pháp thì tốt hơn. Theo tôi chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ ở đây quy định ở 3 điều, Điều 4, Điều 9 và Điều 10, thậm chí ở điều đầu tiên của chương biện pháp tôi cho đó cũng là chính sách. Chương về biện pháp phát triển thị trường công nghệ cũng là một loại chính sách về chuyển giao công nghệ. Nên chăng gom nó lại một chỗ, không để rải rác, hoặc muốn cụ thể hoá thì chương chung này chỉ nói những điều quy định chung, Điều 9, Điều 10, Điều 4 đều thuộc chính sách khuyến khích hoạt động công nghệ cả. Vì vậy nên đưa nó về một điều là hợp lý.
Ý thứ ba, tôi rất băn khoăn về Điều 11 là công nghệ chuyển giao có điều kiện. Công nghệ chuyển giao có điều kiện và công nghệ không được chuyển giao, giáp ranh của nó rất khó xác định. Tôi cũng không am hiểu lắm về công nghệ chuyển giao có điều kiện này là để làm gì, nhưng những loại công nghệ mà có nguy cơ như thế này mà lại cho mà sau này lại có một số loạt đến năm, bảy điều quy định về thủ tục công nghệ chuyển giao có điều kiện ở trong dự án luật này tôi thấy khá nặng nề. Cái này theo tôi cũng không phân biệt được thế nào là có nguy cơ, trong này quy định công nghệ chuyển giao có nguy cơ gây hại đến môi trường, có nguy cơ gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên, có nguy cơ hại đến sức khỏe con người, có nguy cơ hình thành và phát triển các ngành công nghệ trong nước ảnh hưởng đến xu hướng thấp v.v... Tôi không hiểu những loại công nghệ có nguy cơ này như thế nào và dùng chữ nguy cơ này khi cho phép, khi xác định sau này dựa vào tiêu chí nào là có nguy cơ, nên lúc cần thì cho, lúc không cần thì cấm. Vì vậy, khi xảy ra sự việc cụ thể thì nó sẽ tranh chấp, vì vậy không hiểu cho loại chuyển giao công nghệ có nguy cơ này là có lợi gì mà lại phải quy định vào đây.
Do vậy, theo tôi đề nghị với Ban soạn thảo phải làm rõ điều này nếu cho chuyển giao loại công nghệ có nguy cơ này thì phải quy định rõ để sau xin phép, cho phép thì tạo điều kiện thuận lợi hơn, khi giải quyết tranh chấp dễ hơn. Nếu quy định như thế này thì rất khó, nên chăng chỗ này theo tôi chỉ hạn chế cho phép chuyển giao đối với loại công nghệ này hoặc bỏ loại chuyển giao có điều kiện, chỉ có 2 loại. Một loại là chuyển giao khuyến khích như trong này, còn một loại cấm chuyển giao, còn nữa là chuyển giao bình thường, không cần phải Luật quy định. Đấy là chương thứ nhất.
Về chương II - hợp đồng chuyển giao công nghệ, theo tôi về nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ thì mỗi loại quy định trong này là được cụ thể hóa một điều, riêng tôi còn có điều băn khoăn đó là đối tượng chuyển giao công nghệ, sản phẩm do công nghệ tạo ra không có một điều quy định nào khi nói đến nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tôi cho nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ là đối tượng chuyển giao công nghệ và sản phẩm do công nghệ tạo ra là cần được mô tả tương đối chi tiết, cụ thể trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, lại không quy định. Nên chăng phải thiết kế một điều nói rõ đối tượng chuyển giao công nghệ sản phẩm do công nghệ tạo ra được quy định như thế nào trong hợp đồng, vì hợp đồng quan trọng lắm.
Ở đây có một số điểm mà cũng còn thiếu, ví dụ như trong hợp đồng, nội dung là phải nói rõ nước, pháp luật mà hai bên đã thỏa thuận với nhau khi xảy ra tranh chấp thì sử dụng pháp luật của nước nào? Tòa án của nước nào? Trọng tài của nước nào? nên ghi rõ thêm cái đó.
Về chương cuối là chương giải quyết các tranh chấp khiếu nại, tôi thấy có một số ý như sau:
Ý thứ nhất, Điều 62 các loại chế tài áp dụng trong hoạt động chuyển giao công nghệ viết còn thiếu, ở đây mới là chế tài trong hợp đồng chuyển giao công nghệ nếu vi phạm và tranh chấp thì mới dùng chế tài này, còn chế tài trong hoạt động chuyển giao công nghệ có những chế tài về kỷ luật hành chính và hình sự thì không liệt kê vào đây, nhưng tên của nó là các loại chế tài áp dụng trong hoạt động chuyển giao công nghệ thì phải có cả kỷ luật, có cả hành chính, cả hình sự. Chứ không chỉ có những nội dung như trongnày quy định. Tôi đề nghị điều đó cần phải sửa nhất.
Điều 61 cần phải nói rõ giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án nào do hai bên thỏa thuận hay như thế nào phải ghi rõ vào và pháp luật của nước mà trọng tài, tòa án do hai bên thỏa thuận, ở Khoản 3, Khoản 2 cần phải làm rõ thêm trong Điều 61.

Các văn bản liên quan