Trích ý kiến của Thứ Trưởng Bộ Công An Lê Thế Tiệm

Thứ Ba 15:13 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí.
Bộ Công an xin phát biểu một số vấn đề xung quanh dự thảo Bộ luật thi hành án.
Thứ nhất là về quan điểm của dự án Bộ luật thi hành án, chúng tôi thấy rằng đây là dự án Bộ luật lớn từ trước đến nay, có nhiều phức tạp, đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục làm rõ thêm về phần lý luận và thực tiễn, nhất là việc tổng kết công tác thi hành án hình sự. Việc dự kiến chuyển giao công tác thi hành án phạt tù, tử hình hoặc trục xuất từ lực lượng vũ trang sang các cơ quan dân sự quản lý. Việc thành lập cảnh sát tư pháp.
Quá trình tham gia xây dựng dự án Bộ luật này, Bộ Công an luôn luôn khẳng định chuyển giao công tác thi hành án tử hình, phạt tù, trục xuất từ lực lượng vũ trang sang các cơ quan dân sự quản lý là vấn đề lớn, phức tạp, cần phải tính toán thật cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và cũng phù hợp với điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy cũng như điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta. Quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an là không nên xây dựng một Bộ luật thi hành án điều chỉnh cả 3 lĩnh vực: thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, đồng thời chưa nên chuyển giao công tác thi hành án hình sự từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sang Bộ khác, với những căn cứ sau đây:
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Bộ luật, một là, thi hành án hình sự khác hẳn với thi hành án dân sự, thi hành án hành chính về mục đích, bản chất, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, trình tự, thủ tục, biện pháp cưỡng chế, biện pháp nghiệp vụ thi hành án, tổ chức bộ máy, truyền thống lập pháp cũng như hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, nên quy định riêng lẻ lĩnh vực pháp luật dân sự với pháp luật hình sự. Về dân sự có Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh thi hành án dân sự. Về hình sự có Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh thi hành án phạt tù. Tham khảo kinh nghiệm lập pháp các nước cũng không thấy quốc gia nào trên thế giới gộp thi hành án dân sự, hành chính và hình sự vào chung một đạo luật.
Hai là, Bộ luật hình sự quy định 14 hình phạt, mỗi hình phạt có tính chất pháp lý, điều kiện, đối tượng áp dụng và nguyên tắc, trình tự thủ tục, cơ quan thi hành án và mức độ xử lý khác nhau. Thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến các quyền lợi cơ bản của công dân, do đó cần điều chỉnh bằng văn bản có hiệu lực pháp lý cao, hạn chế các văn bản dưới luật, nên nếu xây dựng một Bộ luật thi hành án điều chỉnh cả 3 lĩnh vực: thi hành án dân sự, hình sự và hành chính sẽ rất cồng kềnh, phức tạp và không có điều kiện để quy định được cụ thể, chi tiết. Vì vậy đề nghị tách 2 đạo luật riêng, Luật thi hành án hình sự và Luật thi hành án dân sự, để có điều kiện quy định cụ thể, quán triệt được những vấn đề đổi mới, giải quyết toàn diện những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Phân biệt rõ ranh giới giữa lĩnh vực dân sự với lĩnh vực hình sự, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và thực tiễn lập pháp trên thế giới.
Thực hiện theo hướng này đúng như gợi ý thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sẽ phù hợp với điều kiện nước ta và cũng phù hợp với Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị. Theo đó trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nghiên cứu xây dựng Dự án Bộ luật thi hành án.
Vấn đề thứ ba, về dự kiến chuyển giao tổ chức công tác thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù, thi hành án trục xuất từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp. Trước hết về mặt lý luận cần phân biệt chức năng quản lý Nhà nước với chức năng tổ chức thực hiện cụ thể. Việc thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thi hành án hình sự không đồng nghĩa với việc trực tiếp quản lý công tác này. Cách phân công như vậy có thể thấy trong hầu hết các lĩnh vực khác như nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy đều giao cho Bộ Công an. Nhưng trực tiếp thực hiện công tác này giao nhiều ngành thực hiện như Công an, Lao động, thương binh và xã hội hoặc các nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước nhất là tư pháp, xây dựng văn bản pháp quy về pháp luật được giao cho Bộ Tư pháp, nhưng không có nghĩa chỉ có Bộ Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện toàn bộ các hoạt động đó, rõ nhất là lĩnh vực tư pháp, y tế, giáo dục, tài chính v.v...
Trên tinh thần đó Bộ Công an đồng ý phương án giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ khác, các cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý Nhà nước công tác thi hành án.
Về tổ chức thi hành án thì giữ nguyên như phân công hiện nay, đó là Bộ Tư pháp thi hành án dân sự, hành chính, Bộ Công an thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù, thi hành hình phạt trục xuất, Bộ quốc phòng thi hành các bản án do Tòa án quân sự tuyên phạt. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thi hành các bản án hình sự khác.
Về mặt thực tiễn ở nước ta thi hành án tử hình, phạt tù, trục xuất không chỉ đơn thuần là hoạt động thi hành pháp luật, mà còn là công tác nghiệp vụ của ngành Công an, có quan hệ mật thiết với các hoạt động nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là một kho tài liệu sống để tiến hành khai thác, thu thập các nguồn tin về tội phạm ngoài xã hội phục vụ cho công tác điều tra, tấn công, truy bắt tội phạm và là nơi tuyển chọn phạm nhân sử dụng làm cơ sở bí mật nơi các vụ án để tiến hành điều tra mở rộng làm rõ tội phạm. Trong thực tiễn nhiều vụ án thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, quá trình đấu tranh chuyên án được tiến hành liên tục từ ngoài xã hội vào trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc ngược lại.
Đối với các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia liên quan đến vấn đề nhạy cảm, nhưng như vấn đề nhân quyền dân tộc, tôn giáo hoặc liên quan đến tình hình phức tạp và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác thi hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngoài xã hội. Do đó ngay từ đầu năm 1945 khi các trại giam được thành lập, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao cho lực lượng công an quản lý nhằm thực hiện 3 yêu cầu:
Thứ nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn các trại giam trong mọi tình huống.
Thứ hai, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Thứ ba, đấu tranh, khai thác nhằm phục vụ đánh địch trước mắt và lâu dài.
Nếu chuyển giao công tác quản lý trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ sang Bộ khác quản lý dẫn đến những khó khăn cho bảo vệ tuyệt đối an toàn giam giữ chặt chẽ phạm nhân và hoạt động điều tra phòng, chống tội phạm của lực lượng công an nhân dân.
Bên cạnh đó, thực tiễn hoạt động 70 trại giam và 753 nhà tạm giữ đang sử dụng hơn 1 vạn phạm nhân để thực hiện một số công việc đặc thù như vệ sinh, đấu tranh, đưa cơm, vận chuyển quà, đồ dùng sinh hoạt cho bị can tạm giữ, tạm giam và phục vụ yêu cầu nghiệp vụ. Những công việc này không thể lấy hợp đồng lao động bên ngoài được, do phải chi một khoản ngân sách lớn và biên chế bộ máy lớn dễ xảy ra thông cung, khó khăn cho ta, cho hoạt động của cơ quan điều tra.
Ba là, công tác thi hành án hình sự không chỉ có thi hành án tử hình, phạt tù, trục xuất mà còn nhiều hình thức thi hành khác do các lực lượng khác nhau đảm trách. Thi hành án phạt tù do lực lượng cảnh sát quản lý trại giam đảm nhiệm chính với sự tham gia của các đơn vị địa phương, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp trực tiếp tham gia thi hành án tử hình, giam giữ những người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án và tạm giam, tạm giữ người đang có quá trình điều tra, truy tố, xét xử do các trại tạm giam thuộc công an tỉnh và ở Bộ công an, các nhà tạm giữ công an có quyền đảm nhận.
Thi hành án trục xuất do lực lượng quản lý xuất, nhập cảnh đảm nhiệm, thi hành các hình phạt khác như quản chế, cấm cư trú, cải tạo không giam giữ, quản lý người bị phạt tù cho hưởng án treo được giao cho chính quyền địa phương, nhưng công an cấp cơ sở vẫn phải trực tiếp theo dõi, quản lý, giáo dục để ngăn ngừa họ tái phạm tội.
Thứ tư, quá trình chuẩn bị dự thảo Luật thi hành án cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này. Tuy nhiên, việc tham khảo kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực pháp luật phải hết sức thận trọng vì mỗi nước có đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội rất khác nhau. Trong khi đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc tổ chức bộ máy cưỡng chế Nhà nước ta. Vấn đề tổ chức và phân công nhiệm vụ bộ máy cưỡng chế ở nước ta không phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay, vì vậy ta chỉ nên tiếp thu những kinh nghiệm lập pháp và tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án phù hợp với điều kiện Việt Nam. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc có đến hơn 198 quốc gia thành viên tổ chức theo mô hình giao lực lượng cảnh sát quản lý cơ quan điều tra và trại giam, chưa thấy quốc gia nào giao một cơ quan duy nhất đảm nhận toàn bộ công tác thi hành án dân sự, hành chính, hình sự. Mô hình phổ biến nhất được các nước lựa chọn là cơ quan điều tra phòng, chống tội phạm và các trại giam, trại tạm giam thống nhất do lực lượng cảnh sát đảm nhận. Còn thi hành án dân sự, hành chính thì do Tòa án hoặc cơ quan dân sự khác đảm nhận.
Thứ năm, trong nhiều năm qua công tác tổ chức thi hành án phạt tù do Bộ Công an thực hiện về cơ bản là tốt, góp phần quan trọng trong công cuộc đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ sở giam giữ, thực hiện tốt các chế độ của Nhà nước đối với phạm nhân. Trong khi đó cả về lý luận và thực tiễn hiện nay đều chưa làm rõ tính ưu việt của việc chuyển giao cơ quan dân sự quản lý công tác thi hành án hình sự, mà chỉ thuần túy là phân công lại nhiệm vụ giữa các ngành. Mặt khác, chưa có phương án xử lý, khắc phục những khó khăn đã thấy trước của thực tiễn, thậm chí chưa lường hết những nguy cơ phức tạp có thể xảy ra, nhất là trong điều kiện diễn biến tình hình trên thế giới, trong khu vực, ở trong nước rất phức tạp, đặc biệt là tội phạm ngày càng ra tăng, diễn biến khó kiểm soát như hiện nay. Hơn nữa về tổ chức bộ máy Nhà nước ta vẫn đang rất ổn định, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đang làm tốt chức năng, nhiệm vụ nên chưa cần phải có sự thay đổi. Do vậy, đặt vấn đề chuyển giao công tác và các lực lượng thi hành án tử hình từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sang Bộ khác là chưa phù hợp với thực tế, tính chất hoạt động chưa lường hết những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra. Việc đổi mới tổ chức hoạt động thi hành án cần phải được đặt trên tổng thể cải cách tư pháp. Theo đó, cần phải tính toán cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị bắt đầu từ đổi mới tổ chức của Toà án, lấy đó làm trung tâm để tiến hành cải cách cho các cơ quan tư pháp khác, trong đó có thi hành án, đây là vấn đề rất lớn cần phải được thống nhất. Trên tinh thần đó, đề nghị chỉnh lý dự án Bộ luật này theo hướng giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước công tác thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự như hiện nay. Bộ Công an trực tiếp thi hành án phạt tù tử hình và Bộ Quốc phòng trực tiếp thi hành các bản án và quyết định của Toà án quân sự.
Thứ tư, về lực lượng cảnh sát tư pháp, quan niệm về cảnh sát tư pháp như trong dự thảo Bộ luật là chưa phù hợp, tham khảo kinh nghiệm các nước, cảnh sát tư pháp thực chất là cảnh sát điều tra, ở một số nước còn có thêm những công chức ở ngành hải quan, thuế vụ cũng được bổ nhiệm làm cảnh sát tư pháp. Do đó, ở nước ta hiện nay không thể có cảnh sát tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp hiện nay là lực lượng vũ trang hợp thành của công an nhân dân, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Luật Quốc phòng quy định lực lượng vũ trang nhân dân chỉ bao gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ, lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ các trạm giam, nhà tạm giữ, bảo vệ phiên toà, dẫn giải người làm chứng, áp giải các bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án quyết định khác do pháp luật quy định theo yêu cầu của cơ quan thi hành án, trực tiếp thi hành án tử hình, quản lý kho vật chứng, ngoài ra lực lượng cảnh sát bảo vệ, hỗ trợ tư pháp còn có những nhiệm vụ khác phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Lực lượng này luôn luôn gắn với hoạt động phục vụ điều tra, nếu chuyển sang ngành khác là sẽ chia cắt và gây khó khăn cho hoạt động điều tra, phát sinh thêm đầu mối, thủ tục không cần thiết. Đặc biệt là bố trí hoạt động nghiệp vụ trinh sát để theo dõi người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác điều tra.
Vì thế, nếu chỉ quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn hỗ trợ thi hành án của cảnh sát tư pháp như trong dự thảo khi chưa rõ cả về chức năng, nhiệm vụ, mà mô hình tổ chức là không phù hợp. Để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ về tổ chức hoạt động thẩm quyền của lực lượng cảnh sát tư pháp, không nên quy định cảnh sát tư pháp như trong dự thảo Bộ luật, mà cần nghiên cứu để quy định một cách thống nhất, đồng bộ và toàn diện ở một số văn bản pháp luật khác.
Thứ năm, về một số quy định cụ thể trong nội dung Bộ luật, về thi hành án tử hình, theo nguyên tắc thì Bộ Tư pháp đảm nhận công tác thi hành án hình sự, thì sẽ đảm nhận cả thi hành án tử hình. Như vậy, khi phạm nhân bị kết án tử hình có quyết định thi hành án thì các trại giam thuộc Bộ Công an phải bàn giao phạm nhân cho cơ quan thi hành án nào của Bộ Tư pháp quản lý để canh gác, áp giải và trực tiếp thi hành án tử hình. Nếu Bộ Tư pháp đảm nhận thì sẽ gây ra nhiều tốn kém về ngân sách, do phải xây dựng thêm các cơ sở giam giữ bị can tử hình, lập bộ máy mới để canh gác bảo vệ thi hành án và sẽ không có lợi cho Nhà nước về vấn đề nhân quyền trước dư luận quốc tế, khi lập thêm các cơ sở giam bị án tử hình ở các tỉnh trong toàn quốc.
Nhiều quy định trong Dự thảo Luật về chế độ giam giữ bị can tử hình, trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức thi hành án tử hình chưa rõ, ngay cả vấn đề cho gia đình nhận tử thi và mai táng cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn. Trường hợp cho người thân nhận thi hài bị án tử hình về mai táng có lẽ là vấn đề nhân đạo, nhưng khi họ nhìn thấy người thân bị bắn liệu có suy nghĩ gì về chế độ của ta?
Về thi hành án phạt tù do chưa tổng kết và nghiên cứu một cách toàn diện nên phần quy định về thi hành án phạt tù nêu trong dự thảo Bộ luật, mới chỉ tập hợp các quy định hiện có, còn nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa được đề cập trong dự thảo nên chưa có quy định cụ thể về chế độ phân loại, áp dụng chế độ giam giữ riêng theo từng loại. Chưa có quy định riêng đối với phạm nhân là người nước ngoài, quốc tịch nước ngoài.
Có quy định về trách nhiệm các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc tham gia vào công tác giáo dục, văn hóa, dạy nghề, hành nghề, phần chữa bệnh cho phạm nhân, tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng chưa cụ thể. Một số quy định mới đưa vào dự thảo, nhưng lại chưa nghiên cứu kỹ nếu đưa vào thực hiện sẽ gây khó khăn mới cho công tác thi hành như đối với quyết định tạm đình chỉ gửi cho Cục quản lý trại giam sau đó mới sao gửi cho trại giam, gửi cho phạm nhân, quy định cho bạn bè phạm nhân thăm gặp. Nhiều quy định mới đưa ra còn rất bất cập, do đó cần tiến hành tổng kết toàn diện thực tiễn thi hành pháp luật trong giam giữ, cải tạo phạm nhân. Trên cơ sở đó khi xây dựng Bộ luật sẽ khắc phục những hạn chế hiện nay và khi ban hành thực hiện trong cuộc sống sẽ giảm được những vướng mắc. Báo cáo các đồng chí đây là vấn đề có thể nói là những năm trước đây khi đặt vấn đề chuyển phòng cháy chữa cháy cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển trại giam cho Bộ Tư pháp, lúc đó đồng chí Lê Đức Anh là Chủ tịch nước và là Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó là Thủ tướng Chính phủ và là Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Khi bàn vấn đề này các đồng chí chỉ nói 2 câu thôi, đồng chí nói là phòng cháy chữa cháy ít để Bộ Công an nó còn cháy, chuyển Bộ khác nó còn cháy nhiều hơn để ở Bộ Công an. Trại giam để ở Bộ Công an nó còn trốn trại, chuyển Bộ khác nó trốn nhiều hơn để ở Bộ Công an. Đảng ủy công an không bàn nữa, hai ông nói 2 câu đó coi như không bàn nữa, cho nên thấy đây là vấn đề các đồng chí lão thành cũng có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, để bảo vệ đất nước. Cho nên, chúng tôi nói đây với tinh thần trách nhiệm, vì ổn định đất nước, cái gì có lợi cho đất nước thì chúng ta tính, từng bước vững chắc chứ không vội vàng, đôi khi nó xảy ra những hậu quả chúng ta chưa lường hết được thì lúc đó mới ngỡ đúng là gay go cho đất nước. Tôi đề nghị các đồng chí trong Quốc hội cũng cần có xem xét để tính toán bước đi, lộ trình cho hợp lý.

Các văn bản liên quan