Trích ý kiến của ĐBQH Trần Văn Nam – Tỉnh Bình Dương

Thứ Năm 10:16 31-08-2006

Kính thưa các đồng chí, trước hết về quan điểm chung tôi xin thể hiện chính kiến của mình quay lại phát biểu trước đây về vấn đề hộ khẩu. Tôi xin thể hiện chính kiến là tôi vẫn cho rằng trong giai đoạn hiện nay hộ khẩu vẫn là một phương tiện để quản lý. Tôi thấy bản thân sổ hộ khẩu nó hoàn toàn không có tội, việc người dân người ta có ý kiến hoặc chúng ta bức xúc, một là hộ khẩu chúng ta để ăn theo nhiều quá, thấy rằng 380 vấn đề ăn theo hộ khẩu nên rất bức xúc.
Thứ hai, tôi thấy rằng trong quá trình chúng ta làm, do thủ tục, do thái độ, do nhiều vấn đề xung quanh cách làm của chúng ta, cho nên chúng ta thấy hộ khẩu là bức xúc. Nếu như chúng ta trả lại thật đúng chức năng vốn có của hộ khẩu và nếu như chúng ta làm tốt chức trách của người công chức và một số vấn đề liên quan khác nữa đối với dân thì tôi nghĩ rằng hộ khẩu hiện nay cũng không phải là vấn đề lớn lắm. Trong khi chúng ta chưa có một giải pháp nào thật là tốt, thật là hữu hiệu và thật là thực tế áp dụng với Việt Nam thì tôi cho rằng hộ khẩu vẫn là vấn đề mà chúng ta quản lý xã hội hiện nay là phù hợp.
Đi vào vấn đề cụ thể, thứ nhất về Điều 3 giải thích từ ngữ chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc địa điểm cụ thể khác mà công dân sử dụng để cư trú. Cư trú thì gồm có tạm trú và thường trú, như vậy trong này chúng ta còn một chỗ nữa là lưu trú. Tôi đọc hết luật này, nếu chúng ta định nghĩa chỗ ở hợp pháp như thế này, thì rõ ràng lưu trú sẽ không có chỗ ở hợp pháp. Tôi xin đề nghị chỗ này phải xem xét bổ sung, kể cả dùng để cư trú, lưu trú vào đây thì tôi nghĩ rằng nó mới phù hợp.
Về Điều 12 các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú ở Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 chúng ta nói cụ thể về người, nhưng Khoản 4 chúng ta lại nói về địa điểm khu vực. Tôi cho rằng thiết kế luật này như vậy không phù hợp, giống như chúng ta có một câu chúng ta thường ví dụ là một người bị thương hai lần, một lần ở chân và một lần ở Sài Gòn chẳng hạn, như vậy chúng ta thấy rằng thiết kế luật không đúng. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế lại Khoản 4 này cho nó kỹ hơn, phù hợp với tên điều của Điều 12.
Về Điều 25 quay lại chỗ hộ khẩu, tôi xin đề nghị riêng Điều 25 Ban soạn thảo có thể nên chăng cho thêm một số dòng nêu lên chức năng của hộ khẩu cho rõ, nêu bật lên ý nghĩa của hộ khẩu và các vấn đề liên quan đến hộ khẩu, tôi cho rằng nếu chúng ta thiết kế được chỗ này thì vô hình chung chúng ta sẽ cắt được cái đuôi của 380 vấn đề liên quan đến hộ khẩu, chúng ta lựa chọn cái gì còn liên quan đến hộ khẩu thì chúng ta khẳng định vào trong luật, còn cái gì không liên quan đến hộ khẩu thì chúng ta cương quyết bỏ. Sau này trong thực tế ai còn làm, thì coi như là vi phạm định nghĩa này, nên chăng là chúng ta làm như thế.
Về Khoản 3, Điều 25 nó cũng liên quan đến nhiều khoản khác, tôi xin đề nghị Bộ Công an nên có quy định cụ thể về các mẫu hướng dẫn thủ tục việc cấp lại, đổi, sử dụng v.v... vào trong này. Tôi cho những vấn đề này rất đơn giản xưa nay ta đã làm rồi, cho nên chúng ta nên quy định phần cứng ở trong này, trừ một số trường hợp khác, để bảo đảm tính minh bạch cho tốt hơn
Điều 27 tôi thấy rằng Chủ tọa cũng đề ra vấn đề là người sống chung với gia đình, chưa có gia đình hoặc là chưa ly hôn v.v.. đủ 18 tuổi trở lên thì có được tách hộ khẩu không? Tôi cho rằng những người sống trong hộ gia đình, nếu đủ 18 tuổi trở lên nếu có nhu cầu và họ cho rằng việc tách hộ khẩu của họ là vấn đề cần thiết và nó tạo thuận lợi cho họ, thì tôi đề nghị cho họ tách hộ khẩu. Chúng ta nên thiết kế vào trong luật ý đó, quan điểm cá nhân tôi đề nghị như vậy, vừa đảm bảo tính riêng tư của họ, quyền của họ và có thể bảo đảm được việc thuận lợi trong quá trình giao dịch của họ. Tôi đồng ý vấn đề thiết kế vào trong luật ý đó.
Điều 29, Khoản c tôi băn khoăn chữ "chủ nhà", chủ nhà thực ra là văn nói nhưng chủ nhà chưa chắc là người có quyết định về các vấn đề trong nhà đó. Tôi xin đề nghị trong luật chúng ta nên sửa lại cụm từ này và các điều khác, "chủ nhà" sửa thành "chủ sở hữu nhà" theo đúng như các văn bản pháp luật khác để nó bảo đảm tính đồng nhất.
Điều 30, Khoản 3: "Khi thay đổi địa giới hành chính, đường phố" v.v... tôi thấy rằng đây là vấn đề tôi cũng mừng vì trong này thiết kế có vấn đề này, có vấn đề này tôi cho rằng hiện nay là rất bức xúc. Một khi đơn vị nào, thay đổi vị trí, thay đổi hành chính, thay đổi địa điểm là người dân hết sức khổ.
Tôi cho rằng thay đổi này do Nhà nước, cho nên ở Điều 3 này tôi đồng ý như thế, nhưng thiết kế như thế nào đó để khi thay đổi thì Nhà nước phải làm toàn bộ lại cho người dân, hết sức nhiêu khê chỗ này. Một khi người ta nói thay đổi con đường, thay đổi xã, thay đổi địa giới hành chính là người ta hết sức lo sợ, đặc biệt trong cuộc thi như thi đại học, chuyển đi làm công việc gì đó mà chúng ta mang hộ khẩu lên, người dân có khi họ chưa đụng đến vấn đề hộ khẩu nếu họ không quan tâm. Nhưng khi đụng đến hộ khẩu thì chúng ta lại gặp hết sức nhiêu khê, như vừa qua thi đại học, một số xã, phường, tỉnh nào đó thì tách ra rồi, họ chưa kịp tách thì rất khổ cho người ta, người ta tìm mọi cách chạy, chạy bằng được nếu không thì con em người ta không kịp thi. Cho nên, tôi thấy điều này hết sức vô lý, chuyện tách là chuyện ngoài ý muốn của người dân Nhà nước tách nhưng người dân không muốn tách, bây giờ chúng ta tách mà ảnh hưởng đến hộ khẩu thì chúng ta lại bắt đầu quay lại hành dân. Tôi cho rằng không công bằng, cho nên ở Khoản 3 này chúng ta thiết kế như thế này là được, nhưng tôi đề nghị thiết kế thật rõ là các vấn đề nếu liên quan đến thay đổi này, thì Nhà nước phải chịu kể cả lệ phí nếu có. Tôi đề nghị như vậy thì người dân họ mới hài lòng, nếu như vậy tôi nói một cách đơn giản là thay đổi một cái chỉ cần nộp hết hộ khẩu lên thì xem cái gì mà thay đổi thì hộ khẩu trong từng trường hợp cụ thể, hộ khẩu nào thay đổi, tình tiết trong đó thay đổi, còn không thì nó như cũ nhưng chúng ta làm hết sức khó khăn. Cho nên, tôi thấy ở Khoản 3, Điều 30 tôi xin đề nghị quý vị xem xét thêm vấn đề đó. Điều cuối cùng là trách nhiệm công chức, các khoản riêng về trách nhiệm quản lý cư trú có liên quan đến công chức như thái độ, cử chỉ, lời nói v.v... tôi nghĩ cũng nên cân nhắc, bởi vì trong Pháp lệnh công chức đã có rồi. Nếu chúng ta muốn ghi cho kỹ thì chúng ta nên ghi các vấn đề liên quan đến Pháp lệnh Công chức, kèm theo những vấn đề đặc thù, nếu trong quá trình liên quan đến người dân, còn nếu không thì chúng ta sẽ làm theo đúng như Pháp lệnh Công chức, lúc chúng ta ghi lúc chúng ta không và ghi có thể thiếu. Tôi cho rằng như thế nó cũng không đầy đủ.

Các văn bản liên quan