Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu – Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội

Thứ Năm 10:14 31-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi cũng trong tâm trạng của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, nó cũng mang tính chất hơi gay gắt, tôi cũng nằm trong tâm trạng đó, vì chúng ta đang bị một việc nó phi lý, nó có vẻ như màn sương nó bao trùm trong nhân dân. Cho nên, bây giờ người ta nghe nói là Quốc hội ra Luật Cư trú này người ta mừng lắm, người ta muốn được giải phóng ra khỏi một sự ràng buộc mà nó vô lý. Còn tôi chưa nghe công dân người ta nói là bỏ sổ hộ khẩu, bởi ở miền Bắc thì tôi không biết, tôi sống trong chế độ cũ, tôi biết chế độ cũ người ta quản lý gia đình cũng rất là chặt chẽ. Sổ gia đình và giấy căn cước mình không dùng tên của chế độ cũ, mà gọi là sổ hộ khẩu và giấy chứng minh.
Tôi không phải nói rằng chế độ cũ người ta quản lý tốt cho nên bây giờ tôi bảo là học nó, không phải, tôi cũng chưa biết được là có nước nào trên thế giới này người ta không có hộ khẩu không thì không biết, nhưng có tài liệu có hai tờ nguồn của Bộ Công an đây, tức là của thời phong kiến của nước mình, như kinh nghiệm của Thái Lan với Trung Quốc, người ta vẫn có hộ khẩu, Trung Quốc tôi cũng có hỏi trong quá trình làm nghiên cứu những vấn đề khác, thực sự ra Bắc Kinh mà ngay trong tài liệu này cũng chỉ nói thành đô là thí điểm Bắc Kinh thì đến tạm trú, còn ở ngoài mà vào gọi là thường trú thì không có và được thuê nhà, chứ còn ở ngoài vào mua nhà là không được. Lý do vì dân số Bắc Kinh đông quá, người ta muốn giãn dân ra các đô thị khác, không biết đó có phải là mình đi học theo kiểu của Trung Quốc được không? Chỗ này cũng xin đại biểu suy nghĩ thêm.
Tôi nghe rất kỹ ý kiến của đại biểu Nga hai lần mà phát biểu rất trùng nhau không có nói khác nhau, tôi chú ý rất kỹ ở Quốc hội, ở Hội trường cũng như tại đây. Đó là một ý tưởng mới, tốt của tuổi trẻ, cái đó đáng để cho đại biểu chúng ta phải suy nghĩ, nhưng ngay bây giờ chưa thể làm được.
Ý kiến của đại biểu Chức vừa nói, có lẽ trong tương lai, mấy năm nữa không biết, nhưng có khi mình quản lý dữ liệu nhân thân nó chặt chẽ hơn. Đó là tương lai ta sẽ phải làm như vậy.
Tôi cũng kiến nghị như Chính phủ mà cụ thể đây là Bộ Công an, đây là cơ quan đang được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý về hộ khẩu cũng như làm giấy chứng minh nhân dân nghiên cứu. Để làm một giấy chứng minh nhân dân chi tiết hơn bây giờ, tôi xin thưa những sẹo, thậm chí mặt rỗ như tổ ong bầu giờ không còn nữa đâu, đi mỹ viện mấy tiếng đồng hồ là nhẵn ngay. Cho nên không thể lấy một sẹo hay một nốt ruồi phía đuôi lông mày trái, lông mày phải, cái đó không còn là dấu riêng gương mặt của người nữa. Thành ra Công an cũng phải thay đổi theo cái gọi là văn minh, hiện đại.
Thứ hai nữa thêm một số chi tiết trong giấy chứng minh nhân dân. Ví dụ: như nhóm máu chẳng hạn, vì khó thay đổi nhóm máu, vân tay thì phải lăn tay rồi. Nhóm máu để làm gì, ví dụ lỡ đi đường bị tai nạn thì người ta cứu, mở ra thấy anh nhóm máu A, nhóm máu O hay nhóm máu D gì đó thì có người người ta cùng nhóm máu người ta giúp cho mình ngay, như vậy rất tiện lợi và còn những gì nữa, thì tôi đề nghị công an các đồng chí nghiên cứu để làm cho giấy chứng minh nhân dân hay căn cước nhân thân của người đó rõ ràng hơn. Tôi thấy bây giờ không biết bỏ giấy chứng minh của mình ở đâu, đi không cần mang theo, không lấy gì để chứng minh mình là người công dân hợp pháp, vì có lẽ người ta cũng không thấy sự cần thiết của nó. Mình làm sao cho người ta thấy cần thiết đi đâu có giấy đó bỏ trong túi là yên tâm. Còn việc một người có nhiều giấy tôi cho đó là đúng, cũng bình thường có gì đâu, biết lái xe thì phải có giấy chứng nhận lái xe, đâu phải tất cả các thứ tất tần tật nhập vào một giấy được. Tôi biết có những người có cả một ví có cả chục giấy trong đó, cho nên mình đừng có tưởng nước ngoài người ta cái gì cũng có một giấy.
Thứ hai, ta hiểu hội nhập là như thế nào, chứ không phải cái gì cũng lấy hội nhập để nói rằng nếu không, thì mình không hội nhập được hết, có phải như vậy không. Kinh tế ta hội nhập cái gì, xã hội ta hội nhập cái gì, an ninh quốc phòng ta hội nhập cái gì chứ đâu phải mình bây giờ cái gì cũng hư, cũng hỏng phải làm để hội nhập. Hội nhập là gì mới được chứ, hội nhập cái gì vào cái gì, mình là cơ quan xây dựng pháp luật, mình cũng phải nắm cho vững và làm cho rõ, không lấy hội nhập để mình làm cái gì cũng tệ hết, không phải như vậy. Mình làm để mình quản lý đất nước của mình, làm sao cho an cư lạc nghiệp, đừng có gây khó khăn cho dân, thì tôi mới mượn tức thì thôi, những vấn đề cơ bản trong công tác đăng ký hộ khẩu chúng ta có trong này là Nghị định 51 và vừa sửa Nghị định 51 ngày kỷ niệm ngày thành lập công an nhân dân, ban hành Nghị định 108 ngày 19/8/2005 để sửa đổi, bổ sung Nghị định 51 năm 1997 của Thủ tướng Phan Văn Khải ký bổ sung Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tôi thấy rằng luật này có lẽ chúng ta không nên làm luật quá chi tiết, chúng ta không thể chi tiết hết Nghị định này vào trong luật này được, cũng không phải là cái khung chung chung, nó không đi vào chi tiết được mà bây giờ chúng ta cần thống nhất mấy quan điểm. Bây giờ chúng ta quản lý dân cư còn hộ khẩu hay không, ý tôi là còn sổ hộ khẩu, sổ gia đình phải còn không thể bỏ trong thời điểm hiện nay, không phải thời điểm hiện nay mà còn có thời gian nữa.
Thứ hai, tôi cũng đề nghị luật này ra, làm sao huỷ bỏ cho được việc đùn đẩy có nhà được hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có nhà, đây không phải là chuyện đùa, nó đã trở thành quá chua xót đối với nhân dân phải bỏ dứt khoát rồi, nếu không bỏ thì không làm luật này.
Thứ hai là phải bỏ tất cả những cái ăn theo phi lý trong vấn đề hộ khẩu, những cái ăn theo phi lý gây khó khăn, gây phiền hà cho nhân dân, người ta là công dân thật mà cứ bị hành hạ mãi thì cái này phải bỏ cho được, dù nó nằm trong Nghị định, nếu có cũng cấm trong luật này, Nghị định Chính phủ cấm thì phải bỏ cho được dù, nếu có thì phải cấm trong luật này, Nghị định Chính phủ cấm thì phải bỏ việc đó ra. Tôi xin đề nghị như vậy.
Ý nữa, ý anh Lộc và ý chị Minh tôi thấy hình như chị Minh đi về xóm ở chỗ số 5 Ngọc Hà. Tôi không biết chị Minh ở một mình hay ở với con, gia đình không, nhưng chị được làm hộ khẩu riêng trong số nhà mà chị thuê thì nay mai chị đi chỗ khác chị thuê nhà khác, chị mua nhà mới thì chị cắt hộ khẩu nhà chị, chị qua nhà mới thì rất dễ dàng. Nếu nói quan điểm bây giờ tôi đến thuê nhà, chủ nhà không cho, tôi cũng làm hộ khẩu thì nó bị xâm phạm vào tự do của người khác, tôi có nhà tôi cho thuê thì tôi phải được một số quyền. Còn nếu vậy thì chẳng thà tôi để không, tôi không cho thuê cho nên mình đừng cực đoan phía này hoặc cực đoan phía kia là không được. Còn bây giờ cho người ta thuê nhà mà không cho người ta được đăng ký hộ khẩu ở đó thì người ta làm sao người ta hợp pháp với phường nơi người ta ở. Tôi nói ví dụ, trường hợp như công an Hà Nội giải quyết cho chị Minh như thế là được, đúng. Còn bây giờ ví dụ thuê một mình, có nhiều trường hợp cho thuê cả một nhà hay cho thuê một người ở, nếu nói thuê không cũng không được. Điều này trong luật này không thể quy định được, mà phải dưới Luật quy định, nhưng phải trên quan điểm tự do của người này không làm hạn chế tự do của người khác.
Ý tiếp theo, anh Yểu có đọc ra lúc trước trên cơ sở ý kiến anh Lộc là bây giờ luật này quy định cái gì? Mặc dù trên tiêu đề ngày xưa gọi là lời nói đầu thì ở đây nói là luật này quy định về cư trú. Nhưng Điều 1 quy định luật này quy định về quyền tự do cư trú, nó làm cho đại biểu người ta thấy cư trú hay là tự do cư trú. Cho nên, anh Yểu mới nói là chúng ta tranh luận thêm chỗ này, tôi thấy tranh luận ở đây là tranh luận chữ nghĩa thôi, chứ không phải là tranh luận quan điểm. Bởi quan điểm rất rõ ràng là Hiến định là quyền tự do cư trú thì công dân nước ta có đầy đủ tất cả các quyền tự do, trừ khi nào có bản án có hiệu lực pháp luật hạn chế quyền tự do đó, hoặc tước quyền tự do đó của công dân. Còn không có bản án của Toà án, thì không ai là không có quyền tự do, nhưng tự do của người này thì phải tôn trọng tự do của người khác. Hôm qua, chúng tôi ngồi 2 tiếng đồng hồ giữa đường mới nghĩ rằng, đúng là tại bài hát "Đường ta ta cứ đi", "Nhà ta ta cứ xây". Cho nên, đường người ta hai chiều mà cứ ùa hết thế này thì anh đằng kia không được thì cuối cùng hai anh ngồi chơi xơi nước không có nước xơi, ngồi chơi trên đường hai tiếng đồng hồ, không người nào đi được hết, ngồi chơi khát nước, anh này ùa lên hết thì chắn anh kia rồi, mà lùi thì không ai lùi hết, đó là xâm phạm tự do người khác, cho nên không thể được việc đó, tôi thấy rằng chúng ta đã có nhiều luật mà thể chế hoá Hiến pháp, ví dụ Luật Báo chí, là thể chế hoá quyền tự do báo chí, chúng ta phải mở ra dần chứ, ví dụ như trước đây tôi nhớ là có duyệt, báo chí phải được duyệt, kiểm duyệt, bây giờ không có kiểm duyệt, mở rộng dần quyền tự do đến một đỉnh cao, nghĩa là quản lý Nhà nước chúng ta khả năng tới đâu thì ta mở rộng quyền tự do đến đó. Hay bây giờ quyền tự do tín ngưỡng, theo hay không theo tôn giáo thì chúng ta có Pháp lệnh về tôn giáo. Bây giờ đây là quyền tự do cư trú của công dân, bây giờ chúng ta làm Luật Cư trú. Tôi nghĩ rằng tôi không đủ để tranh luận về thuật ngữ này, nhưng tôi nghĩ rằng có thể chúng ta bỏ từ "tự do" thì cũng không mất tự do. Ở trên này mình nói luật này quy đinh về cư trú, dưới này mình nói luật này quy định về cư trú cho nó đỡ tranh luận, mà cái chính là nội hàm ở trong luật này, thì tôi đề nghị nội hàm luật này quy định những cái điều cơ bản nhất mà để tránh việc như tôi đề nghị ở trên. Cuối cùng tôi đề nghị về liên quan giữa Điều 35 của Pháp lệnh dân số với Điều 39 của Dự án luật này, chắc là các đại biểu không có Điều 35 Pháp lệnh dân số, đó là đăng ký dân số và hệ dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi làm pháp lệnh này ý Ủy ban dân số thực hiện cái này tức là việc quản lý về dân số, dân cư. Nhưng vừa qua tôi được biết Chính phủ đã giao cho Bộ Công an. Tôi cũng tán thành Chính phủ giao cho Bộ Công an thực hiện Điều 35 của Pháp lệnh dân số thì Bộ Công an giúp Chính phủ nhanh chóng thể chế hóa Điều 35 là đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để rồi tiếp tục Chính phủ sẽ giao, tức là Quốc hội giao cho Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu về cư trú này để cho hai điều này là nó phù hợp với nhau, cũng như nó bổ sung cho nhau trong vấn đề đăng ký quản lý dân số và dữ liệu dân cư. Để đừng có bị một cái trước, một cái sau, mặc dù Pháp lệnh dân số thì ban hành đến nay đã 3 năm rồi. Tôi đề nghị như vậy.

Các văn bản liên quan