Trích ý kiến của ĐBQH Phan Anh Minh – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Năm 10:18 31-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi không định vào dự và phát biểu ở Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhưng qua phát biểu này tôi thấy rằng cần phải làm sáng tỏ một số vấn đề chúng ta còn có ý kiến khác nhau rất xa.
Tôi thấy rằng qua kỳ họp lần thứ 9 chúng ta cơ bản thống nhất luật này cần phải khẳng định rõ hơn quyền tự do cư trú của công dân, phải đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân và chúng ta thấy rõ rằng chuyện tự do cư trú của công dân không đối lập với chuyện quản lý cư trú và không coi chuyện chúng ta phải tăng cường, phải tổ chức quản lý một cách khoa học là xâm phạm đến quyền tự do cư trú. Bởi vì tôi nghĩ rằng mọi Nhà nước đều tiến hành quản lý Nhà nước của mình theo lãnh thổ, trên lãnh thổ đó có cư dân, nếu không quản lý cư trú thì tôi không hiểu rằng chúng ta dựa trên cơ sở nào để lập danh sách cử tri rồi để bầu ra đại biểu và để chúng ta có tư cách ngồi nói thảo luận chuyện này ngày hôm nay.
Chúng ta đã có một thời chúng ta tiến hành quản lý một cách theo kiểu thời chiến và kéo dài tình trạng bất hợp lý không phù hợp đó. Cho nên bây giờ khi phát biểu ở đây tôi cũng cảm nhận thấy rằng có ít nhiều chúng ta có định kiến, có dị ứng với từ hộ khẩu.
Thật ra tôi cho rằng trong ngành công an cũng còn có nhiều bất cập, thậm chí có tiêu cực trong chuyện quản lý hộ khẩu. Nhưng riêng ý kiến cá nhân tôi cũng muốn các đại biểu chia sẻ rằng chính ngành công an cũng đau khổ vì quy định quản lý hộ khẩu bất hợp lý của chúng ta như hiện nay. Nếu không giao trách nhiệm cho ngành công an thì có lẽ chúng tôi sẽ sung sướng hơn, bởi vì chúng tôi chính xác là bị Nhà nước giao cho dùng hộ khẩu để hạn chế một số quyền, để thực hiện việc điều tiết dân cư, cho tới bây giờ chúng ta thấy rằng điều đó là không hợp lý và khiến cho một số bộ phận làm việc quản lý này đôi khi phải đối đầu với quyền tự do di chuyển, sinh sống và làm ăn của người dân. Cái đó là một cái khó khăn mà tất cả các cán bộ, chiến sỹ công an chân chính không ai muốn duy trì và tiếp tục điều này. Nhưng nếu nói như vậy thì tôi cũng phải nói ngược rằng xóa bỏ đi, lột đi cái vỏ định kiến sai lầm đó thì chúng ta khẳng định tiếp tục quản lý. Bây giờ nói rằng phải quản lý bằng thẻ cư trú hay bằng thẻ công dân, thậm chí như ý của chị Nga là sẽ quản lý bằng thẻ điện tử thì tôi rất mừng, nếu như chúng ta tiến hành được như vậy. Đó là một xu thế mà chúng ta phải nhìn thấy, chúng ta phải tiến hành ngay, nhưng nếu ban hành trong luật này thì riêng việc dự kiến đầu tư được thẻ điện tử để trang bị cho các bộ phận có chức trách để kiểm tra thẻ cư trú điện tử này thì tôi thấy rằng ngân sách của chúng ta đến năm 2010 cũng chưa đảm bảo thực hiện nổi điều này.
Hoặc như ý của anh Lộc, ở đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi cũng có tranh luận với nhau rất nhiều về chuyện chúng ta quản lý nhân khẩu hay quản lý hộ khẩu. Có ý muốn xóa bỏ quản lý hộ khẩu, tại sao cứ phải ép người này phải đăng ký cư trú chung với người kia và tôi cho đó là hạn chế tự do cư trú hiện nay. Theo tôi thì tôi cho rằng truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình Việt Nam, mô hình kinh tế hộ hiện nay của chúng ta, quan hệ huyết thống, Luật hôn nhân gia đình, quan hệ dân sự, trách nhiệm đối với người vị thành niên trong cùng một hộ, với mình hiện nay bắt buộc chúng ta phải có một văn bản quản lý, phải có một giấy tờ để quản lý. Không thể nói rằng vì quyền tự do tôi có thích cư trú với vợ tôi hay không là quyền của tôi, cho nên tôi chỉ cần quản lý theo nhân khẩu, không gắn được vào một cái sổ chung tôi với vợ tôi. Nói xin lỗi, tôi không có ý suy diễn, nhưng chắc rất ít ông Việt Nam mong muốn tách ra để tự do đi ngủ lăng nhăng như vậy. Đó là suy nghĩ của tôi, tôi xin khẳng định một lần nữa rằng bây giờ chúng ta chưa thể nói chuyện xóa bỏ quản lý hộ khẩu mặc dầu nếu xóa bỏ thì ngành Công an sẽ rất nhẹ gánh. Nhưng chính quyền chúng ta sẽ có nhiều chuyện đang ăn theo hộ khẩu mà chúng ta chưa tháo gỡ ra được, có cái bất hợp lý phải tháo gỡ liền, nhưng có cái hiện nay chúng ta bắt buộc phải chấp nhận.
Ví dụ: Ngân sách phân bổ chương trình kinh tế xã hội chúng ta xây dựng trên cư dân thì chúng ta phải dựa theo việc quản lý hộ khẩu này. Ngân sách giáo dục, y tế hiện nay chúng ta đang cấp theo số nhân khẩu thường trú mà từng địa phương quản lý được và chúng ta phải tiếp tục thực hiện cách quản lý này. Việc ăn theo của giáo dục, y tế theo hộ khẩu, thậm chí hưu trí, bảo hiểm xã hội của chúng ta bắt buộc phải chấp nhận, chứ không thể tước được. Nhưng có nhiều cái thí dụ như chế độ hai giá với người thường trú và người tạm trú thì bắt buộc chúng ta phải loại bỏ điều đó.
Với cách nhìn như vậy tôi cho rằng Điều 4 nói quyền tự do cư trú không rõ lắm, theo tôi là nói quyền tự do cư trú là quyền tự do lựa chọn nơi cư trú và tự do rời nơi đăng ký thường trú của mình để lưu trú, tạm trú ở nơi khác. Nhân nói ở điều này tôi cũng xin nói thêm rằng về nghĩa vụ chúng ta phải khẳng định một điều tưởng rằng sơ đẳng, nhưng không ghi vô luật là không được, là chỉ được đăng ký thường trú ở một nơi, cũng như một thời gian là chỉ được đăng ký lưu trú ở một nơi. Cái này theo tôi trong nghĩa vụ quy định ở Điều 13 là chúng ta quy định không rõ lắm, ở đây tôi cũng xin nói thêm là quan điểm của tôi, tôi cho rằng dùng hộ khẩu để điều tiết, ở các thành phố, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các đô thị sắp tới đã trở thành không hợp lý rồi, nhưng nếu luật này chúng ta dự thảo theo hướng là vừa có thường trú và không có điều kiện thì cho đăng ký tạm trú một dạng là lưu trú thì theo tôi, hình thức tạm trú đó là chúng ta lại tiếp tục duy trì mô hình bất hợp lý, duy trì một loại hình có một công dân loại hai, nó làm cho loại công dân loại hai không được xác nhận quyền cư trú, thường trú của mình, nó có cái nhìn dị biệt, tị nạnh với những người được đăng ký thường trú và chính cái đó nó làm cho định kiến về hộ khẩu, hộ khẩu phải mang tiếng xấu mà hộ khẩu không đáng mang.
Ở góc độ đó, tôi đề nghị chỉ có hai loại thôi, đủ là thường trú, nếu không đủ thì phải bắt buộc đăng ký lưu trú, chứ không có loại tạm trú.
Tôi tán thành với ý kiến của đại biểu Lý và đại biểu Hoàng Văn Minh là không nên có chuyện là chủ nhà đã cho tôi thuê nhà, cho tôi ở nhờ, xác nhận tôi được phép ở dài hạn, có quyền can thiệp là tôi có đăng ký, được đăng ký thường trú hay không, đẩy người đó sang đăng ký tạm trú hay lưu trú.
Chuyện đó theo tôi trong điều luật chúng ta đã ghi rõ, nếu tôi có được chỗ ở hợp pháp, bằng hợp đồng cho thuê nhà dài hạn, tức là chủ nhà đã xác định và khẳng định quyền dân sự của tôi là tôi được ở đây hợp pháp thì tôi được đăng ký thường trú, đăng ký thường trú là nghĩa vụ của tôi với Nhà nước, Nhà nước cấp cho tôi giấy để xác nhận tôi đã thực hiện nghĩa vụ đó. Trên cơ sở đó, tôi được thực hiện các quyền lợi về học tập, về lao động, về bảo hiểm y tế xã hội mà pháp luật dành cho người đã đăng thường trú được hưởng các dịch vụ ở trên địa bàn lãnh thổ này. Tại sao ông chủ nhà đó đã đồng ý cho tôi ở mà ông có quyền tước bỏ tôi những quyền như vậy. Theo tôi lập luận của đại biểu Lý và đại biểu Minh là đúng và chúng ta không nên kèm "chủ nhà" vào chỗ này, trừ trường hợp nhập vào hộ mà có người chủ hộ, cái đó là xác nhận 1 mô hình kinh tế, 1 mô hình cư trú chung thì phải được chủ hộ đồng ý. Quy định như vậy là đúng chứ đòi chủ nhà phải đồng ý theo tôi là không hợp lý và sẽ đẻ thêm một văn bản mà làm phiền hà.
Về các điều cấm, tôi đề nghị nên cấm việc cầm cố và thế chấp hộ khẩu là 1 hình thức đang phổ biến trong xã hội hiện nay, thậm chí doanh nghiệp Nhà nước đôi khi cũng làm việc này. Ý cuối cùng, nếu coi hộ khẩu là một chuyện linh hoạt để quản lý, có quyền ở hợp pháp thì đăng ký thường trú và không có sẽ thì bị xóa hộ khẩu. Theo tôi Điều 23 phải mở rộng ra những trường hợp xóa hộ khẩu, trong đó không phải chỉ có quyết định hủy do đăng ký sai, mà là khi mất quyền dân sự ở hợp pháp tại chỗ ở này, thì đương nhiên sẽ bị xóa hộ khẩu. Không có nghĩa rằng, chúng ta lâu nay chúng ta hiểu lầm là hễ tôi có hộ khẩu là Nhà nước phải đảm bảo cho tôi có quyền ở đây, quyền ở dân sự hợp pháp là mình phải có trước rồi mới được đăng ký thường trú. Còn mất quyền dân sự ở hợp pháp thì đương nhiên là sẽ không được đăng ký hộ khẩu và hộ khẩu đó sẽ bị xóa.

Các văn bản liên quan