Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh – Thành phố Hà Nội

Thứ Năm 14:20 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi tán thành với nhiều ý kiến, đặc biệt là Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Dự thảo Luật Công chứng. Chúng tôi nghĩ rằng đối với dự thảo luật này sau khi được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy vào quá trình hội nhập quốc tế, cũng như góp phần rất mạnh vào cải cách hành chính. Tôi tin chắc rằng những nguyện vọng của nhân dân trong quá trình đi chứng thực bản sao tới đây đến phòng công chứng sẽ không còn thực hiện nữa.

Thứ nhất là giảm tải cho Phòng công chứng.

Thứ hai là bớt nỗi khổ cho người dân khi phải đến Phòng công chứng để làm việc mà tới đây Chính phủ quy định giao về cho các cấp hành chính. Tuy nhiên, để cho văn bản Luật Công chứng nó chặt chẽ hơn và nó có được sự phù hợp hơn thì chúng tôi cũng thấy trong dự thảo luật còn một số Điều, Khoản mà chúng tôi vẫn xin đề nghị Quốc hội xem xét để có thể điều chỉnh.

Đối với Điều 19 về bổ nhiệm công chứng viên. Trong Khoản 3 có nói rằng trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì Sở Tư pháp phải có văn bản gửi lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Hiện nay trong quá trình cải cách hành chính, Chính phủ đang giao cho các ngành phải tập trung rà soát lại về thời gian cũng như về những điều kiện thủ tục, tôi nghĩ rằng trong một điều kiện hoàn toàn đầy đủ hồ sơ rồi mà lại phải đợi đến 10 ngày nữa, như vậy nó cũng không phù hợp. Tôi nghĩ rằng trong một điều kiện hoàn toàn đầy đủ rồi thì không có lý do gì mà phải giữ lại đến 10 ngày nữa, tôi xin đề nghị chỉ 5 ngày làm việc là đủ, một tuần là đủ.

Thứ hai nữa là Điều 21 về miễn nhiệm công chứng viên. Công chứng viên được miễn nhiệm trong các trường hợp. Ở Khoản 2 là công chứng viên được miễn nhiệm trong các trường hợp không còn đủ tiêu chuẩn công chứng viên theo quy định tại Điều 14 của Luật này. Tuy nhiên khi đối chiếu lại với Điều 14 của Luật thì tôi thấy những Khoản a, Khoản b, Khoản c, tức là có bằng cử nhân luật, có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên, có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng đã qua thời gian tập sự nghề công chứng thì những cái này nó đã hoàn toàn xảy ra và nó sẽ không mất đi. Nhưng ở trong quy định ở Điều 21 thì lại "không còn đủ tiêu chuẩn công chứng viên", nếu quy định như thế thì nó không phù hợp, bởi vì người ta đã có bằng cử nhân luật, đã có thời gian công tác, như vậy nó đã gọi là đứng ở góc độ là thì quá khứ rồi, người ta đã có và không thể xóa được mà bây giờ chúng ta lại nói là không còn nữa thì không phù hợp. Thực chất ở đây chỉ có một khoản là Khoản đ, tức là có sức khỏe. Thế thì có thể chúng ta nên quy định rõ là Khoản đ là không còn đủ sức khoẻ thì nó phù hợp hơn, bây giờ không còn đủ những khoản mà người thể xoá được vì người ta đã có Bằng cử nhân luật, có những điều kiện về quá trình công tác, rồi tất cả những cái đấy. Tôi cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ, không cần thiết.

Vấn đề thứ hai, cũng trong điều này là vấn đề kiêm nhiệm công việc khác. Tôi tán thành với ý kiến giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, tôi thấy vấn đề kiêm nhiệm công việc khác ở đây quy định không thực tế. Bởi vì nếu đối với các Phòng công chứng thì do Trưởng Phòng công chứng sẽ quy định là công chứng viên có kiêm nhiệm hay không. Mà lại quy định công chứng viên bị miễn nhiệm trong các trường hợp đó, tôi cho rằng nó không phù hợp về mặt quản lý Nhà nước cũng như về mặt từ ngữ trong đó. Tôi đề nghị kiêm nhiệm công việc khác này nên đưa vào phần nghĩa vụ của công chứng viên, điều đó thuộc về yếu tố chủ quan của công chứng viên chứ không phải là đưa vào phần mang tính chất công chứng viên kiêm nhiệm hay không là do trưởng phòng người ta quy định thế, mà chúng ta quy định ở đây là bị miễn nhiệm. Rõ ràng là Phòng công chứng lại đi miễn nhiệm việc đó tôi thấy nó không phù hợp, quy định đó nên đưa về phần công chứng viên có các nghĩa vụ, có thể quy định là không kiêm nhiệm thì tôi nghĩa rằng cũng dễ chấp nhận hơn.

Vấn đề thứ ba, cũng trong Điều 21 này là vấn đề quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề nghị của Sở Tư pháp ở địa phương nơi công chứng viên đang hành nghề công chứng hoặc của Sở Tư pháp, nơi đề nghị thì bổ nhiệm công chứng viên. Vậy chúng ta quy định có vai trò của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể tự mình bổ nhiệm công chứng viên thì điều đó là hoàn toàn phù hợp. Nhưng sau đó đoạn về sau tức là đoạn cuối Khoản 3, Điều 21 "hồ sơ đề nghị miễn nhiệm công chứng viên trong các trường hợp", quy định tại Khoản 2 điều này phải có văn bản đề nghị của Sở Tư pháp và các tài liệu liên quan làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm. Tôi cho rằng quy định như thế nó không chặt chẽ, bởi vì đã quy định cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền về bổ nhiệm rồi, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể căn cứ vào những thực tế đã không đủ quy định đó, thì cũng có quyền miễn nhiệm, chứ không phải chờ đợi Sở Tư pháp gửi lên nữa. Quy định như thế nó không chặt là không giao cho Sở Tư pháp trong vấn đề gửi hồ sơ cho Bộ trưởng, nhưng đến khi miễn nhiệm thì Bộ trưởng phải kéo Sở Tư pháp vào. Tôi cho rằng chuyện đó nó không phù hợp. Tôi xin đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoàn toàn chịu trách nhiệm khi mà vấn đề đã tự mình quyết định và tự mình phải xem xét vấn đề đó nó không phù hợp thì có thể cho miễn nhiệm. Tôi thấy có thể các cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng sẽ làm được việc này, không cần thiết phải có Sở Tư pháp.

Điều 22, về tạm đình chỉ hành nghề công chứng, điều này nó liên quan đến vấn đề chữ "kiêm nhiệm công việc". Theo tôi, ở đây Khoản 1, Điều 22, Sở Tư pháp quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng đối với công chứng viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d, v.v... thì tôi thấy rằng Điểm c ở đây nếu theo như đề nghị của tôi thì Điểm c ở đây sẽ không còn nữa và nên quy định đưa vào một điểm của Điều 23 là vấn đề nghĩa vụ.

Vấn đề về Điều 23 là quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, tôi thấy là công chứng viên có quyền, ở đây chúng ta thấy rằng cơ bản đọc qua thì thấy nó cũng rất phù hợp, nhưng nhìn kỹ lại ở Khoản b chúng ta thấy nó có, quy định không rõ lắm, tức là công chứng viên có quyền đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng nhưng phải trả phí theo quy định, không rõ ở đây là quyền hay nghĩa vụ của công chứng viên, một mặt anh có quyền đề nghị các cơ quan nhưng anh lại phải trả phí, tại sao ta không đưa phần phải trả phí ấy vào phần nghĩa vụ, thế thì nó phù hợp hơn là chúng ta gắn luôn chỗ này, nhưng phải trả phí thì làm cho vấn đề kỹ thuật thể hiện văn phòng ở đây không rõ ràng, không sáng sủa, tôi đề nghị đưa về Khoản 2 là các nghĩa vụ.

Điều 27 về Văn phòng công chứng, tôi cũng tán thành trong quá trình hiện nay chúng ta đang trong lộ trình, các nước người ta cũng quy định vấn đề công chứng không phải là các tổ chức của Nhà nước. Chúng ta đang trong quá trình lộ trình như vậy việc thành lập Văn phòng công chứng rất phù hợp. Tuy nhiên để tránh nó đỡ trùng lặp và nó khác với Phòng công chứng của Nhà nước, chúng tôi xin đề nghị ở Khoản 3 về tên gọi Văn phòng công chứng nên quy định tên gọi không dùng số thứ tự. Nếu như quy định của Phòng công chứng có số thứ tự thì nói rõ là không dùng số thực tự. Như vậy ngay chuyện đặt tên Văn phòng công chứng, một tên cá nhân của Văn phòng công chứng như Văn phòng Luật sư học tên là gì thì đặt tên ra thì cũng không sao, tránh sự trùng lặp đối với Phòng công chứng nếu sau này công chứng viên người ta muốn đặt tên theo số thứ tự thì trùng với Phòng công chứng của Nhà nước. Điều 36, chúng tôi xin có ý kiến. Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Dũng, trong quá trình chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính mà các hoạt động công chứng vẫn sử dụng bản sao một cách nhiều như thế này là vẫn làm khổ dân, tôi vẫn phải đề nghị và nói thật. Bởi vì Chính phủ hiện nay đang rất quyết liệt chuyện hạn chế những vấn đề bản sao, sao lục giấy tờ rất lôi thôi cũng như rất lãng phí, mà chúng ta đang sử dụng hệ thống điện tử và tới đây nó càng ngày càng được sử dụng, Chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong năm sau là đẩy nhanh tiến độ về Chính phủ điện tử. Vậy mà chúng ta ở đây vẫn sử dụng một loạt những giấy tờ bản sao thế này, tôi cho vẫn không đạt được mục đích cải cách hành chính.

Các văn bản liên quan