Ý kiến của ĐBQHNguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Năm 14:22 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi xin có một số ý kiến về dự án luật này như sau:

Thứ nhất, chúng tôi rất hoanh nghênh việc tiếp thu của Ban dự thảo và của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án luật này. Cũng phải nói rằng ít có những dự án tiếp thu mà nhiều đến 30 điểm như thế này, tuy nhiên chúng ta không thể bằng lòng với việc con số 30 đó. Ban dự thảo cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nói tiếp thu hết thì chúng tôi thấy còn có một số vấn đề rất cơ bản mà chưa được đề cập đến mà đã có ý kiến, vì vậy chúng tôi đi thẳng vào một số vấn đề như sau.

Có một băn khoăn lớn hiện nay khi nói đến công chứng, đó là hai hệ công chứng của thế giới hiện nay, công chứng hình thức và công chứng nội dung. Nó ra đời trong hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau, hiện nay nó đang được các nước khác nhau, nước theo chiều hướng này, nước theo chiều hướng khác. Ta là nước đi sau tất cả các nước trong lĩnh vực này, chúng ta nên ngả về phía nào hoặc tìm thấy những ưu điểm của từng hệ thống đó để rút ra hệ thống riêng cho mình, cụ thể ở đây là công chứng hình thức và công chứng nội dung, chúng tôi nghĩ rằng thái độ chúng ta như vậy là ngả hẳn về công chứng nội dung. Trong lúc đó chúng ta không phải đang đứng trước ngưỡng cửa, cửa đã mở rộng, chúng ta đang sắp bước vào tổ chức thương mại thế giới WTO, trong đó khối common law, tức là khối luật công rất nhiều, vậy thì thay đổi của chúng ta đối với những người đó như thế nào. Nếu hai công ty Nhật, hai công ty Mỹ, Anh hoặc những nước trong common law họ hoạt động ở Việt Nam, họ muốn ký với nhau một hợp đồng, muốn chứng thực của công chứng nước ta, họ chỉ cần công chứng hình thức, không cần công chứng nội dung, chúng ta có chấp nhận không.

Chúng ta bảo rằng chúng tôi công chứng nội dung cho ông, vì vậy thời gian công chứng không phải là 5 ngày, 7 ngày mà xin 3 tháng, 5 tháng. Lý do công chứng nội dung và công chứng hình thức là có ý nghĩa như thế. Công chứng hình thức là chỉ cần chứng thực chữ ký của 2 người ký với nhau và nội dung họ chịu hoàn toàn trách nhiệm và vì vậy họ chỉ cần trong 1 ngày, 2 ngày là xong có khi cả một hợp đồng dày hàng nghìn trang. Nhưng ta đây, chúng ta tự nhận cho mình hình thức công chứng là công chứng nội dung để rồi bắt công chứng viên phải chịu trách nhiệm. Điều 8 chúng ta nói rằng, người ký kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm, người xin đăng ký công chứng tự chịu trách nhiệm như Điều 8 nói là tự chịu trách nhiệm về tính xác thực. Nhưng tôi nghĩ rằng, những người gian dối thì khi đến cơ quan công chứng họ cũng nói "đây là hợp đồng chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung", nhưng sau đó thì họ biến mất, lúc bấy giờ thì ai chịu trách nhiệm? Cho nên người đi công chứng phải tự chịu trách nhiệm về nội dung, nhưng nếu chúng ta chịu trách nhiệm về nội dung thì đồng thời có nhiều điểm chúng ta cũng phải xác minh, cũng phải đi sâu vào và vì vậy đòi hỏi thời gian và điều đó lại cản trở hoạt động của doanh nhân. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà có một số nước người ta lại thiết tha với công chứng hình thức. Chỉ cần chúng tôi tin nhau rồi, nhưng chính anh phải chứng nhận cho chúng tôi rằng chúng tôi ký với nhau đâu, chữ này của chúng tôi đây, chỉ cần chừng đó thôi.

Bây giờ chúng ta lại ngả về một bên. Như thế này, tôi biết rằng nhiều luật sư và những doanh nhân khối Common Law họ rất băn khoăn trước trường hợp này của chúng ta và cho đó là một việc rất máy móc, thì ở đây chúng ta không tỏ thái độ, chúng ta chỉ muốn nói rằng chúng ta đi vào chính quy, chính quy rất đúng nhưng theo phương án nào, theo phương án, theo hệ thống nào? Thì tôi nghĩ rằng ở đây chúng tôi đã nói nhiều lần rằng chúng ta không nhất thiết phải ngả theo một trường phái nào đó mà phải tìm ra trong từng trường phái đó một cái thích hợp đối với chúng ta hiện nay. Vì vậy không những nói về nội dung, hình thức mà chúng ta nói cả nội dung, cả hình thức, nhưng nếu như 2 người ký hợp đồng với nhau và họ yêu cầu chúng ta chỉ chứng thực về hình thức thôi thì chúng ta không phản đối, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ họ, để hợp thức hóa cho họ đi vào làm ăn. Điều đó chúng tôi thấy chưa được giải thích, cho nên chúng tôi nghĩ rằng chỗ này rất cần phân tích, rất cần đi sâu.

Hơn nữa chúng tôi muốn nói ngay đến công chứng và chứng thực thì chúng tôi thấy rằng cái mong muốn của chúng ta là đi vào chính thức hóa, tức là hiện đại hóa hệ thống công chứng của chúng ta, vì vậy chúng ta đưa chứng thực về cho địa phương, nếu làm được như thế thì rất hay, nhưng chúng ta phải tính đến thực tế hiện nay của chúng ta. Vì sao ở các Phòng công chứng hiện nay dân đang xếp hàng, người chờ, người nằm, có khi ở suốt đêm ở đấy để chờ công chứng. Đó có phải công chứng về nội dung, công chứng hợp đồng, giao dịch không? Không phải, đó là những chứng thực mà người dân đang rất cần thiết. Điểm này riêng tôi có một suy nghĩ thế này: từ khi chúng ta ra chủ trương về công chứng thì người dân rất tin con dấu của công chứng, tin chữ ký của công chứng và các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp, các doanh nghiệp khi nhận 1 người vào làm việc người ta cũng rất tin con dấu của công chứng. Dù là 1 bản sao nhưng là con dấu của công chứng thì giá trị pháp lý trong con mắt của người tiếp nhận nó lại cao hơn nhiều. Vì vậy, người dân phải cố đi lấy cho được con dấu của công chứng là vì thế. Thực tế bây giờ chúng ta như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp thì số công chứng về nội dung, tức là công chứng về hợp đồng, giao dịch rất ít, đại bộ phận hơn 90% là công chứng về chứng thực và có sự khác nhau rất lớn giữa thành phố lớn chẳng hạn như Thành Phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội thì nó khác. Ở đây cấp xã, cấp phường có thể sẵn sàng làm chứng thực này, nhưng ở các địa phương rất khó, khó ở chỗ này:

Thứ nhất, nếu 64 tỉnh, thành chúng ta lập 64 Phòng công chứng ở Sở tư pháp thì có phải 64 phòng công chứng đó luôn luôn có việc làm không? không phải. Ở miền núi, ở vùng sâu, vùng xa, ở nhiều địa phương, ngay ở đồng bằng công chứng hợp đồng giao dịch rất ít, nếu không cho chứng thực thì rõ ràng nhiều khi họ thất nghiệp, người dân cứ muốn chờ đợi sự công chứng này. Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta ít ra phải có một giai đoạn 5, 10 năm chuyển tiếp, bước đầu vẫn cứ tiếp tục cho vừa công chứng, vừa chứng thực, nhất là sau khi chúng ta thực hiện luật này, các Phòng công chứng ở địa phương chuyển qua công chứng về nội dung hợp đồng và giao dịch thì họ sẽ trở lên thất nghiệp vì họ không có việc làm. Còn dân muốn chứng thực của Phòng công chứng thì lại không được, lúc đó về xã, về huyện thì không đơn giản, vì không phải bao giờ xã cũng có mặt ngồi ở Trụ sở. Cho nên tôi nghĩ rằng chỗ này cần phải cân nhắc kỹ về giai đoạn chuyển tiếp hiện nay của chúng ta.

Hơn nữa có vấn đề thế này: nếu như luật này chúng ta giao cho công chứng chỉ làm việc công chứng hợp đồng giao dịch thôi thì rồi đây Nghị định của Chính phủ có quyền giao cho Phòng công chứng ở các địa phương mà bây giờ chưa giao dịch hợp đồng, chưa công chứng hợp đồng và giao dịch, thì họ có quyền làm việc chứng thực cho dân không? Tôi nghĩ rằng không, vì luật không giao, Nghị định không cho phép, không có quyền giao cho phòng công chứng. Cho nên đây là một vấn đề cần phải suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng đừng quá dứt khoát, cực đoan chỗ này, phải tìm ra một bước chuyển tiếp, bước đầu chúng ta cho phép những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công chứng thôi, còn không chứng thực, việc đó giao cho phường, xã, còn ở một số tỉnh khác vẫn tiếp tục hoạt động như hiện nay, nhưng đi vào chính quy hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Nếu cần thêm phòng công chứng thì thành lập thêm Phòng công chứng để người dân được thuận lợi hơn. Tôi nghĩ rằng đấy là một vấn đề chưa có sự phân tích rõ ràng.

Cho nên, tôi lưu ý rằng nếu luật này dứt khoát như thế thì Nghị định rồi đây cũng sẽ làm khó cho Nghị định, Nghị định không có quyền giao cho những phòng công chứng mà bây giờ đang có nhu cầu chứng thực cho dân. Đó là vấn đề chúng tôi xin có ý kiến như vậy. Chúng tôi xin nói tiếp một vấn đề đó là vấn đề xã hội hoá và tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên. Đây là vấn đề chúng tôi đã nói đến nhiều lần, nhưng không có giải thích. Chúng tôi thấy chúng ta đang mâu thuẫn, một mặt chúng ta đang muốn xã hội hoá và rồi đây làm thế nào các tổ chức công chứng cũng hoạt động như các Phòng luật sư, nó không phải là Nhà nước nữa mà hoàn toàn là một nghề. Nhưng ở đây giữa luật sư và Luật công chứng thì luật sư chỉ có chứng thực của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nhưng đối với công chứng viên phải có bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Vì sao, vì họ thực tế đang làm chức năng của Nhà nước, vì vậy đòi hỏi sự kiểm tra, giám sát họ chặt chẽ hơn. Nhưng ở đây tôi thấy chức năng của Bộ Tư pháp thì nói là thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng, nhưng chưa hề có sự phân biệt giữa thanh tra, kiểm tra đối với Phòng công chứng và thanh tra, kiểm tra đối với Văn phòng công chứng, một bên chịu sự giám sát trực tiếp, chỉ đạo trực tiếp của Sở Tư pháp, còn một bên họ hoạt động tự do, thế thì thế nào?

Các văn bản liên quan