Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Năm 14:18 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Về Dự án Luật Công chứng sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý tôi thấy cũng tương đối hoàn chỉnh rồi. Tuy nhiên tôi cũng xin phát biểu thêm một vài ý kiến còn thấy băn khoăn.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, trước hết tôi bày tỏ quan điểm là thống nhất quan điểm của Ban soạn thảo là luật này chỉ điều chỉnh hoạt động công chứng thôi, còn hoạt động chứng thực hiện nay chúng ta đang điều chỉnh ở Nghị định 75 và các đồng chí có đưa dự thảo Nghị định mới ở đây, tôi cho cái đó cũng phù hợp. Còn vì sao lại điều chỉnh, riêng công chứng thì trong giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã rõ, các đại biểu phát biểu trước tôi cũng đã phân tích.

Tuy nhiên, trong phạm vi điều chỉnh này, tôi thấy có băn khoăn 1 vấn đề. Lần trước, ở kỳ họp thứ 9 tôi cũng đã phát biểu, nhưng trong giải trình lần này không thấy các đồng chí đề cập. Đó là trong thời đại tin học hiện nay, chúng ta đang giao dịch, cũng có khá nhiều hợp đồng điện tử, những giao dịch điện tử. Vấn đề đặt ra là khi người ta có yêu cầu công chứng các hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử, chúng ta có công chứng hay không, công chứng thì công chứng như thế nào. Trong dự luật chúng tôi chưa thấy các đồng chí đề cập đến, chắc chắn tới đây các hoạt động này sẽ phát triển rất mạnh, chúng ta dự thảo Luật này theo hiểu về công chứng cổ điển là công chứng văn bản. Bây giờ, thời đại tin học phát triển như vũ bão thế này chắc chắn khi ta nhập vào WTO thì các giao dịch điện tử cũng như các hợp đồng điện tử thì sẽ rất nhiều, chúng ta đặt vấn đề công chứng này như thế nào khi mà người ta có yêu cầu công chứng.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm về vấn đề này.

Vấn đề thứ hai tôi còn thấy phân vân, đó là trong Điều 12 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, có Khoản quy định công chứng viên không được kiêm nhiệm công việc khác. Tôi rất phân vân, nếu với những công chứng viên của Phòng công chứng Nhà nước mà chúng ta quy định là không kiêm nhiệm công việc khác thì có thể còn được, vì dù sao đây cũng là viên chức Nhà nước và làm công ăn lương. Thế nhưng chúng ta đưa ra mô hình văn phòng công chứng, công chứng viên hoạt động ở Văn phòng công chứng thì có hợp lý hay không, tôi cho rằng cần phải suy nghĩ thêm, nghiên cứu thêm.

Vì khi chúng ta tách chứng thực ra khỏi công chứng thì khối lượng công việc của công chứng không nhiều, bây giờ đã có phòng công chứng, rồi lại thành lập các Văn phòng công chứng mà Văn phòng công chứng hoàn toàn hoạt động với tư cách như một doanh nghiệp tư nhân hoặc công tư hợp danh, thế thì họ phải tự lo trang trải về tài chính, trong khi việc thì không có, thế thì không biết người ta lấy gì để người ta hoạt động. Tôi cho rằng cũng có rất nhiều người yêu nghề công chứng và chủ trương chúng ta càng ngày càng xã hội hoá công chứng. Có nên cấm công chứng viên không được kiêm nhiệm việc khác hay không? Có thể người ta làm việc khác người ta lấy tiền để người ta thực hiện nhiệm vụ công chứng mặc dù người ta rất yêu nghề công chứng, nhưng mà nếu về điều kiện kinh tế thì không đảm bảo được. Cho nên tôi đề nghị phải cân nhắc chỗ chúng ta cấm như thế này xem như thế nào.

Xu thế của chúng ta như các đại biểu đã phát biểu tức là càng ngày chúng ta càng xã hội hoá và hoạt động công chứng chính là hoạt động dịch vụ công, chúng ta càng xã hội hoá được càng tốt, dần dần chúng ta có thể xoá bỏ các Phòng công chứng Nhà nước. Chúng ta phải cân nhắc chỗ này, nếu không tôi cho rằng chúng ta đưa ra quy định như vậy, nhưng thực hiện sẽ bế tắc và sẽ không có những Văn phòng công chứng. Nếu có thì rất ít ở một vài thành phố lớn thôi, còn các nơi khác không có, như vậy thì chúng ta không xã hội hoá được. Đấy là vấn đề thứ hai chúng tôi còn băn khoăn, đề nghị nghiên cứu.

Về vấn đề cụ thể, tôi thấy ở trong các quy định về bổ nhiệm công chứng viên ở Điều 19, tôi thấy các đồng chí có chia ra là người hoàn thành việc tập sự hành nghề công chứng ở Khoản 1, rồi người được miễn đào tạo nghề công chứng, người được miễn tập sự hành nghề công chứng ở Khoản 2. Trong này ở tiêu chuẩn có bản sao bằng Cử nhân luật hoăc bằng Thạc sỹ luật ở Khoản 1. Các đồng chí chỉ ghi như thế này thôi thì không biết Tiến sỹ luật thì có được hay không? Cho nên tôi thấy ghi như thế này nó vừa dài, không đầy đủ, nên tôi đề nghị các đồng chí nên ghi có bản sao bằng Cử nhân luật trở lên hoặc là bằng cấp cao hơn nữa cũng được thế thôi. Chứ không bây giờ chỉ ghi Thạc sỹ luật thôi, còn Tiến sỹ luật ta không ghi, nhưng ở bên dưới lại có Tiến sỹ luật. Tôi thấy cách ghi như vậy không thật hợp lý, đề nghị các đồng chí cho chỉnh sửa lại.

Một vấn đề nữa chúng tôi thấy về thủ tục công chứng, hợp đồng giao dịch ở Điều 36, các đồng chí đưa vào đây để đi đến công chứng có hàng loạt các giấy tờ. Tức là phải nộp bộ hồ sơ mà có hàng loạt giấy tờ, bản sao kèm theo. Tôi thấy vấn đề này không biết cải cách thủ tục hành chính có nên hay không? Khi tôi cần chứng nhận, công chứng một hợp đồng gì đó, thì tôi mang hợp đồng đến Phòng công chứng thôi, tôi đề nghị các anh công chứng cho tôi hợp đồng này, còn các điều kiện để kiểm tra, các văn bản đảm bảo tính pháp lý của cam kết trong hợp đồng, thì cái đó tôi sẽ phải xuất trình, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra, nếu thấy rằng nó hợp pháp, nó đúng rồi thì anh thực hiện công chứng cho tôi, việc gì phải bắt tôi nộp hồ sơ 8, 9 loại giấy tờ sao như thế này, tôi thấy cũng không nên. Về mặt thủ tục, cải cách hành chính tôi cho rằng chúng ta làm sao cho nó gọn nhẹ cho dân, dân người ta chỉ đến người ta yêu cầu chứng thực một cái hợp đồng mà mình bắt nộp rất nhiều bản sao thì cái đó là không hợp lý, có thể người dân phải xuất trình những căn cứ đó, nhưng xuất trình cho công chứng viên để kiểm tra thôi, chứ không phải nộp bản sao gì cả. Tôi nghĩ cách cần phải nghiên cứu để xem thủ tục cho nó đơn giản hơn.

Cuối cùng, về khiếu nại, tố cáo. Về khiếu nại, Điều 64 các đồng chí tiếp thu ý kiến đại biểu thì có thêm Khoản 2, Khoản 3 nhưng tôi có suy nghĩ có lẽ không hợp lý, bởi khiếu nại trong công chứng là đặc thù, chỉ khiếu nại việc anh từ chối công chứng hoặc là có thể anh công chứng sai, vì dụ như vậy, thì tôi khiếu nại và khiếu nại ấy là khiếu nại đặc biệt thì chúng ta đã quy định trong này rồi. Còn làm gì có những quyết định hành chính, hành vi hành chính nào trong lĩnh vực công chứng này. Ở khoản 2, theo Luật Khiếu nại, tố cáo thì tôi thấy các tổ chức công chứng của chúng ta là cơ quan sự nghiệp, Văn phòng công chứng là các doanh nghiệp tư nhân, có tư cách như doanh nghiệp tư nhân, thì làm gì có quyết định hành chính nào liên quan trong vấn đề này. Cho nên tôi nghĩ là các đồng chí thêm vào đây có lẽ không hợp lý. Tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc lại.

Các văn bản liên quan