Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thế Vượng – Tỉnh Hải Dương
Tôi thấy điểm đáng lưu ý là khi ta nói xây dựng một đạo luật thì ta cần căn cứ vào thực tiễn, tức là thực tiễn đòi hỏi giải quyết vấn đề gì, chính vì vậy Bộ Tư pháp đã có tổng kết. Nhưng bây giờ có vấn đề đặt ra là qua tổng kết này, thực tiễn chúng ta dường như cũng không được quan tâm khi giải quyết dự án luật này, thực tiễn đó là gì, tức là trong suốt những năm qua với trên 39 vụ việc tất cả phòng công chứng cả nước thực hiện hầu hết là việc của chứng thực.
Vậy từ thực tế bức xúc người ta đòi hỏi hiện nay là vấn đề chứng thực mà lâu nay các phòng công chứng vẫn cứ kêu là quá tải, làm hết công suất mà vẫn không phúc đáp được hết yêu cầu của người dân. Nhưng đấy là anh đi làm việc của cơ quan khác, đấy là của Ủy ban nhân dân, thậm chí có vấn đề của các cơ quan Nhà nước. Ví dụ như xác nhận lý lịch chẳng hạn, đối với người dân ở chính quyền địa phương có khi cán bộ công chức ở địa phương cơ quan Nhà nước người ta đảm nhiệm. Như vậy rõ ràng việc xây dựng dự án luật này dường như nó không phúc đáp được nhu cầu thực tiễn đặt ra, đành rằng chúng tôi cũng tán thành một ý kiến cho rằng trong tương lai khi các quan hệ giao dịch kinh tế phát triển thì các hợp đồng giao dịch nó sẽ tăng lên, nhưng với con số như hiện nay 3/97 thì nhịp độ tăng này nó ở mức nào, trong khi đó chứng thực lại là vấn đề rất lớn đang đòi hỏi như vậy.
Cho nên chúng tôi rất băn khoăn phạm vi điều chỉnh, bây giờ nó chỉ có 2 cách.
Một là luật này là Luật Công chứng, điều chính phải làm hết sức minh bạch đối tượng, loại việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của phòng công chứng và Văn phòng công chứng là những nhiệm vụ gì, những việc gì. Cái này phải phân định rõ ràng, tránh tình trạng lẫn lộn và tất nhiên nó có 3 loại: Một loại là rõ ràng của công chứng, còn lại một loại rõ ràng của các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trong việc chứng thực. Còn có một loại theo luật hiện hành quy định là người dân được quyền lựa chọn, kể cả trong Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Quốc hội cho phép trong đạo luật ấy là người dân được tự lựa chọn. Có nghĩa là những loại việc đó người ta muốn mang đến Phòng công chứng cũng được, mà người ta muốn đưa đến cho chính quyền chứng nhận cũng được. Thế thì nó phải làm rõ hai loại mà hoàn toàn dứt khoát của công chứng hoặc của chứng thực. Còn một loại thứ ba là người dân có quyền lựa chọn muốn đưa đến đâu công chứng, muốn đưa công chứng cũng được hoặc muốn đưa cho chứng thực cũng được. Chỗ đó theo chúng tôi làm rõ, điều đó có nghĩa là điều mà quy định nói về công chứng ở đây, tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội là nó cũng chưa rõ. Cái này nó sẽ dẫn tới một khó khăn trên thực tế khi mà chúng ta thực hiện. Bởi vì bây giờ anh có tiếp nhận để mà công chứng, bởi vì ở đây ta có những cái ví dụ như việc anh từ chối công chứng anh cũng vi phạm.
Vậy bây giờ phải làm rõ loại nào người ta buộc phải công chứng thì đó mới là căn cứ để xử lý khi mà nói đến việc anh từ chối công chứng là không đúng và mới chịu xử lý. Cho nên hoặc là luật này là Luật công chứng và chứng thực. Đương nhiên nó phải có hai phần, vì chủ thể là nó khác và đối tượng như tôi vừa báo cáo nó cũng phải có 3 loại như vậy. Đấy là một cách một đạo luật, nhưng phải có hai phần.
Thứ hai, đây là một luật nhưng đồng thời phải có luật khác để mà giải quyết, điều chỉnh vấn đề chứng thực. Nhưng nó sẽ là vô lý khi mà cái bức xúc thì chúng ta lại để lại, còn cái không phải là lớn thì chúng ta lại làm trước, trong lúc yêu cầu về xây dựng pháp luật của chúng ta rất lớn. Cho nên việc xác định ngay cả có một đạo luật nữa về chứng thực thì việc đưa Luật Công chứng này ra để giải quyết trước cũng là không phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế. Đấy là vấn đề chúng tôi thấy phải hết sức cân nhắc. Vì vậy cho nên trong tình hình này chúng tôi thiên về hướng có thể ban hành một đạo luật nhưng có 2 phần là về công chứng và về chứng thực. Đấy là một ý kiến.
Về công chứng thì như tôi vừa trình bày
Một điểm nữa là bây giờ chúng ta đặt ra 2 tổ chức: một là Phòng công chứng Nhà nước, hai là Văn phòng công chứng của tư nhân mà công chứng viên thì đều do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Nhưng một loạt chế định về 2 hình thức này về pháp luật của nước ta thì nó khác nhau lắm, có điểm gì khác ở đây. Rút cuộc lại là khác cái gì? Khác là ở chỗ anh Văn phòng công chứng thì anh phải ký quỹ và anh phải mua bảo hiểm trách nhiệm và chế độ bồi thường cũng không rõ. Ví dụ như ta nói là nghĩa vụ của Văn phòng công chứng thì cũng bồi thường, ở Phòng công chứng Nhà nước thì cũng bồi thường. Tất cả ta chỉ nói bồi thường theo quy định của pháp luật thế nghĩa là thế nào?
Văn phòng công chứng này người ta mua bảo hiểm trách nhiệm, trong khi đó anh là một tổ chức mà có trụ sở, có con dấu riêng, tự chủ về tài chính, tại sao công chứng viên lại phải bồi thường. Ánh là người đi mua bảo hiểm trách nhiệm, cho nên, theo chúng tôi bản thân tổ chức này phải có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ để bảo đảm cho việc bồi thường cho người dân khi anh công chứng sai, gây ra thiệt hại, chính là việc mua bảo hiểm. thành ra tổ chức thì mua bảo hiểm, nhưng cá nhân công chứng viên lại có trách nhiệm bồi thường theo yêu cầu của pháp luật, chỗ này không rõ, nếu như ở Phòng công chứng Nhà nước, anh phải là viên chức, là công chức. Công chức, viên chức thì không có nghĩa vụ bồi thường do những hành vi làm sai của mình, dẫn tới thiệt hại cho người dân, cái đấy là cơ quan Nhà nước phải bồi thường. Việc anh bồi hoàn lại như thế nào, đấy lại là một việc khác.
Xác định trách nhiệm bồi thường ở đây theo chúng tôi là hai việc khác nhau, nhưng có điều vô lý nữa là anh xác định Phòng công chứng là có trụ sở, có con dấu riêng, có tài khoản, tự chủ về tài chính. Tại sao anh tự chủ về tài chính mà Nhà nước lại phải đứng ra bồi thường cho anh, như vậy anh có còn là tổ chức tự chủ về tài chính nữa không.
Cho nên, vấn đề thế nào là tổ chức tự chủ về tài chính, chỗ đó theo chúng tôi cũng phải làm rõ, Phòng công chứng anh đã là một tổ chức tự chủ về tài chính, nhưng lương Nhà nước như đồng chí đại biểu Phong vừa phát biểu, mọi cái là Nhà nước, nhưng thu nhập anh lại cao hơn anh công chức vì anh được trích lại một phần, bồi thường là Nhà nước chịu, chúng tôi thấy chuyện này cần phải xác định. Nhân đây, tôi xin báo cáo một ý nữa, hiện nay chúng ta đang tồn tại một loại hình, có chỗ gọi là cơ quan hành chính sự nghiệp có thu, có chỗ là tổ chức sự nghiệp có thu, tất cả những cái này theo chúng tôi đến một lúc nào đó cần phải làm rõ bản chất và chế độ pháp lý đối với tổ chức sự nghiệp có thu. Làm việc cũng giống như các cơ quan hành chính Nhà nước khác, nhưng về tài chính lại có một loạt những cái như vậy, và như thế là bất bình đẳng giữa các đội ngũ cán bộ viên chức Nhà nước, và cũng không bình đẳng giữa Phòng công chứng Nhà nước với Văn phòng công chứng do tư nhân lập ra, một anh chịu bao nhiêu trách nhiệm như vậy, một anh lại được Nhà nước gánh rất nhiều thứ nhưng công việc lại giống nhau. Chúng tôi thấy chỗ này cần được làm rõ.
Một điểm nữa chúng tôi thấy từ đó có liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm, vấn đề bồi thường như ở chương sau như vậy tôi thấy không rõ. Vì đây là hai loại hình khác nhau, một là của Nhà nước, một là của cá nhân, tư nhân không thể nào chế định pháp lý, ví dụ có tranh chấp bồi thường thiệt hại thì ra tòa không biết có phải như vậy không? Tòa đây là Tòa dân sự hay tòa nào? Văn phòng ra Tòa dân sự là đúng rồi, còn Phòng công chứng thì công chứng viên gây thiệt hại thì ra Tòa án nào? Chỗ đó theo chúng tôi cũng chưa minh bạch.
Về lưu trữ hồ sơ, chúng tôi cho rằng quy định như trong Chương lưu trữ hồ sơ là không phù hợp với Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ, phải quy định sao cho rõ và phù hợp, nếu như Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia nó còn đang phù hợp thì chỗ này không nên viết khác, và cũng không thể giao cho một văn phòng của tư nhân người ta phải quản lý cái đó suốt 50 năm , người ta quản lý bằng cách nào, trong khi đó nếu một tổ chức giải thể, chấm dứt hoạt động văn phòng đó thì giám đốc Sở Tư pháp lại chỉ định cho một văn phòng khác phải đảm nhận gánh khối tài liệu khổng lồ này trong suốt 50 năm, không biết người ta lấy tiền đâu xây trụ sở, người ta lấy tiền xây kho, lấy tiền đâu để bảo quản cho khỏi mối mọt và người ta được gì trong việc này trong khi công chứng của một văn phòng trước đây người ta đã giải thể, chấm dứt hoạt động rồi. Bây giờ anh giám đốc Sở tư pháp buộc người ta phải bảo quản tài liệu đó và phải chịu trách nhiệm bảo quản. Không biết chịu trách nhiệm bảo quản đến khi thất thoát, hư hỏng, mối mọt ai chịu trách nhiệm. Cho nên chúng tôi thấy chương về lưu trữ hồ sơ cũng phải được xem xét lại một cách hết sức thận trọng.