Trích ý kiến của ĐBQH Uông Chu Lưu – Ban soạn thảo

Thứ Năm 14:07 08-06-2006

Cho đến lúc này, chúng tôi tính đã có 31 đại biểu phát biểu ý kiến, có thể nói phát biểu toàn diện từ phạm vi, đối tượng điều chỉnh đến các nội dung và từng vấn đề cụ thể trong từng điều luật thì đây là vấn đề rất tốt giúp cho Ban Soạn thảo, giúp cho Chính phủ có thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 10 thì chúng tôi có điều kiện để nghiên cứu và hoàn chỉnh lại dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung nhiều vấn đề lớn mà có thể nói là ý kiến thì chưa hoàn toàn đồng nhất với nhau. Cũng có những vấn đề mà tạo được sự nhất trí cao, nhưng cũng có những vấn đề mà ý kiến đang còn rất khác nhau thì tôi xin phép được phát biểu thêm về một số vấn đề hiện nay chúng ta chưa có ý kiến thống nhất.

Vấn đề thứ nhất là phạm vi điều chỉnh của dự án luật thì Quốc hội có 2 loại ý kiến mà trong Tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là xác định phạm vi điều chỉnh của dự án luật này chỉ có vấn đề công chứng còn chứng thực thì quy định ở văn bản pháp luật khác. Có thể là nghị định, có thể pháp lệnh hoặc là luật thì việc này ta tính sau.

Nhưng tại sao Chính phủ lại trình một phương án thứ nhất là chỉ điều chỉnh vấn đề công chứng thì xin báo cáo với Quốc hội là: từ trước đến nay vấn đề công chứng ở nước ta có thể nói là rất mới mẻ so với các nước và so với thế giới. Ở các nước người ta có lịch sử phát triển công chứng hàng trăm năm nay rồi. Nhưng ở ta thì từ năm 1991 có Nghị định 45 đến năm 1996 có Nghị định 31 và đến năm 2000 thì có Nghị định 75 quy định cả vấn đề công chứng và chứng thực. Tại sao bây giờ đặt ra phạm vi luật này chỉ có công chứng thì chúng tôi nhận thức thế này.

Bởi vì lâu nay chúng ta để trong cùng một văn bản nên có sự lẫn lộn, chưa rành mạch giữa phạm vi công chứng và phạm vi chứng thực. Công chứng nó khác với chứng thực kể cả tính chất, kể cả chủ thể, kể cả đối tượng, kể cả giá trị hậu quả pháp lý của các hành vi này.

Ví dụ công chứng thực sự là một loại hình dịch vụ công, nó là loại bổ trợ tư pháp, còn chứng thực là một hoạt động hành chính của cơ quan hành chính công quyền. Đối tượng công chứng ở đây là hợp đồng các giao dịch về dân sự, về kinh tế, thương mại, còn trong chứng thực là bản sao các tài liệu giấy tờ.

Bây giờ về chủ thể thực hiện một bên là công chứng, có thể là công chức như hiện nay, nhưng tới nay theo hướng có thể nói rằng không phải là công chức Nhà nước. Còn chứng thực là những người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính công quyền của chúng ta. Còn giá trị pháp lý hoàn toàn khác, nó khác nhau ở mức độ. Chính vì vậy chúng tôi muốn xây dựng một dự án luật để theo hướng chuyên môn hóa, xây dựng một nền công chứng, một hệ thống công chứng ở nước ta theo hướng chuyên môn hóa như vậy, coi đây là một nghề có đòi hỏi những điều kiện. Những tiêu chuẩn để bổ nhiệm tôi nói phần sau, nó khác với vấn đề chứng thực.

Vấn đề thứ hai, đại biểu rất quan tâm đó là vấn đề bức xúc trong hoạt động công chứng hiện nay, có phải bức xúc do vấn đề công chứng hay bức xúc do vấn đề chứng thực. Cũng như các đại biểu phát biểu thì phân tích trong báo cáo 15 năm của Bộ Tư pháp nói về tỷ lệ công chứng và chứng thực, giữa con số 97% chứng thực và 3% công chứng thì bây giờ lại xã hội hóa công chứng vấn đề đó giải quyết như thế nào. Qua ý kiến một số đại biểu phát biểu, nhất là ý kiến của đồng chí Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo với Quốc hội một số thông tin về hoạt động này.

Bản thân trong cơ chế hiện nay, trong Nghị định 75 của Chính phủ năm 2000 đã có cơ chế hướng dẫn chính quyền địa phương và các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan nào có thẩm quyền cấp bản chính thì cơ quan đó có thẩm quyền cấp bản sao. Việc chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan hành chính các cấp cũng được quy định trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, trong các Nghị định 171, 172 về cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cũng đã quy định rất rõ, trong một loạt các văn bản khác liên quan đến chứng thực cũng đã quy định rõ. Hiện nay Nghị định 75 nếu chưa đưa vào thì vẫn tiếp tục thực hiện phần về chứng thực.

Các đại biểu nói bức xúc ở đây là cái gì? Trên thực tế nước ta bây giờ có tâm lý của người dân, cơ quan tổ chức cũng sính công chứng, cái chỗ này tôi cũng nói tốt về công chứng là họ làm nhanh hơn, thủ tục gọn gàng hơn, ít phiền hà hơn các cơ quan hành chính, nhưng rõ ràng có tâm lý như thế. Cho nên, mỗi kỳ thi, mỗi lần tuyển dụng, mỗi lần có hồ sơ, thủ tục gì đó chính các cơ quan chúng ta cũng đặt ra thủ tục là phải có chứng nhận của công chứng. Nó tạo ra áp lực cho xã hội, cứ dồn việc cho công chứng, trong lúc đó biên chế của các phòng công chứng hiện nay cả nước, xin báo cáo với Quốc hội là có 123 phòng, gần đây mới thành lập thêm một số phòng, cả nước mới có 380 công chứng viên. Cho nên hiện nay các phòng công chứng đã phải ký hợp đồng với các nhân viên khác, với những người không nằm trong biên chế Nhà nước, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bây giờ không phải chỉ có 1, 2 nữa mà chúng tôi chỉ đạo thành lập 6 phòng công chứng ở Hà Nội, 6 phòng công chứng ở thành phố Hồ Chí Minh. Quản hạt của phòng công chứng cũng không như trước đây, bây giờ mỗi phòng công chứng ở các quận, huyện, ở thành phố thì có quyền không hạn chế về phạm vi quản hạt, địa giới hành chính, mở rộng ra như vậy nó cũng giải toả, nhưng cái cơ bản nhất như chúng tôi nói là Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, đã làm thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ phân cấp toàn bộ chứng thực xuống cho Uỷ ban Nhân dân cấp huyện và Uỷ ban Nhân dân cấp xã.

Cho nên, thực ra vấn đề bức xúc về chứng thực như một số đại biểu nói, xin báo cáo với Quốc hội không phải vấn đề là như vậy. Bức xúc hiện nay, tồn tại hiện nay là trong vấn đề công chứng các hợp đồng và giao dịch kinh tế thương mại. Ở chỗ này bây giờ 3% đó báo cáo các đồng chí thời gian rất nhiều, thời gian để mà công chứng hợp đồng có thể mất 1 tuần, 2 tuần và số lượng trang, giấy tờ có khi tới hàng trăm trang, nghìn trang của một hợp đồng giao dịch dân sự lớn, nó phức tạp thì chỗ đó mất rất nhiều thời gian vào chỗ đó như vậy. Có những trường hợp nó bức xúc ở chỗ khi mà hai bên thoả thuận với nhau rồi.

Ví dụ: Ngân hàng cho một tổ chức nào đó, một cá nhân nào đó vay một khoản tín dụng, hai bên đã thoả thuận với nhau, ký kết hợp đồng là thế chấp. Đến công chứng, chứng nhận xong rồi. Bây giờ đi ra thực hiện và hết thời gian thực hiện rồi nhưng bên kia lại không có tài sản để trả lại cho bên ngân hàng. Cho nên tạo ra một sự chờ đợi là phải qua giải quyết của Toà án có thẩm quyền thì lúc đó mới giải quyết được vấn đề đòi nợ của ngân hàng. Chính chỗ này cũng làm cho tồn tại hạn chế được sự phát triển của sản xuất kinh tế. Trong hướng tới đây, chúng tôi muốn nói ngay cả vấn đề giá trị pháp lý của văn bản công chứng thì tôi nói ở phần sau một chút nữa. Nhưng cũng muốn nói rằng qua cái đó để thấy rằng bức xúc hiện nay chính là trong các giao dịch dân sự kinh tế thương mại mà mục đích ban hành luật này là để bảo đảm an toàn về mặt pháp lý cho những giao dịch và hợp đồng như vậy. Để hạn chế sự vi phạm pháp luật, tranh chấp mà ở các nước khác có nền công chứng lâu đời người ta coi công chứng là thẩm phán phòng ngừa. Chính vì vậy chúng tôi muốn rằng ở đây chỉ có quy định vấn đề công chứng hay đại biểu có nói đến thẩm quyền công chứng và chứng thực của cơ quan ngoại giao và cơ quan lãnh sự của chúng ta ở nước ngoài như thế nào. Chỗ này cũng xin báo cáo với Quốc hội thế này.

Vấn đề công chứng, chứng thực của cơ quan ngoại giao và cơ quan lãnh sự của nước ta không phải bức xúc lắm, không phải lớn lắm. Chúng tôi chưa tổng kết để đưa vào trong báo cáo nhưng qua làm việc với các cơ quan lãnh sự của Bộ Ngoại giao thấy rằng chủ yếu là vấn đề chứng thực, còn nếu như để công chứng các hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản hay tài sản ở nước ngoài như các đồng chí đã phát biểu là phải theo luật pháp của các nước sở tại. Còn hiện nay chỉ có vấn đề chứng nhận ủy quyền hay chứng thực chữ ký trong trường hợp có một số vấn đề liên quan đến di sản, liên quan đến di chúc thì có điều đó.

Báo cáo với Quốc hội hiện nay pháp lệnh về lãnh sự đang được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội chúng ta và tới đây sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Trong pháp lệnh đó cũng đã quy định về vấn đề công chứng, vấn đề chứng thực và thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao ở trong đó. Chính vì vậy chúng tôi không muốn đưa hết cả những cái đấy vào trong luật này.

Đến bây giờ qua nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội muốn rằng từ nay đến cuối năm đang còn thời gian, thì đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề về chứng thực nếu như tách thành một phần riêng ở trong dự án luật này, thì tôi nghĩ nó cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm, thì cũng có thể đưa thành một phần riêng được mà vẫn có thời gian để xử lý vấn đề này. Đấy là vấn đề thứ nhất xin báo cáo với Quốc hội.
Vấn đề thứ hai là vấn đề xã hội hoá. Chủ trương xã hội hoá công chứng là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện, trong các nghị quyết và chính trong thực tiễn hiện nay là chúng tôi cũng đang từng bước thực hiện vấn đề xã hội hoá:

- Thứ nhất là hiện nay đã xã hội hoá một phần rồi. Một số Phòng công chứng đã tự chủ một phần về tài chính;

- Thứ hai nữa là không phải toàn bộ người làm trong Phòng công chứng đều là viên chức hành chính hay là công chức của chúng ta mà chúng ta đã ký hợp đồng. Còn tới đây chúng ta sẽ mở ra một kênh nữa để có thể nói có được lực lượng xã hội để làm công chứng thì đó là các Văn phòng công chứng mà do các công chứng viên đứng ra thành lập. Đây cũng là một hoạt động;

- Thứ ba nữa là cũng nghiên cứu kinh nghiệm của các nước chuyển đổi và kể cả Trung Quốc ở gần chúng ta đây thì hiện nay cũng đi theo mô hình này. Họ từng bước xã hội hoá công chứng. Ngoài Phòng công chứng Nhà nước ra thì ở các nước đo bây giờ cho thành lập Văn phòng công chứng của các công chứng viên độc lập. Đấy cũng là kinh nghiệm trong từng bước tới đây chúng ta phải làm cái này. Chúng tôi nghĩ rằng không phải khi luật này ra đời ai muốn thành lập công chứng cũng được, chỗ này là điều kiện, thủ tục và tiêu chuẩn công chứng viên. Có ý kiến đại biểu băn khoăn tại sao đưa ra quá cao, chúng tôi nghĩ đây là điều cần phải cân nhắc thêm. Có một thực tế là một sinh viên tốt nghiệp Đại học luật mà sau 5 năm mới có thể trở thành vị thẩm phán, vị luật sư hay vị kiểm sát viên. Công chứng này cũng vậy, cứ nói 1, 2 năm mới tốt nghiệp ra để thành lập Phòng công chứng thì tôi tin chất lượng công chứng chưa chắc đã bảo đảm. Chỗ này chúng tôi tính thêm. Căn cứ mặt bằng với các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp đã được quy định.

Vấn đề thứ ba, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Trong Điều 6 đã nói giá trị pháp lý của văn bản công chứng có hai vấn đề: Một là có giá trị chứng cứ không phải chứng minh trừ trường hợp Tòa án tuyên là vô hiệu; Hai, văn bản công chứng có giá trị pháp lý thực hiện đối với đôi bên và người thứ ba. Tại sao lại quy định như vậy?

Vấn đề thứ nhất ở đây cũng không phải là vấn đề mới chúng tôi nghĩ ra mà chính bản thân Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 Quốc hội đã quy định tại Điều 80, điểm c cho phép những sự kiện, những tình tiết là chứng cứ không phải chứng minh, thì trong đó có văn bản đã được công chứng hợp pháp, báo cáo với Quốc hội như vậy.

Còn vấn đề thứ hai, bây giờ tại sao lại bắt buộc hợp đồng công chứng đã được công chứng lại có giá trị pháp lý đôi bên ở đấy và có hiệu lực thi hành đối với người thứ ba, có quyền yêu cầu một cơ quan đó thực hiện cái đấy. Cũng xuất phát từ thực tế vì trong Bộ Luật Dân sự của chúng ta có điều quy định các hợp đồng đã được giao kết, có sự thỏa thuận ý chí hai bên đã được xác lập rồi thì bắt buộc bên kia phải thực hiện nếu không có tranh chấp.

Trong trường hợp hợp đồng đã được công chứng cũng đã thể hiện điều kiện toàn bộ hợp đồng và hợp đồng đó đã được công chứng là chứng nhận được rồi. Việc công chứng chứng nhận rồi rõ ràng đã bảo đảm tính hợp pháp không trái với những điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội và không có tranh chấp thì bên kia phải có nghĩa vụ thực hiện. Nếu như không thực hiện thì một bên có quyền là bên thứ ba để yêu cầu thực hiện. Chỗ này xuất phát từ thực tiễn hiện nay và chúng tôi cũng trao đổi với các đồng chí ở Tòa án, các đồng chí thấy rằng nên quy định như vậy. Bởi vì nếu chúng ta lại đưa ra Tòa án để giải quyết bằng một quyết định bản án của Tòa án rồi thì lúc đó rất muộn. Chính vì thế chỗ này chúng tôi cũng đã đưa vào trong dự án luật này và điều này cũng là điều kế thừa của Nghị định 75 hiện nay. Bởi vì trong Nghị định 75 hiện nay, vấn đề này không phải là chưa quy định, cũng đã quy định rồi.

Các văn bản liên quan