Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Dy Niên – Tỉnh Thanh Hoá
Về công tác công chứng liên quan đến các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tôi xin đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo Luật 3 nội dung sau đây:
Thứ nhất, chức năng công chứng và chứng thực của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai, giá trị pháp lý của các văn bản đó, các văn bản do viên chức ngoại giao Việt Nam và lãnh sự Việt nam ở nước ngoài công chứng.
Thứ ba, chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao đối với các hoạt động công chứng của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Việc đề nghị bổ sung vào dự luật các nội dung trên xuất phát từ các lý do như sau:
Thứ nhất, Việt Nam đã tham gia vào Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 8/10/1992. Việt Nam đã ký kết lãnh sự song phương với 17 nước, trong đó có điều khoản quy định hoạt động công chứng là một chức năng quan trọng của các cơ quan đại diện và các cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Lý do thứ hai, thực tế hiện nay các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang thực hiện công chứng đối với các hợp đồng giao dịch giữa công dân Việt Nam với nhau trừ các hợp đồng mua, bán, tặng, cho, trao đổi, thế chấp bất động sản tại Việt Nam, cũng như quy định của Điều 25 Nghị định 75/CP của Chính phủ. Do vậy việc dự thảo luật không điều chỉnh hoạt động công chứng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là chưa đủ. Chúng tôi đề nghị cơ quan dự thảo sẽ bổ sung thêm. Hơn nữa dự luật không có quy định về chức năng nêu trên của các cơ quan đại diện thì về đối nội không tạo điều kiện để công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện một số quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đối với đối ngoại ta chưa tuân thủ các cam kết quốc tế đa phương đã quy định trong Công ước Viên về lãnh sự, cũng như các Hiệp định về lãnh sự mà nước ta đã ký kết với các nước.