Trích ý kiến của ĐBQH Trần Hồng Việt – Tỉnh Cần Thơ

Thứ Năm 09:31 17-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Qua nghiên cứu, sửa đổi của Thường vụ Quốc hội tôi thấy tiếp thu thảo luận vừa rồi trên Hội trường cũng có sửa một số, nhưng thấy Thường vụ để ngỏ rất nhiều cũng chưa bày tỏ quan điểm chính kiến một số nội dung cụ thể, tôi nghĩ Thường vụ cũng tạo điều kiện cho anh em phát biểu thật thoải mái.
Về tên gọi của luật, tôi thấy nếu lấy tên là xuất khẩu lao động thì tên này cũng đúng bản chất của luật chứ nó không sai. Tuy nhiên, tôi cũng nhất trí như giải trình, đây là một loại hình kinh doanh đặc thù phải có những điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt, nên nếu lấy tên xuất khẩu lao động thì nó dễ gây phản cảm cho xã hội. Hơn nữa, doanh nghiệp người ta chạy theo lợi nhuận là chính, tôi quan tâm đến quyền lợi của người lao động, nó thuộc về thế yếu, ở đây sức lao động nó là một loại hàng hoá đặc thù chứ không phải hàng hoá thông thường mà mua bán trên thị trường. Tôi biết, ngay cả tổ chức ILO bây giờ họ cũng không thừa nhận lao động là hàng hoá, chưa thừa nhận cái đó đâu. Còn gọi tên như Tờ trình của Chính phủ, tức là Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì cái này nó quá sức chung. Cho nên, căn cứ vào phạm vi điều chỉnh đối với đối tượng áp dụng, tôi thấy lấy tên Luật người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nó phù hợp nhất, nó thể hiện được đối tượng, phạm vi điều chỉnh mà theo quan điểm của Thường vụ muốn đưa ra đây. Cho nên, đề nghị lấy tên đó.
Điều 9, Khoản 3, điều kiện cấp phép, trong các điều kiện có đặt ra điều kiện là có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo tôi, nếu quy định như vậy thì chưa khai thác, phát huy hết các trí tuệ của xã hội, bởi vì có những người không phải là có những kinh nghiệm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng họ hoạt động các lĩnh vực khác trong lĩnh vực ngoại giao hoặc các lĩnh vực hợp tác quốc tế khác, họ vẫn có kinh nghiệm chứ không phải những người trực tiếp kinh doanh này mới có kinh nghiệm, làm sao chúng ta nên khai thác những đối tượng đó.
Cho nên, tôi đề nghị nên mở rộng hơn là có thể có 3 năm làm việc trong các lĩnh vực ngoại giao hoặc hợp tác quốc tế. Tôi ví dụ như một số cán bộ ở Đại sứ quán của mình ở nước ngoài hoặc một số cán bộ của Bộ Ngoại giao mình, các đồng chí này vì lý do gì đó không làm việc cho Nhà nước nữa hoặc đến tuổi hưu người ta nghỉ hưu nhưng sức khỏe còn tốt, người ta có tích lũy được một số vốn, người ta trở về thành lập một doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp cổ đông để xuất khẩu lao động. Những đồng chí này đâu có thua những kinh nghiệm của những người trực tiếp xuất khẩu lao động trong các doanh nghiệp, cho nên phải tính toán xem xét lại điều kiện này làm sao để mở rộng hơn nhưng cũng đảm bảo chặt chẽ nhằm khai thác trí tuệ của xã hội.
Về số lượng chi nhánh các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tôi cũng nhất trí như một số ý kiến của chị Tâm Đan. Theo tôi không nên hạn chế về số lượng chi nhánh, nên mở ra miễn làm sao các doanh nghiệp có đủ các điều kiện quy định theo pháp luật thì cho họ mở ra. Họ mở ra như vậy có lợi cho người lao động, vì lúc bấy giờ sẽ tạo ra sự cạnh tranh, sẽ giảm các chi phí có lợi cho người lao động, người lao động dễ chọn lựa hơn các đơn vị để mình đi ra ngoài làm việc. Chúng ta không nên vì việc khó quản lý rồi chúng ta cấm, cấm thì rất đơn giản, rất dễ, nhưng nên thấy đối tượng áp dụng của ta là người lao động, phải tạo điều kiện cho người lao động. Cho nên theo tôi không nên quy định 2 hoặc 3 mà nên mở rộng hơn, nếu họ có đủ điều kiện quy định theo luật định.
Ngoài ra, hồi nãy tôi nghe không biết có nhầm không chị Tâm Đan có nói là trong điều kiện thì không hạn chế số lượng nhưng chính quyền địa phương đồng ý. Theo tôi không nên đưa vào trong luật chính quyền địa phương đồng ý, đưa vậy phức tạp thêm về các thủ tục hành chính. Yêu cầu đủ theo những tiêu chí quy định của pháp luật là được rồi.
Điều 14, đình chỉ thời hạn hoạt động của người lao động làm việc ở nước ngoài, trong Khoản 1 doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động lao động đi làm việc ở nước ngoài tối đa 12 tháng trong các trường hợp ghi sau. Tôi thấy rằng quy định tối đa 12 tháng nhưng tối thiểu bao nhiêu? ví dụ 1 năm bị phạt hành chính 2 lần thì nó lọt trong cái này, nếu tôi thương anh có tình cảm thì tôi đình chỉ 1 tháng, mà tôi thấy ghét tôi đình chỉ 12 tháng là tôi vẫn không sai. Cho nên khoảng cách này quá xa, chỗ này dễ có tiêu cực nhũng nhiễu. Cũng 2 lần vi phạm trong 12 tháng vi phạm hành chính nhưng ông đó chỉ đình chỉ 1 tháng, còn ông kia bị đình chỉ 12 tháng. Cho nên chỗ này tôi đề nghị Thường vụ xem xét lại, cân nhắc tính toán sao cho nó chặt chẽ, 6 tháng hoặc là 12 tháng thì nói cho dứt khoát, cũng nội dung đặt ra vi phạm đó mà khoảng cách nó lớn vậy.
Khoản 2, Điều 27, Tiết h là bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đối tác vi phạm gây thiệt hại cho người lao động thì doanh nghiệp đưa người đi lao động ra nước ngoài có trách nhiệm như thế nào thì tôi cũng chưa thấy thể hiện rõ trong luật. Nếu mà doanh nghiệp trực tiếp gây thiệt hại cho người lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động trực tiếp gây thiệt hại thì bồi thường rõ rồi. Nhưng không trực tiếp mà đối tác nước ngoài gây thiệt hại quyền lợi cho người lao động thì ai sẽ bồi thường cái này? Nếu như quy định như dự thảo cũ là để cho người lao động đi khởi kiện đối tác đó thì liệu người lao động có đủ năng lực, có đủ tri thức, có đủ kiến thức về pháp luật để khởi kiện? kể cả về các chi phí.
Theo tôi nghĩ, doanh nghiệp xuất khẩu lao động này phải bồi thường thiệt hại do đối tác vi phạm bởi vì anh là đơn vị kinh doanh. tôi đã đóng các khoản chi phí cho anh để anh trang trải các chi phí và anh có lợi nhuận trong đó, coi như anh bảo lãnh rồi. Nếu đối tác có vi phạm, có sai phạm gây thiệt hại quyền lợi cho người lao động thì doanh nghiệp xuất khẩu này phải bồi thường cho người lao động, rồi sau đó doanh nghiệp này mới khởi kiện đối tác kia để lấy lại thiệt hại đó, trong luật này tôi thấy bỏ ngỏ không có quy định cái đó thì gây thiệt thòi cho người lao động. Đề nghị Thường vụ xem xét cân nhắc.
Chương III, Điều 42, điều kiện làm việc ở nước ngoài. Trong các điều kiện làm việc ở nước ngoài, tôi đồng ý rồi. Viết như vậy thì nó cũng không có sai nhưng thấy cũng khó, có ý thức chấp hành pháp luật về tư cách đạo đức tốt. Ý thức thì lấy ý cái gì đo ý thức đây, làm sao cân, đo đếm ý thức được. Người ta chấp hành pháp luật thì có chấp hành hoặc không chấp hành hay vi phạm pháp luật, chứ nói ý thức thì cái này ngay cả trong nội bộ Đảng mình cũng kiểm điểm ý thức, ý thức vậy chứ, tôi không biết lấy cái gì đo được ý thức này. Tư cách đạo đức tốt, thế nào là tư cách đạo đức tốt, lý lịch của tư pháp là xác nhận hay ai xác nhận. Theo Điều 43 thì Ủy ban nhân dân xã xác nhận lý lịch cho công dân, tôi chưa thấy bản lý lịch nào Ủy ban nhân dân xã xác nhận đạo đức của công dân đó là trung bình hay khá, hay tốt, chỉ xác nhận là lý lịch theo nội dung khai đúng sự thật, đương sự chấp hành tốt pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương. Chỉ chứng nhận vậy thôi chứ không nói đến đạo đức anh này khá, anh kia trung bình. Nên để trong luật này thì nó hơi giống để trong lý lịch Đảng viên, nhận xét Đảng viên hàng năm gì đó. Chỗ này nên cũng đề nghị cân nhắc, xem xét thêm.

Các văn bản liên quan