Trích ý kiến của ĐBQH Lê Văn Điệt – Tỉnh Vĩnh Long

Thứ Năm 10:21 31-08-2006

Kính thưa các đồng chí, qua ý kiến các vị đại biểu phát biểu đóng góp cho Luật cư trú, sau đây tôi cũng xin đóng góp mấy vấn đề như sau:
Thứ nhất, về quan điểm chung còn có ý kiến khác nhau chúng tôi xin phát biểu về quan điểm của mình về vấn đề sổ hộ khẩu. Có nhiều ý kiến đề nghị luật này đưa sổ hộ khẩu ra khỏi luật, bản thân tôi tôi xin phát biểu như sau. Hiện nay quản lý của Nhà nước làm sao cho được thuận tiện, thứ hai là làm sao cho người dân đỡ phiền phức. Chúng ta chưa có một mô hình nào quản lý khác hơn, về quan điểm theo chúng tôi nên duy trì sổ hộ khẩu như hiện nay. Về phương hướng lâu dài chúng ta nên nghiên cứu có thể xem xét cách quản lý như thế nào cho tốt hơn thì chúng ta sẽ làm còn hiện nay theo chúng tôi phải duy trì sổ hộ khẩu.
Theo tôi biết trước giải phóng, ở miền Nam chế độ Sài Gòn vẫn quản lý con người bằng sổ gia đình. Nhưng tới năm 1973 tức là sau khi Hiệp định Paris ký kết, lúc đó lấn đất giành dân với nhau, thì mới chuyển sang sổ gia đình và mà lại có chụp hình nguyên cả gia đình in trong sổ gia đình. Sau giải phóng chúng tôi về chúng tôi thấy sổ gia đình hồi xưa cách quản lý như vậy kể cả có hình. Chúng ta hiện nay theo quản lý của chúng ta thì sổ hộ khẩu chúng ta thấy vẫn còn duy trì được, nhưng cách làm sao cho đỡ phiền hà người dân, như theo Báo cáo của Chính phủ hiện nay trên 300 vấn đề dính dáng đến sổ hộ khẩu thì đây là vấn đề rất phiền phức.
Tôi thấy luật này qua xem xét thấy quy định nói chung có nhiều thuận tiện cho dân hơn trước đây. Ví dụ chuyển hộ khẩu, trước đây một công dân muốn lên thành phố Hồ Chí Minh ở rất khó khăn, không thể chuyển được. Thực tế trong gia đình tôi cũng biết, có một người chị 5 đứa con học ở thành phố, chị tính chuyển về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, để sau này mấy đứa nhỏ ra trường sẽ tìm việc làm cho nó. Nhưng không có cách nào chuyển được, vì theo quy định của Nhà nước tiền không thể nào lo nổi lúc đó, bắt buộc như vậy bằng cách vi phạm pháp luật thì mới chuyển được. Chị lên thành phố Hồ Chí Minh mua đất, mua xong đổ vật tư cất nhà luôn, cất nhà trái phép là người ta tới phạt 2 triệu đồng. Sau khi cất xong nhà hoàn chỉnh, vì có chấp nhận cho xây nhà rồi thì làm sổ sở hữu nhà rồi chuyển hộ khẩu lên chỉ tốn có 1, 2 triệu. Còn đi theo Nhà nước quy định trong lúc đó là 7, 8 cây vàng mới có thể chuyển được hộ khẩu, phiền phức như vậy. Hay là cách khác thì chuyển được rất dễ dàng, chịu phạt mất có 2 triệu thôi. Đó là phần chung như vậy.
Phần chi tiết tôi xin đóng góp Chương II, Điều 11, về quyền của công dân về cư trú. Trong Khoản 2 này chỉ được cấp lại và đổi sổ hộ khẩu về sổ tạm trú và giấy tờ khác liên quan đến cư trú. Tôi xin đề nghị nên thêm từ "được kể cả chuyển hộ khẩu", chứ còn chúng ta được cấp tức là không có được cấp và cấp lại khi nào mất, rồi đổi sổ hộ khẩu khi biến động, còn chuyển chúng ta chưa mở ra, đúng theo chúng ta tính nó dễ cho người dân thì nên có từ "chuyển hộ khẩu" được ghi vào đây.
Điểm thứ hai Điều 21, chỗ điều kiện để đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Về chỗ ở hợp pháp, đây là vấn đề nên quy định chặt chẽ hơn. Bây giờ chỗ ở hợp pháp, chỗ ở có nhà hợp pháp. Chỗ này chúng tôi còn phân vân, bây giờ liên hệ lại thực tế hiện nay như chúng ta thông qua vừa rồi Luật về Luật sư. Hiện nay đi vào thực hiện luật, các cơ quan tư pháp cũng không thấy dễ dàng cho những luật sư để người ta, tức là trong đó mình quy định là sao chụp các giấy tờ mà có liên quan đến vụ án, tôi biết hiện nay ở địa phương mỗi một chỗ áp dụng một kiểu khác, sau khi vụ án mà luật sư xin vào sao chụp các giấy tờ liên quan tại chỗ, thì bây giờ chưa có Nghị định hướng dẫn. Chỗ thì đề nghị chụp không được sao, chỗ thì nói chỉ sao chứ không được chụp, có chỗ cho sao nhưng phải đem máy lại, đem máy lại để sao ra, thì cấm không cho lấy điện ở cơ quan, nhiều chuyện rắc rối. Do đó tôi thấy chỗ ở hợp pháp, hay nhà ở hợp pháp cái này phải nói cho rõ, chứ sau này nó nhập nhằng đối với người dân về chỗ thường trú.
Thứ ba, Điều 22 về thủ tục đăng ký thường trú, tôi thấy nếu để tạo thuận lợi cho người dân chuyển đến thì nên quy định nộp tại phường, nếu ở Trung ương các thành phố lớn chỉ cần ở phường là được, chứ khỏi cần công an quận, huyện, thị xã. Còn nếu ở tỉnh chúng tôi thấy nên nộp ở phường hoặc xã thôi. Vì trước đây chủ yếu quản lý việc đăng ký thường trú là trưởng ấp, tức khi chuyển đi, chuyển đến đều trưởng ấp nắm bắt hết. Còn quy định hiện nay tôi thấy nó hơi lòng vòng cho công dân khi chuyển, tôi thấy lên công an cấp quận, huyện hoặc thị xã nếu ở thành phố trực thuộc Trung ương, còn nếu ở tỉnh cũng phải công an xã. Chúng tôi đề nghị nên quy định là nơi xã, phường, thị trấn chuyển đến cũng vậy để làm sao giảm bớt phiền hà cho người dân. Một ý nữa tôi thấy tại Điều 26 là sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình nó liên quan đến Điều 29. Trong này không biết như thế nào nhưng tại Khoản 3, Điều 26 quy định thì những người ở chung một nhà có quan hệ gia đình là ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột, vợ chồng, con, cháu ruột được nhập chung vào hộ khẩu gia đình. Qua Điều 29 chỗ cấp hộ khẩu gia đình ở Khoản 1, Điểm c quy định lại nó khác tức "người đã nhập vào hộ khẩu gia đình quy định tại Khoản 3, Điều 26 của luật này được chủ hộ hoặc chủ nhà, nếu chủ hộ không phải là chủ nhà đồng ý bằng văn bản" thay vì Khoản 3 ta quy định là chủ hộ thì thêm chủ nhà nữa, thì chỗ này nói làm sao nó không minh bạch được, vì đã nói chủ hộ là thống nhất chủ hộ, còn chủ nhà là như thế nào, tôi đề nghị nên xem xét lại chỗ này cho thống nhất. Chúng ta quy định là chủ hộ đồng ý, thì chỗ nào cũng đều chủ hộ, bây giờ lại thêm chủ nhà nữa, khi người ta nhập đến chủ hộ đồng ý mà chủ nhà không đồng ý thì cũng không được, nó không minh bạch. Qua luật này tôi xin phát biểu, đóng góp mấy ý kiến như vậy.

Các văn bản liên quan