Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD- TN – TN và NĐ

Thứ Năm 10:13 31-08-2006

Kính thưa các đồng chí chủ tọa.
Kính thưa tất cả các đồng chí.
Có thể nói tôi rất chia sẻ với những ý kiến nhiều đồng chí rất bức xúc với sổ hộ khẩu, quả thật sổ hộ khẩu vừa yêu, vừa muốn có, nhưng đến bây giờ nhiều người quả thật rất khó chịu. Khó chịu bởi vì nó gắn liền với quá nhiều những quyền lợi khác và nó trở thành điều kiện để làm cho công dân khó có thể có hộ khẩu, điều này rất kỳ lạ, rất khó chịu. Nhưng tôi chia sẻ với ý kiến cho rằng đến khi nào đó có thể bỏ được cũng nên bỏ, mà có thể bỏ được, tôi nghĩ thế. Bởi vì nếu chúng ta nhớ lại ngày xưa chúng ta có sổ gọi là sổ gạo quý lắm, mất sổ gạo chúng ta thường nói là "mặt nghệt như mất sổ gạo", thì không còn cái cái gì trên đời nữa. Nhưng đến lúc nào đấy chúng ta tổ chức quản lý tốt, mọi cái mà nó chuyển cơ chế đúng thì quả thật sổ gạo chẳng cần nữa. Bây giờ không thấy ai hỏi đến sổ gạo nữa, tôi rất chia sẻ cái đó. Vậy nếu như chúng ta giải quyết đồng bộ, tôi có ngồi gần đồng chí Lương Phan Cừ và rất tha thiết chuyện là phải bỏ nó, nếu giải quyết được đồng bộ thì đến khi nào đó cũng có thể bỏ được, bởi vì bây giờ sổ hộ khẩu chúng ta cũng phải quản lý, chứng minh thư chúng ta cũng để quản lý, hộ chiếu phải xếp hàng. Xếp hàng trước đây cho phép người khác đặt viên gạch vào đấy, xếp hàng là được, nhưng bây giờ đích danh ai làm hộ chiếu ấy thì phải xếp hàng từ 5, 6 giờ sáng, chứ không phải là anh khác đến xếp hàng hộ đâu, bố xếp hàng cho con không được đâu..v.v...tất cả những điều đấy chúng ta là đại biểu của dân, có lẽ cũng phải nghĩ xem dấn đến khi nào không phải chịu những điều đó. Quả thật là năng lực quản lý của chúng ta cũng còn có hạn chế, cái đó cũng phải chia sẻ ý kiến của một số các đồng chí tại sao bảo là phải bỏ hộ khẩu là vì như thế.
Trong những điều khoản ở đây, quả thật cũng còn nhiều điều khoản rườm rà, tôi muốn lấy dẫn chứng một vài chỗ, cho nên càng tăng thêm khó chịu đối với hộ khẩu. Ngay như Điều 26, chúng ta quy định Khoản 2 và Khoản 3 thì suy cho cùng vẫn phải có ông theo hộ gia đình thể nào cũng có chủ hộ và chủ hộ phải đồng ý chứ ngay cả Khoản 2 cũng thế thôi, chủ hộ phải đồng ý chứ. Suy cho cùng nhập khẩu về chắc phải ở chỗ khác thì nhập khẩu về, chắc là nhập khẩu từ chỗ không thuận lợi lắm sang chỗ thuận lợi. Vậy ông chủ hộ thể nào cũng đồng ý, ngay cả Khoản 2 chứ không có nghĩa là con cháu, vợ chồng, cháu ruột các thức nghiễm nhiên được nhập vào đâu, không phải nghiễm nhiên, được đấy nhưng ông chủ hộ phải đồng ý. Vậy nó có khác gì Khoản 3 đâu, người nào cũng thế, điều kiện ông chủ hộ đồng ý mới được nhập vào. Đấy là một việc quy định ở Khoản 2, Khoản 3.
Nhưng Điều 29 tách hộ khẩu mới thấy phức tạp, tôi nghe đồng chí Yểu giải thích thấy rất thú vị, tức là gì? tức tôi muốn ở chung thì ở chung, còn nếu tôi muốn tách thì tôi tách, tôi đủ điều kiện tôi tách chứ không phải bắt buộc nhập hộ khẩu chung vào gia đình đâu.
Vậy Khoản 1, Điều 29, tiết a là khi kết hôn hoặc ly hôn mới được tách là không phải thế. Tức là một công dân đủ quyền công dân rồi, đủ 18 tuổi trở lên rồi nó là con chưa lấy vợ, nhưng nếu thực sự nó thích mà ông bố đồng ý thì cho nó tách chứ, chứ đâu phải có chuyện ly hôn, hay kết hôn mới cho tách, rồi một loạt các điều sau cũng thế, cứ phải gắn đủ các điều kiện trên đời này để hạn chế, tôi không biết hạn chế để làm gì. Tôi chẳng có ly hôn, tôi chẳng có kết hôn, tôi chưa lấy ai cả, nhưng tôi thích tách khỏi bố tôi thì phải được chứ, như thế mới được, nếu đã có rồi thì Khoản 1, tiết a lại trái với khoản quy định ở Điều 27 phải không ạ? Nếu đã có rồi thì trái, có thế thôi, thì nó lại trái, khoản ở Điều 29 trái đồng chí Thuận ạ, nếu đã có Khoản 1 rồi thì tiết a này lại trái, thế quy định để làm gì. Tôi không cần phải ly hôn, tôi chẳng cần phải kết hôn tôi vẫn có quyền tách, hãy để cho người ta tách, làm sao không có quyền tách. Đấy là vấn đề thứ hai.
Vấn đề thứ ba, ở Điều 30 điều chỉnh, thay đổi sổ hộ khẩu đủ thứ, tôi chủ hộ chẳng hạn thế, giả sử ông cụ già mất đi thì anh con cả hay anh nào đó thay ông chủ, thì đến chỉ xuất trình chứng minh thư và sổ hộ khẩu đã có thì thay cho tôi chứ có gì đâu. Đây lại còn phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu v.v... rồi Khoản 2 cũng vậy rườm rà lắm.
Cuối cùng phải đặt vấn đề là tinh thần của luật này làm sao phải toát lên được sổ hộ khẩu để làm gì, để Nhà nước quản lý tôi là chính, thì phải tạo mọi điều kiện cho công dân người ta tự nguyện và dễ nhất để cho các ông quản lý tôi, chứ đừng đặt vấn đề làm khó cho người ta quản lý mình. Đặt vấn đề làm khó cho người ta quản lý mình để mình quản lý người ta, đặt vấn đề làm khó cho người ta thì là làm ngược. Tôi đồng tình với những ý kiến phải có những chế tài và bây giờ những quy định đã thoáng nhiều lắm so với trước, chúng ta phải thấy như thế mới được. Nhưng quả thực những cơ quan chức năng còn gây khó khăn nhiều lắm cho những người nhập hộ khẩu.
Tôi đặt vấn đề là chúng ta hiểu quyền và khả năng để đảm bảo quyền đó như thế nào, ta nói ví dụ Hiến pháp quy định là quyền có nhà ở, có nghĩa là tôi dứt khoát phải có nhà ở, tôi không làm được nhà thì các ông phải làm cho tôi à, không phải. Quyền ông có nhà ở, không có nghĩa là dứt khoát ông phải có nhà ở, không có ông nằm ăn vạ ra đấy thì khắc có, nếu hiểu như thế là không đúng. Cũng như là quyền tự do cư trú, cũng như quyền tự do đi lại, ông có quyền đó nhưng quyền đó chắc phải gắn thêm những điều kiện gì đó. Ví dụ như quyền tự do đi lại, bây giờ di chuyển hẹp trong thành phố này thôi chẳng hạn, đúng là ông có quyền tự do, nhưng đèn đỏ ông vẫn phải đứng lại, có điều kiện, nếu đèn đỏ ông cứ xông lên là làm mất quyền tự do của người khác. Chúng ta nên hiểu quyền tự do đi lại và quyền tự do cư trú như thế thì chúng ta mới giải quyết được.
Ý thứ hai, giữa khả năng thực tế với mong muốn của chúng ta, tôi nghĩ đến lúc nào đó sẽ bỏ hộ khẩu, nhưng ngay bây giờ bảo bỏ hộ khẩu chắc là còn khó. Nó khó ở chỗ, tôi nghĩ đồng chí Lương Phan Cừ chỗ đó rất tiến bộ, tại sao anh muốn vào học Chu Văn An nhiều như thế, tại sao không làm Chu Văn An to lên, cũng muốn lắm nhưng tiền chưa có mà làm trường đó lâu lắm, đào tạo để giáo viên đủ trình độ như thế khó lắm, cho nên nó không thể làm nhanh được. Cho nên phải quy định, cũng không có cách nào khác, nếu không chúng ta lại trở thành duy ý chí, chúng ta đặt ra mà cuối cùng chúng ta không thực hiện được, vấn đề duy ý chí là ở chỗ đấy.
Ở Hà Nội nói vậy thôi, ví dụ ở các thành phố có nhiều chuyện chúng ta phải thay đổi, một là vệ sinh môi trường như thế nào? có khả năng đảm bảo được không? số lượng người ở như thế có đảm bảo được không? Hai là ông bảo là có chỗ người ta không đồng ý, giả sử sau này, tôi không gắn liền với quyền tài sản, nhưng hết một năm hợp đồng ông không thuê tiếp thì ông ở ngoài đường à? cái đấy rất khó. Tôi rất đồng tình với ý kiến nhiều đồng chí cho rằng không nên gắn tài sản với chuyện làm hộ khẩu. Cho nên chuyện hỏi hay không hỏi thì phải tính, nhưng khổ một cái chính là tư duy quyền có nhà ở, gặp ngay một ông khùng bảo quyền tôi có hộ khẩu đây rồi, tôi lại có quyền có nhà ở, tôi đang ở đây, ông phải kiếm cho tôi chỗ ở khác ông mới đuổi tôi được, tôi đang ở đây thì phức tạp lắm, cãi cùng như thế thì không giải quyết được. Cho nên tư duy của chúng ta phải đặt vấn đề là hạn chế tuyệt đối phiền hà trong quy định này để làm hộ khẩu, tiến tới hộ khẩu chỉ là hộ khẩu thôi chứ không phải gắn với những quyền, lợi ích khác không phải là hộ khẩu. Cách đặt vấn đề là cách đặt vấn đề như vậy, hạn chế những cái đó. Ví dụ giao thông thì hạn chế bằng Luật Giao thông, chứ không giao thông lại hạn chế bằng Luật khác thì vô lý. Tinh thần, ý tứ như thế thì giải quyết được, tôi nghĩ rằng tập trung kiến nghị với Ban Soạn thảo, nếu tập trung thì tập trung vào Chương III để làm sao hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tách nhập v.v... cho thủ tục bớt rườm rà nhất, thì tôi tin rằng Quốc hội cũng như dân sẽ đồng ý.

Các văn bản liên quan