Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Ngàng – Thành phố Hải Phòng

Thứ Tư 10:27 25-10-2006

Kinh thưa Quốc hội,

Trước hết tôi nhất trí cao với tên gọi là Luật dạy nghề và phạm vi điều chỉnh của luật như báo cáo của Ban Soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trình trước Quốc hội.
Tôi hiểu rằng mục tiêu của đào tạo dạy nghề nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp tham gia sản xuất dịch vụ, có năng lực thực hành theo nghề hẹp, chuyên sâu mà chúng ta đang cần đó là thợ lành nghề.

Về chương trình dạy nghề căn cứ theo tiêu chuẩn nghề trong sản xuất, chủ yếu là dạy thực hành, cấu trúc của chương trình dạy nghề theo moden, kỹ năng thực hành.

Về nhu cầu của thị trường lao động theo điều tra gần đây có khoảng 1,8% số người được học nghề, không kiếm được việc làm, tỷ lệ đó đối với kỹ thuật viên trung cấp là 4,4% và cao đẳng đại học 3, 8%. Như vậy người lao động qua dạy nghề có tỷ lệ thất nghiệp thấp, lao động qua đào tạo trung cấp có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, điều đó được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày tại Quốc hội vào ngày 17/10/2006 thì chỉ tiêu về tuyển mới trung học chuyên nghiệp là đạt thấp.

Đối chiếu với Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết ghi "tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho việc xuất khẩu lao động". Nếu Nhà nước không tập trung cao hơn cho dạy nghề thì khó đạt được chỉ tiêu 26% số lao động đào tạo nghề vào năm 2010.Cũng vì lẽ đó tôi thấy chỉ tiêu của Chính phủ đề ra về đào tạo nghề năm 2007 chỉ tăng 15,4% là quá thấp.

Vấn đề thứ hai, về tổ chức dạy nghề của doanh nghiệp đây là quy định mới từ Điều 55 cho đến Điều 57 của dự thảo, tôi tán thành cao với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo ở các Điều 55, 56, 57 quy định này rất phù hợp với các quy định trong bộ luật lao động hiện hành và thực tiễn ở nước ta. Tôi nói ví dụ: Như ngành đóng tàu hiện nay, những nhà máy lớn, công ty lớn người ta đều có trường bên cạnh và theo quy định ở Điều 55, người ta có cả trường trung cấp, trường cao đẳng để đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất và cho xã hội, ở đây xã hội theo nghĩa rất rộng, điều này rất tốt.

Nhưng tôi đề nghị riêng ở điểm a, Khoản 5, Điều 55 nên thiết kế lại. Tôi đề nghị việc đầu tư cho xuống phần cuối và điểm a, Khoản 5 nên thiết kế lại: Các khoản chi phí hợp lý của doanh nghiệp để đầu tư và duy trì hoạt động cơ sở dạy nghề trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là được tính để trừ thuế thu nhập, theo Điều 9 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhân ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, tôi thấy Ban soạn thảo và Thường vụ Quốc hội nên tính toán thêm, mở rộng đối tượng được quyền để mà tổ chức dạy nghề là các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Về quản lý Nhà nước và dạy nghề quy định tại Điều 84, tôi thấy trong 43 năm qua theo báo cáo của Thường vụ Quốc hội, việc phân công về quản lý Nhà nước và dạy nghề thay đổi quá nhiều lần, điều này không tốt, theo phân công hiện nay của Chính phủ, ngành Lao động thương binh và xã hội quản lý việc đào tạo sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động. Ở đây nhiều đại biểu đã phát biểu, chúng ta gắn việc sử dụng lao động với việc thực hiện chế độ chính sách và đào tạo người lao động, trong sử dụng có đào tạo và đào tạo có sử dụng. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng chỉ nên một Bộ quản lý, theo tôi Điều 84 nên dứt khoát cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề, Khoản 1 là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về dạy nghề, Điều 2 là giao cho Bộ Lao động thường binh và xã hội giúp Chính phủ trong thực hiện quản lý dạy nghề trên phạm vi toàn quốc, cuối cùng là Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý theo sự phân công của Chính phủ. Tôi cũng đề nghị để thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ở đây thiết kế ở điều cuối cùng là Điều 92 là Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 62, 72, 84, 96, 88, 89 của luật này tôi cho rất là tốt. Làm sao các cơ quan chức năng của Chính phủ sớm có những dự thảo phù hợp với quy định của luật, lẽ ra quy định của Luật ban hành quy phạm pháp luật các Nghị định Chính phủ phải trình kèm theo với Dự án luật. Tránh trường hợp như trước đây, Luật Doanh nghiệp khi thông qua quy định rằng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiên một số điều, nhưng sau đó khi chúng tôi nhận văn bản thì lại là Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hành luật này là một điều quét mà tôi cho rằng làm như thế không nên, chúng ta đã có những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các văn bản liên quan