Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Tư 10:29 25-10-2006

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa Quốc hội,

Xin thú thực với Quốc hội là lúc đầu khi còn ở nhà xem qua dự thảo và tờ trình thì tôi dự kiến sẽ không phát biểu hôm nay để không mang tiếng là một người ở phút 89. Tuy nhiên, sau khi nghe Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và những ý kiến ban đầu của đại biểu Quốc hội thì trong tôi đã hình thành một băn khoăn mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa giải đáp được. Vì vậy tôi nghĩ nhìn danh sách cũng không còn nhiều người cho nên tôi đã đăng ký và tôi xin phát biểu một số ý như sau:

Thứ nhất, điều mà hôm nay chúng ta có thể thấy rõ, Nhà nước chúng ta đã tồn tại 60 năm và sự nghiệp đào tạo nghề này đã được 43 năm và đổi mới cũng đã hơn 20 năm. Nhưng đến hôm nay chúng ta mới bàn với nhau để thông qua Luật Dạy nghề và trong bản đó thì một số vấn đề rất cơ bản vẫn chưa thống nhất với nhau, phải nói rằng đó là điều rất đáng tiếc. Chúng ta từ một nước lạc hậu đi lên, có nhiều vấn đề chúng ta chưa có nhưng phương châm lớn mà Đảng đã đề ra đó là trong nhiều vấn đề chúng ta phải đi tắt đón đầu, đây là một lĩnh vực mà chúng ta hoàn toàn có khả năng đi tắt, đón đầu, đến hôm nay chúng ta đang băn khoăn về cơ sở pháp lý của công việc này. Tôi nghĩ rằng không phải một nước lạc hậu không thể đào tạo được những ngành nghề cho tương lai theo bước phát triển của mình, mấy hôm nay chúng ta theo dõi báo chí thấy ngành này đến ngành kia đều kêu thiếu những thợ cơ bản, thợ lành nghề. Trong xuất khẩu lao động, chúng ta cũng để những người không có nghề nghiệp, cả ngôn ngữ của nước đó cũng chưa biết, để đi làm những việc mà chúng ta thấy không hoàn toàn vui vẻ. Cho nên, tôi thấy đây là một nhược điểm chúng ta phải sớm khắc phục bằng những biện pháp khẩn trương, cụ thể và có hiệu quả.

Thứ hai, đó là vấn đề chúng tôi phân vân nhiều trước Tờ trình, trước bản trình bày của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với danh nghĩa là cơ quan thường trực của Quốc hội, chịu trách nhiệm trình dự thảo này ra. Cụ thể chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề quản lý Nhà nước về dạy nghề. Trong 4 ý kiến được trình bày trong báo cáo, có hai ý kiến đầu.

Ý kiến thứ nhất, theo sự phân công của Chính phủ.

Ý kiến thứ hai, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trực tiếp.

Hai ý kiến sau giao cho Bộ Giáo dục và một ý kiến thứ tư là Tổng cục dạy nghề thành lập lại, vì trước đó chúng ta đã có Tổng Cục dạy nghề.

Bốn ý kiến như vậy mà qua trình bày biết rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với hai ý kiến đầu. Trên thực tế những ý kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bao giờ cũng trình bày đầu tiên. Nhưng trong dự thảo luật thấy rằng bản thân Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng ta đang có sự phân vân, vì sao không nói thẳng vào đây, trong lúc đó trong 92 điều luật có đến 14 chỗ chúng ta đề cập đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động sau khi nói đến Chính phủ quản lý thống nhất. Phải chăng ở đây thể hiện một sự phân vân, chưa hoàn toàn kiên định của mình và điều đó chính là điều tôi phân vân. Vì sao? vì qua ý kiến của các đại biểu trong 7 - 8 đồng chí phát biểu đầu tiên, ai cũng ngả về phía là nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và qua ý kiến của các đồng chí tôi nghĩ rằng đấy không phải là ý kiến cá nhân của các đại biểu, mà chính phản ảnh lại tâm tư, băn khoăn của thực tế lâu nay trong quản lý dạy nghề. Tôi nghe anh Trân, thấy 3 lập luận thật xác đáng, nhưng liên hệ đến thực tế tôi lại thấy điều băn khoăn chưa giải đáp được, tại sao học sinh chúng ta, con em chúng ta, con cháu chúng ta học xong lớp 12 rồi mà vẫn ngơ ngác trước cuộc đời, nếu không trúng đại học, không hề biết mình sẽ đi đâu vì hướng nghiệp của chúng ta rất chậm, rất thấp. Một nước phát triển như nước Đức ngay từ hết phổ thông cơ sở, các cháu đã được hướng nghiệp và trong những năm còn lại ở trường Phổ thông đó người ta tập trung vào hướng các em đi vào cái nghiệp, cái nghề tương lai của các cháu và cả cuộc đời gắn với nghề đó. Nên học xong mà không trúng đại học, hoặc không thi đại học thì người ta biết rằng người ta sẽ làm cái gì, đi làm cái nghề mà mình đã được hướng nghiệp từ nhà trường phổ thông.

Tại sao hiện nay Bộ Giáo dục của ta không làm những điều đó và các cháu chúng ta, con cháu chúng ta vẫn ngơ ngác trước cuộc đời, nhất là các em ở nông thôn. Tôi đã về chứng kiến các cháu bố mẹ thì rầy rà, nhưng các em, các cháu thì không biết làm gì, vì chúng ta không kết hợp giáo dục với đào tạo nghề. Tôi thấy không biết là anh Trân đã cân nhắc đến ý đó chưa, nhưng tôi cho rằng một trong những cái khuyết điểm của giáo dục của chúng ta hiện nay chính là không sớm hướng nghiệp cho các cháu, con em chúng ta, là vì sao? là vì việc dạy nghề lại không được đặt trong Bộ Giáo dục. Tôi cho rằng đây chính là điều phải cân nhắc rất kỹ, chứ không nên dễ dàng nói rằng hiện nay Bộ Lao động đang quản lý thì nên tiếp tục giao cho Bộ Lao động. Bộ Lao động đang quản lý đặt trong tình hình là Bộ Lao động quản lý về lao động, nhưng chúng ta không thấy rằng đến bây giờ chúng ta mới ban hành Luật này, và đây là lúc mà chúng ta phải xem xét toàn diện vấn đề này, chứ không phải chỉ vì thừa nhận thực tế như thế rồi chúng ta chấp nhận nó, đây là lúc mà theo chúng tôi là phải cân nhắc lại một cách toàn diện hướng tương lai của ngành giáo dục chúng ta. Không phải chỉ Bộ Lao động mà Bộ Giáo dục cũng phải được đặt ra để xem xét. Tôi thấy lập luận của chúng ta vẫn mang tính phiến diện. Cho nên, chúng tôi muốn giữ nguyên phương án này.

Chúng tôi xin báo cáo trước với Quốc hội rằng, tôi sẽ bỏ phiếu ở chỗ không biểu quyết vì tôi đang phân vân, vì đây là vấn đề liên quan đến tương lai của đất nước. Trong 43 năm chúng ta xoay chuyển đến 4 lần và rồi cuối cùng chúng ta giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng Bộ Lao động vẫn chưa được sự tín nhiệm, chưa được tin cậy của một bộ phận không nhỏ trong Hội trường này, cho nên chúng tôi đề nghị cần phải cân nhắc kỹ hơn. Bản thân tôi thì không dám khẳng định thế nào, nhưng cần phải cân nhắc kỹ hơn cái đạo lý, hơn nữa một số đồng chí có nói nước này, nước kia thì chúng tôi cho rằng cũng không thuyết phục. Vì sao? Những lĩnh vực khác thì chúng ta không có kinh nghiệm, nhưng thực tế của chúng ta là 43 năm nắm chính quyền và 43 năm làm công tác này, mà đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có 1 phương án cho rõ ràng. Thái độ của Ủy ban Thương vụ Quốc hội là cơ quan trình hôm nay cũng chưa thật rõ ràng, thì tôi nghĩ đó là cơ sở để chúng ta phải xem xét kỹ vấn đề này. Thời gian của chúng tôi chắc đã hết, cho nên chúng tôi cũng không dám nói thêm và xin dừng lại ở đây. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, phải chăng việc thảo luận Luật này dừng lại ở đây và để hôm nào chúng ta chỉ biểu quyết thông qua hay cần phải có sự cân nhắc thêm ở một diễn đàn nào đấy, hoặc ở một hình thức nào đấy cho thích hợp. Chúng tôi xin phát biểu ý kiến băn khoăn của mình như vậy.

Các văn bản liên quan