Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thành Long – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Tư 10:25 25-10-2006
Kính thưa Chủ tọa!

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu 3 vấn đề. Vấn đề thứ nhất liên quan đến chuyên môn dạy nghề, vấn đề thứ hai liên quan đến chính sách.

Vấn đề thứ ba liên quan đến vấn đề quản lý về chuyên môn dạy nghề, trước khi đi vào các điều cụ thể, tôi xin nêu như thế này: Dạy nghề cũng như đào tạo kỹ thuật nói chung khi người ta phân biệt là một vấn đề rất quan trọng, là vấn đề mối quan hệ giữa kỹ năng chuyên môn, trình độ tay nghề và trình độ lý thuyết. Nói như vậy vì lúc tôi làm Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật, tôi so sánh cách dạy của trường đó với Trường Đại học Bách khoa thì về mặt chuyên môn, trình độ của Trường Đại học sư phạm kỹ thuật là cái máy để đào tạo ra giáo viên dạy nghề cho các trường. Như vậy, về mặt trình độ lý thuyết nó phải đảm bảo trình độ kỹ sư. Nhưng tay nghề, chúng tôi đào tạo ra phải đáp ứng tay nghề ít nhất là thợ bậc 3 thì mới ra dạy nghề được. Ngoài ra còn phải có chứng chỉ biết phương pháp sư phạm kỹ thuật. Trong tài liệu này có chỗ tôi thấy đề là phương pháp sư phạm. Sư phạm khác với sư phạm kỹ thuật, đề nghị Ban soạn thảo nói cho chính xác chỗ đó. Như vậy giữa lý thuyết và thực hành phân biệt rõ. Cho nên tôi thấy trong xã hội hiện nay là quan hệ giữa lý thuyết và thực hành đối với yêu cầu của người công nhân trong sản xuất hiện nay có 2 xu hướng:

Một xu hướng là nâng cao trình độ lý thuyết lên. Ví dụ như bây giờ một công nhân cơ khí có thể trước đây có những chi tiết mà công nhân cơ khí phải trình độ bậc 7 mới làm ra được chi tiết đó. Nhưng bây giờ có khi công nhân bậc 3 có thể làm được chi tiết như công nhân bậc 7 trước đây. Vì lý do anh công nhân bậc 3 này biết được qui trình để mà thao tác cắt gọt cái đó rồi, anh lập chương trình để đưa lên máy nó thực hiện, thì khéo léo, khéo tay là máy đó nó làm rồi, còn người công nhân bây giờ phải có trình độ biết lập trình máy tính để đưa vào chương trình. Cho nên giữa lý thuyết và tay nghề bây giờ nó có thay đổi, đấy là xu hướng nâng cao.

Còn có xu hướng khác là nó hạ thấp xuống thì xu hướng này trong sản xuất nó cũng có nhưng cái này nó có nhược điểm chúng ta cũng không khuyến khích. Ví dụ: Trong khu chế xuất Tân Thuận, nhà máy chế tạo cho ra bộ dây điện để lắp ráp lên ô tô, cái này nó phức tạp lắm. Nhưng người vô học đó chỉ học một tháng là làm được vì nó vẽ bản lên rồi dây đỏ, dây đen, dây xanh, dây vàng, dây nào nối với dây nào thì chỉ biết nối thôi chứ còn không biết tại sao lại làm như thế, còn lý thuyết rất thấp. Tôi nói vấn đề này để tôi nói quản lý Nhà nước, tôi nói là quan hệ giữa tay nghề với lý thuyết nó xác định việc dạy nghề rất quan trọng.

Cho nên tôi đi vào mục ví dụ như Điều 24, ở đây Ban soạn thảo quy định dạy nghề trình độ cao đẳng nói là người học nghề có kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành các công việc một nghề có tổ chức độc lập v.v... Tôi đề nghị nên nói rõ, ví dụ đào tạo nghề trình độ cao đẳng thì trình độ lý thuyết phải tương đương với cao đẳng của ngành tương ứng. Như vậy, nó rõ ràng, còn tay nghề nếu như không nói rõ ràng bậc mấy thì cũng nói tay nghề chuyên môn cao, phải chú ý cái đó. Đấy là điều thứ nhất tôi muốn phát biểu.

Điều thứ hai, liên quan đến chính sách, lúc nãy anh Trân có nói về chính sách xã hội, tôi thấy trong hệ thống đào tạo nghề có nhiều việc mà chúng ta đi vào thấy có nhiều điểm phải chú ý:

Thứ nhất là đào tạo nghề rất tốn kém, nếu muốn đảm bảo đào tạo nghề ra có chất lượng là tốn kém rất nhiều trang thiết bị, vật tư để phục vụ cho đào tạo, cập nhật bồi dưỡng cho thày dạy nghề để làm sao ông thày giáo dạy nghề tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật vì công nhân ra là phải làm việc ngay, nếu tiến bộ khoa học kỹ thuật không biết thì sẽ làm không được. Cái này kinh nghiệm có rồi, tôi nhớ khi đưa xe ô tô đời mới hệ số tự động vào, lúc xe hỏng không có gara nào có thể sửa được, tháo ra nó đổ một đống bi không lắp lại được, phải đưa qua đây bồi dưỡng ngắn hạn nghề đó mới làm được, cho nên cái này phải cập nhật giáo viên, bồi dưỡng giáo viên dữ lắm. Muốn chất lượng cao, so sánh việc đào tạo nghề với việc đào tạo ở trường đại học, những ngành khoa học xã hội nhân văn, chưa chắc nơi nào chi phí đào tạo thấp hơn, có khi đào tạo nghề cao hơn. Cho nên, phải thấy rõ cái đó để có chính sách.

Như vậy, trong các nước trên thế giới, đào tạo nghề tốn kém như vậy, cho nên mỗi nước người ta có cách suy nghĩ làm sao để đảm bảo chất lượng Nhà nước chịu nổi chi phí này. Một số đại biểu nói hệ thống đào tạo của Đức, hệ thống này là hệ thống kép, hệ thống này kết hợp giữa cơ sở sản xuất với trường dạy nghề, kết hợp này rất chặt chẽ, nhưng nếu áp dụng theo mô hình này chưa chắc mình áp dụng nổi, vì Canada đã thử nghiệm mô hình này của Đức nhưng thất bại. Áp dụng cái này phải có mức độ, phải có tính hợp lý, cho nên, tôi đề nghị trong chính sách của Nhà nước Mục 3 Điều 53 ghi là Nhà nước có chính sách đầu tư bảo đảm các điều kiện cho cơ sở dạy nghề tiếp nhận học sinh phổ thông, học sinh dân tộc v.v...nếu nói về cái đó thì nó nặng về đối tượng xã hội, nhưng chính sách làm sao đầu tư cho cơ sở dạy nghề là rất cần thiết, nó tốn kém lắm.

Cho nên tôi đề nghị thêm là Nhà nước cũng phải khuyến khích các doanh nghiệp có hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề mà sự hỗ trợ đó được tính vào chi phí hợp lý cho doanh nghiệp, để người ta tính thuế, người ta được giảm này kia, cái này rất quan trọng. Cho nên tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu thử xem, nếu có như thế này thì các doanh nghiệp mới hỗ trợ. Còn trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, kể cả những nước hiện đại nhất như Đức thì cũng không bao giờ đáp ứng được trình độ ở ngoài sản xuất, sản xuất những máy mới, những thiết bị mới ra thì cơ sở dạy nghề cũng chưa có cho nên vẫn không đáp ứng được. Nếu có chính sách này thì khuyến khích người ta ủng hộ cho các cơ sở dạy nghề. Anh Trân thì muốn bắt buộc nhưng tôi nghĩ là nên có khuyến khích bằng cách có chính sách thuế gì đó để khuyến khích, chứ bắt buộc thì chưa được.

Ý thứ hai, xung quanh chính sách, Điều 55 tôi thấy trong này giữa Mục 2 và Mục 3. Mục 1 nói các cơ sở sản xuất có thể tổ chức dạy nghề thì đồng ý. Mục 2 nói được tổ chức dạy nghề làm việc tại doanh nghiệp, ý đây muốn nói dạy nghề thường xuyên, nhưng tôi nghĩ cái này kết hợp với Mục 3 thì nói cho rõ ý thế này: Nếu ở doanh nghiệp không tổ chức trung tâm hay cơ sở dạy nghề thì phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho dạy nghề, như vậy nó hợp lý hơn. Còn cái thứ ba là nên kết hợp với các trung tâm dạy nghề, vì trong hệ thống kép của người ta thì phần lý thuyết ở các trung tâm dạy nghề người ta dạy chuẩn hơn cho nên người ta dạy lý thuyết nếu nơi sản xuất muốn kết hợp dạy nghề thì ta phải liên doanh, liên kết với trung tâm dạy nghề để người ta dạy phần lý thuyết còn phần hướng dẫn thực hành thì nhà máy, xí nghiệp có người hướng dẫn thực hành. Như vậy cần nói cho rõ ý chỗ này thì dần dần mình đưa hệ thống dạy nghề vào được bài bản và chất lượng hơn. Liên quan đến doanh nghiệp thì tôi đề nghị ý như vậy.

Trong Điều 58 các đồng chí có quy định về trình độ giáo viên dạy thực hành. Điều 58, Điểm c quy định giáo viên dạy lý thuyết ở trình độ Cao đẳng nghề thì phải có bằng tốt nghiệp Sư phạm kỹ thuật, còn giáo viên dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp Cao đẳng nghề, có tay nghề cao v.v... thì tôi đề nghị các đồng chí lưu ý như sau: khi dạy thực hành thì người vào học Cao đẳng này học sinh thường mới vào thì tay nghề chưa có gì, cho nên học hướng dẫn thực hành là cỡ từ bậc 1 lên bậc 2, bậc 3 v.v... thì trình độ nếu công nhân có tay nghề cao là được rồi chứ không đòi hỏi ở lý thuyết, vì ở trường có người dạy lý thuyết rồi, cho nên ta kết hợp tay nghề vào là ta đã có bài bản rồi cho nên người dạy thực hành đòi hỏi có tay nghề cao chứ còn yêu cầu cả lý thuyết như thế này nữa thì tôi thấy hơi phức tạp mà lại không cần thiết, vì người vào học nghề ở trường Cao đẳng đó là cũng mới vào, mới học nghề bậc 1, bậc 2, chứ đâu phải là cái gì cao siêu lắm đâu. Cho nên chỗ này tôi đề nghị chỉnh lại một chút.

Về quản lý, tôi thấy thế này. Trước đây có Tổng Cục dạy nghề, khi mà đưa Tổng Cục dạy nghề đặt vào Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ở bên Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần quản lý dạy nghề, bây giờ những anh em làm ở Tổng Cục dạy nghề đó đưa qua Bộ Lao động.

Trong cơ chế thị trường thì việc người lao động đang làm việc mà bị thất nghiệp, rồi phải học nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp rất quan trọng, cái này những nước trong cơ chế thị trường người ta hết sức chú ý, cho nên việc bồi dưỡng, đào tạo nghề lại cho người lao động rất quan trọng. Do đó, nếu đặt ở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì tôi thấy hợp lý, nhưng tôi tán thành ý kiến là để như trong Dự thảo của Luật.

Các văn bản liên quan