Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Vân Lan – Thành phố Đà Nẵng

Thứ Năm 21:30 25-05-2006

... Từ những vấn đề rút ra qua thực tế tôi xin có một số ý kiến góp ý vào Dự thảo luật như sau:
 
Thứ nhất, về tổ chức trợ giúp pháp lý. Theo Báo cáo tổ chức trợ giúp pháp lý của nước ta hiện nay đã được tổ chức ở cả bốn cấp. Ở Trung ương một số đoàn thể đã tổ chức thí điểm việc trợ giúp pháp lý. Ở cấp tỉnh, thành phố đã có 64 tỉnh, thành lập trung tâm trợ giúp pháp lý. Ở cấp huyện đã có 875 chi nhánh tổ trợ giúp pháp lý. Ở cấp xã đã có 444 điểm câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Các tổ chức này bước đầu đã thể hiện được tính xã hội hóa của tổ chức trợ giúp pháp lý, tuy chưa thực sự đủ mạnh nhưng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân. Tôi nhất trí phương án một của Dự thảo nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại Điều 14 quy định chỉ thành lập ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Điều 15 căn cứ nhu cầu của địa phương, Ủy ban nhân dân quyết định thành lập chi nhánh của trung tâm, không nêu rõ mô hình ở cấp huyện, xã như hiện nay.
Theo tôi đây là nội dung đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm. Bởi yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngày một tăng thêm. Nếu ở địa phương, mỗi tỉnh chỉ có một hoặc một số trung tâm, chi nhánh trực thuộc tỉnh, thành phố thì chưa thể đáp ứng được. Hơn nữa điều này chưa thể hiện tinh thần Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ là tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, hướng hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận với mô hình trợ giúp pháp lý. Do vậy tôi đề nghị luật cần bổ sung thêm mô hình tổ chức trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và xã theo hướng thực hiện xã hội hoá mạnh hơn công tác trợ giúp pháp lý, để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng cho nhân dân.
 
Vấn đề thứ hai, người được trợ giúp pháp lý, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, tôi nhất trí với phương án 1 người trợ giúp pháp lý là người nghèo theo quy định của pháp luật, nhưng tôi đề nghị bổ sung thêm một đối tượng đó là trẻ em vị thành niên. Tôi đề nghị như thế bởi lẽ vì người nghèo là đối tượng khó khăn nhất, thiệt thòi nhất cần Nhà nước trợ giúp pháp lý miễn phí. Chúng ta lấy tiêu chí nghèo làm chuẩn duy nhất sẽ đảm bảo không lẫn lộn, không chồng chéo với đối tượng nào khác. Vì người nghèo có trong tất cả các chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nếu có đối tượng đó nằm trong chuẩn nghèo đều được trợ giúp pháp lý miễn phí. Vì người nghèo theo chuẩn mới số lượng cũng đã tăng lên 26% trong tổng số dân. Như thế Nhà nước mới có đủ điều kiện tập trung phục vụ trợ giúp pháp lý một cách tốt hơn. Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vì đối tượng chính sách thì Nhà nước đã có chính sách ưu đãi khác và hơn nữa không phải tất cả các đối tượng chính sách đều trong diện nghèo và có nhu cầu trợ giúp pháp lý.
Còn trẻ em vị thành niên, đây là đối tượng ít có điều kiện tiếp cận các văn bản pháp luật, nhận thức của các cháu chưa chín chắn nên dẫn đến các vi phạm, nhất là các cháu thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình nên rất cần sự trợ giúp pháp lý miễn phí.
 
Thứ ba, về quỹ trợ giúp pháp lý miễn phí, việc xây dựng quỹ trợ giúp pháp lý là cần thiết để chi phí cho công tác trợ giúp pháp lý, bởi vì chúng ta không thu từ người được trợ giúp pháp lý.
Tại Điều 8, dự thảo Luật quy định quỹ trợ giúp pháp lý chỉ được hình thành ở cấp trung ương, trong khi thực tế ở địa phương hàng năm Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố có chi một khoản kinh phí cần thiết cho hoạt động, một số địa phương còn có khả năng vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để giúp cho hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương.
Do vậy, tôi đề nghị luật cần bổ sung cấp địa phương cũng được thành lập quỹ trợ giúp pháp lý để có thể thu nhận từ các khoản đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, đây cũng là hình thức xã hội hoá nguồn kinh phí, thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nhằm phục vụ tốt hơn công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.

Các văn bản liên quan