Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thanh Bình – Tỉnh Bắc Ninh

Thứ Năm 21:22 25-05-2006

... Thứ nhất, về người được trợ giúp pháp lý, Điều 8 tôi tán thành phương án hai vì những lý do như sau:

Lý do thứ nhất, theo quy định hiện hành về trợ giúp pháp lý đã có quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm người nghèo và những người thuộc diện chính sách như người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong 8 năm qua, chúng ta đã thực hiện hiệu quả việc trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này. Việc thực hiện theo phương án hai sẽ là kế thừa những quy định của pháp luật hiện hành, hiện vẫn và đang được thực thi trong điều kiện hiện tại.

 

Thứ hai, Việt Nam là một quốc gia không giống như các quốc gia khác, chúng ta vừa trải qua hai cuộc chiến tranh với bao đau thương và mất mát, cuộc chiến mặc dù đã lùi xa 30 năm nhưng những gì để lịa vẫn còn. Việc quan tâm đến những đối tượng chính sách, những người có công với đất nước là điều hết sức cần thiết, thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc và chủ trương, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, đây là một chủ trương nhất quán của chúng ta từ trước đến nay. Và quy định như phương án 2 cũng nhằm đảm bảo được sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Thứ ba, có ý kiến cho rằng nếu quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm cả đối tượng chính sách là không khả thi trong điều kiện ngân sách của nước ta hiện tại.

  Tôi xin phép được đưa ra một con số, trong 8 năm qua, từ năm 1997 đến năm 2005 ngân sách Nhà nước cấp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý tại 53/64 tỉnh thành trong cả nước là 41 tỷ 700 triệu đồng, có nghĩa là trung bình mỗi năm trên 5 tỷ. Trong đó chi trực tiếp cho hoạt động trợ giúp pháp lý bao gồm cả trợ giúp pháp lý cho người nghèo, cho các đối tượng chính sách, như đã trực tiếp cho trợ giúp pháp lý như là chi cho công tác đại diện bào chữa, tư vấn là 8 tỷ, nghĩa là trung bình mỗi năm chỉ sử dụng có 1 tỷ, là 1 tỷ/1 năm. Như vậy, có thể thấy rằng đây là con số không hề lớn so với thực lực ngân sách của Nhà nước ta.

Vì vậy không có lý do gì để có thể nói rằng việc chi trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách là không khả thi trong điều kiện ngân sách của nhà nước ta hiện nay. Mặc dù có thể trong thời gian tới, nhu cầu có tăng, chi phí nhiều hơn nhưng việc chi thêm cho những đối tượng này sẽ không làm tăng thêm nhiều cho ngân sách Nhà nước về trợ giúp pháp lý. Vả lại, những đối tượng chính sách khi mà có điều kiện kinh tế thì có thể họ sẽ không sử dụng các trợ giúp pháp lý miễn phí, mà sử dụng các hình thức tư vấn pháp luật khác như là thuê luật sư. Cái này không nhất thiết tất cả các đối tượng chính sách đều được hưởng trợ giúp pháp lý nhưng khi người ta có yêu cầu thì được trợ giúp pháp lý miễn phí, còn không ở điều kiện khác thì họ có thể sử dụng các hình thức tư vấn pháp luật khác.

Với những lý do trên, tôi đồng ý với phương án 2, Điều 8 trong dự thảo luật. Đề nghị được bổ sung thêm một đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý nữa, đó là người tàn tật và nạn nhâm nhiễm chất độc màu da cam trong dự thảo luật. Tôi xin được thiết kế lại Điều 8 như sau:

Thứ nhất, người nghèo theo quy định chuẩn nghèo quốc gia.

Thứ hai, người hoạt động cách mạng v.v...

Thứ ba, người tàn tật, nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam.

Thứ tư là đồng bào dân số thiểu số v.v...

 

Về vấn đề xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Tôi tán thành với quan điểm xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý như đã thể hiện trong Điều 5 của dự thảo luật. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có huy động nguồn lực và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Quy định như vậy là phù hợp và đáp ứng với nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao trong đời sống xã hội, phù hợp với chủ trương xã hội hoá trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên trong Dự thảo luật đã không thể hiện rõ được tổ chức hoạt động cũng như hình thức sử dụng kinh phí cho các tổ chức tư vấn pháp lý, các tổ chức trợ giúp pháp lý của các tổ chức tư vấn pháp luật, của các tổ chức đoàn thể xã hội nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án luật cũng như tránh sự ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước của tổ chức này.

 

Tôi xin đề nghị được bổ xung thêm một điều trong chương 3 về tổ chức tư vấn pháp luật. Một điều thể hiện sau điều tổ chức trợ giúp pháp lý, Điều 14, trong đó quy định rõ về cơ cấu tổ chức, vị trí cũng như kinh phí thực hiện của các tổ chức trợ giúp pháp lý trong các đoàn thể xã hội. Tôi xin thiết kế Điều 5 được rõ ràng, cụ thể như sau:

Điều 5. Chính sách Nhà nước trợ giúp pháp lý.

Thứ nhất, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Thứ hai, Nhà nước có chính sách khuyến khích tạo điều kiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đóng góp và hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

 

Điều thứ ba tôi góp ý vào dự thảo luật đó là các hành vi nghiêm cấm được quy định trong Điều 7. Điều 7 gồm có 7 khoản, theo ý kiến của cá nhân tôi, Điều 7, khoản cấm trong dự thảo luật sắp xếp chưa được logic và khó theo dõi. Đề nghị được thiết kế, sắp xếp lại các khoản theo một trật tự thống nhất, trong đó những hành vi bị nghiêm cấm được quy định theo trật tự như sau: hành vi bị nghiêm cấm đối với người được trợ giúp pháp lý, hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức và người trợ giúp pháp lý, hành vi bị nghiêm cấm trong các hoạt động trợ giúp pháp lý. Các điều cấm khác thì theo quy định của pháp luật. Đề nghị bổ sung thêm một khoản trong Điều 7 đó là cấm từ chối trợ giúp pháp lý đối với những đối tượng được trợ giúp pháp lý, trừ những trường hợp quy định tại Điều 40 của luật này. Vì trong thực tế có thể xảy ra khi người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến tổ chức pháp lý và yêu cầu trợ giúp, nhưng người trợ giúp pháp lý vì lý do này, hoặc lý do khác từ chối hoặc cố tình trì hoãn, gây khó khăn cho hoạt động trợ giúp pháp lý thì đây cũng là điều cần được nghiêm cấm.

 

Điều cuối cùng thì tôi thống nhất với nhiều ý kiến của Uỷ ban Pháp luật cho rằng trong Dự thảo luật có quá nhiều điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước như một cơ quan quản lý Nhà nước trong khi thực chất đây là một tổ chức sự nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật hiện hành.

Các văn bản liên quan