Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Kim Cúc – Tỉnh Long An

Thứ Năm 21:33 25-05-2006

Qua tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật trợ giúp pháp lý, tôi có một số ý kiến như sau:
 
Thứ nhất, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật, tôi thống nhất tên gọi là Luật trợ giúp pháp lý, không cần thêm từ "miễn phí" ở phía sau. Vì từ "trợ giúp" đã bao hàm ý nghĩa là thực hiện một chính sách giúp đỡ cho những đối tượng không có điều kiện, không có khả năng và khi nghe đến trợ giúp hiểu ngay đến việc miễn phí. Hơn nữa tên gọi trợ giúp pháp lý rất dễ phân biệt giữa các trung tâm tư vấn pháp luật hoặc Văn phòng luật sư đang hoạt động hiện nay.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, với quan điểm chỉ đạo, xây dựng dự án Luật Trợ giúp pháp lý là thể chế đầy đủ chủ trương các chính sách của Đảng, Nhà nước. Hoạt động trợ giúp pháp lý theo tinh thần nội dung được nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ của Nhà nước, đồng thời cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt và Nhà nước có chính sách khuyến khích hướng dẫn, huy động sự tham gia đóng góp của các lực lượng xã hội vào công tác này. Do đó tôi thống nhất với phạm vi điều chỉnh như trong dự thảo luật và cũng như dự thảo mới sắp xếp cho gọn hơn.
 
Vấn đề thứ hai, xã hội hoá trợ giúp pháp lý, tôi đồng ý với chính sách xã hội hoá hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó có huy động mặt trận đoàn thể là đối tượng để thực hiện tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý. Vì như chúng ta đã biết Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã có chức năng vai trò là bảo vệ, bênh vực quyền lợi của hội viên, đoàn viên và thực tế ở Mặt trận Tổ quốc cũng đã thực hiện chức năng là hướng dẫn pháp luật cho nhân dân. Tôi lấy thí dụ như một người dân nào đó người ta đến và nhờ Mặt trận Tổ quốc trợ giúp một vấn đề về pháp luật khiếu nại, tố cáo hoặc vấn đề gì liên quan với tư pháp thì cán bộ Mặt trận cũng đã có tư vấn pháp luật và cán bộ này cũng không thu tiền hoặc có những điều gì. Do vậy tôi nghĩ về vấn đề này chúng ta không lo về biên chế hay kinh phí. Tôi nghĩ đến việc để Mặt trận Tổ quốc như các đoàn thể tham gia tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật thì rất hợp lý.
Trong Điều 5 về chính sách trợ giúp pháp lý, tôi xin thiết kế lại như sau: thứ nhất trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ của Nhà nước và toàn xã hội; thứ hai là Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; thứ ba là Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên Mặt trận, tổ chức hành nghề luật sư, các cơ quan, tổ chức cá nhân khác tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; thứ tư là khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý.
 
Thứ ba là về quỹ trợ giúp pháp lý ở Điều 6. Ở điều này thì tôi nhất trí như trong Dự thảo, nhưng Dự thảo luật cũng chưa nói rõ quỹ hỗ trợ pháp lý phụ thuộc cơ quan nào. Đề nghị cần bổ sung thêm là quỹ hỗ trợ pháp lý trực thuộc Bộ Tư pháp. Tôi có băn khoăn như đại biểu Vân Lan là nếu trường hợp các tổ chức, cá nhân ở địa phương người ta muốn đóng góp, hỗ trợ trợ giúp pháp lý cho địa phương thì như thế nào? Tôi đề nghị cần ghi thêm là tùy điều kiện của địa phương có thể thành lập quỹ trợ giúp pháp lý để giúp đỡ các thành phần nhân dân ở địa phương.
 
Vấn đề thứ tư, các hành vi bị cấm ở Điều 7. Khoản 2, Điều 7 cấm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, người được thực hiện trợ giúp pháp lý, phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý. Tôi đề nghị bổ sung thêm: cấm phân biệt, cấm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và bổ sung thêm là những người có liên quan đến vụ việc đang được trợ giúp bao gồm những người có đối lập với quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý, để tránh tình trạng lạm dụng. Như vậy, Khoản 2 điều này được ghi là cấm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, người có liên quan đến vụ việc đang được trợ giúp, người thực hiện trợ giúp pháp lý, phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý.
Tại Khoản 4, Điều 7 hành vi bị cấm có ghi tiết lộ thông tin bí mật về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý. Tôi đề nghị bỏ cụm từ trên, vì dù trường hợp nào thì người trợ giúp pháp lý cũng không được tiết lộ thông tin bí mật trợ giúp pháp lý trừ pháp luật có quy định khác.
 
Vấn đề thứ năm, về vụ việc được trợ giúp pháp lý ở Điều 9. Theo tôi quy định như dự thảo là quá rộng, nếu áp dụng thì khó khả thi, do đó luật cần quy định cụ thể các vụ việc trực tiếp có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Ví dụ như giải đáp pháp luật, hướng dẫn soạn thảo, góp ý cho đơn từ, văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, hoặc những việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý mà họ cho là bị xâm phạm như quyền khiếu nại tố cáo hoặc bị oan sai. Hơn nữa nếu mở rộng quá thì với đội ngũ trợ giúp pháp lý hiện nay không thể đảm đương hết nhiệm vụ và đội ngũ luật sư hiện nay cũng còn ít, do đó phạm vi rộng quá thì gặp rất nhiều khó khăn.
 
Vấn đề thứ sáu, về người được trợ giúp pháp lý ở Điều 8, dự án luật đưa ra 2 phương án. Tôi chọn phương án người được trợ giúp pháp lý bao gồm: người nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước và người thường trú ở những vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Vì hiện nay số người thuộc diện này cũng còn rất nhiều khó khăn. Nhất là người được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, đại bộ phận thì đời sống nhân dân ta nếu nói là thoát nghèo thì đã thoát nghèo nhưng ngưỡng nghèo vẫn còn rất nhiều. Do đó tôi đề nghị cần phải có trợ giúp pháp lý cho số người này.
 
Vấn đề thứ bảy, về Trung tâm trợ giúp pháp lý, ở dự thảo mới đưa ra hai phương án, phương án 1 và phương án 2. Tôi thống nhất với phương án Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập trực thuộc Sở tư pháp có biên chế, kinh phí hoạt động. Tôi cũng đồng ý có thể thành lập chi nhánh như đã nêu trong dự thảo luật mới, vì ở đây cũng cần thiết cho điều kiện về địa hình, về kinh tế xã hội của địa phương mà có thể thành lập chi nhánh.
Thực tế vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý ở các tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp của mình, không có chi nhánh nhưng họ cũng đã thực hiện tốt. Nếu như quy định thành lập một số Trung tâm như vậy có khả năng là không có thể thực hiện được, như vậy phải tăng kinh phí, biên chế, trụ sở làm việc. Ngay cả trụ sở làm việc của những cơ quan Nhà nước hiện hành cũng còn những vấn đề mà chúng ta cần phải có bổ sung kinh phí để có điều kiện làm việc. Do đó, nếu mở rộng Trung tâm, một tỉnh mà có nhiều Trung tâm thì thấy là cũng không khả thi. Quan điểm của tôi là chỉ nên mở rộng hình thức tư vấn pháp luật của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan.
Về đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý ở Điều 15, Điều 15 chỉ quy định tổ chức, tư vấn pháp luật nếu có điều kiện và tự nguyện đăng ký thì đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý. Ở đây tôi thấy dự thảo luật chưa có quy định điều kiện gì, nếu mà nói điều kiện thì là điều kiện gì. Ví dụ như người tham gia thực hiện như thế nào, hoặc là tổ chức như thế nào, hoặc là cơ sở vật chất như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo cũng bổ sung rõ điều kiện để đăng ký cho các tổ chức tư vấn pháp luật.
Về tổ chức hành nghề luật sư, trong dự thảo mới có nói như sau: "Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, nếu tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý thì đăng ký". Tôi nghĩ ở trong dự thảo Luật luật sư chúng ta mới thảo luận, thì Luật luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư cũng phải có một nghĩa vụ là trợ giúp pháp lý. Nếu ta nói tự nguyện thì từ này chúng tôi thấy không hợp lý, cái này chúng ta đã có quy định ở trong dự thảo Luật luật sư rồi.
 
Vấn đề thứ 9 là về nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Ở Khoản 2, Điều 23 có nói là: "Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do lỗi của mình gây ra". Tôi nghĩ quy định này cũng chưa ổn, vì người trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, khác với Luật sư cũng như tổ chức hành nghề Luật sư khi thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý là có thu phí và họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng đối với người trợ giúp pháp lý miễn phí thì quy đinh như dự thảo luật là không hợp lý. Theo tôi chỉ quy định bồi thường thiệt hại do lỗi cố ý của người trợ giúp pháp lý gây ra. Tôi nghĩ như vậy mới có khả thi được.

Các văn bản liên quan