Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Loan – Tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ Năm 14:31 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội,

Thứ nhất, tôi hoàn toàn nhất trí với bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu những vấn đề đã được thảo luận. Về phạm vi điều chỉnh của luât, tôi tán thành như trong dự thảo đã phân tích. Chúng tôi thấy rằng trong thực tế cũng có vấn đề về chứng thực nhiều hơn công chứng, nhưng bay giờ chúng ta tiếp tục làm như vậy thì sẽ khó khăn, do vậy tôi thấy là thống nhất như trong Dự thảo đã trình bày. Hai vấn đề này nó khác nhau cả về tính chất, về nội dung, còn về phân tích các đại biểu đã phân tích ở trên và trong Báo cáo giải trình đã phân tích đầy đủ, tôi không phân tích lại.

Về vấn đề cụ thể, tôi xin tham gia vào mấy điều luật như sau:

Thứ nhất, tôi đề nghị trong luật chúng ta cần quy định thành tên của điều luật về vấn đề quyền từ chối của công chứng viên đối với các văn bằng, hồ sơ không hợp pháp, ta nên có một điều luật riêng, không nên để xen kẽ vào Điều 36 và Điều 52 như bây giờ là rất khó hiểu. Chúng tôi đề nghị nên có một cái tên của điều luật riêng quy định về những vấn đề từ chối của công chứng viên đối với những văn bằng không hợp pháp.

Vấn đề thứ hai, tại Điểm 2, Khoản 4, Điều 55 chúng tôi xin đề nghị về chế độ lưu trữ hồ sơ chứng nhận cần quy định rõ, cụ thể về cơ quan có thẩm quyền là Sở Tư pháp ở địa phương nơi Văn phòng công chứng đặt trụ sở, chỉ định Phòng công chứng tiếp nhận hồ sơ công chứng để lưu trữ cẩn thận, khi trường hợp Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động, chứ không nên quy định cho Phòng công chứng khi bị giải thể mà thoả thuận với Phòng công chứng khác về việc tiếp nhận hồ sơ công chứng là không phù hợp, vì chúng tôi thấy văn bằng của công chứng lưu trữ rất nhiều và tài liệu rất quan trọng, có những tài liệu phải lưu trữ đến 20 năm và những tài liệu khác là 5 năm, nếu chúng ta không quy định một cơ quan có trách nhiệm để điều hành các Phòng công chứng, bàn giao cho nó cụ thể đảm bảo tính pháp lý, tính trách nhiệm đối với hồ sơ lưu trữ, mà quy định sự thoả thuận ở đây thì chúng tôi thấy là nó không phù hợp. Do vậy, tôi đề nghị trong Điểm 2, Khoản 4, Điều 55 nên sửa lại như sau: Trong trường hợp Phòng công chứng chấm dứt hoạt động thì Văn phòng công chứng đó phải báo cáo với Sở Tư pháp ở địa phương nơi Văn phòng công chứng đặt trụ sở, chỉ định Phòng công chứng phân công cán bộ tiếp nhận hồ sơ lưu trữ cẩn thận để đảm bảo cho quá trình lưu trữ, đảm bảo cho việc tra cứu của các cơ quan khi cần tra cứu những hồ sơ này. Chúng tôi thấy rất quan trọng, cho nên không nên để thoả thuận mà chúng ta nên giao trách nhiệm chính cho Sở Tư pháp của các nơi.

Điều 66, điều khoản chuyển tiếp, chúng tôi xin đề nghị Khoản 1, Điều 66 cần quy định về thời gian đối với người công chứng viên được bổ nhiệm công chứng đã có văn bằng là đại học hoặc cử nhân, nhưng do lịch sử để lại là chưa có thời gian để đi học công chứng viên. Bây giờ luật này ra đời chúng tôi đề nghị cũng quy định thời gian để cho công chứng viên này tiếp tục học lớp công chứng hoàn chỉnh để đảm bảo, trong luật này chưa quy định.

Các văn bản liên quan