Trích ý kiến của ĐBQH Lê Thị Nga – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Năm 14:33 26-10-2006


Kính thưa Quốc hội.

Tôi đồng ý với rất nhiều vấn đề trong giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này. Tôi có băn khoăn một vấn đề là chính sách cho xu hướng phát triển công chứng của nước ta trong thời gian tới.

Kính thưa Quốc hội, theo dự án Luật này thì công chứng nước ta có sự đổi mới ở chỗ chúng ta sẽ phát triển mô hình công chứng theo hai loại mô hình, công chứng công là Phòng công chứng, công chứng tư là Văn phòng công chứng. Nhưng hướng để chuyển sang công chứng tư xu hướng là chuyển sang hoàn toàn đến một thời gian nào đó, theo như ý tưởng của chúng ta là một số năm nữa chúng ta sẽ chuyển hẳn sang công chứng theo hình thức Văn phòng công chứng, không còn Phòng công chứng theo hướng Nhà nước nữa.

Chúng tôi thấy tư tưởng như vậy đúng theo xu hướng chung của thế giới, nhưng chuyển đổi như thế nào, trong thời gian bao lâu, chính sách như thế nào đối với Văn phòng công chứng để trong một số năm nữa Văn phòng công chứng có thể đứng vững được, để hoàn toàn Nhà nước không phải bỏ tiền ra để gánh hoạt động dịch vụ này nữa, theo tôi là vấn đề cần phải cân nhắc ở trong luật này.

Chúng tôi thấy hai mô hình hoạt động này, giữa Phòng công chứng và Văn phòng công chứng có những điểm rất khác nhau và trong một chừng mực nào đó vẫn có sự thiên lệch hay có sự bất bình đẳng giữa hai mô hình hoạt động này. Thể hiện thứ nhất mô hình của Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp, thì bên Văn phòng công chứng nó lại là doanh nghiệp tư nhân hoặc là công ty hợp danh.

Công chứng viên của Phòng công chứng là công chức và không phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Ngược lại công chứng viên ở bên Văn phòng công chứng, người hành nghề tự do và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là vấn đề bắt buộc phải mua.

Hoạt động của Phòng công chứng, nếu như công chứng viên ở Phòng công chứng mà công chứng sai thì trước hết Nhà nước bỏ ra bồi thường và bên kia thì ngược lại, bồi thường bằng tiền của mình thông qua mua bảo hiểm.

Như vậy ở hai mô hình này, mô hình của công chứng Nhà nước và không tự chủ, không tự chịu trách nhiệm, lương, kinh phí hoạt động, bồi thường đều do Nhà nước và bên kia thì ngược lại hoàn toàn cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Chúng tôi cũng nghĩ rằng việc chuyển đổi tạm thời một thời gian chúng ta phải chấp nhận một sự không bình đẳng giữa 2 loại hình này, vì đây là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên chúng ta có thể phát triển song song 2 mô hình này không? Theo tôi cần phải hết sức cân nhắc, nếu như theo quy định của luật này chúng ta vẫn tiếp tục thành lập thêm các Phòng công chứng, vừa tiếp tục triển khai thành lập Văn phòng công chứng thì theo tôi sẽ dẫn đến chuyện là chúng ta sẽ khó làm cho Văn phòng công chứng có thể phát triển một cách lớn mạnh được vì lý do sau:

Thứ nhất, tâm lý người đi công chứng bao giờ cũng nghĩ rằng khi bồi thường do Nhà nước thường họ đảm bảo an toàn hơn trong công việc của người ta.

Thứ hai, sinh viên ra trường nói chung tâm lý hiện nay với Phòng công chứng mô hình nó như thế này thì thực ra chưa có thực tế kiểm nghiệm nên các sinh viên luật ra trường người ta thích làm việc ở Phòng công chứng Nhà nước hơn.

Thứ ba, người đứng ra thành lập Văn phòng công chứng có thể rủi ro cao hơn, bồi thường trong công chứng nội dung cũng cao hơn.

Thứ tư là việc tách phạm vi điều chỉnh giữa công chứng và chứng thực, bây giờ chỉ còn công chứng nữa thì chắc chắn số việc của công chứng sẽ ít hơn nhiều.

Do vậy chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta có chính sách phát triển song song sau luật này vẫn tiếp tục thành lập thêm các Phòng công chứng, đồng thời cũng thành lập thêm các Văn phòng công chứng. Vậy trong sự phát triển này có một chút sự bất bình đẳng như vậy, đương nhiên sẽ khó cho các Văn phòng công chứng có thể phát triển lớn mạnh như ý tưởng của chúng ta là trong 5 năm hay 10 năm tới, có thể thay thế hoàn toàn Phòng công chứng Nhà nước. Vì vậy chúng tôi đề nghị trong luật này cần có quy định trong điều khoản thi hành là sau khi luật này có hiệu lực không thành lập thêm các Phòng công chứng nữa, chỉ có duy trì các Phòng công chứng hiện tại. Quy định này sẽ làm cho những việc của Văn phòng công chứng nhiều hơn, có thời gian để kiểm nghiệm Văn phòng công chứng có thể hoạt động và lớn mạnh dần, có thể thay thế được hoạt động công chứng ở bên phía Phòng công chứng. Chúng tôi thấy rằng đây cũng là xu hướng chung của một số nước trong các phe xã hội chủ nghĩa, ví dụ Trung Quốc, người ta cũng quy định từ nay đến năm 2010 là phải chuyển đổi hoàn toàn sang công chứng tư. Từ thời điểm luật của Trung Quốc có hiệu lực người ta cũng không thành lập thêm Phòng công chứng Nhà nước nữa. Chúng tôi đề nghị nếu muốn phát triển theo hướng chúng ta muốn chuyển hẳn sang công chứng tư thì đề nghị nên quy định trong Điều 66 điều khoản thi hành thì từ nay trở đi không thành lập thêm Phòng công chứng nữa

Các văn bản liên quan