Trích ý kiến của ĐBQH Hà Đức Lệnh – Tỉnh Bắc Kạn

Thứ Năm 14:29 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một vấn đề đối với Dự án Luật Công chứng như sau:

Đó là xung quanh về phạm vi điều chỉnh của luật được quy định tại Điều 1 của dự thảo. Trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nêu lên hiện tại có hai loại ý kiến. Tôi không nhắc lại nội dung ý kiến, nhưng suy nghĩ của tôi là thiên hướng theo loại ý kiến thứ hai. Một số đại biểu cũng đã phân tích, nhất là đại biểu Nguyễn Đình Lộc vừa rồi đã phân tích về lý luận và xu hướng của thế giới chia thành hai nhóm để áp dụng luật. Ở đây tôi không đi sâu phân tích về lý thuyết, lý luận mà tôi phản ánh những thực tế ở địa phương để các vị đại biểu Quốc hội giúp tôi về giải pháp bài toán như thế nào.

Về bản chất ta biết công chứng và chứng thực, một cái đảm nhiệm về nội dung, một cái đảm nhiệm về hình thức. Gọi là công chứng về nội dung và công chứng về hình thức, hoặc là chứng thực về nội dung, chứng thực về hình thức, hiểu kiểu gì nhưng bản chất của nó là như vậy.

Theo số liệu Bộ Tư pháp tổng kết 5 năm nêu lên việc công chứng chiếm 3%, nhưng tôi thấy ở đây ở những địa phương có nền kinh tế phát triển thì tỷ lệ này có thể cao hơn rất nhiều, ngược lại những địa phương có nền kinh tế khó khăn thì tỷ lệ rất nhỏ. Tôi xin được minh họa thực tế ở Bắc Kạn chúng tôi, trước khi tôi xuống đây họp có đến gặp Phòng công chứng, cả tỉnh có một Phòng công chứng thôi, các đồng chí cho biết cả 3 tháng trong Quý III/2006, Phòng công chứng đã thực hiện 2.700 việc, tất cả đều là chứng thực, công chứng không có trường hợp nào, như vậy tỷ lệ là 0/2.700. Nếu dự án luật này được Quốc hội thông qua và luật có hiệu lực thì sẽ như thế nào? Câu hỏi này tôi thấy rất là khó, 3 tháng liên tục không có vụ việc công chứng nào, đồng nghĩa là 3 tháng liên tục Phòng công chứng không có việc và cũng không thu nhập được đồng nào, Nhà nước sẽ phải bỏ ngân sách ra phải trả lương 100% cho số cán bộ, nhân viên ở Phòng công chứng. Trong khi việc bình thường, hiện nay hàng tháng Phòng công chứng thu lệ phí của chứng thực thì trung bình tháng nhiều, tháng ít, mỗi tháng được khoảng 10 - 15 triệu, trừ chi phí trả lương cho số anh em ở trong Phòng công chứng, thì mỗi tháng còn nộp cho ngân quĩ khoảng từ 3 - 7 triệu đồng. Nhưng nếu luật này có hiệu lực thì không thu được đồng nào, có nhiều tháng liền không thu được đồng nào mà Nhà nước lại bỏ tiền ra để trả lương cho đội ngũ này, thì liệu nó có hợp lý không? Vì vậy, tin chắc rằng, nếu thực hiện luật này khi có hiệu lực thì khó xử cho địa phương, nhưng vẫn cứ phải xử lý, xử lý bằng cách gì, bài toán tôi thấy là khó.

Một là có thể giảm biên chế đến mức tối đa, nhưng giảm cũng phải có hai người hoặc ba người, một người là trưởng phòng, một người là công chứng viên hay kiêm trưởng phòng, một người là kế toán, một người là thủ quỹ để cho đủ bộ máy hoặc 2 người, một người vừa kiêm Trưởng phòng, vừa kiêm công chứng viên, còn một người là chuyên viên giúp việc. Nhưng 2 người này mấy tháng liền không có thu được đồng nào vẫn cứ được Nhà nước trả lương thì cũng rất bất hợp lý. Vì vậy phải tính đến chuyện kiêm nhiệm. Kiêm nhiệm để làm công chứng kiêm việc khác hay làm việc khác kiêm công chứng, phải dẫn đến như vậy, kiêm thì trong luật này quy định cấm không được kiêm, thế thì bằng cách thứ ba là giải thể, giải thể nhờ sang các tỉnh khác để giúp và khi cần thiết những trường hợp khó khăn thì Nhà nước bỏ tiền ra để hỗ trợ cho những người nào có nhu cầu công chứng hỗ trợ kinh phí sang tỉnh khác thì tránh được đỡ lãng phí, nhưng nếu một tỉnh do luật này ban hành lại giải tán Phòng công chứng đi thì tôi thấy nó lại không nên.

Vì vậy, tôi thấy luật này khi ban hành có hiệu lực thì về mục đích mà nói là bảo đảm điều chỉnh các quan hệ xã hội để phục vụ cho nhóm quan hệ xã hội đó được thuận lợi hơn, có hiệu quả hơn, tốt hơn. Tôi thấy mục đích ngược lại, không những không tốt hơn mà nó lại bất cập cho địa phương. Cho nên tôi thấy theo lý do như vậy nên quan điểm của tôi theo loại ý kiến thứ hai là nhập việc chứng thực và việc công chứng vào chung một luật. Nhưng nếu để thông qua ngay trong kỳ họp này thì nội dung về quyền và nghĩa vụ của chứng thực, quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực và thẩm quyền của cơ quan chứng thực chưa được Quốc hội thảo luận, vì vậy không thể đưa vào cái này thông qua ngay được. Nếu thông qua ngay sẽ trái với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, nếu bài toán này tôi nêu ra mà không giải trình rõ thì tôi thấy nên lui lại luật này và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào cho rõ, lúc đó thông qua nó mới có tính khả thi

Các văn bản liên quan