Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Năm 09:22 17-08-2006

Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Kính thưa toàn thể Hội nghị.
Về dự thảo Luật này, tôi xin tham gia một số ý kiến. Trước hết, về tên gọi của luật, qua nghiên cứu những tên trong dự thảo đã trình với chúng ta hôm nay, chúng tôi thấy rằng tên "Luật Người Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng" là tên tôi thấy nó phù hợp với nội dung trong phạm vi điều chỉnh, cũng như bố cục của toàn bộ dự án này. Cho nên, theo tôi, tên này là tên phù hợp nhất. Đó là "Luật Người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng" để thấy rõ được nội dung mà chúng ta thể hiện trong toàn bộ điều luật cụ thể.
Về phạm vi điều chỉnh, chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với phạm vi điều chỉnh trong dự thảo báo cáo lần này đã nêu. Bao gồm điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài, của doanh nghiệp tổ chức người lao động đi làm việc nước ngoài, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài. Nói chung là những nội dung trong phạm vi điều chỉnh này, nó phù hợp hoàn toàn với điều kiện của chúng ta hiện nay. Trong khi chúng ta xác định việc xuất khẩu lao động là góp phần tạo thêm việc làm cho những người lao động ở Việt Nam không chỉ trong nước mà còn ở những nước ngoài mà ta có điều kiện để đưa người Việt Nam ra nước ngoài để có thu nhập thêm.
Đây cũng là một trong những bài toán để giải quyết vấn đề thất nghiệp của Việt Nam chúng ta trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, khi lao động của chúng ta ngày càng phát triển trong điều kiện cả nước chúng ta đang phát triển kinh tế.
Về những điều cụ thể, chúng tôi xin tham gia vào một số điều sau đây. Trước hết, Điều 7, nói về các hành vi bị nghiêm cấm, trong Điều 7 ở đoạn cuối có một hàng chữ in đậm, ngoài 13 hành vi bị nghiêm cấm còn có một hàng chữ nói tức là "Chính phủ quy định những khu vực, ngành nghề và những công việc cấm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài". Theo tôi ở chỗ này chúng ta nên quy định cụ thể. Vì hiện nay chúng ta biết rằng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động rất đặc thù và nhạy cảm về mặt chính trị hoặc xã hội.
Cho nên tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua chúng ta đã nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên báo, trên đài cũng có trường hợp phản ánh vấn đề đưa người lao động Việt Nam đi ở một số thị trường có một số tiêu cực, không chỉ phía lao động Việt Nam chúng ta cả về phía đối tác, tức những doanh nghiệp sở tại nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở đó cũng có vấn đề hết sức bức xúc. Tôi nghĩ trong điều này nên có một điều riêng và Chính phủ phải quy định, chứ không phải đợi Chính phủ quy định đâu, trong này Chính phủ quy định nhưng tôi nghĩ phải có một điều riêng để quy định ngành, nghề, công việc cấm đối với người lao động của chúng ta khi làm việc ở nước ngoài rất cụ thể. Đây là một hoạt động đặc thù, cho nên phải có những quy định rất đặc thù của nó, không thể nào nói chung chung được, ở đây chúng ta cụ thể vào công việc gì mà không chờ quy định của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng biết điều đó vào làm hoạt động xuất khẩu lao động tốt, không chỉ là tổ chức cá nhân mà doanh nghiệp người ta cũng sẽ có những lĩnh vực, những ngành nghề nào rất nhạy cảm chúng ta điền cụ thể vào đây thì người ta sẽ loại bỏ được những việc làm tiêu cực hoặc có hành vi ảnh hưởng đến đạo đức, uy tín, phẩm chất của con người Việt Nam trong thị trường lao động này.
Vừa qua ta nghe rất nhiều chuyện bức xúc, thế bây giờ phải cấm như thế nào, những khu vực nào, những ngành nghề nào chúng ta cấm để đưa người lao động đi làm việc ở bên đó không làm. Tôi đề nghị trong Điều 7 này mặc dù có 13 hành vi bị nghiêm cấm rồi nhưng tôi nghĩ cũng phải có hoặc bổ sung thêm một điều nào đó nói về những khu vực, những ngành nghề cấm khi chúng ta đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, rất cụ thể trong điều này mà không nên chờ những hướng dẫn sau này của Chính phủ, sẽ bị bỏ ngỏ rất lâu trong thời gian chờ những văn bản hướng dẫn Chính phủ. Tôi nghĩ phải rất rõ hoặc trong điều này hoặc có những điều mới bổ sung thêm. Đó là Điều 7.
Về Điều 9, điều kiện cấp giấy phép trong Điều 9 này ở Khoản 4 có đoạn nói rằng có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ. Như vậy điều kiện để cấp giấy phép cho các doanh nghiệp được kinh doanh làm dịch vụ đưa người lao động đi xuất khẩu thì có tiền ký quỹ. Tôi nhất trí với nội dung này, nhưng tôi nghĩ trong điều kiện hiện nay như đồng chí Tráng APao có nói, tức là tiền ký qũy này phải được quy định tối thiểu là bao nhiêu. Không thể chúng ta quy định chung chung như thế được, nghiên cứu một số Luật khác các nước đưa người lao động đi nước ngoài thi người ta quy định rất rõ tiền ký quỹ là bao nhiêu cụ thể. Ví dụ, Trung Quốc người ta quy định phải 500 ngàn nhân dân tệ, đối với Việt Nam chúng ta thì tiền ký quỹ đó phải là bao nhiêu, theo quy định Chính phủ thì tiền là bao nhiêu. Tùy theo từng doanh nghiệp nhưng tôi nghĩ phải có một mức quy định tối thiểu trong tiền ký quỹ đó và tiền ký quỹ đó phải được quản lý như thế nào để khi phát sinh những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp người lao động theo pháp luật quy định, thì chúng ta có ngay một số tiền đó để chúng ta chi trả cho người lao động khi bị vi phạm theo hợp đồng hoặc phát sinh những vấn đề trong quá trình lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Chỗ này phải quy định rõ tiền ký quỹ là bao nhiêu để cho nó đảm bảo trong quá trình cấp Giấy phép doanh nghiệp là phải thêm được cái này hoặc ký quỹ ngân hàng là do cơ quan quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động sẽ quản lý cái này, giám sát việc quản lý và ký quỹ như thế nào. Nếu không có ý kiến của cơ quan quản lý đó thì không được xuất một đồng nào để hoạt động, trừ trường hợp phát sinh đối với người lao động. Tôi nghĩ chỗ này phải rõ, như thế thế thì nó cũng không đảm bảo được trong quá trình chúng ta thực hiện cấp Giấy phép. Đó là vấn đề ở Điều 9 tôi xin nói thêm về Khoản 4 này cho rõ.
Về Điều 12, điều cấp lại giấy phép, tôi nhất trí trong quá trình thực hiện vấn đề tổ chức cho các doanh nghiệp hoạt động trong vấn đề xuất khẩu lao động thì có trường hợp chúng ta phải cấp lại giấy phép. Nhưng tôi nghĩ là dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một hoạt động đặc thù như tôi nói ban đầu, nó rất nhạy cảm và liên quan đến một đối tượng đặc biệt đó là con người. Cho nên phải có một sự quản lý chặt chẽ thông qua việc đăng ký câp phép và cấp phép lại.
Có thể nói rằng vừa qua chất lượng xuất khẩu của chúng ta ngoài yếu tố chất lượng người lao động nó còn liên quan đến chất lượng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu này. Bây giờ để tránh tình trạng chúng ta cấp phép quá nhiều để lọt lưới những doanh nghiêp chộp dựt hoặc có những hành động ảnh hưởng đến uy tín về lao động Việt Nam. Vì hiện nay chúng ta đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt về uy tín và thương hiệu của người lao động khi xuất khẩu, thể thì đảm bảo được uy tín và thương hiệu Việt Nam trong quá trình xuất khẩu lao động, tôi nghĩ đó là vấn đề quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp mà có chức năng xuất khẩu lao động là một vấn đề rất quan trọng của Nhà nước chúng ta.
Việc mà cấp lại giấy phép này tôi nghĩ ngoài việc bị mất, bị rách, bị cháy ở Khoản 1 có nêu ra điều kiện để cấp lại giấy phép, tôi xin bổ sung một điều như thế này, một nội dung có thể chúng ta xem xét cân nhắc để đưa vào trong luật. Đó là ngoài việc khi đã có đủ điều kiện để cấp giấy phép liên quan đến lao động, đến vấn đề đưa người lao động đi làm việc xuất khẩu lao động thì các doanh nghiệp này hàng năm phải được thẩm định lại giấy phép, xem lại hoạt động trong năm đó thì hoạt động ra sao, có những điều nào mà không đúng quy định và có những điều nào mà ảnh hưởng, không hiệu quả đến vấn đề này thì phải được xem xét để cấp lại giấy phép. Tại vì nó không phải đơn thuần như các hàng hóa khác, mà nói cách nôm na là con người thì hàng năm phải được kiểm tra lại giấy phép và cấp lại giấy phép. Chứ không đơn thuần mất do bị rách, bị cháy là cấp lại giấy phép. Tôi nghĩ để quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp mà có điều kiện xuất khẩu lao động đã được cấp giấy phép hàng năm đều phải được kiểm tra lại vấn đề thực hiện giấy phép đó như thế nào. Tránh tình trạng 2, 3 năm, 3, 4 năm kiểm tra lại khi nó xảy ra những việc khác rồi, không tốt với người lao động, hoặc là ảnh hưởng tới chất lượng mà xuất khẩu lao động, chỗ này cũng phải được xem xét cụ thể.
Tôi đề nghị bổ sung thêm một nội dung là hàng năm nên có thẩm định, kiểm tra lại, qua đó cấp giấy phép lại. Tôi nghĩ cái đó không phải là chúng ta vi phạm Luật Doanh nghiệp mà đây là đối tượng đặc biệt là con người, cho nên cần phải được quản lý một cách chặt chẽ, nếu cứ cấp giấy phép là thôi thì không được, phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước hàng năm, để từ đó tính toán lại giấy phép. Nếu nơi nào có đủ điều kiện thì tiếp tục cấp giấy phép, còn nơi nào thấy có những gì đó tiêu cực hoặc không đúng pháp luật theo những quy định thì tôi đề nghị thu hồi giấy phép lại và không cấp giấy phép tiếp tục. Đó là vấn đề mà chúng tôi thấy rằng nên cụ thể trong luật. Điều cuối cùng, tiền ký quỹ của người lao động, có Điều 23 là tiền ủy của người lao động. Tôi cũng đề nghị như là tiền ký quỹ của doanh nghiệp phải cụ thể là bao nhiêu, tất nhiên ở đây vừa qua có một số doanh nghiệp ngoài những tiền pháp luật quy định còn có một số khoản khác mà không đưa vào luật, bắt buộc người ta phải đóng, đó là những tiêu cực. Tôi đề nghị trong Điều 23 khi nói về tiền ký quỹ lao động nên cụ thể là bao nhiêu, người lao động có nghĩa vụ ký quỹ lao động thì ký đó là bao nhiêu? Tôi đề nghị cũng nên quy định rõ vào luật.

Các văn bản liên quan