Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Anh Nhân – Thành phố Hà Nội

Thứ Ba 09:58 30-05-2006

Tôi xin có một số ý kiến như sau:

Chương IV của Dự thảo luật đã mô tả rõ tổ chức và hoạt động của thị trường này. Qua đó tôi nhận thấy một trong những vấn đề rất quan trọng mà Dự thảo Luật Chứng khoán quy định, hình như chưa quan tâm đầy đủ tới xu thế chung của ngành chứng khoán quốc tế, đó là việc trao quyền cấp phép niêm yết cho Sở Giao dịch chứng khoán. Thực tế hiện nay, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính thông qua Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Việc nâng cấp Trung tâm này thành Sở giao dịch Chứng khoán, một tổ chức tự quản là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên cần phải xem xét lại việc trao cho Sở giao dịch Chứng khoán chức năng được quyền cấp phép niêm yết vì những bất lợi sau:

Thứ nhất, Sở giao dịch Chứng khoán với tư cách là tổ chức tự quản.
Điểm thứ nhất, Điều 33 hoạt động theo quy chế thành viên, xu thế chung sẽ trở thành doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, thậm chí là công ty cổ phần với sự chi phối của các cổ đông. Như vậy doanh nghiệp này sẽ có xu hướng cấp phép thật nhiều để đảm bảo lợi nhuận mà Nhà nước không thể quản lý và họ không còn hoạt động vì lợi ích công.
Điềm thứ hai, trong tương lai gần khi mà Sở giao dịch Chứng khoán liên kết với các Sở giao dịch Chứng khoán nước ngoài, trở thành các công ty cổ phần có sự tham gia góp vốn của Sở giao dịch Chứng khoán nước ngoài, thì các cổ đông quốc tế hoạt động như một doanh nghiệp theo sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp thì ta đã mở cửa cho họ rồi. Như vậy Sở giao dịch Chứng khoán sẽ hoàn toàn không phải một cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cơ quan cung ứng dịch vụ công, họ được thành lập và hoạt động vì lợi nhuận của bản thân doanh nghiệp, dẫn đến việc trong tương lai quyền cấp phép niêm yết cũng như quyền huỷ bỏ niêm yết, thậm chí sẽ nằm trong tay của các cổ đông nước ngoài xét duyệt, tại sao không. Gây ảnh hưởng đến an ninh tài chính, kinh tế và xã hội quốc gia, một hiển hoạ có thật. Việc trao quyền cấp phép niêm yết cho các tổ chức không phải là cơ quan quản lý Nhà nước mà thậm chí là một doanh nghiệp, vì lợi nhuận bản thân thật sự không an toàn cho việc quản lý thị trường cũng như an ninh tài chính quốc gia và làm thế nào để thật sự đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, liệu các tổ chức tự quản đó có đặt quyền lợi của công chúng đầu tư lên trên quyền lợi của tổ chức, cá nhân đó không.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính liệu có quyền can thiệp và cũng như có đủ khả năng quản lý các tổ chức này trong việc cấp phép niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư không? Đảm bảo được rằng các doanh nghiệp niêm yết có đủ chất lượng để niêm yết, vì ta đã trao quyền này cho họ rồi. Cần lưu ý rằng một Sở giao dịch chứng khoán, với tư cách là một doanh nghiệp vì lợi nhuận thì cũng có thể bị phá sản hay chịu rủi ro thị trường. Vì trong tương lai chính Sở giao dịch cũng tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khi đó việc cấp phép niêm yết bởi một doanh nghiệp này liệu có làm cho công chúng tin tưởng vào thị trường.

Thứ ba là Uỷ ban chứng khoán Nhà nước giữ vai trò là cơ quan quản lý giám sát thị trường, với tôn chỉ mục đích là bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Liệu có thực hiện được không bởi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước không tham gia thẩm định hồ sơ niêm yết ngay từ đầu? Do vậy, không nắm bắt được hoạt động tài chính của doanh nghiệp một cách xuyên suốt có hệ thống.
Đồng thời, việc bắt buộc và giám sát các tổ chức niêm yết, hoặc công ty đại chúng thực hiện các cơ chế công bố thông tin áp dụng doanh nghiệp và các nghĩa vụ kiểm toán định kỳ sẽ không được đảm bảo ngay từ đầu. Hiện nay, thị trường chứng khoán mới đi vào hoạt động do vậy rất cần nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các Bộ ban ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là công tác tạo hàng hóa cho thị trường, gắn kết cổ phần hóa với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chính vì lẽ đó, việc thẩm định hồ sơ niêm yết phải gắn liền với công tác tạo hàng hóa trên thị trường. Việc phối hợp này, Sở giao dịch chứng khoán không làm được vì quá tầm.

Thứ tư, với vai trò là cơ quan quản lý, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng phải thực hiện nhiệm vụ điều tiết thị trường, để đảm bảo thị trường hoạt động được ổn định, hướng tới bảo vệ quyền lợi đầu tư. Nhưng khi việc cấp phép niêm yết nằm trong tay một công ty với lợi nhuận của cổ đông là trên hết thì việc điều tiết nguồn cung, vì lợi ích công chúng, lợi ích quốc gia như đã nêu trên là điều khó có thể thực hiện được. Trung Quốc thì Uỷ ban Chứng khoán Trung Quốc sử dụng việc điều tiết hàng hoá đưa lên niêm yết trên thị trường như một công cụ ổn định giá cả, cũng như hoàn thành tốt việc phát hành ra công chúng của các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá. Ví dụ như giá cả thị trường có nóng thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy lượng hàng hoá nên niêm yết trên thị trường để tăng cung. Trong trường hợp thị trường chứng khoán nguội, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ dừng việc đưa hàng hoá lên nhằm tránh sự sụt giá của thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo dự thảo luật việc điều tiết nóng, lạnh thị trường chứng khoán của ta nằm trong tay một tổ chức có lợi ích riêng sẽ ra sao?
Thứ năm, chúng ta đang đứng trên thềm của hội nhập toàn diện, vào tổ chức thương mại thế giới WTO cũng như xu thế hội nhập tất yếu của nền kinh tế tài chính ngân hàng bảo hiểm và thị trường vốn với quốc tế và khu vực. Kinh nghiệm của các nước đi trước như Uỷ ban Chứng khoán của Trung Quốc trong việc phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán các nước nhằm quản lý, giám sát và hướng dẫn làm các thủ tục niêm yết cho các công ty trong nước, muốn niêm yết tại thị trường nước ngoài và ngược lại niêm yết chéo.

Một trong những kiến nghị của tổ chức Uỷ ban Chứng khoán quốc tế AFCO là các thành viên ký kết biên bản ghi nhớ đa phương với các thành viên của tổ chức sẽ thắt chặt mối quan hệ trao đổi thông tin và giám sát thị trường, đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, hiệu quả bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tránh các trường hợp các công ty nước ngoài không đảm bảo về chất lượng tham gia huy động vốn tại nước khác, cũng như các hành vi gian lận, lừa đảo khác. Làm sao một cơ quan chứng khoán làm được việc này, vì nó vượt quá tầm của họ mà việc thẩm định chất lượng chỉ có thể được thực hiện một cách khách quan, bởi cơ quan quản lý Nhà nước đã thông qua các biên bản ghi nhớ ký kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán với các nước.
Cuối cùng tham khảo xem một số nước phát triển và các nước trong khu vực đã xử lý những vấn đề này như thế nào? Ta thấy rằng hiện nay xu thế chung là Ủy ban chứng khoán Nhà nước ở các quốc gia hạn chế quyền hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán cũng chính vì những sự xung đột lợi ích kể trên. Ví dụ, tại Đức cơ quan giám sát tài chính Baphin theo luật mới đã thu lại quyền cấp phép niêm yết mà trước đây họ giao cho Sở giao dịch chứng khoán. Tại Anh, cơ quan quản lý và giám sát dịch vụ tài chính FSA có vai trò như Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Nhưng từ tháng 05/2000 lại chính thức tiếp quản lại việc cấp phép niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn. Tại Trung Quốc, chức năng xét duyệt và cấp phép niêm yết luôn luôn nằm trong tay của Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc, Malayxia cũng vậy. Như vậy, Dự thảo luật có nên trao quyền cấp phép niêm yết cho Sở giao dịch chứng khoán, để rồi phải thu lại như kinh nghiệm các nước khi có phát sinh những vấn đề trên.

Với 6 lý do trên việc trao quyền cấp phép cho Sở giao dịch chứng khoán là điều cần cân nhắc thật kỹ càng vì kinh nghiệm các nước trên thế giới và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho công chúng đầu tư, có thể gây nguy hại đến an ninh tài chính quốc gia.

Các văn bản liên quan