Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thạc Nhượng – Tỉnh Bắc Ninh

Thứ Tư 23:09 24-05-2006

Tôi xin tham gia vào một số điều cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, Điều 2 có một đại biểu phát biểu từ đầu buổi sáng và Chủ tọa cũng gợi ý là nên xem xét về đối tượng cán bộ công chức của xã, phường. Theo tôi đây là một vấn đề thực tế, đi tiếp xúc cử tri thì chúng tôi đã được cử tri của địa phương và các cán bộ của xã cũng phản ánh vấn đề này. Trong Luật Bảo hiểm họ cũng được biết tới đây thảo luận vấn đề bảo hiểm xã hội, nhưng chưa nói đến cán bộ cơ sở. Thực tế cán bộ cơ sở cũng là một chức danh của Pháp lệnh cán bộ công chức mà các văn bản khác đã có. Cho nên theo tôi Luật này cũng cần điều chỉnh đối tượng là cán bộ công chức xã, phường, thị trấn hay còn gọi là công chức cơ sở thì mới đúng. Vì thực tế họ đã đóng bảo hiểm theo Nghị định 09 cũng như Pháp lệnh cán bộ công chức. Trong đối tượng áp dụng tại Điều 2 này thì tổ chức, cơ quan Nhà nước tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bao gồm các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cũng có cả những đơn vị này và những cơ quan này họ có cán bộ là công chức cơ sở như cơ quan Nhà nước ở địa phương là Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và tổ chức đoàn thể xã hội là Đảng, là các tổ chức khác, 6 tổ chức chính trị xã hội cho nên thực tế họ đã đóng bảo hiểm, thì theo tôi cần đưa vào đây, đã đưa cơ quan sử dụng bảo hiểm phải tham gia bảo hiểm bắt buộc thì trong đó phải có con người tham gia bảo hiểm bắt buộc, tôi tán thành với ý kiến một đại biểu trước đó là nên đưa bảo hiểm xã hội của từng cán bộ cơ sở vào một đối tượng.

 

Thứ hai, tôi xin tham gia về Điều 39, về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động. Trong vấn đề này, ở Khoản 1 nói là, bị tai nạn lao động, bị tai nạn thuộc trong các trường hợp sau đây, có mục a, b, c, điểm c thì theo tôi là cần phải ghi rõ hơn, hay là phải có hướng dẫn cụ thể để còn quy định vào đây. Quy định giao cho một cơ quan hướng dẫn, bởi vì chúng ta chỉ nói là trên các tuyến đường đi và về từ nơi đến, nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Theo tôi nếu như thế này thì người lao động khi mà bị tai nạn ở trên đường, ngoài cơ quan, trong khi đi làm nhiệm vụ thì dễ rồi, được giao nhiệm vụ của Thủ trưởng thì dễ rồi, nhưng mà khi đi đến và đi về thì cái khoảng thời gian như thế nào là thích hợp. Thời gian thích hợp và tuyến đường thích hợp thì như thế nào, thì đấy cũng rất khó cho cơ quan bảo hiểm sau này người ta chi trả. Cho nên tôi đề nghị là cái này cần phải có quy định giao cho Bộ Lao động thương binh xã hội để quy định hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể bằng một cái văn bản, chứ nếu chúng ta chỉ nói là hợp lý, thời gian hợp lý và tuyến đường hợp lý thì không biết thế nào là hợp lý, sau này tranh chấp cái chỗ này rất khó. Bởi vì đi về bao giờ cũng là ngoài thời gian làm việc rồi, mà đi đến cũng chưa đến thời gian làm việc. Mà thời gian cách mấy tiếng khi về, cách mấy tiếng khi đến thì bị tai nạn, hay tuyến đường xa, gần như thế nào, bởi vì một địa điểm đến làm việc có nhiều đường đi đến, nhiều đường về nhà, thế cho nên là khó. Tôi đề nghị thiết kế cần phải giao cho một cơ quan hướng dẫn cái chỗ này cho cụ thể hơn.

 

Về Điều 50, quy định điều kiện hưởng lương hưu, tôi tán thành ghi như trong Điều 50 nhưng còn phần trong trường hợp đặc biệt tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định. Không biết tuổi đời được hưởng lương hưu là thế nào, tuổi được hưởng lương hưu hay vượt quá thời hạn được hưởng lương hưu thì do Chính phủ quy định, nhưng ở trong một số lĩnh vực nào thôi chứ chúng ta không thể giao tất cả. Bởi vì đặc thù về nghề nghiệp thì đã nói ở trên rồi, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm v.v... thì do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, nhưng còn đặc thù khác thì đề nghị phải ghi cho rõ. Ví dụ các tổ chức công tác tại các cơ quan Đảng hay tổ chức đoàn thể xã hội các vị được làm việc quá tuổi, bây giờ làm việc đến tuổi được nghỉ hưu là bị nghỉ hưu. Bây giờ đến tuổi được nghỉ hưu thì lại cứ muốn làm thêm, như vậy vượt qua Luật Lao động, chỗ này trường hợp rất nhiều mà lại không phải luật quy định mà do các văn bản khác quy định, văn bản đó không phải luật. Vì vậy tôi cho là cần xác định đúng là đến tuổi được nghỉ hưu thì xác định cho đúng, nếu đến tuổi bị nghỉ hưu thì nhiều người còn muốn làm thêm. Tôi đề nghị xác định rõ các lĩnh vực giao cho Chính phủ quy định.

 

Điều 52 mức hưởng lương hưu thì tôi tán thành, cũng như đại biểu Hường - Quảng Nam nói Khoản 1 phần cuối có ghi là tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, chị Hường tính rất kỹ, theo tôi không cần có sự ưu ái này. Thực ra nó không phải là ưu ái, nói ở đây chị em cũng rất tỉnh táo, cho nên thấy không phải ưu ái mình, nên bỏ đi, mà cái hưởng tối đa là 75%. Theo tôi cũng như đại biểu Hưởng vừa nói, có nên khống chế 75% tối đa không? Bởi vì nếu như có người đóng bảo hiểm sau 30 năm, người ta tiếp tục đóng tiếp thì người ta còn được phải đóng hơn. Vậy cứ được đến đóng tối đa tới 30% thì được hưởng 75%, vậy đóng thêm nữa thì những người công tác tiếp, chẳng hạn nam là công tác thêm trên 60 tuổi thì liệu người ta đóng bảo hiểm để làm gì nữa, người ta chẳng được hưởng hơn 75% hay nữ nếu công tác thêm trên 55 tuổi cũng đóng bảo hiểm, cũng chả được hưởng thêm trên chế độ 75%.

Theo tôi nếu như mà đã quy định không nên lấy tối đa là 75%, nếu đã tính phần trăm thì phải tính đến bao giờ, đến hết cả thời gian người ta đóng bảo hiểm được bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu, thì người ta mới thoải mái tham gia đóng bảo hiểm.

Khoản 2, theo tôi cũng nên thống nhất bỏ, giảm tỷ lệ, giảm 1% bởi vì hiện tại chúng ta muốn, nếu như người tự nguyện về nghỉ thì không nên để người ta mất 1%. Nếu như do sắp xếp về tổ chức, vận động và buộc phải nghỉ cũng không nên để người ta mất 1%. Theo tôi cũng như ý kiến đại biểu Hưởng vừa phát biểu là không nên trừ 1% này, tạo ra một tâm lý thoải mái cho những người đang muốn nghỉ mà do yêu cầu muốn nghỉ trước tuổi, do sức khỏe, do nhiều vấn đề khác.

Điều 59, ở đây chúng tôi không hiểu tại sao mà Khoản a, hiệu lực thời gian đóng bảo hiểm từ tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ 1-1-1995 đến hết 31-12-1999 thì tính bình quân lương là 6 năm. Cái này thì bây giờ mới đưa ra, mà tiếp thu giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rất qua chỗ này. Nhưng khi thảo luận ở các Kỳ thứ 8 và Hội nghị Chuyên trách thì tôi thấy các đại biểu hầu hết không thảo luận vấn đề này, do không thảo luận là thể hiện sự tán thành với Dự thảo là "nếu trước năm 1995 thì lương đóng bảo hiểm xã hội được tính là 5 năm", bây giờ nâng lên 1 năm thì không biết vì lý do gì, tôi đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giải trình thêm về vấn đề này. Trước đây do 5 năm nên không ai thảo luận và nhất trí cao. Thế nhưng bây giờ thêm 1 năm nữa thì không biết vì lý do gì.

 

Điều 60, nói về phương án 1 thì đa số tán thành như các đại biểu phát biểu là lấy thời gian đóng tiền lương bình quân sau 10 năm thôi chứ không nên lấy 15 năm. Hầu hết các ý kiến tham gia thảo luận đều chỉ thảo luận 10 năm trở lại, có ý kiến cho là 7 năm, 8 năm. Tôi tán thành ý kiến 10 năm. Không có ý kiến nào nói là có loại ý kiến thứ nhất là 15 năm như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu. Tôi cho rằng ý kiến đề nghị 15 năm lại là của Ban soạn thảo tức là cơ quan bảo hiểm soạn thảo, khi tham gia hội nghị chuyên trách người ta giải trình vấn đề này chứ không phải là đại biểu phát biểu vấn đề này. Đại biểu phát biểu chỉ là đề nghị mức 10 năm hoặc dưới 10 năm chứ không phải là 15 năm như Soạn thảo.

 

Còn Điều 195 mà nhiều đại biểu phát biểu thì tôi xin bày tỏ là không nhất trí với đề nghị là mức chi phí 3%. Có đại biểu cho là 1%-2% đều không có cơ sở. Bởi vì anh là cơ quan hành chính, là một cơ quan có thu, nhiệm vụ của anh là thu bảo hiểm không có gì là đặc thù cả và quản lý quỹ bảo hiểm cho tốt, chứ bây giờ nói đặc thù độc hại thì không phải rồi, khó khăn nặng nhọc thì không phải rồi, bây giờ lại chi phí 3% là rất lớn. Vì vậy, theo tôi không nên đặt mức chi phí này là 3%, nhiệm vụ của anh đã là quản lý cái này, nếu khó khăn gì về kinh phí thì do Quốc hội phân bổ.

Các văn bản liên quan