Trích ý kiến của ĐBQH Ngô Sỹ Hưởng – Tỉnh Thái Nguyên

Thứ Tư 23:06 24-05-2006

Qua xem giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉnh sửa, tôi thấy rất cơ bản so với Kỳ họp thứ 8. Mục đích tạo điều kiện cho mọi người lao động trong các thành phần kinh tế tham gia vào bảo hiểm xã hội. Tôi cũng nhận thức được bảo hiểm xã hội phải có tính chia sẻ cộng đồng. Song phần giải trình ở mục 3, trang 4 về loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với thời gian 15 năm như trong Dự thảo luật, kể từ khi luật có hiệu lực 1/1/2007. Sau 20 năm mới có người đầu tiên đủ điều kiện hưởng theo quy định của luật này thì không hợp lý. Với hưởng lương hưu khi người lao động suy giảm sức khoẻ lao động như Điều 51. Có thể 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tôi suy giảm sức khoẻ, tôi có thể nghỉ được rồi. Cho nên, chỗ này khi luật có hiệu lực là phải thi hành ngay, chứ không phải tính đến người lao động đến 20 năm sau mới được hưởng thì cái đó không hợp lý. Cho nên tôi đề nghị chỗ đó Ban soạn thảo và Thường vụ nên nghiên cứu lại.

 

Về vấn đề cụ thể, tôi nhất trí phạm vi điều chỉnh của luật, Điều 3 về giải thích từ ngữ ở Khoản 7 thân nhân của người tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng và người nuôi dưỡng hợp pháp. Tôi đề nghị Khoản 7 này nên quy định như trong Bộ Luật Dân sự là hợp lý, cho thống nhất, cần giải thích rõ hơn về người nuôi dưỡng hợp pháp là thế nào. Sáng nay đại biểu Thân có nói là bố mẹ nuôi, vậy còn ai nữa? Tôi đề nghị giải thích cho rõ người nuôi hợp pháp.

 

Điều 18 Điểm h cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động yêu cầu, tôi đề nghị bổ sung và chỉnh lại như sau: cung cấp thông tin. Việc đóng và quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động, chứ không đặt vấn đề là người lao động yêu cầu, vì cái này trách nhiệm của cơ quan, tổ chức là cung cấp thông tin để người lao động được biết mà đóng, được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

 

Điều 43, về trợ cấp hàng tháng tại Khoản 1 người lao động suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tôi đề nghị trong quá trình xem xét người lao động đã suy giảm sức khoẻ, khả năng lao động thì đề nghị từ 21% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng như là thương binh ở Điều 43.

Điểm b Khoản 2 "ngoài mức trợ cấp theo quy định tại Điểm a hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp" là bao nhiêu, đề nghị quy định rõ trong luật, chứ không chỗ này chung chung.

 

Điều 52 mức lương hưu ở Khoản 1 chung là 15 năm 45% và sau đó cứ một năm đóng thêm thì được 2% đối với nam và nữ được 3% mức tối đa là 75%. Theo tôi Điều 52 quy định như thế này tôi thấy hợp lý nhưng nam là 2% và nữ 3%, tuổi thì nam 60, nữ 55 tuổi. Theo tôi ta không nên hạn chế, bởi vì nếu như theo hai Nghị định 236 trước đây, Nghị định 84, 85 là mức lương hưu của bác được trước từ 85% - 95%, chứ không phải bây giờ ta khống chế trong Nghị định 12 là 75%.

Cho nên chỗ này để cho công bằng đối với nữ tôi đề nghị tối đa là 80%, nam tối đa là 75%. Đây là một vấn đề cá biệt, nhưng chỗ này tính toán thấy hợp lý cho số này.

 

Trường hợp nam đủ 55 tuổi và trên 55 tuổi, nữ trên 50 tuổi, tôi đề nghị không phải trừ 1%, có thế mới nhân đạo. Bởi vì Nghị định 12 đã quy định rồi, trước đây có ý kiến là 2% Nghị định 12 xuống còn 1%. Bây giờ tính nhân đạo hơn, vì số này anh chị em lao động trong các ngành người ta muốn về sớm, trừ 1% anh em rất thiệt thòi. Ví dụ ngành cơ khí, dệt may, giao thông, xây dựng người ta về sớm. Tôi đề nghị Ban soạn thảo và Thường vụ nghiên cứu không nên trừ của anh em như đại biểu Đặng Ngọc Tùng đã phát biểu.

 

Ở Điều 54, Khoản 2 về mức trợ cấp khi nghỉ hưu nam kể từ năm thứ 31, nữ từ năm thứ 26 mà trong quy định là 0,5 tháng lương, tôi đề nghị được hưởng 1 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công chứ 0,5 thì thấp quá.

 

Điều 57 về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian bảo lưu bao lâu cần quy định ghi cụ thể. Có thể là 2 năm hoặc bao lâu thì phải ghi cụ thể, nếu không thì rất khó trong quá trình vận dụng.

 

Điều 59, nhất trí như đại biểu Đặng Ngọc Tùng là cần thu gọn lại cho hợp lý đối với lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội. Tôi nhất trí phương án là trước Luật là 5%, sau khi hiệu lực của Luật ngày 1-1-2007 thì 7%. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến ở hội nghị chuyên trách như đại biểu Tuyết ở Yên Bái cũng đã phát biểu. Chứ nếu để 15% thì thưa các đại biểu là lương hiện giờ của anh em rất thấp, nếu tính bình quân 15 năm mà lương anh em rất thấp thì anh em không được bao nhiêu cả. Đến 2010 chúng ta mới được 1.050 USD thì lúc đó khu vực nó lên đến bao nhiêu nghìn đôla rồi, rồi đến 2020 thì chắc gì đã đuổi kịp so với các nước. Cho nên tôi đề nghị chỉ 7 năm thôi sau khi Luật có hiệu lực cho các số anh em sau này.

 

Điều 72, Khoản 2 ở chỗ tự nguyện thì cũng là 1 tháng lương thay cho 0,5 tháng cho bình đẳng chỗ bắt buộc cũng như tự nguyện.

 

Điều 92, mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động, nhất trí phương án 1 là để 2% người sử dụng lao động chi trực tiếp cho người lao động, cái này đã có thực tiễn, trước đây tôi được biết Công đoàn cũng đã tổ chức rồi, nhiều năm rồi, 35 năm sau khi thực hiện cái này thì dưới cơ sở doanh nghiệp và người lao động rất khó khăn, nên để 2% cho người sử dụng lao động chi trực tiếp cho người lao động tôi thấy rất hợp lý, nhất trí cái đó.

 

Ở Điều 138, xử lý vi phạm, tôi đề nghị gập Khoản 1, Khoản 2 thành 1 khoản vì có sự trùng lặp, nên chỉnh lại Khoản 1 là cơ quan, đơn vị tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại các Điều 134, 135, 136 và 137 của luật này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Ở Khoản 3 là rất hợp lý bởi vì đây là chế tài để xử phạt, đối với người sử dụng lao động đóng chậm, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nên vấn đề này tôi thấy trong luật cũng đưa ra vấn đề rất cụ thể để các nhà sử dụng lao động phải đóng cho người lao động, chứ vừa qua luật đưa ra, Nghị định 38 có xử phạt nhưng không xử phạt được ai cả, doanh nghiệp không đóng cho người lao động rất nhiều, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân mà doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng cho bộ máy gián tiếp thôi, chứ người lao động lại không đóng, đây là một vấn đề bức xúc hiện nay mà trong điều 138 này có khoản đó là: Nếu chủ sử dụng không đóng thì người có thẩm quyền ra ngân hàng, kho bạc trích khoản tài khoản của các vị ấy ra để nộp cho người lao động, tôi cho cái đó cũng rất hay mà cũng là một điểm để mà có tính pháp quy cao hơn.

 

Cuối cùng là Điều 37, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, đề nghị chỗ này không kể người đang thải sản. Tôi đề nghị sửa Điều 37 là "Dưỡng sức phục hồi sức khỏe" chứ không phải là thai sản, từ chỗ đó, người ốm đau hoặc là thai sản, kể cả người đang công tác sức khỏe ốm yếu thì cũng để cho anh em đi dưỡng sức. Vừa qua, mình đưa ra cái đó thì không bao giờ anh em được đi dưỡng sức.

Các văn bản liên quan