Trích ý kiến của ĐBQH Lê Kim Toàn – Tỉnh Bình Định

Thứ Tư 23:11 24-05-2006

Tôi xin tham gia đóng góp vào một số điều trong dự thảo trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

 

Thứ nhất, Điều 50, điều kiện hưởng lương hưu, chúng tôi thống nhất với quan điểm của một đại biểu phát biểu hồi sáng, trong Điều 50 điều kiện hưởng lương hưu, hiện nay chúng ta đang quy định có hai điều kiện: Điều kiện thứ nhất là phải 20 năm đóng bảo hiểm trở lên; Điều kiện thứ hai là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Chúng tôi cho rằng quy định hai độ tuổi như vậy chưa khuyến khích được đối tượng lao động tham gia bảo hiểm, ví dụ có 1 người 41 tuổi mới tham gia bảo hiểm trong diện bắt buộc, nếu họ tham gia bảo hiểm họ chỉ có một con đường được tính chế độ khi hết tuổi lao động đó là hưởng chế độ 1 lần và mức tính cứ 1 năm đóng bảo hiểm bằng 1,5 tháng lương mà họ đóng bình quân. Như vậy, không khuyến khích được.

 

Do đó, chúng tôi đồng ý quan điểm là bổ sung thêm một khoản quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội vào điều kiện được hưởng lương hưu cụ thể như sau:

 

Bổ sung thêm Khoản 3 là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có mức đóng bảo hiểm xã hội bằng mức đóng của người lao động có cùng mức lương trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nhất là 10 năm. Như vậy người tham gia bảo hiểm xã hội có thời gian đóng thấp hơn là 10 năm nhưng tôi thống nhất với cơ quan bảo hiểm xã hội là mức đóng của tôi sẽ tăng lên gấp đôi. So với người lao động có cùng mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội như tôi thì tính tổng thời gian, tính tổng mức đóng sẽ bằng mức đóng của người đóng bảo hiểm xã hội trong 20 năm trở lên vẫn tạo điều kiện cho người ta có thể lựa chọn: một là hưởng chế độ một lần, hai là hưởng chế độ lương hưu khi họ hết tuổi lao động. Như vậy chúng ta có điều kiện thu hút hơn các đối tượng lao động và rộng đường hơn cho các đối tượng lao động chọn lựa khi tham gia bảo hiểm xã hội.

 

Ý kiến thứ hai, về mức lương hưu ở Điều 52, cũng như nhiều đại biểu khác chúng tôi rất băn khoăn quy định ở Điều 52. Theo tinh thần của Khoản 1, Điều 52 được hiểu là cứ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì chúng ta sẽ được tính lương bằng 45% mức bình quân tiền lương. Sau đó cứ năm 16 trở lên thì nam được cộng 2% một năm và nữ là 3% một năm nhưng tối đa không quá 75%. Như vậy người lao động trong biên chế bình quân sau khi tốt nghiệp đại học ra đi làm là 22 tuổi, 15 năm sau họ 37 tuổi được 45%, đến khi người nam đủ 60 tuổi tức 23 năm nữa nhân với 2% là 46% thì tỷ lệ tối đa họ được hưởng là 46% cộng 45% là 91%.

 

Tương tự như vậy người nữ khi 55 tuổi về hưu, còn 18 năm nữa nhân 3% là 54%. Vậy tỷ lệ tối đa họ được hưởng là 45% cộng 54% là 99%. Như vậy chúng ta quy định tối đa không quá 75% thì tỷ lệ chia sẻ của người nam là 16% và người nữ sẽ là 24%. Như vậy lao động nữ khi nghỉ 55 tuổi có tỷ lệ chia sẻ cao hơn lao động nam và tương ứng với đó là 8 năm đóng bảo hiểm xã hội không được hưởng. Như vậy nó sẽ vi phạm vào nguyên tắc sẽ có đóng và có hưởng.

 

Bên cạnh đó đối với người lao động ngoài biên chế, tức là lao động theo chế độ hợp đồng, theo tối đa người lao động bắt đầu 16 tuổi đi làm và quá 16 tuổi đi làm, 15 năm sau họ 31 tuổi họ được hưởng 45%, người nam là 60 tuổi tức 29 năm sau mỗi năm nhân 2% là 58% nữa, tổng tỷ lệ bảo hiểm xã hội họ được hưởng theo cách tính này là 58% + 45% là 103%. Nếu chúng ta quy định tối đa không quá 75% tức họ phải chia sẻ đi 28% tương ứng 14 năm đóng bảo hiểm xã hội không được hưởng thêm một tỷ lệ nào.

 

Người nữ lao động nghỉ 55 tuổi còn 24 năm nữa nhân với 3% tức là 72% họ được hưởng thêm. Như vậy tổng tỷ lệ bảo hiểm xã hội họ được hưởng là 72% + 45% là 117%. Quy định tối đa không được quá 75% tức họ phải chia sẻ đi 42%, một tỷ lệ rất cao, như vậy điều này rất bất hợp lý. Chúng tôi đề nghị chúng ta sửa lại là cứ 20 năm đóng bảo hiểm, trong Dự thảo quy định 15 năm thì chúng tôi đề nghị 20 năm đóng bảo hiểm thì sẽ được tính bằng 45% tiền lương và sau đó cứ thêm 1 năm thì nam được 2%, nữ được 3% và mức tối đa không quá 100% mức lương. Như vậy theo tính toán của chúng tôi, cũng theo phương thức tính đó, nếu người lao động trong biên chế Nhà nước thì người nam khi về hưu được hưởng tối đa là 81% và người nữ về hưu với 55 tuổi tỷ lệ hưởng tối đa là 84%, vẫn chưa tới 100% và người lao động ở ngoài biên chế lao động nam khi 60 tuổi nghỉ tỷ lệ được hưởng tối đa là 93% và nữ được hưởng tỷ lệ tối đa ở ngoài biên chế là 103% thì chúng ta quy định không quá 100%. Và nếu người lao động trong biên chế Nhà nước thì sẽ chỉ có những người lao động mặc dù hiện nay có, ít nhưng mà có là lao động tới 70 tuổi mới về hưu thì tỷ lệ được hưởng tối đa là 101%, chúng ta cũng quy định là không quá 100%.

 

Như vậy người lao động sẽ đóng tới tuổi khi mà hết tuổi lao động của mình và được hưởng tối đa bằng 100% tiền lương mà mình được hưởng tức là có đóng và có hưởng. Chúng tôi đề nghị như vậy và nó vẫn đảm bảo nguyên tắc chia sẻ trong Quỹ bảo hiểm xã hội, không ảnh hưởng gì nhiều, hạn chế đi tỷ lệ chia sẻ của các đối tượng lao động như chúng tôi đã tính toán ở trên.

 

Ý kiến tiếp theo, chúng tôi cũng thống nhất với các đại biểu phát biểu trước đề nghị bỏ Khoản 2, Điều 52, tức là lao động nghỉ trước thì giảm 1%, như vậy không khuyến khích các lao động nghỉ trước, để chúng ta thay thế đội ngũ lao động trẻ và mới có trình độ tiếp cận tốt hơn.

 

Đề nghị xem lại Điều 56, quy định mức bảo hiểm xã hội một lần bằng 1,5 tháng lương, như vậy cũng không hợp lý vì đã hưởng lao động một lần thì cần tính toán tiền họ đóng bảo hiểm trừ đi chi phí và có thể trừ thêm một tỷ lệ chia sẻ nữa, còn lại là thanh toán toàn bộ tiền họ đóng lại cho họ.

 

Tôi thấy trong các Điều 58, 59, 60 chúng ta có nhiều mốc thời gian để tính mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội, đó là 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm và 15 năm. Chúng tôi cho rằng đây là quá nhiều mức tính và nó sẽ rất phức tạp mà lại không hợp lý. Ý kiến chung của chúng tôi là chúng tôi thống nhất theo phương án 1, Điều 60. Tuy nhiên thời gian tính mức bình quân tiền lương cuối cùng để đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu thì ý kiến của tôi khác ý kiến của các đại biểu khác đó là chúng ta không tính thời gian mà chúng ta tính theo bậc lương. Chúng tôi đề nghị tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 3 bậc lương cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Đối với cán sự có 3 bậc lương, 2 năm một bậc, 3 bậc sẽ là 6 năm. Đối với chuyên viên trở lên thì 3 năm lên 1 bậc, 3 bậc lương sẽ tương ứng với 9 năm. Đối với lương của lực lượng vũ trang là 4 năm lên 1 cấp hàm, 3 bậc lương là 12 năm. Đối với lương của cán bộ được hưởng chức danh bầu tức là Bộ trưởng trở lên thì 3 bậc lương tương ứng khoảng trên 12 năm, hai nhiệm kỳ là 10 năm và thêm 2 năm lương trước khi ông đó nhận giữ chức vụ bầu thì độ khoảng trên 12 năm, chúng tôi đề nghị như vậy. Nếu quy định như vậy chúng ta có thể bỏ hoàn toàn Điều 58, 59 và nhập vào Điều 60 trở thành 1 điều thôi, nó sẽ nằm trong khung từ 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm và 15 năm. Chúng ta tính 3 bậc lương của thời gian cuối cùng thì nó sẽ tương ứng như vậy và không có chênh lệch gì nhiều, cũng không có các mốc nhỏ, lẻ như thế này thì rất khó tính toán.

Các văn bản liên quan