Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Tỉnh An Giang

Thứ Ba 10:04 30-05-2006

Tôi xin phát biểu 2 ý kiến: một là về sự cần thiết, hai là về vị trí pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Thị trường tài chính và tiền tệ của các quốc gia có 3 bộ phận: Trước nhất là thị trường tiền tệ ngắn hạn do các ngân hàng thương mại thực hiện; thị trường thứ hai là thị trường trái phiếu do Bộ Tài chính; thị trường thứ ba là thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán của chúng ta, như Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo Thẩm tra cho thấy rằng, mặc dù sau 9 năm nó vẫn còn rất sơ khai và vì vậy cho nên khả năng huy động vốn nhàn rỗi trong dân và vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể đầu tư vào, còn có thể phát triển hơn rất nhiều. Vì vậy, theo tôi cần thiết phải có ban hành Luật Chứng khoán.
Chẳng những ban hành Luật Chứng khoán mà tôi nghĩ trong Luật Chứng khoán này vị trí pháp lý của Ủy ban chứng khoán Nhà nước là hết sức quan trọng. Vì vậy cho nên đây là nội dung thứ hai mà tôi muốn phát biểu, ý kiến của tôi nói chung khác với những ý kiến của Chính phủ đề xuất, của Ủy ban thẩm tra và của một số đại biểu đã phát biểu. Tôi thiên về Ủy ban chứng khoán là độc lập vì các lý do sau đây:

Trước hết là Báo cáo của Chính phủ mà đồng chí Nguyễn Sinh Hùng trình bày chưa thuyết phục được tôi. Một là đoạn đầu của trang 9 thì Báo cáo Chính phủ không nêu lên đầy đủ các mô hình mà trên thế giới hiện nay đang tồn tại. Tôi cũng nói luôn Báo cáo thẩm tra, các đồng chí trong Ủy ban Kinh tế và Ngân sách cũng không cho tổng số của mô hình nào là quan trọng. Theo tôi được biết, mô hình 1 Ủy ban chứng khoán là độc lập thì tổng số rất cao 70% hay gì đó, nếu tôi nhớ không lầm, đa số người ta đi chỗ này và Ủy ban chứng khoán quốc tế IOSC người ta cũng khuyến cáo là nên chọn mô hình độc lập. Vì vậy cho nên trình bày phần này của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng như vậy chưa đầy đủ.

Đoạn thứ 2, trong thời gian từ năm 1997 - 2004 Ủy ban chứng khoán không phát triển được thị trường chứng khoán, nhưng chỗ này yếu tố ràng buộc chính là cơ quan này thuộc Chính phủ trong 7 năm này, vì vậy cho nên nó không có điều kiện để phát triển.
Đoạn thứa 3, các đồng chí cho rằng từ lúc giao về cho Bộ Tài chính, trực thuộc Bộ Tài chính thì nó phát triển tương đối toàn diện, vững chắc và tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư.
Chỗ này đứng về mặt kết luận tôi cho rằng hơi vội vàng, trước hết là thiếu đối chứng. Nếu trong thời gian đó Ủy ban Chứng khoán độc lập và được ban hành những văn bản pháp quy có tính chất quản lý nhà nước thì chưa chắc gì tình trạng hiện nay của thị trường chứng khoán chúng ta như hiện nay có. Thứ hai, có một số yếu tố khách quan làm cho thị trường chứng khoán phát triển lên.
Tôi muốn nói đến vấn đề Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, triển vọng chúng ta sắp ra nhập WTO. Vừa rồi đồng chí Trương Đình Tuyển ký tắt với bên kia thì rõ ràng thị trường chứng khoán tăng lên, thành ra đưa hết tất cả cái đó vào và nói do trực thuộc Bộ Tài chính mà nó phát triển tương đối toàn diện, vững chắc, tạo sự tin tưởng. Tôi cho như vậy là không khách quan, những yếu tố đối chứng là thiếu, vì vậy nó không thuyết phục được tôi.

Thứ ba trong nguyên nhân thì có nguyên nhân thứ hai là đảm bảo thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực mà không cần phải mở rộng bộ máy quản lý hành chính Nhà nước. Nếu đưa về thì gọn đầu mối, nhưng ngược lại thì lại phình Bộ Tài chính ra.
Hiện nay các đồng chí đại biểu Quốc hội đều biết, nằm trong Bộ Tài chính có Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, có Ban vật giá Chính phủ, nếu đưa Ủy ban Chứng khoán về đây nữa thì hiện nay đã là siêu bộ, càng trở thành siêu bộ hơn nữa. Vấn đề là đầu mối nằm ở đâu, chứ không phải nằm trong Bộ Tài chín, nói gọn là Bộ máy hành chính Nhà nước mình.
Vì vậy tôi muốn nói thêm nữa là ngay Tổng Cục thuế, Tổng Cục Hải quan khi trình bày trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng khi khoán thu để trả lương một mặt tăng thu ngân sách Nhà nước, mặt khác tinh giảm biên chế. Nhưng theo Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, đến giờ phút này biên chế của Tổng Cục thế chưa chắc giảm. Thành ra lý do để đưa vào tinh giảm quản lý hành chính Nhà nước cũng không thuyết phục được tôi và tôi đề nghị Quốc hội nên cân nhắc kỹ, nếu mình tinh giảm biên chế đưa vào Bộ Tài chính thì Bộ tài chính sẽ trở thành một siêu Bộ và Bộ Tài chính không có điều kiện để làm chức năng chính của mình là tài chính công, ngân sách Nhà nước.

Kinh nghiệm quản lý ODA vừa rồi cho thấy Bộ Tài chính không có điều kiện để theo sát, mạng lưới quá mỏng v.v... chứ bây giờ ráng làm chuyện này, đừng ôm đồm những chuyện khác nữa, tôi nghĩ như vậy hay hơn không?

Bộ Tài chính với tư cách phát hành trái phiếu là một cơ quan phát hành trái phiếu ra công chúng tham gia thị trường chứng khoán. Theo quy định như vậy phải chịu sự quản lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách khi trình thảo luận, trong đó có tôi thì nói là như là một cơ quan phát hành trái phiếu ra công chúng, Bộ Tài chính chịu sự quản lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đằng này Uỷ ban Chứng khoán lại nằm trong Bộ Tài chính, như vậy có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi hay không.

Cuối cùng, thật ra tôi cũng không phải muốn độc lập vì cho nó độc lập, hay muốn giảm uy tín hay giảm tầm quan trọng của Bộ Tài chính, một Bộ mà theo tôi cực kỳ quan trọng, trong hôm phát biểu ngày 17 tháng 5 vừa rồi tôi cũng có nói, rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Các đồng chí có nói, đồng chí Tào Hữu Phùng, đồng chí Nguyễn Đình Hương, đồng chí Trần Thanh Khiêm có nói thị trường chứng khoán của ta còn sơ khai, đúng là về mặt nào đó còn sơ khai nhưng từ lúc chúng ta thành lập Ủy ban chứng khoán là cơ quan thuộc Chính phủ tới nay là 9 năm rồi. 9 năm làm một Điện Biên, cách đây 50 năm, bây giờ 9 năm ở thời điểm hiện nay mọi việc diễn biến rất nhanh thì 9 năm này đâu có phải ngắn các đồng chí. Vấn đề là chúng ta có muốn cho nó một tầm quan trọng mà cần phải có hay là chúng ta để nó dưới cánh của một Bộ để hạn chế sự phát triển của nó.

Theo khuyến cáo của IOSC sự độc lập của Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ góp phần gìn giữ sự ổn định tiền tệ và ổn định tài chính quốc gia và đó là chính là hai mặt của một vấn đề và đó chính là điều kiện để phát triển, vừa của thị trường chứng khoán và vừa của nền tài chính quốc gia. Vì vậy cho nên tôi xin tha thiết đề nghị Quốc hội cân nhắc lại về vị trí pháp lý, đó cũng là tất cả những gì tôi muốn trình bày với Quốc hội, nếu có nhiều thì giờ tôi sẽ trình bày những điểm khác.

Các văn bản liên quan