Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Nghiễm – Tỉnh Bình Phước

Thứ Năm 15:05 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu về dự án Luật Cư trú.

Trước hết tôi thấy dự án Luật cư trú được trình ra tại kỳ họp này Ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh sửa nhiều nội dung đã được đại biểu Quốc hội đặt ra tại Kỳ họp thứ 9, cũng như phát biểu tại Hội nghị đại biểu chuyên trách. Việc tách Chương II thành 3 chương và việc quy định cụ thể đầy đủ hơn về quyền cư trú của công dân, về trách nhiệm của công dân trong việc đăng ký cư trú đã làm cho dự thảo luật khả thi hơn.

Tôi bày tỏ sự nhất trí của mình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin được phát biểu 3 vấn đề:

Thứ nhất về mô hình quản lý cư trú, tôi tán thành với mô hình quản lý cư trú như hiện nay, đó là sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đối với trường hợp cư trú. Sổ tạm trú được cấp đối với trường hợp tạm trú. Bên cạnh việc bảo đảm quyền cư trú cho công dân, vấn đề cư trú còn liên quan trực tiếp đến yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nhất là trước xu thế hội nhập tình hình tội phạm đang diễn ra rất phức tạp hiện nay. Tôi nghĩ là việc giữ mô hình quản lý cư trú như hiện nay, với những quy định về trình tự, thủ tục đơn giản hơn, với những điều kiện thuận lợi hơn trong đăng ký cư trú, cùng với việc chấn chỉnh các khâu tổ chức thì sẽ đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, đồng thời cũng vẫn là giúp cho công tác quản lý Nhà nước về cư trú đạt kết quả.

Vấn đề thứ hai, về điều kiện đăng ký thường trú. Tôi nhất trí với Ban Soạn thảo là việc quy định điều kiện đăng ký thường trú ở tỉnh được quy định ở Điều 20, và điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương được quy định ở Điều 21. Về lý lẽ thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình trong báo cáo, tôi xin được không nhắc lại.
Qua nghiên cứu tôi thấy cả ở tỉnh, cũng như ở thành phố trực thuộc Trung ương thì điều kiện tiên quyết đó là phải có chỗ ở hợp pháp. Tại Khoản1, Điều 13 quy định chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân, hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Theo quy định này, tôi thấy ở những tỉnh có đông dân di cư tự do, trong đó có Bình Phước hiện nay vẫn còn một bộ phận khá lớn, trong đó có nhiều hộ đã ở gần 10 năm, nhưng vẫn chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Vì số này tuy là có nhà ở, nhưng không hợp pháp, bởi nhà ở này được xây dựng trên đất nông nghiệp, đã là đất nông nghiệp thì số này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ta thường gọi là sổ đỏ. Từ chỗ không được đăng ký thường trú, hoặc tạm trú nên số này không có sổ hộ khẩu, hiện tại bà con vẫn sinh sống, sản xuất, chữa bệnh và học hành bình thường ở địa phương. Nhưng do không có hộ khẩu, nên con em của họ không làm được giấy chứng minh nhân dân, nên việc thực hiện một số quyền công dân bị thiệt thòi, việc quản lý Nhà nước về nhân, hộ khẩu cũng khó khăn. Đây là một trong những vấn đề cử tri Bình Phước rất bức xúc, đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Qua nghiên cứu, tôi thấy để giải quyết những vướng mắc khi áp dụng Khoản 1, như tôi vừa trình bày, tại Khoản 2 Điều 13 có quy định trường hợp không xác định được nơi cu trú của công dân theo quy định tại Khoản 1 điều này, thì nơi cư trú của công dân, nơi cư trú của người đó được xác định là nơi sinh sống của người đó. Theo tôi quy định này chưa rõ, vì chưa có căn cứ pháp lý để chứng tỏ người đó đang sinh sống ở địa phương đó. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm một đoạn với nội dung là được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vào cuối Khoản 2, như vậy Khoản 2 sẽ được thiết kế như sau: "Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại Khoản 1 điều này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận". Tôi nghĩ quy định như vậy mới đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm vấn đề hộ khẩu của đồng bào di cư tự do tại các địa phương.

Thứ ba, tôi xin góp ý vào một số điều cụ thể.

Về Điều 6 quy định tuyên truyền giáo dục pháp luật về cư trú, về vấn đề này Đảng đã có Chỉ thị, Chính phủ có quy định rất cụ thể. Hiện nay các địa phương đều có các Hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật, các Hội đồng này hoạt động khá tốt, tất cả các dự án luật, pháp lệnh khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đều được tổ chức tuyên truyền phổ biến, thông qua các hoạt động của cơ quan, tổ chức, các phương tiện thông tin báo chí và thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên, chứ không riêng gì Luật Cư trú. Mặt khác với 3 khoản quy định tại Điều 6, tôi thấy nếu thay cụm từ "cư trú" bằng một tên luật nào đó thì Điều 6 có thể đưa vào luật nào cũng được. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét có thể bỏ Điều 6.

Về Điều 22 quy định về thủ tục đăng ký thường trú, Khoản 3 tôi đề nghị giữ như dự thảo đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhưng bỏ đoạn cuối với nội dung: "Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do". Với nội dung quy định tại Khoản 3: "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người nộp hồ sơ đăng ký thường trú". Tôi nghĩ vì đã nhận hồ sơ hợp lệ thì không có lý do để không cấp, nên đoạn nói về trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do là thừa, do đó tôi đề nghị bỏ. Điều 29 quy định về giấy chuyển hộ khẩu, tại Khoản 4 có quy định: Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm: Sổ hộ khẩu và Phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu. Tôi thấy cần quy định rõ sổ hộ khẩu là bản chính hay bản sao có chứng thực để khỏi phiền hà cho người có nhu cầu chuyển nơi thường trú. Theo tôi là bản sao có chứng thực, còn bản chính là do gia đình họ giữ lại. Do vậy Khoản 4 tôi xin được thiết kế như sau: "Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm bản sao hộ khẩu có chứng thực và Phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu". Quy định như vậy mới cụ thể, rõ ràng, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu chuyển nơi ở thường trú

Các văn bản liên quan