Trích ý kiến của ĐBQH Huỳnh Thị Hường – Tỉnh Quảng Nam

Thứ Năm 15:07 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu một số ý kiến về Dự thảo Luật Cư trú.

Cũng như đồng chí Nghiễm phát biểu trước tôi, tôi nhận thấy dự thảo lần này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu rất nhiều và đã chỉnh sửa rất nhiều theo hướng trong vấn đề quản lý này và đặc biệt có thể nói trong Luật này, trong suốt 42 điều thì chúng ta thấy rất ít những điều mang tính chất khung, tức là giao Chính phủ quy định hoặc các bộ quy định. Chúng ta đã cố gắng cụ thể, hy vọng Luật này khi có hiệu lực thì nó có thể thực hiện được ngay. Đi sâu vào các vấn đề trong nội dung Luật, tôi xin phát biểu mấy nội dung.

Thứ nhất, về những vấn đề chung, về mô hình quản lý cư trú. Chúng tôi rất nhất trí với quan điểm là chúng ta phải lưu ý đảm bảo đến quyền của công dân trong vấn đề cư trú, phải đảm bảo tạo mọi điều kiện để người công dân được thực hiện quyền này. Tuy nhiên là nó cũng phải kết hợp với việc phục vụ tốt cho việc giữ gìn an ninh chính trị, an toàn xã hội. Quan điểm này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giải trình nói rất rõ, tôi xin không lặp lại. Cho nên tôi rất thống nhất là chúng ta duy trì phương án, tức là quản lý cư trú bằng phương án hình thức hộ khẩu. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị chúng ta nên lưu tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất là phải rà soát lại các văn bản có quy định liên quan đến hộ khẩu. Nếu như theo Báo cáo hôm trước là có hơn 300 văn bản có liên quan đến vấn đề hộ khẩu thì đề nghị chúng ta cũng nên rà soát thật kỹ và cần thiết phải loại bỏ tối đa, tức là cắt đi những phần ăn theo của hộ khẩu.

Thứ hai, trong dự thảo ngoài việc chúng ta quy định được những điều cấm, nhưng cũng cần phải có những chế tài đủ mạnh và cụ thể về các hành vi lạm dụng những quy định về sổ hộ khẩu, làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thứ ba, làm thế nào trong chỉ đạo phải đảm bảo nguyên tắc trình tự thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà đối với công dân. Tóm lại chúng tôi thống nhất vẫn duy trì phương thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu, nhưng đừng để nhân dân phải chịu khổ.

Thứ hai, về vấn đề cư trú của công dân, chúng tôi thống nhất như trong Tờ trình là bổ sung hình thức lưu trú thay cho hình thức tạm trú ngắn hạn để phân biệt giữa những trường hợp tạm trú, mà người tạm trú sinh sống thường xuyên trong thời gian dài làm việc và lao động tập thể khác với những trường hợp tạm trú mang tính chất vãng lai hoặc du lịch, chữa bệnh.
Về một số điều cụ thể chúng tôi xin được đóng góp sau:

Điều 2 về đối tượng áp dụng, so với dự thảo lần trước lần này trong quy định chúng ta có thêm đối tượng là người Việt Nam nếu định cư ở nước ngoài vẫn đang còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ điều chỉnh về luật này. Nhưng theo tôi đề nghị có thể cân nhắc thêm mở rộng các đối tượng này được không? Đối với những người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam cư trú, những người nước ngoài về cư trú trên lãnh thổ Việt Nam vào Luật Cư trú. Bởi vì những đối tượng này trong giải trình là quy định ở các pháp luật khác nhưng lúc đó chúng ta chưa có Luật Cư trú, bây giờ có Luật Cư trú có cần thiết phải quy định vào đây cho nó chặt chẽ hơn không? Theo Khoản 5, Điều 2 của Luật Quốc tịch Việt Nam thì quy định người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú Việt Nam và luật pháp của chúng ta quy định mọi công dân khi sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Do vậy, nếu quy định đối tượng này trong luật nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước trong điều kiện ngày càng có nhiều người nước ngoài cũng như Việt kiều đến cư trú làm ăn sinh sống tại Việt Nam.

Điều 3, Khoản 2, chúng tôi có ý kiến đề nghị xem lại ở Khoản 2 có thể viết lại cho nó cụ thể hơn và tránh những phiền phức, phức tạp sau này, Khoản 2, Điều 3 trong dự thảo là quyền tự do cư trú công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước cấp thẩm quyền, theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, nó cũng rất chung chung và có thể nó sẽ đẻ ra những phiền hà trong này. Do vậy, để gọn và chính xác hơn, tôi đề nghị chúng ta viết lại, ở Khoản 2 quyền tự do cư trú của công dân không bị hạn chế, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, như thế nó vừa chính xác hơn, bởi trong Điều 11 chúng ta cũng quy định rất rõ là những trường hợp nào bị hạn chế cư trú thì nó rõ hơn là lại giao cho các cơ quan.

Về Điều 10, Khoản 2, trong này chúng tôi đề nghị bỏ việc đổi sổ hộ khẩu mà chỉ quy định được cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú là đủ, vì nếu sổ hộ khẩu bị mất hoặc bị hư hỏng thì được cấp lại, còn đổi sổ hộ khẩu thì cơ quan chức năng phải đổi nguyên gốc của sổ, kể cả trong sổ gốc có sự thay đổi như số nhân khẩu vì khai là đi nước ngoài v.v...Do vậy, những trường hợp này nên cấp lại là đủ, khi cấp lại cơ quan chức năng có những điều ghi trong sổ hộ khẩu không còn phù hợp thì có thể bỏ đi.

Ví dụ, người trong sổ hộ khẩu đã chết, đã được xoá tên, khi cấp sổ mới chúng ta không cần ghi những trường hợp đó lại.

Ở Điều 12, trách nhiệm của công dân về cư trú, chúng ta nghiên cứu lại, xem lại Khoản 4, cần viết gọn lại cho nó khỏi trùng lắp với Khoản 2, bởi vì Khoản 4, Điều 12 này cũng chỉ là sự cụ thể của Khoản 2, vì có thể xem sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, các giấy tờ khác liên quan đến cư trú cũng chỉ là tài liệu cư trú. Do vậy, ở Khoản 4 ta chỉ viết là xuất trình tài liệu cư trú khi có yêu cầu là đủ.

Ở Điều 26, về sổ hộ khẩu cấp cho gia đình. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo nên xem lại, để cho chúng ta quy định rõ hơn. Điều 26 có quy định là trong trường hợp hộ gia đình không có người từ đủ 18 tuổi trở lên thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ. Tôi đề nghị nghiên cứu lại, vì nó có mấy vấn đề như thế này:

Thứ nhất là nếu như có trường hợp hộ gia đình có người đủ 18 tuổi trở lên, nhưng người này mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì sao, chúng ta có tính trường hợp này?
Thứ hai, theo quy định Điều 14, Điều 15 của dự thảo luật thì nơi cư trú của người chưa thành niên và người được giám hộ là nơi cha mẹ của người thành niên, hoặc là nơi giám hộ của người được giám hộ, hoặc nơi khác với những người này thì được họ đồng ý hoặc pháp luật quy định. Do vậy, tôi đề nghị để chặt chẽ và thống nhất cao các điều trong luật thì nên quy định thêm trường hợp này, tức là "cha mẹ hoặc người giám hộ thống nhất cử người làm chủ hộ trong trường hợp này" tức người chưa thành niên và người được giám hộ ở nơi khác, tức đối với người chưa đủ 18 tuổi thì như thế nó có tính thống nhất cao hơn trong các điều luật.

Điều 29 về giấy chuyển hộ khẩu, trên quan điểm ban đầu chúng ta cũng muốn gọn nhẹ, tránh phiền hà cho dân, cho nên chúng tôi đề nghị xem lại Khoản 5 quy định về thời hạn 3 ngày là phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân, 10 ngày chuyển hồ sơ đăng ký quản lý hộ khẩu. Chúng tôi nghĩ thời gian này cũng dài, nó cũng ảnh hưởng tới người dân, nhất là ở những vùng khó khăn, người ta đi lại chờ 3 ngày rất lâu. Vì khi công dân đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ thì việc cấp giấy chuyển hộ khẩu nên quy định chỉ thực hiện trong 1 ngày. Còn việc chuyển hộ khẩu trong nội bộ của ngành công an, nên thực hiện ngay sau khi đã cấp giấy chuyển hộ khẩu, chứ cũng không cần chờ đến 10 ngày. Bởi vì trong thực tế số người cấp giấy chuyển hộ khẩu ở một địa phương rất ít, nó cũng không thể dồn toa nhiều đến độ 1 ngày không giải quyết được. Cho nên đề nghị chúng ta nghiên cứu lại. Điều 31 về đăng ký tạm trú ở Khoản 3, quy định người đến đăng ký tạm trú thì trong đó có xuất trình phiếu thay đổi hộ khẩu nhân khẩu, tôi nghĩ không cần thiết vì nó cũng không rõ ràng, sổ hộ khẩu là cấp cho người có nơi thường trú và chỉ thay đổi khi bị xóa nơi đăng ký thường trú, tách sổ hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi về hộ khẩu. Còn việc đăng ký tạm trú không thể xem là thay đổi hộ khẩu, cho nên chúng tôi đề nghị không yêu cầu có phiếu thay đổi này

Các văn bản liên quan