Trích ý kiến của ĐBQH Phan Anh Minh – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Năm 21:37 25-05-2006

Khi nghiên cứu tờ trình dự thảo Luật, đặc biệt là khi lấy ý kiến thảo luận ở đoàn Thành phố Hồ Chí Minh với luật sư và luật gia tại địa phương, tôi thấy rất lo ngại nếu chúng ta bàn hành Luật Trợ giúp pháp lý với tư cách là một chế định và một luật song song với Luật Luật sư, bởi nếu đối chiếu với hệ thống pháp luật chúng ta đã và sẽ ban hành thì như vậy chúng ta sẽ ban hành hai luật khác nhau, có hai đối tượng có hai tổ chức độc lập nhau, thậm chí chia cắt nhau, nhưng tiêu chuẩn của họ là luật sư về trình độ cơ bản là cử nhân luật, cũng như là trợ giúp viên pháp lý là cử nhân luật và đặc biệt là địa vị pháp lý của họ khi hoạt động, khi làm tư vấn pháp lý, khi tham gia tố tụng làm đại diện, làm người bào chữa, hoặc là người bảo vệ quyền cho đương sự trong các vụ án hoặc các tranh chất dân sự thì pháp luật quy định là như nhau. Nhưng chúng ta hình thành hai chế định, hai văn bản luật khác nhau. Tôi thấy nguyên nhân vấn đề ở đây là đa số chúng ta tại kỳ họp thứ 8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và kỳ họp của Ủy ban đã chấp nhận việc không có luật sư công. Từ đó chúng ta phải vội xây dựng một dự án Luật trợ giúp pháp lý để chữa cháy cho việc thực tế chúng ta đang cần một đội ngũ luật sư để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo và người không đủ điều kiện về vật chất cũng như tri thức để bảo vệ mình trong khi chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do đó tôi xin tiếp ý kiến của đại biểu Lộc, tôi xin đặt lại vấn đề là liệu chúng ta có nên cấm luật sư công hay không? Quan điểm của tôi, nếu chúng ta không cấm luật sư công thì chúng ta hoàn có thể xây dựng Luật luật sư và Luật trợ giúp pháp lý trong một văn bản pháp luật, một luật duy nhất.
 
Lý do đầu tiên chúng ta đưa ra là chúng ta không thể có luật sư công vì Pháp lệnh về Cán bộ công chức cấm, nhưng coi lại và xin trích nguyên văn là Pháp lệnh công chức năm 2000 đã sửa đổi Điều 17 như sau: "Cán bộ công chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trường học tư, bệnh viện tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư. Cán bộ công chức không được làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ và các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và các công việc khác mà việc tư vấn đó có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia. Như vậy Pháp lệnh công chức không cấm luật sư là công chức nếu được Nhà nước cử hoặc hợp đồng, Pháp lệnh công chức chỉ cấm luật sư công chức mở văn phòng luật sư, mở công ty luật, pháp luật không cấm Nhà nước hợp đồng với luật sư để làm trợ giúp pháp lý.
 
Theo tôi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công ích của chúng ta đang cần có một đội ngũ luật sư công để tư vấn giúp cho việc ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng hoặc để giải quyết tranh chấp. Chúng ta đòi hỏi cán bộ cơ quan, tổ chức doanh nghiệp Nhà nước của chúng ta phải hành xử theo pháp luật không được o ép khách hàng, nhưng lại không được sử dụng luật sư. Tôi cho rằng điều đó hiểu Pháp lệnh công chức (sửa đổi) một cách máy móc, nếu hiểu như vậy thì đã là công chức thì không được tham gia xã hội nghề nghiệp là Đoàn luật sư hoặc các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác thì tôi tự hỏi, nếu như vậy thì hiện nay Liên đoàn Bóng đá có các công chức ở Uỷ ban Thể dục thể thao tham gia là đúng hay không và tôi cũng hỏi là sắp tới nếu như vậy thì chúng ta lại giới hạn Đoàn luật sư là Đoàn luật sư chắc chắn sẽ không được cử người, không được giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan dân cử, không được là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đó là suy nghĩ thứ nhất.
 
Suy nghĩ thứ hai là bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thế thì Nhà nước không chỉ làm nhiệm vụ buộc tội hay phán quyết, mà Nhà nước cần phải bào chữa, cử người bào chữa, cử cán bộ công chức bào chữa cho người dân thì chúng ta đã vô tình đối lập, phân hoá 2 nhiệm vụ: Nhà nước không được làm nhiệm vụ bào chữa, không được cử công chức bào chữa, mà hễ công chức nào tham gia bào chữa thì bị buộc thôi việc. Tôi cho rằng suy nghĩ đó là không đúng với bản chất Nhà nước của chúng ta. Thậm chí chúng ta đi quá xa nếu chúng ta có lập luận cho rằng nếu luật sư là công chức thì luật sư đó sẽ không thể khách quan, không thể tuân thủ đúng pháp luật, thậm chí chúng ta còn quy kết luật sư công chức dễ chạy án. Tôi cho sự suy diễn đó không đúng với thực tế. Bởi vì thực tế cho tới nay chúng ta chỉ phát hiện luật sư tư là có vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhưng chúng ta chưa phát hiện ra luật sư công chức có việc đó. Thậm chí khi chúng ta chưa cấm thì luật sư công chức ngoài việc chấp hành quy chế đạo đức nghề nghiệp của Đoàn luật sư, còn phải chấp hành các quy định đối với công chức và được quản lý chặt chẽ hơn.
Do đó, tôi cho rằng chúng ta không nên đối lập chức trách Nhà nước của chúng ta với chức trách của Đoàn luật sư. Sự đối lập này theo tôi suy nghĩ chúng ta đi quá xa và nguy hiểm.
 
Điều thứ ba, hiện nay chúng ta có Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Một trong những nhiệm vụ của nó sắp tới là chúng ta phải nâng số luật sư lên, có được khoảng 18.000 luật sư vào năm 2020, hiện nay chúng ta chưa có đến 4.000, mà luật sư ở các nơi hầu hết đã dồn về Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đến các thành phố lớn có giao dịch kinh tế lớn mà hoạt động đó có thể thu phí được nhiều hơn. Chúng ta kêu gọi Nhà nước phải hỗ trợ để thành lập Đoàn luật sư ở các tỉnh vùng sâu vùng xa nhưng rồi họ không được tham gia Đoàn luật sư, Nhà nước không can thiệp, Nhà nước không quản lý được thì tôi cho rằng sự chia cắt này là chúng ta lãng phí một nguồn nhân lực rất lớn. Các trường đại học chúng ta đào tạo một năm vài ngàn cử nhân luật, nhưng thực sự để trở thành luật sư khi đã tham gia làm công chức là chúng ta vô hiệu hóa.
 
Tóm lại, theo tôi, tôi cho rằng là chúng ta nên công nhận luật sư. Đó là thực tế phù hợp với chức năng là một yêu cầu hết sức là cấp bách, là nhiệm vụ rất lớn của Nhà nước chúng ta trong giai đoạn đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, để giúp đỡ, để làm cho người dân am hiểu và thực hiện pháp luật, để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Nếu chúng ta thực hiện được, chấp nhận quy định đó thì việc trợ giúp pháp lý theo tôi nó chỉ là một hình thức hành nghề, một tổ chức hành nghề không thu phí. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể quy định thành một chương trong Luật về luật sư, không cần phải ban hành thành một luật riêng. Đó là suy nghĩ lớn nhất của tôi về việc xây dựng hai văn bản pháp luật hiện nay.

Các văn bản liên quan