Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Hữu Đồng – Tỉnh Nam Định

Thứ Tư 09:17 16-08-2006

Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi thấy riêng về chuẩn bị của Ban Soạn thảo thông qua Luật Dạy nghề kỳ này, theo tôi thấy cơ bản tương đối toàn diện, Ban Soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9.
Qua một số ý kiến các đại biểu từ sáng đến bây giờ phát biểu và cũng có một số nội dung cần trao đổi thêm. Tôi thấy có mấy ý quan điểm tôi cũng thể hiện quan điểm của mình.
Trước hết, về vấn đề tính toàn diện tôi cho rằng soạn thảo kỳ này rõ hơn kể cả về vấn đề mục tiêu đào tạo, vấn đề chính sách của Nhà nước và đối tượng dạy học và học nghề, nhất là trong này nêu đối với lực lượng người tàn tật bây giờ nêu rõ như thế để mục tiêu rõ hơn, các chính sách rõ nét.
Qua phát biểu của các đồng chí, tôi chỉ xin thêm như sau:
Trước hết, về mục tiêu đào tạo, vừa rồi chị Hoài Thu cũng có ý kiến và một số ý kiến các vị nêu, quan điểm của tôi thấy là Điều 4 đã nêu mục tiêu chung rồi, nhưng đến các mục đều có các mục tiêu và nêu tương đối, nghe ra có vẻ trùng, nó hơi thừa. Tôi thấy rằng mục tiêu ở đây chúng ta xem, kể cả trong thời bao cấp thì mục tiêu dạy học hay trong các trường dạy nghề chúng ta thường nêu mục tiêu là "vừa hồng vừa chuyên", hai từ đó đã bao hàm tương đối về trách nhiệm dạy của người học vươn lên thế nào, rồi chuyên để thực hiện mục tiêu ra sao, tôi thấy có thể nếu nêu lên được thì mục tiêu dạy nghề theo tôi thiết kế như thế này. Mục tiêu dạy nghề là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất dịch vụ, có năng lực thực hành ngành nghề tương xứng với trình độ đào tạo vừa hồng, vừa chuyên nhằm tạo điều kiện cho người học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hay học lên trình độ cao hơn, theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, thì chỗ đó cũng bao hàm cả, không cần nêu đạo đức, tác phong, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật.v.v...đưa thêm chữ "hồng chuyên" thì nó phù hợp.
Thứ hai, về tập trung Điều 7, tôi thấy trước hết Khoản 1 và Khoản 2, tôi cảm nhận nó như có mâu thuẫn, Khoản 1 thì chúng ta nêu lên là Nhà nước có chính sách để đầu tư, mở rộng mạng lưới cơ sở đào tạo dạy nghề. Nhưng đến Khoản 2 thì đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nó lại bó hẹp. Cho nên, ở đây qua chính sách đầu tư của Nhà nước về phát triển dạy nghề, tôi thấy chúng ta đang tập trung chuyển sang một nền kinh tế thị trường và trong thế giới phát triển của ngành nghề lớn như thế này, thì mục tiêu của chúng ta là phải vừa tạo ra được, vừa mở rộng ngành nghề để trang bị kể cả cho người dân lao động bình thường nó tập trung, rồi nâng ở trình độ từ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng thì chúng ta làm sao mở rộng để người học không có điều kiện vào đại học, thì 3 cấp này người ta có điều kiện để vừa tạo việc làm nuôi sống bản thân và vừa tập trung, anh nào trình độ cao hơn thì lên cao đẳng và phát triển để chúng ta vừa thực hiện mục tiêu là tập trung cho việc tạo ra sản phẩm mà xã hội đang cần. Do đó trong chương trình tôi thấy Điều 7 đề nghị Ban soạn thảo xem để làm sao nó rõ được, Khoản 1 tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng Khoản 2 tôi đề nghị bỏ từ chữ "Đầu tư trọng điểm" cho đến "trang thiết bị", Khoản 2 chỉ cần nêu là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực dạy nghề, tập trung xây dựng một số các trường cao đẳng, trung cấp. Bên trên chúng ta là khuyến khích mở rộng mạng lưới dạy nghề nâng cao rồi, bên dưới lại là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì lại phân biệt. Mà trong quá trình này nó sẽ hạn chế lại, tạo ra đi xin, cho. Bởi vì đã có trọng tâm, trọng điểm thì lại xin cho, xin cho lại nảy sinh ra tiêu cực mà cái xã hội đang cần là chúng ta phải mở rộng đào tạo ngành nghề này là một nhu cầu bức xúc. Đấy là nội dung thứ hai.
Vấn đề thứ ba tôi xin tham gia, ở Điều 34 tuyển sinh học nghề, hợp đồng học nghề và thi kiểm tra, các đại biểu cũng đã nêu nhiều ý kiến, nhưng quan điểm của tôi thì tôi thấy học nghề của chúng ta là đang cần. Trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu là trong giai đoạn gần đây, xã hội thừa thày thiếu thợ, mà đi vào thực lực gần đây một loạt các doanh nghiệp phát triển đi lên, thì đúng là đào tạo nghề cho các lực lượng này hầu như đang đa dạng, các tổ chức chính trị xã hội cũng mở lớp, các doanh nghiệp mở lớp, chứ Nhà nước không đủ sức để tham gia các lớp tập trung này.
Do đó, cho nên theo tôi thấy tuyển sinh sơ cấp hình thức đăng ký là được rồi, cái này cũng không cần mức độ. Hai là tuyển sinh sơ cấp cũng được, nhưng tuyển sinh cao đẳng nghề theo tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quan điểm của tôi cho rằng cũng không cần phải thi tuyển, chủ yếu vẫn là hình thức xét tuyển kết hợp hoặc là kết hợp xét tuyển với thi tuyển chứ không đặt hẳn một thi tuyển. Ngay các nước tiên tiến phát triển, như Thụy Điển, Đan Mạch người ta không cần, thậm chí anh nói là anh trình độ đại học nhưng tay nghề anh thấp, lương người ta trả không bằng anh trung cấp. Bây giờ chúng ta đang cần đào tạo mà các nước của ta coi trọng nghề, làm việc thì được việc chứ nếu chỉ có bằng cấp không thôi, nhưng tay nghề anh không có, thì chất lượng làm sẽ bị hạn chế.
Cho nên đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu để làm sao chúng ta vừa khuyến khích mà trong xét tuyển này đã bao hàm có được những người học giỏi, nhưng vì không điều kiện để người ta thi vào đại học thì người ta vào trường này cũng thuận, tất nhiên thi người ta cũng băn khoăn, để biểu hiện học giỏi được thì chúng ta có đào tạo vươn lên, người ta lại vươn lên để học đại học thuận lợi, mà xã hội chúng ta cũng nên khuyến khích theo dạng này, từ vấn đó mới hình thành lên các trung tâm dạy nghề, các trường dạy nghề.
Riêng về chính sách, tôi thấy trong nội dung của dự thảo bao hàm rất rõ, bây giờ chỉ có vấn đề sau này hướng dẫn về mặt Nhà nước, quản lý Nhà nước là Chính phủ, Bộ Lao động thương binh xã hội, sau này hướng dẫn chi tiết là của Bộ Lao động thương binh và xã hội thì quy định được nó rõ nét hơn, tôi thấy nó phù hợp chứ cũng không phải đáng quan tâm. Để làm sao cho tập trung là đầu vào của chúng ta thu hút được đông các lực lượng, mà thu hút được đông lực lượng vào các trường dạy nghề này, tôi nghĩ sau này những anh làm ăn tốt vào những trung tâm, khu công nghệ lớn. Những anh nào không có điều kiện thì ta mở nghề tự do ở cơ sở, vẫn tự nuôi sống bản thân và họ có cụm của gia đình ấy. Ở đầu vào mà anh có trình độ giỏi tự nhiên người ta đến phát triển thôi. Ví dụ: Nam Định vừa rồi trường dạy nghề Trung cấp công nghiệp, các cháu học giỏi nghề sửa chữa ô tô, các công ty về chọn, trên cơ sở học giỏi về lấy luôn không cần thi tuyển mà họ tuyển chọn. Các công ty lớn bây giờ vào các trường kể cả dạy nghề, kể cả đại học mà anh nào học giỏi người ta tuyển, luôn không phải có băn khoăn. Tôi thấy đầu vào chúng ta tạo điều kiện để làm sao thu hút được. Còn riêng về vấn đề công lập, dân lập, chỗ này có chính sách làm sao cho rõ để sau này trách nhiệm rõ. Ví dụ của các trường chuyên nghiệp đề nghị trong hướng dẫn tôi nhất trí như đại biểu Hưởng vừa nêu, hiện nay nó đang rất nhiều các loại trường, làm sao tới đây quy hoạch cho gọn theo hệ thống thống nhất được, thì sau này chúng ta không rối.

Các văn bản liên quan