Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Minh – Tỉnh Nghệ An

Thứ Tư 09:16 16-08-2006

Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.
Dự án Luật Dạy nghề thì chúng tôi mới có dịp tiếp cận, chưa có dịp để nghe thảo luận. Tuy nhiên, chúng tôi có một số suy nghĩ và xin mạnh dạn tham gia như thế này.
Trước hết, chúng tôi cũng rất đồng tình, có thể nói việc tiếp thu của Uỷ ban Thẩm tra và của Ban soạn thảo các ý kiến vào dự thảo, qua nghe giải trình, tôi thấy có nhiều nội dung rất thuyết phục.
Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng dự án Luật này nó có nhiều nội dung liên quan đến một yêu cầu rất bức xúc trong điều kiện của chúng ta là tình hình dạy nghề và tổ chức dạy nghề như thế nào.
Qua nghiên cứu, bước đầu chúng tôi thấy thế này.
Trước hết, chúng tôi thấy rằng để xác định được rõ những nội dung trong dự án Luật này, quy định như vậy đã phù hợp chưa, trước hết phải bắt nguồn từ sản phẩm giáo dục đào tạo này hay sản phẩm dạy nghề này, tức là cái chúng ta làm ra, tức là sản phẩm và trình độ bắt đầu đó. Từ đó, chúng ta mới thiết kế được quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm này, nó đòi hỏi yếu tố gì? Theo tôi, đặc trưng nhất của dạy nghề đó là học và hành nó quyện vào nhau, ở đây lý thuyết và thực hành được quyện vào nhau, theo từng thang bậc, trình độ, nếu là phần sơ cấp thì có thể hướng dẫn lý thuyết đến đâu thực hành ngay và như mục tiêu nói là ra để làm được. Để đạt được mục tiêu này, tức là trong quá trình dạy nghề này nó đòi hỏi những điều kiện gì cần phải được thực hiện trong luật. Tôi thấy có 2 tiền đề rất quan trọng, trước hết là giáo viên, thứ hai là điều kiện để đảm bảo cho quá trình dạy nghề được thực hiện đúng với yêu cầu. Giáo viên trong này không quy định cụ thể, nhưng tôi nghĩ đặc điểm của giáo viên dạy nghề cần được xác định trong luật này. Bởi vì đây là người, ngoài ý kiến như chị Hoài Thu nói là được đào tạo ở đâu đó là mặt nhẹ, nhưng tôi nghĩ đặc điểm giáo viên dạy nghề cũng khác với các trường chuyên nghiệp khác ở chỗ, giáo viên này có thể là một thợ lành nghề, người ta có thể đang làm trong một xí nghiệp, nhà máy nào đó nhưng người ta có thể dạy cho học viên về nghề nghiệp đó rất là tốt. Vậy đặc điểm này có nên được thiết kế, tính toán trong luật không? Tôi thấy rất cần thiết.
Thứ hai, như chúng tôi nói sản phẩm chúng ta làm ra nó có một trình độ kỹ thuật nhất định, để làm được một nghề nhất định, tức là khi đào tạo rồi thì ra người ta bắt tay vào công việc ngay. Ngay trong quá trình học, đồng thời cũng là quá trình làm việc, quá trình thực hành, đây là một đặc điểm rất quan trọng. Vậy quá trình đồng thời là thực hành này thì được làm ở đâu? Một là nó phải được thực hiện ngay ở trong các cơ sở giáo dục, nhưng như vậy đã đủ chưa? Vì quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện nay có thể nói rất nhanh chóng. Vậy những trang bị ngay trong bản thân các cơ sở giáo dục như vậy, một mặt nó rất hạn hẹp, nhưng nó cũng không thể cập nhật được những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật mà đang diễn ra trong đời sống thực tiễn. Cho nên một vấn đề đặt ra việc để đảm bảo điều kiện, để thực hiện được dạy nghề, đáp ứng được mục tiêu đó thì phải có một sự đầu tư của Nhà nước và sự kết hợp rất chặt chẽ với các cơ sở sản xuất. Theo tôi nghĩ, chỗ này cũng cần phải được quy định trong Dự thảo luật rất cụ thể, vì vậy chúng tôi đề nghị:
Thứ nhất, trong luật cần phải có những quy định cụ thể hơn, tức là về thực hành và đảm bảo điều kiện thực hành trong các cơ sở dạy nghề. Nếu thiết kế cụ thể được như vậy để sau này khi tổ chức các cơ sở dạy nghề cũng phải hết sức chú ý đến đặc điểm này. Nó khác với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, tức là anh mở ra rất nhiều trung tâm vẫn có thể dạy được, nhưng mà việc dạy nghề này của nó lại không phải cứ mở ra các trung tâm mà có thể làm được, mà nó lại phải tính đến đảm bảo các điều kiện để có thể thực hiện thực hành. Chúng tôi muốn nhấn mạnh chỗ đó, cho nên cần phải thiết kế rõ hơn trong luật.
Thứ hai, để đảm bảo được điều kiện đó, tôi nghĩ trong luật cần phải có quy định một chương về quan hệ giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, trong đó nói xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Ở đây chúng tôi muốn nhấn ý này, là vì như chúng tôi nói là nếu muốn có người thợ ra có thể làm việc ngay và tiếp cận được, tùy theo trình độ đào tạo mà tiếp cận được vấn đề khoa học, kỹ thuật thì kết hợp với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp rất quan trọng. Thậm chí Nhà nước có thể đầu tư cho những doanh nghiệp này những công nghệ, hoặc những máy móc trang thiết bị tiến tiến. Để một mặt người ta vừa sản xuất, nhưng mặt khác có thể là nơi để cho các học viên này đến đó học nghề. Hoặc mình có thể trang bị những phương tiện đó tại các doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề, đến đó thực hành đòi hỏi phải trả tiền và phải bỏ kinh phí ra hoặc không đầu tư thì cũng phải hợp tác để bỏ kinh phí ra, tôi ví dụ như vậy. Như vậy thì Luật dạy nghề của chúng ta mới khả thi được, nếu không chúng ta đọc thì thấy rất hay và suôn sẻ, nhưng sản phẩm làm ra có đáp ứng được mong muốn đó hay không, tôi nghĩ đó là điểm quan tâm nhất trong công tác dạy nghề hiện nay. Vì vậy cho nên để cho luật của chúng ta thực sự đi vào cuộc sống thì cần phải thiết kế chú ý đến những điều kiện cơ bản như vậy của dạy nghề. Tôi nghĩ rằng đây cũng là đặc trưng của dạy nghề cần phải được thể hiện trong luật. Từ cách đặt vấn đề như vậy, tôi xin trở về vấn đề, vậy ai sẽ quản lý việc dạy nghề tốt hơn, vì nó lâu hay ổn định đó cũng là một khía cạnh, nhưng tôi cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý là phù hợp nhất. Bởi vì như chúng tôi nói đặc điểm của dạy nghề không phải chỉ dạy ở cơ sở dạy nghề còn quan hệ trực tiếp với các cơ sở sản xuất, điều kiện để thực hiện việc thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có điều kiện hơn. Vì thế, tôi nghĩ rằng để ở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là có cơ sở của nó.

Các văn bản liên quan