Trích ý kiến của ĐBQH Bùi Thị Trung Hà – Tỉnh Hà Nam

Thứ Năm 14:15 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản tán thành với Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh sửa Luật Công chứng. Tôi thấy dự thảo trình Quốc hội kỳ này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, chỉnh lý chu đáo, tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp trước đều đã được xem xét, tiếp thu và giải trình cụ thể để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp. Theo ý của đoàn Chủ tọa Kỳ họp, tôi xin phát biểu một số ý kiến nhỏ như sau:

Vấn đề thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo, tôi thấy phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật này là vấn đề hết sức quan trọng cần phải cân nhắc rất kỹ và đây cũng là một trong những vấn đề mà cử tri hết sức quan tâm. Trái với ý kiến của đại biểu phát biểu trước tôi, theo tôi phạm vi điều chỉnh nên bao gồm cả công chứng và chứng thực bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, về bản chất công chứng và chứng thực đều là dịch vụ chứng nhận tính xác thực hợp pháp của văn bản;

Thứ hai, tôi thấy trong các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai hoặc các văn bản pháp luật khác thì công chứng và chứng thực đều được coi trọng như nhau và có thể thay thế nhau. Bằng chứng là trong Bộ luật Dân sự có nhiều quy định như Hợp đồng mua bán nhà ở phải công chứng hoặc chứng thực hay trong Luật Đất đai cũng quy định như Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công chứng hoặc chứng thực;

Thứ ba, nếu trong Dự thảo Luật này chỉ quy định về công chứng mà không quy định về chứng thực thì theo tôi sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vì họ rất khó phân biệt được khi nào thì cần phải công chứng, khi nào thì cần phải chứng thực. Hơn thế nữa, việc quy định cả công chứng và chứng thực còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, đỡ phải lựa chọn các vấn đề mà Chính phủ trình trong một Dự thảo luật thành nhiều văn bản khác nhau, hiệu lực pháp luật khác nhau. Nếu như công chứng thì được quy định chỉ ở trong luật, còn chứng thực thì lại được quy định ở trong Nghị định.

Vấn đề thứ hai về bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên. Theo quy định tại Điều 19 và Điều 21 của Dự thảo thì công chứng viên được bổ nhiệm và miễn nhiệm theo một quy trình chung. Tôi thấy rằng công chứng viên của Phòng công chứng là cán bộ công chức thì có thể áp dụng cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhưng còn đối với công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng thì không nên áp dụng cơ chế như trên mà phải áp dụng cơ chế cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề công chứng, như vậy thì mới phù hợp với thực tế hơn.

Theo tôi ở Điều 23 quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, quy định ở điều này còn chung chung, không rõ ràng. Tôi đề nghị tách điều này thành hai điều riêng biệt: Điều thứ nhất, quy định về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên thuộc các phòng công chứng là công chức Nhà nước, phải thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức và một số quy định đặc thù riêng biệt. Điều thứ hai là quyền, nghĩa vụ công chứng viên ở Văn phòng công chứng.

Vấn đề thứ ba về Văn phòng công chứng. Trước hết tôi hoàn toàn tán thành quy định như trong Dự thảo, quy định như vậy đã thể hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Đồng thời qua đây cũng thể hiện sự tiếp thu, chỉnh sửa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép một công chứng viên cũng được thành lập Văn phòng công chứng, chứ không phải như quy định trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp trước đây là bắt buộc phải có hai công chứng viên mới có thể thành lập được Văn phòng công chứng.

Về loại hình doanh nghiệp Văn phòng công chứng, theo quy định của Khoản 1 điều này thì Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập thì hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên thành lập hoạt động theo mô hình của công ty hợp danh. Như vậy Văn phòng công chứng là loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, theo tôi chúng ta nên rà soát kỹ quy định trong dự thảo để Văn phòng công chứng có thể tổ chức hoạt động theo đúng quy định của luật này và Luật doanh nghiệp.

Về việc thành lập hoạt động của Văn phòng công chứng ở Điều 28, tôi tán thành với quy định theo trong dự thảo về việc thành lập hoạt động của Văn phòng công chứng. Nhưng tôi đề nghị xem xét quy định về việc nộp hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng. Vì theo như quy định tại Điều 28, công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, theo tôi quy định như vậy không phù hợp. Bởi vì quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người thành lập Văn phòng công chứng, họ phải nộp hồ sơ xin phép ở một nơi Uỷ ban nhân dân tỉnh và đăng ký ở một nơi đó là Sở Tư pháp. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình xem xét, theo dõi, quản lý khi Văn phòng công chứng được phép thành lập và đăng ký hoạt động.

Từ những lý do trên đây, tôi đề nghị quy định công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải nộp hồ sơ cho Sở tư pháp. Như vậy, Sở tư pháp sẽ xem xét trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép thành lập Văn phòng và đăng ký hoạt động, theo dõi, quản lý hoạt động của Văn phòng công chứng.

Về quy định công chứng viên làm việc theo hợp đồng, tôi cũng ủng hộ quan điểm có công chứng viên làm việc theo hợp đồng, vì đó là sự lựa chọn của bản thân công chứng viên có thể lựa chọn làm việc tại Phòng công chứng, mở Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo hợp đồng. Trong thực tế không phải công chứng viên nào cũng được làm việc ở Phòng công chứng hoặc có đủ điều kiện để mở Văn phòng công chứng. Vì vậy tôi ủng hộ phương án không hạn chế loại hình công chứng viên làm việc theo hợp đồng.

Vấn đề thứ tư, về phí và thù lao công chứng. Theo quy định tại Điều 58 thì người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp và các việc khác liên quan đến việc công chứng, mức thù lao này do tổ chức hành nghề công chứng xác định. Tôi thấy quy định như vậy chưa rõ ràng, thế nào là xác định? Có cần thiết phải quy định hoặc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền không? Có cần quy định hạn, ngạch của mức thù lao công chứng hay không? Vấn đề này theo tôi càng quy định rõ ràng, minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu và càng dễ thực hiện bấy nhiêu. Vấn đề cuối cùng, tôi tán thành với quy định thành lập Văn phòng công chứng, nhưng tôi còn một chút băn khoăn đó là cần quy định lộ trình phát triển công chứng hay không? Chẳng nhẽ chúng ta cứ tồn tại song song mãi Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Theo tôi, đây là một dịch vụ chúng ta có thể xã hội hóa hoàn toàn dịch vụ này, chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước, để từ đó ứng dụng trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam và đặt ra lộ trình xã hội hóa hoàn toàn hoạt động công chứng.

Các văn bản liên quan