Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hằng – Thành phố Hải Phòng

Thứ Tư 10:31 25-10-2006

Thưa Đoàn Chủ tịch, thưa các vị khách, thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Với trách nhiệm là Ban soạn thảo và là đại biểu Quốc hội, chúng tôi xin trân thành cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội và chúng tôi hoàn toàn chấp hành theo quy định của Quốc hội và của Chính phủ về mọi phương diện nội dung, quản lý Nhà nước. Chúng tôi cho rằng Luật dạy nghề để phục vụ sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho vấn đề tạo việc làm và công nghiệp hoá theo một tình hình mới của đất nước, cũng như hội nhập nói chung. Cho nên chúng tôi thấy rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rất xác đáng và chúng tôi sẽ cùng tham mưu với các Uỷ ban, đặc biệt Uỷ ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng để tiếp thu chỉnh sửa để trình Quốc hội.

Ở đây chúng tôi muốn nói thêm một chút về thông tin, trước đây chúng ta có 4 cơ quan quản lý giáo dục đào tạo: Bộ Giáo dục, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, trước đây là Vụ dạy nghề từ Bộ Lao động và chuyển sang trực thuộc Thủ tướng và cơ quan thứ tư là Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em phụ trách về nhà trẻ và mẫu giáo.

Chúng ta quan niệm giáo dục và đào tạo là một, cho nên sau đấy chúng ta nhập lại và có lý luận rằng giáo dục nào mà không đào tạo, đào tạo nào mà không giáo dục, chúng ta quan niệm như vậy.

Thưa Quốc hội, mục tiêu riêng, đối tượng riêng, phương pháp, phương thức đào tạo riêng. Đúng như rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nói chúng tôi không nhắc lại nữa, dạy nghề là trực tiếp sản xuất, cầm tay chỉ việc, có khi trình độ văn hoá còn thấp nhưng kỹ năng sản phẩm của họ không thể loại trừ trong thị trường hàng hóa của chúng ta. Trong lịch sử vừa qua cũng chưa bao giờ dạy nghề nó lại gắn với hệ thống trung học chuyên nghiệp cả. Mặc dù có 8 năm dạy nghề đưa về Bộ Giáo dục và Đào tạo bây giờ, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại giải thể Tổng Cục dạy nghề cho nên cũng chưa làm. Chúng tôi muốn báo cáo với Quốc hội là Quốc hội quyết như thế nào là chúng tôi chấp hành, vấn đề không phải là quản lý Nhà nước, Bộ nào làm cũng được, không phải ra luật này cho Bộ, quan điểm của chúng tôi là làm sao chúng ta ổn định phát triển và đừng làm cho nó khủng hoảng như giai đoạn 1995-1997, dạy nghề xuống dưới đáy, có 500 nghìn/năm mà dạy nghề rất là đơn giản. Bây giờ chúng ta đào tạo là 1.3 triệu-1.5 triệu, đến năm 2000 chúng ta phải có 40% qua đào tạo, vấn đề đó là vấn đề quan trọng nhất, như nhiều đại biểu nói, đúng là vấn đề chất lượng. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội ý thứ hai như vậy.

Vấn đề thứ ba, trong những năm qua, từ năm 1998 đến nay theo phân công mà luật của Chính phủ được trình Quốc hội và Quốc hội thông qua, được Bộ Chính trị, Trung ương cũng như Chính phủ giao nhiệm vụ, được các ngành, các địa phương, các đồng chí cố gắng làm. Cho nên, chúng ta đã xoá trắng cơ bản 14 tỉnh không có trường nghề từ năm 1997 đến nay. Dạy nghề cứ tăng 12-15% hàng năm, tức là chúng ta phục hồi phát triển, trong báo cáo Văn kiện của Đảng chúng tôi nghĩ còn nhiều thiếu sót, nhưng đấy là một dấu hiệu thuận lòng dân, đáp ứng sản xuất nếu chúng ta tăng trưởng, xuất khẩu mà chúng ta không có được những người lao động như thế, ở đây chúng tôi cũng đồng ý nó là tổng hợp các yếu tố, một hệ thống giáo dục quốc dân chứ không phải chỉ là dạy nghề.

Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội là:

Vấn đề thứ hai, theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi đã trình và được duyệt bốn hệ thống chính sách, bây giờ sở dĩ mà đưa được vào Luật là chúng ta đã có chính sách đơn hành: Dạy nghề cho nông dân, dạy nghề cho vùng chuyển đổi đất, dạy nghề cho bộ đội ra quân, dạy nghề cho xuất khẩu lao động, dạy nghề cho người tàn tật và dạy nghề cho người sau cai nghiện. Tức là chúng ta đã có một hệ thống chính sách rồi, bây giờ ta mới đưa vào luật thì chúng ta đã làm được cái này. Vấn đề thứ ba, chúng ta đã hợp tác được với các nước trong khu vực và quốc tế. Vừa rồi Hội nghị Á-Âu ở Bussana người ta cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nước đã hợp tác Nam - Nam và hợp tác Á-Âu trong lĩnh vực lao động và dạy nghề. Chúng ta hợp tác với Hàn Quốc, Nhật, Úc, Hà Lan với ADB, với Lucxambua trong rất nhiều lĩnh vực thì chúng tôi thấy rằng Bộ nào quản lý cũng không thể đơn độc làm được, như chị Cúc nói là rất đúng, mà phải hợp tác với nhau, có giỏi trời chăng nữa thì Bộ Lao động thương binh và Xã hội cũng không làm được nếu như không có hợp tác của các Bộ như Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các Bộ kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả Văn phòng Chính phủ người ta có cả hệ thống chuyên gia như vậy. Cho nên chúng tôi xin chân thành cám ơn Quốc hội và chúng tôi sẽ cố gắng đến mức cao nhất để tiếp thu ý kiến của Quốc hội.

Các văn bản liên quan